Friday 24 June 2011

Giải Mã Nhân Duyên 3

PHẬT LỊCH 2555
VESAK 2600


Giải Mã Tóm Lược
Hệ Thống Pháp Nhân Duyên
Theo 12 Cách Quán Căn Bản

(Phần 3)


Ñ_o_Ð


VIII. Quán Thuận Ứng Pháp 12 CPND

Như đã giới thiệu ở trước, trong các bài kinh số 1, 2, 3 thuộc Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ tập I (Ud I. 1,2,3 = [Uda1. 1-3]), ngay khi vừa thành đạo, Đức Thế Tôn đã tự thân giáo hoá bằng ba cách quán khác nữa, đó là Quán thuận ứng 12 CPND, Quán nghịch ứng 12 CPND và Quán thuận ứng - nghịch ứng 12 CPND.

Người học Phật cũng cần phải thiện xảo về ba cách quán này. Trước hết là cách quán thuận ứng 12 CPND.

Quán thuận ứng 12 CPND là cách quán xuôi chiều từ chi phần vô minh cho tới già, chết. Có hai cách quán thuận ứng pháp 12 CPND được ghi nhận: quán thuận ứng tuần tự quán thuận ứng không tuần tự.

-- Quán thuận ứng tuần tự là cách quán nhân duyên đầy đủ từ những chi phần đầu tiên như vô minh duyên hành, hành duyên thức… lần lượt cho đến chi phần cuối là sanh duyên già-chết. Cách quán này nhằm nhấn mạnh từng nguyên nhân dẫn đến hậu quả của khổ đau.

-- Quán thuận ứng không tuần tự là không nhất thiết phải quán đầy đủ thứ tự 12 chi phần. Có bài kinh Đức Thế Tôn chỉ dẫn giải gồm 9 chi phần (Kinh Đại Duyên, TrB1, 15 = [Sb.31]), hoặc có khi từ chi phần sáu xứ dẫn dần đến già chết (Kinh Phạm Võng, TrB1, 1 = [So.38]). Bên cạnh đó trong nhiều bài kinh thuộc Tương Ưng Nhân Duyên, Ngài chỉ giải thích từ chi phần xúc trở đi v.v.. Điều này phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể và việc muốn nhấn mạnh chi phần nào là nguyên nhân tương ứng trực tiếp gây ra đau khổ và cách đoạn diệt chúng.

Như lý tư duy các đoạn kinh đã nêu và hai đoạn kinh sau đây, người học Phật có thể phân biệt thêm giữa quán thuận ứng tuần tự và không tuần tự kết hợp với quán nội-ngoại pháp một cách độc đáo và thiết thực:

- “Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, chúng ta tư lường, chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành (sở duyên) cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sanh danh sắc (TƯ2, 66 = [U.51.39]).

- “Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này” (TƯ2, 65 = [U.51.38]).

Câu hỏi thảo luận: Sự phân tích khác biệt nêu trên có ý nghĩa gì? Cách quán nào cho hiện tại? Cách quán nào cho tương lai? Điều đáng phải sợ hãi là gì ngoài già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não? 


IX. Quán Nghịch Ứng Pháp 12 CPND

Là quán từ chi phần già-chết ngược cho đến chi phần vô minh. Nếu cách quán thuận ứng để nhấn mạnh các nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau khổ, thì cách quán nghịch ứng nhấn mạnh những hậu quả khổ đau trước rồi từ đó chỉ rõ nguyên nhân.

Cũng giống như cách quán thuận ứng, không những có thể quán nghịch ứng với đầy đủ cả 12 chi phần mà còn có thể quán nghịch ứng đến bất kỳ chi phần nào tùy vào từng trường hợp và đối tượng cụ thể.

Người học Phật cần tham khảo thêm các bài kinh Các Loại Ðồ Ăn (TƯ2, 11 = [U.51.11]), kinh Ngoại Ðạo (TƯ2, 32 = [U.51.24]), kinh Đại Duyên (TrB1, 15 = [Sb.31]) để hiểu thêm về ý nghĩa này.


X. Quán Thuận Ứng, Nghịch Ứng Pháp 12 CPND

Là kết hợp cả hai cách quán theo chiều xuôi và chiều ngược hệ thống pháp 12 CPND. Có hai cách quán thuận ứng - nghịch ứng được ghi nhận trong kinh tạng Nikaya:

-- Quán thuận ứng, nghịch ứng tuần tự

-- Quán thuận ứng, nghịch ứng đảo biến.


10.1 Quán Thuận Ứng, Nghịch Ứng tuần tự

Là cách quán xuôi-ngược với đầy đủ 12 chi phần. Tiêu biểu cho cách quán thuận-nghịch tuần tự là bài Kinh “Mahà Sakya Muni Gotama: Ðại Thích-ca-mâu-ni Cù-đàm” thuộc Tương Ưng Nhân Duyên. Trong bài kinh này, Đức Thế Tôn còn kết hợp cả hai chiều sanh khởi và đoạn diệt, do đó có thể phân tách thành bốn cách quán như sau: quán nghịch-ứng-sanh-khởi, quán thuận-ứng-sanh-khởi, quán nghịch-ứng-đoạn-diệt và quán thuận-ứng-đoạn-diệt.

1) Tại Sàvatthi.

2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết".

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì có mặt, già, chết có mặt? Do duyên gì, già chết sanh khởi?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do duyên sanh nên già chết sanh khởi".

4 - 13) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì có mặt, sanh mới có mặt... do duyên hữu... do duyên thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hành... do duyên gì hành sanh khởi?” (Quán nghịch-ứng-sanh-khởi)

Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: "Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sanh khởi".

14) Như vậy vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sanh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. (Quán thuận-ứng-sanh-khởi)

15) "Tập khởi, tập khởi", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

16) Và này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Do cái gì diệt, nên già chết diệt?" Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do sanh diệt nên già chết diệt".

17) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Cái gì không có mặt, sanh không có mặt... hữu không có mặt... thủ không có mặt... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hành... Do cái gì diệt, hành diệt?”  (Quán nghịch-ứng-đoạn-diệt)

Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: "Do vô minh không có mặt nên hành không có mặt. Do duyên vô minh diệt nên hành diệt”

27) Như vậy, vô minh diệt hành diệt; hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, sáu xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết diệt, như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. (Quán thuận-ứng-đoạn-diệt)

28) "Ðoạn diệt, đoạn diệt", này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên”. (TƯ2, 10 = [U.51.10])


10.2 Quán Thuận Ứng, Nghịch Ứng đảo biến

Là cách quán kết hợp theo hai chiều xuôi-ngược nhưng không theo thứ tự từng chi phần. Ví dụ quán thuận ứng tới chi phần sanh của nội pháp và từ đây có thể quán nghịch ứng liên hệ tới chi phần thức (nhập thai) của ngoại pháp, hoặc ngược lại v.v...

Tiêu biểu cho cách quán thuận ứng, nghịch ứng đảo biến là lời dạy của Đức Thế Tôn trong đoạn số 9 của bài kinh “Sở Y Xứ” và sự vận dụng dẫn giải độc đáo của Tôn giả Mahakaccana trong bài kinh “Bánh Mật Hoàn”.

-- Đoạn thứ 9 trong bài kinh “Sở Y Xứ” như sau:

“Bốn thánh đế này, này các Tỷ-kheo, được Ta thuyết giảng... không bị các Sa-môn, các Bà-la-môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến? Do chấp thủ sáu giới, này các Tỳ kheo, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc. Do duyên danh sắc, nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ, nên có xúc. Do duyên xúc, nên có thọ. Với người có cảm thọ, này các Tỷ-kheo, Ta nêu rõ: "Ðây là khổ”, Ta nêu rõ: "Ðây là khổ tập”; Ta nêu rõ: "Ðây là khổ diệt”, Ta nêu rõ: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”” (TC III:61, tr.317 = [I.3.53])

“Chấp thủ sáu giới” thuộc về ngã luận thủ là một trong bốn chấp thủ thuộc chi phần “Thủ” của nội pháp (dục thủ, giới cấm thủ, kiến thủ và ngã luận thủ). Tiến trình thuận ứng tiếp theo là thủ duyên hữu, hữu duyên sanh. Sanh của nội pháp, nói khác đi, cũng là sự nhập thai của nghiệp thức hay thai thức của ngoại pháp; và thai thức này sẽ là duyên tạo nên danh sắc, vì thế mới nói “Do chấp thủ sáu giới, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc”. Như vậy, đây là cách quán thuận ứng - nghịch ứng đảo biến từ chi phần “Sanh” của nội pháp liên hệ ngược trở lại đến chi phần “Thức” của ngoại pháp.

Lời dạy trên có liên hệ đến bài kinh Phạm Võng (TrB1, 1 = [So.38]). Trong bài kinh này Đức Thế Tôn phân tích kỹ lưỡng và chỉ dạy chi tiết hệ quả của chấp thủ sáu giới có quan hệ trực tiếp đến 62 luận chấp (kiến thủ) của các Sa-môn, Bà-la-môn.

Đây chính là tấm lưới tái sanh luân hồi rộng lớn khiến cho số đông chúng sanh, ngay cả đến vị Đại Phạm Thiên hay vị tu chứng Phi tưởng phi phi tưởng, cũng không thoát khỏi: “tất cả những vị này đều bị bao phủ trong lưới của sáu mươi hai luận chấp này; dầu có nhảy vọt lên, những vị này vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây”.

Nguyên nhân của sự mắc lưới và thoát lưới võng cũng đã được chỉ rõ: “Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi.

Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên (Sđd)

Từ quán xét này, người học Phật cần hiểu rõ “thọ là khổ” - khổ hiện tại lẫn khổ trong tương lai. Cần hiểu rõ nguyên nhân của thọ, đâu là thọ diệt, và con đường đưa đến thọ diệt tức khổ diệt, chính là Tám Chánh Đạo. Trong Con đường Thánh đạo tám ngành này có Chánh định là Tứ Thiền với trạng thái diệt thọ hành thực sự - thọ nơi thân và cả thọ nơi tâm: “Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh” (Kinh Nikaya).

Từ đây vị Tỳ-kheo mới có thể hướng tâm đến Tam Minh để đoạn diệt vô minh và lậu hoặc hoàn toàn. Tuy nhiên đây là vấn đề của thực chứng, không phải để luận bàn suông, vì Đức Phật cũng đã chỉ rõ trong đoạn 26 kinh Phạm Võng:

“Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết”.

-- Ngoài minh chứng nêu trên, cách quán Thuận ứng - Nghịch ứng đảo biến còn được thấy trong kinh “Bánh Mật Hoàn”. Bài kinh này ghi lại sự kiện các Tỳ-kheo thắc mắc về lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn sau khi Ngài kể lại sự việc gặp du sĩ ngoại đạo Dandapani Sakka. Các Tỳ-kheo tìm đến Ngài Mahakaccaca nhờ giải thích thêm. Tôn giả Mahakaccaca sau khi từ chối, vì kính trọng Thế Tôn, cuối cùng đã giải thích:

“Chư Hiền, do nhơn con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận.

Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại… do nhơn lỗ tai và các tiếng… mũi và các hương… lưỡi và các vị… thân và các xúc chạm… ý và các pháp…”  (TB1, 18 = [So.3])

Thông thường từ chi phần Sáu Xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ là cách quán thuận ứng; và tiếp theo tiến trình này thì Thọ sẽ phải sanh khởi Ái. Nhưng ở đây, thay vì dẫn tới chi phần Ái, Ngài Mahakaccaca lại dẫn giải thành Tưởng và Suy tầm. Căn cứ vào đâu để giải thích như vậy? Đó là dựa vào cách quán Thuận ứng - Nghịch ứng đảo biến.

Điểm cần nhấn mạnh là không phải chỉ dừng lại ở mức độ hiểu pháp, phát hiện thêm một cách quán của 12 CPND, điều quan trọng hơn là rút ra được những bài học về diệt khổ một cách thiết thực, cụ thể.

Muốn vậy người học Phật phải đọc lại trọn vẹn các bài kinh và phải quán xét, tư duy kỹ lưỡng mới biết được. Đây cũng là cách tu về Quán để tăng trưởng trí tuệ do tự mình tư duy mà có (tư huệ). Xin dành sự thưởng thức hương vị “bánh mật tròn” cho chính người học Phật. 


XI. Quán “Đôi-Tương-Tác” Pháp 12 CPND

Đến đây, nếu người học Phật cho rằng Pháp 12 CPND thật minh bạch rõ ràng, hẳn cũng sẽ bị Đức Phật quở trách. Trong bài kinh Đại Duyên, Đức Thế Tôn đã từng khuyến cáo Tôn giả Ananda, khi vị thị giả được nghe pháp nhiều nhất, có đầy đủ ức niệm tối thắng này tán thán:

“- Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ ràng.

- Này Ananda, chớ có nói vậy! Này Ananda chớ có nói vậy! Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử.” (TrB1, 15 = [So.31])

Và để chứng minh sự giác ngộ Thánh lý 12 CPND của ngài Ananda vẫn chưa phải thật sự minh bạch rõ ràng, Đức Thế Tôn đã dạy thêm một cách quán nữa, tạm gọi là quán “đôi tương tác”. Gọi là “đôi tương tác” vì có sự tác động, liên hệ qua lại giữa hai chi phần kế tiếp, cụ thể ở đây chính là “do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh”.

Cách quán “đôi tương tác” giữa thức và danh-sắc cũng được ghi nhận trong các bài kinh khác như Kinh Đại Bổn (TrB1, 14 = [Ja.3]), Kinh Thành Ấp (TƯ2, 104 = [U.51.65]); và mối quan hệ hỗ tương này được ví dụ rất cụ thể giống như hai bó lau đứng dựa vào nhau (TƯ2, 112 = [U.51.67])
   
Bên cạnh đó, trong Kinh Chánh Tri Kiến, căn cứ vào lời dạy của Đức Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất đã nêu lên một đôi tương tác khác với hai chi phần lậu hoặc và vô minh: “Từ tập khởi của lậu hoặc có tập khởi của vô minh; từ đoạn diệt của lậu hoặc có đoạn diệt của vô minh… Từ tập khởi của vô minh có tập khởi của lậu hoặc; từ đoạn diệt của vô minh có đoạn diệt của lậu hoặc” (TB1, 9 = [Vd.3])

Đến đây, một câu hỏi cần được đặt ra là các chi phần khác trong 12 CPND có quan hệ tương tác từng cặp hay không? Trong Kinh Nikaya không nói đến các tương tác khác một cách trực tiếp giống như trường hợp hai cặp thức – danh sắclậu hoặc – vô minh như trong các trích dẫn ở trên.

Tuy nhiên có thể tìm thấy những quan hệ tương tác một cách gián tiếp như một vài dẫn chứng dưới đây, thế nhưng điều cần ghi nhớ là trong bất kỳ trường hợp nào mọi giải thích phải y cứ trên lời dạy cụ thể của Đức Thế Tôn và phải nhằm mục đích“thấy khổ để diệt khổ”, chứ không phải lý luận suông để rồi dẫn tới tranh luận vô ích. Theo chiều hướng này có thể nêu lên vài ví dụ.

_ Do sanh nên có già-chết và vì có già-chết mới có tái sanh, hóa sanh. Vậy phải già-chết như thế nào để được hóa sanh hoặc khỏi khổ trong đời này và đời sau? Muốn thế phải từng bước thực hành đúng theo lời dạy của Đức Thế Tôn.

Trong bài kinh Điều Ngự Địa (TB3, 125 = [Sb.24]) Đức Phật khuyên dạy phải đạt được cái chết điều phục được tham-sân-si chứ không thể chết một cái chết bị điều phục bởi tham-sân-si. Hoặc phải biết sống như kinh Pháp Cú chỉ dạy:

"Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già"
 (PC 238)

_ Do Hành duyên cho Thức nhưng cũng nhờ Thức duyên cho Hành. Người học Phật hãy quán mối quan hệ tương tác giữa hai chi phần hànhthức trong đoạn kinh tóm lược sau đây từ bài kinh Hành Sanh để tự quyết định sanh thú cho mình:

“Thế Tôn nói như sau: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông sự tái sanh do hành đưa lại. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn (suta), đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ.

Vị ấy nghĩ như sau: "Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh cọng trú trong đại gia tộc Sát đế lỵ!”.  Vị ấy chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy. Những hành ấy của Tỷ-kheo được an trú, tu tập, làm cho sung mãn như vậy đưa vị ấy thọ sanh tại chỗ ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là đạo, đây là lộ trình đưa đến tái sanh tại chỗ ấy.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy nghĩ như sau: "Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh cọng trú trong đại gia tộc Bà la môn…Bốn Đại Thiên Vương…Chư Thiên Tavatimsa (Tam thập tam thiên)... chư Thiên Yama (Dạ-ma)… chư Thiên Tusita (Đâu-suất-đà)..., chư Thiên Nimmanarati (Hóa Lạc)..., chư Thiên Paramimmitavasavatti (Tha Hóa Tự Tại) có thọ mạng lâu dài, có mỹ tướng, có nhiều lạc thọ…

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy nghĩ: "Mong rằng, với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!" Vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này không sinh ra một nơi nào, không sinh ra một chỗ nào” (Kinh Hành Sanh, TB3, 120 = [U.39]).

Cần phải lưu ý, nếu người tu không có đầy đủ tín, giới, văn, bố thí và trí tuệ mà chỉ có một chiều “chuyên định tâm, an trú tâm, tu tập tâm” hướng về các sanh cảnh như ý muốn không thôi, thì cảnh giới cũng sẽ được toại nguyện nhưng rất nguy hiểm.

Có thể dễ dàng hiểu được vấn đề này khi quán xét các loài thấp sanh. Do không đầy đủ phước báu chánh kiến nên các chúng sanh tại đây xem những nơi ẩm thấp dơ bẩn chẳng khác nào như những “hoàng cung, cung điện, cõi thiên đường, miền cực lạc” của mình.

_ Thông thường từ thọ tập khởi nên ái nhưng trong một số bài kinh thuộc Tương Ưng, Đức Thế Tôn cũng đã dạy Khát ái là con đường đưa đến thọ tập khởi” (TƯ4, 232 & 233 & 234 = [Ve.18.23-25]).

Hoặc do ái duyên thủ nhưng cũng vì chấp thủ, nắm giữ nên ái có duyên tăng trưởng; không chấp thủ, không nắm giữ nhau thì ái cũng theo đó muội lược dần, nên tục ngữ có câu “Xa mặt cách lòng” là vì vậy v.v…

Theo trên, có thể minh họa mối quan hệ đôi tương tác của hệ thống Nhân Duyên bằng hình thức lược giải như sau:

Lậu Hoặc <--> Vô Minh <--> Hành <--> Thức <--> Danh Sắc <--> Sáu Xứ <--> Xúc <--> Thọ <--> Ái <--> Thủ <--> Hữu <--> Sanh <--> Già, Chết, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não

(Hai cặp “Lậu hoặc – Vô minh” và “Thức – Danh Sắc” được in nghiêng vì hai cặp đôi tương tác này được dạy trực tiếp trong kinh điển Nikaya)

Người Phật tử có thể quán các đôi tương tác khác và tìm những dẫn chứng trong kinh điển cũng như trong thực tế cho từng trường hợp cụ thể để rút ra những bài học thiết thực cho mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần phải phân định rõ những lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn:

“Này các Tỷ-kheo, do duyên giới sai biệt, xúc sai biệt sanh khởi; không phải do duyên xúc sai biệt, giới sai biệt sanh khởi” (TƯ2, 141 = [U.52.3]).

“Này các Tỷ-kheo, do duyên giới sai biệt, xúc sai biệt sanh khởi. Do duyên xúc sai biệt, thọ sai biệt sanh khởi. Không phải do duyên thọ sai biệt, xúc sai biệt sanh khởi. Không phải do duyên xúc sai biệt, giới sai biệt sanh khởi (TƯ2, 142 = [U.52.4]).

Trở lại bài kinh Đại Duyên, một câu hỏi cũng cần được đặt ra là: Vì sao Đức Thế Tôn lại dạy ngài Ananda quán đôi tương tác giữa thức và danh sắc mà không là hai chi phần khác? Điều này có ý nghĩa gì?

Muốn hiểu điều này phải lưu ý đến tình huống cụ thể của bài kinh. Thực vậy, những thức tri của ngài A-nan về thánh lý Nhân Duyên cho dù là “hết sức minh bạch, rõ ràng” đến đâu chăng nữa cũng chỉ nằm trong những giới hạn được gọi là ý thức, tri thức, kiến thức, trí thức, học thức, nhận thức. Và những thức này sẽ còn là gì một khi danh-sắc nằm im dưới ba tấc đất hay trở thành tro bụi? Danh-sắc diệt thì kiến thức, tri thức, học thức, trí thức dù cao siêu đến đâu cũng phải bị diệt theo.

“Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành (hữu vi) do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ” (TC X:93, tr. 494 = [I.10.93]).  

Vì vậy bài học trước nhất cần phải rút ra là “thức minh bạch rõ ràng” ấy vốn vô thường, khổ đau nên thức ấy thực chất không có gì là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta để dựa vào đó kiêu căng, ngạo mạn, hoặc mặc cảm tự ti. Khối trí thức vô thường và khổ đau ấy xét cho cùng cũng chẳng có gì để cho những người có trí bám víu vào đó hơn thua, ganh tỵ với nhau. Rõ ràng chỉ cần tuệ tri được điều này thôi các chúng sanh đã thoát được biết bao hệ lụy rồi!

Hơn nữa, pháp 12 CPND cũng như các pháp khác, được Đức Thế Tôn chỉ dạy là chiếc bè dùng để qua sông chứ không phải để chấp trước, nắm giữ, hơn thua với nhau. Do đó điều quan trọng là phải tích cực vận dụng những tri thức ấy trong tu tập để giải thoát cho mình trước khi chúng bị diệt mất cùng với danh-sắc.

Ở đây, một lần nữa, đã chứng minh những lời dạy sâu sắc và đầy ý nghĩa của Đức Phật có giá trị xuyên suốt mọi thời gian và không gian, không chỉ đối với ngài Ananda mà còn cho tất cả chúng ta.

Cũng trong bài kinh Đại Duyên, một lần nữa để chứng minh hệ thống 12 CPND thực sự là một pháp môn của “đại duyên”, Đức Thế Tôn đã dạy thêm một cách quán nữa, tạm gọi là “quán đôi không tuần tự”. Trong đoạn kinh thứ 2 và 20, thay vì quán Sáu Xứ duyên cho Xúc như thường lệ, Đức Phật lại dạy “Do duyên danh sắc, xúc sanh” và Ngài cũng đã giải thích rõ vì có danh nên tạo các xúc nơi tâm, và vì có sắc nên mới có các xúc nơi thân.

Trong trường hợp này cách quán đôi tương tác giữa danh-sắc và xúc có ý nghĩa gì? Rõ ràng vì ngài Ananda mang những tư tưởng, tư duy hoan hỷ lạc thọ (danh) về pháp 12 CPND nên đã khiến ngài (sắc) có cuộc tiếp xúc với Đức Thế Tôn về vấn đề này. Ngược lại nhờ có cuộc tiếp xúc này nên “danh-sắc” nơi ngài Ananda từ đó được tăng trưởng hoàn thiện hơn, thấu triệt hơn, giải thoát hơn. Xúc thiện thì danh sắc cũng thiện, xúc bất thiện thì danh sắc cũng bất thiện theo.

Chính do duyên này nên việc làm bạn với thiện đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình đi tới giải thoát. Trong kinh Phật Tự Thuyết, làm bạn với thiện là pháp đầu tiên giúp tâm giải thoát chưa thuần thục sẽ đi đến thuần thục (Ud 34 = [Uda.31]). Cũng theo ý nghĩa này Kinh Pháp Cú đã dạy rõ:

61. "Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.”

78. "Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân.”

Hy hữu thay, kinh tạng Nikaya chính là “bậc Đại thiện, Đại nhân” vô thượng luôn luôn sẵn sàng chỉ dạy cho chúng ta thoát khổ. Do vậy, việc tụng đọc, nghiên cứu kinh điển Nikaya hằng ngày, thiết nghĩ là mối duyên lành hy hữu cho người học Phật được tiếp xúc trực tiếp với những lời dạy của Đức Thế Tôn và cũng là một phương tiện vô cùng thiết yếu trên con đường giải thoát khổ đau.

Trở lại cách quán đôi không tuần tự, có thể lấy một số đoạn kinh để minh chứng cho mối quan hệ này.

Trong bài kinh Luận Nghị Đường, Đức Thế Tôn cũng đã tuyên bố và giải thích mối quan hệ giữa Thủ và Sanh một cách rất cụ thể cho du sĩ Vacchagotta: “Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa cháy đỏ khi nào có nhiên liệu (saupàdàna), không phải không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về sanh khởi đối với người có chấp thủ (sanh y), không phải với người không có chấp thủ” (TƯ4, 398 = [Sb.38.9]).

Giữa Thức và Sáu Xứ: "Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai. Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc có mặt" (TƯ2, 12 = [U.51.12]) (Quán theo ngoại pháp. PNGP)

Do duyên cả hai, này các Tỷ-kheo, thức hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, thế nào là do duyên cả hai, thức hiện hữu? Do duyên mắt và các sắc, khởi lên nhãn thức…Và do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức... Và do duyên mũi và các hương khởi lên tỷ thức... Và do duyên lưỡi và các vị khởi lên thiệt thức... Và do duyên thân và các xúc khởi lên thân thức... Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức…” (TƯ4,67a = [Ve.8.92]) (Quán theo nội pháp. PNGP)

Hoặc người học Phật cũng có thể nhận ra cách quán đôi không tuần tự cùng với cách quán thuận ứng nghịch ứng đảo biến trong đoạn kinh lược trích có nhiều ý nghĩa sau đây:

“Này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực…, xúc thực…, tư niệm thực…, thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào không có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não”  (TƯ2, 101 = [U.51.64]).

Tóm lại các đôi chi phần không tuần tự được minh họa bằng sự lược hoá như sau:

Vô Minh -- Hành -- Thức -- Danh Sắc -- Sáu Xứ (Lục Nhập) -- Xúc -- Thọ -- Ái -- Thủ -- Hữu -- Sanh -- Già, Chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Dựa vào đây người học Phật hãy tìm những dẫn chứng khác trong kinh điển Nikaya hoặc như lý tư duy các đôi chi phần không tuần tự để tăng trưởng tư huệ cho mình.

_ Do duyên vô minh, thức sanh.
_ Do duyên hành, danh sắc sanh.
_ Do duyên thức, sáu xứ sanh.
_ Do duyên danh-sắc, xúc sanh.
_ Do duyên sáu xứ, thọ sanh.
_ Do duyên xúc, ái sanh.
_ Do duyên thọ, thủ sanh.
_ Do duyên ái, hữu sanh.
_ Do duyên thủ, sanh sanh.
_ Do duyên hữu, già-chết sanh.

(Các cách quán đôi chi phần không tuần tự nêu trên được xem như quán thuận ứng - nghịch ứng đảo biến, nên ở đây không xếp thành một cách quán riêng biệt).

Như mọi người đều biết, Tôn giả Ananda là vị thị giả hầu hạ Đức Thế Tôn lâu nhất nên Ngài có duyên may luôn cận kề bên Đức Phật, được nghe Pháp nhiều nhất và cũng là người có trí nhớ đặc biệt hiếm có. Tuy vậy, ngài vẫn còn bị Đức Phật khuyến cáo về sự chủ quan khi cho rằng đã hiểu hệ thống Nhân Duyên một cách minh bạch rõ ràng.

Qua sự kiện này, người học Phật cần cẩn trọng hơn, không thể một chiều cho rằng đã có đầy đủ tri kiến về lý Nhân Duyên nói riêng và Phật Pháp nói chung trong khi mới chỉ xem qua vài bài kinh hoặc đọc vài lần tạng kinh Nikaya.

Hơn nữa, cũng không nên một chiều nhìn nhận từ bên ngoài, khi chưa từng đọc hoặc chỉ biết sơ qua tạng kinh này, đã vội cho rằng những lời dạy của Phật trong Nikaya chỉ là những pháp sơ cơ, dành cho đối tượng thấp kém.

Thiết nghĩ, đúng như kinh Trạm Xe (TB1, 24 = [Sb.3]) đã dạy, giới có thanh tịnh thì tâm mới thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tri kiến mới thanh tịnh. Do vậy, người học Phật khi đọc kinh điển Nguyên thuỷ Nikaya cũng phải giữ giới cho thanh tịnh để tâm thanh tịnh và tri kiến thanh tịnh. Với tri kiến thanh tịnh còn phải đọc kỹ, tư duy thẩm sát nhiều lần tạng kinh này mới có thể hiểu được phần nào hệ thống giáo pháp của Đức Thế Tôn, trong đó có hệ thống pháp Nhân Duyên.

Cho nên, không có gì lạ khi trong hầu hết các bài kinh thường có cụm từ “Này các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói” hoặc “Này các Tỳ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói”

Theo đây có thể khẳng định, chỉ có một vị duy nhất có đủ thẩm quyền để nói rằng đã thông hiểu 12 CPND, vị ấy chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đương nhiên cũng chỉ có Ngài mới hiểu được đầy đủ Chánh Phật Pháp.

Vì vậy đối với người học Phật phải luôn ghi nhớ: “Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, đã học được, biết được. Thế nào là hai? Không biết đủ đối với thiện phápkhông có thối chuyển đối với tinh cần(TC II, tr.98 = [I.2.1.5])

Đến đây, để phần nào tự mình kiểm chứng sự hiểu biết về 12 CPND cũng như cách quán đôi nhân duyên, người học Phật hãy vận dụng Thánh lý Nhân Duyên để giải thích hai đoạn kinh sau đây của Đức Thế Tôn và của Ngài Xá-lợi-phất về mối quan hệ giữa pháp Nhân Duyên và Năm uẩn theo từng cặp tương ứng:

1. Bốn đại là nhân, này Tỷ-kheo, bốn đại là duyên được chấp nhận gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn. Danh sắc là nhân này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn (Đại Kinh Mãn Nguyệt, TB3, 109 = [Sb.21]).

Câu hỏi thảo luận:

-- Bốn đại là nhân duyên cho sắc uẩn thuộc chi phần nào của 12 CPND?

-- Căn cứ vào các chi phần nào của Thánh lý Nhân Duyên để nói xúc là nhân, là duyên cho thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn?

-- Vì sao nói danh-sắc là duyên cho thức uẩn?

-- Các nhận thức nêu trên giúp diệt khổ cụ thể như thế nào?

2. Bốn thức trú: Này các Hiền giả, khi duyên sắc, thức khởi lên và an trú, thức ấy lấy sắc làm cảnh, lấy sắc làm sở y, lấy sắc làm căn cứ thọ hưởng, được tăng trưởng, tăng thịnh, tăng quảng.

Này các Hiền giả, hay duyên thọ, thức khởi lên... hay duyên tưởng... Này các Hiền giả, hay duyên hành, thức khởi lên và an trú, thức ấy lấy hành làm cảnh, lấy hành làm sở y, lấy hành làm căn cứ thọ hưởng, được tăng trưởng, tăng thịnh, tăng quảng”  (Kinh Phúng Tụng, TrB 2, 33 = [Vd.9.11]).

Câu hỏi thảo luận:

-- Căn cứ vào Thánh lý Nhân Duyên giải thích vì sao thức khởi lên và an trú là do duyên sắc, duyên thọ, duyên tưởng, duyên hành?

-- Theo mối quan hệ trên, làm thế nào để thức không tăng trưởng, tăng thịnh, quảng đại theo chiều hướng dục?

-- Tu tập thiền để định tâm bằng cách đơn thuần gom tâm trên một đối tượng thiền định liệu có đạt được hiệu quả khi không quán xét thức trong mối quan hệ với sắc, thọ, tưởng và hành?


XII. Quán “Diễn Dịch – Quy Nạp” Pháp 12 CPND

Cũng trong bài kinh Đại Duyên đã nêu, để chứng minh những hiểu biết của ngài Ananda vẫn chưa thực sự đầy đủ về Thánh Lý Nhân Duyên, Đức Thế Tôn đã chỉ dạy thêm một cách quán nữa, tạm gọi là quán diễn dịch và quy nạp.

Này Ananda, như vậy do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định (sở dụng của lợi) sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”  (Sđd).

Trong đoạn kinh trên, Đức Thế Tôn đã diễn dịch từ chi phần ái dẫn đến chi phần tầm cầu, lợi, quyết định, tham dục, đam trước, chấp thủ, hà tiện để rồi quy nạp tới chi phần thủ hộ và đưa tới hậu quả tranh chấp. Mối liên hệ “Ái duyên thủ” đã được Đức Thế Tôn phân tích ra nhiều bán chi phần khác và đây được xem như đoạn kinh tiêu biểu cho cách quán diễn dịch – quy nạp trong hệ thống 12 CPND.

Với đoạn kinh kế tiếp, Đức Thế Tôn đã phân tích cụ thể từng cặp nhân duyên một, từ thủ hộ sanh hà tiện, hà tiện sanh chấp thủ… cho đến tầm cầu sanh ái. Sau đó Ngài đã kết luận: “Này Ananda, như vậy hai phương diện (của ái) tuy hai nhưng hòa hợp thành một, nhờ thọ (làm duyên sanh).” (Sđd).

“Hai phương diện của ái hòa hợp thành một” chính là: (1) ái quán theo hướng nội pháp dựa vào sáu căn (ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp); và (2) ái quán theo hướng ngoại pháp (dẫn đến tầm cầu, lợi, quyết định, tham dục, đam mê, chấp thủ, hà tiện, thủ hộ). Cả hai phương diện của Ái này đều hòa hợp làm một và đều do thọ mà ra.

Đến đây, một câu hỏi cần được nêu lên là, tại sao Đức Phật lại chọn giữa hai chi phần Ái và Thủ để diễn dịch và quy nạp để rồi dẫn tới hệ quả của ác pháp mà không chọn hai chi phần khác? Ý nghĩa diệt khổ trong cách quán này như thế nào? Sự dẫn giải như vậy có liên quan gì đến trường hợp của ngài Ananda?

Với cách quán diễn dịch từ chi phần ái, người học Phật có thể nghĩ đến hệ quả mà Đức Thế Tôn muốn nhắc nhở ngài Ananda và chúng ta có thể dính mắc: đó là ái pháp. Khi thấy sự thâm thuý của giáo pháp Nhân Duyên một cách chủ quan “minh bạch, rõ ràng” sẽ dẫn đến thích thú pháp, yêu quý pháp; mong muốn tầm cầu tìm hiểu thêm giáo pháp chỉ với mục đích danh lợi. Từ đó sanh ra ích kỷ, muốn thủ đắc hiểu biết này một mình, “hà tiện” không muốn san sẻ diệu pháp cho người khác để thoả mãn ngã mạn muốn hơn người của mình. Xem Thánh pháp như một thứ tài sản riêng, không muốn bố thí chánh pháp cho người khác, như vậy theo luật nhân quả chính mình rồi cũng sẽ bị nghèo Thánh tài sản, trí tuệ khó phát triển để hiểu biết chánh pháp.

Chính vì thế kinh Pháp Cú số 354 có câu đầu tiên “Pháp thí thắng mọi thí” nhưng câu cuối cùng lại là “Ái diệt, dứt mọi khổ!" . Thật vậy, bố thí đúng chánh pháp vừa đem lại lợi ích an vui giải thoát cho người khác vừa gặt được phước báu giải trừ vô minh cho chính mình.

Ngược lại nếu ái pháp theo chiều hướng chủ quan sẽ dẫn đến chấp thủ, thủ hộ hiểu biết của mình (kiến thủ). Từ đây sanh ra các ác bất thiện pháp khác như “chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”, vì cho rằng mình nghĩ đúng, người khác nghĩ sai; mình hiểu nhiều, người khác không hiểu. Đây là điều trong kinh gọi là “kiến tham”, một nguyên nhân tranh chấp đối với người tu sĩ: người đời tranh chấp do dục tham, tu sĩ tranh chấp do kiến tham (TC II, tr.127 = [I.2.4])

Ái chấp chánh pháp còn như thế, huống hồ ái luyến tà pháp lại càng nguy hiểm nhiều hơn nữa. Cũng chính vì ái tà pháp sẽ dẫn đến thủ hộ, chấp thủ tà kiến, tà giới. “Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh” (TƯ4,306 = [Su.11.2.6])

Đã thế nếu bố thí tà pháp, gieo rắc tà kiến sẽ đem lại hậu quả tai hại gấp nhiều lần cho mình và cho mọi người, đúng theo lời khuyến cáo sau đây của Đức Thế Tôn:

“Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho diệu pháp biến mất.

Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho diệu pháp an trú” (Bài kinh Đất, TC II:1-11, tr. 132 = [I.2.4.10])

Mỗi người con Phật cần nhận thức rõ lời dạy trên để thận trọng trạch pháp cho đúng, phải biết chính xác đâu là chánh kinh cần thọ trì, đâu không phải chánh kinh cần loại trừ, chỉ pháp thí những kinh văn thuộc chánh pháp và phải từ bỏ các kinh văn không thích đáng, nhờ vậy mới tạo lập nhiều công đức cho bản thân mình, đem lại lợi ích cho những người khác, đồng thời tránh khỏi địa ngục vì tà kiến.

Rõ ràng chỉ cần hiểu và vận dụng Thánh lý 12 CPND theo cách diễn dịch – quy nạp giữa ái và thủ như trên thôi thì chúng sanh cũng đỡ bị rối ren rối loạn, bớt đi nhiều tranh chấp, đấu tranh, chiến tranh; cũng có nghĩa là tránh khỏi những đọa xứ khổ đau ngay trong hiện tại lẫn tương lai. Đây cũng chính là đặc tính của Phật pháp đã được Đức Thế Tôn nêu lên với đầy đủ “tính thiết thực hiện tại, không có thời gian, chỉ người trí mới hiểu”.


XIII. Quán “Trực Tiếp Pháp 12 CPND

Căn cứ vào hệ thống Nhân Duyên, theo cách quán này, tùy từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể mà mỗi chi phần đều được quán xét như nguyên nhân trực tiếp gây ra khổ đau.

_ "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái", Kinh Ái Sanh (TB2, 87 = [So.24.2]).

_ "Sanh y là nguồn gốc của đau khổ", Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (TB2, 66 = [Sb.16.8]).

_ “Này Ananda, Ta nói rằng khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn, cũng không tìm được lý do để chỉ trích”, (TƯ2, 32, tr.66 = [U.51.24.6])…

Không những mỗi chi phần là nguyên nhân của khổ đau mà bản thân mỗi chi phần là một nỗi khổ thực sự. Theo cách quán trực tiếp, không phải đợi tới chi phần thứ 12 là già-chết mới thấy khổ, mà từng chi phần phải được quán xét cụ thể: Vô minh là khổ, hành là khổ, xúc là khổ, thọ là khổ, ái là khổ, sanh là khổ… tạo nên toàn bộ khối khổ uẩn. Xin nhắc lại, thấy khổ, biết nguyên nhân khổ và đoạn diệt các khổ đau là tư duy của trí tuệ, chứ không phải bi quan yếm thế.

_ “Này Sunakkhatta, Ta nói ví dụ này với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa. Nghĩa ở đây như sau: Vết thương, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với sáu xúc xứ (phassayatana); thuốc độc, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với vô minh; mũi tên, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với ái; vật dụng dò tìm, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với niệm; con dao, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Vị y sĩ giải phẫu, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Thật vậy, này Sunakkhatta, Tỷ-kheo tự mình phòng hộ đối với sáu xúc xứ, nghĩ rằng: "Sanh y (Upadhi) là căn bản của khổ", sau khi biết như vậy, vị ấy trở thành vô sanh y, giải thoát nhờ đoạn diệt sanh y. Vị ấy còn trú thân của mình trên sanh y hay để tâm đến sanh y, sự tình như vậy không xảy ra” Kinh Thiện Tinh (TB3, 105 = [Sb.20.12]).

_ Hành là khổ: “Này Ananda, chỗ nào có thân, do nhân thân tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có lời nói, này Ananda, do nhân khẩu tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có ý, này Ananda, do nhân ý tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ” (TƯ2, 37, tr.75 = [U.51.25]).

_ Sáu Xứ là khổ: “Hỡi các vị Tỳ-kheo, Chính sáu xúc xứ này, Chỗ nào không thâu nhiếp, Chỗ ấy có đau khổ. Những ai học biết được, Chế ngự phòng hộ chúng, Với lòng tin làm bạn, Sống thoát ly dục vọng” (TƯ5, tr.122).

_ Thọ là khổ: “Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường” (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, It 47 = [Iti.53]).

“Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ” (TƯ2, 50 = [Su.34.7.13]).

_ Sanh là khổ: Ngài Xá-lợi-phất nói với du sĩ Sàmandakàni, Này Hiền giả, tái sanh là khổ, không tái sanh là lạc. Khi có tái sanh, này Hiền giả, chờ đợi là khổ này: Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, xúc chạm với lửa, xúc chạm với trượng, xúc chạm với kiếm. Cho đến bà con và bạn bè, khi gặp nhau, hội ngộ với nhau cũng não hại.” (TC X:65, tr.400 = [I.10.65])…

Bài kinh “Hai Pháp Tùy Quán” là minh chứng cụ thể cho cách quán trực tiếp mỗi chi phần của hệ thống Nhân Duyên là khổ và đoạn diệt khổ bằng ly tham dục:

“…Này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: "Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp". Và nếu các Thầy nói: "Thế nào là hai?". - "Ðây là khổ, đây là khổ tập", đây là tùy quán thứ nhất. "Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt", đây là tùy quán thứ hai.

Này các Tỷ-kheo, như vậy do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sanh y… do duyên vô minh… do duyên hành… thức… xúc… thọ… ái… thủ…”, đây là tùy quán pháp thứ nhất. "Do sự đoạn diệt, ly tham, các sanh y… vô minh… hành… thức… xúc…  thọ… ái… thủ… không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán thứ hai…” (Tóm lược kinh (Sn 139), Kinh Tập, Tiểu Bộ 1)

Trong từng trường hợp cụ thể người học Phật đều có thể vận dụng nhận thức cách quán trực tiếp từ mỗi chi phần của hệ thống Nhân Duyên và tìm ra những nguyên nhân và cách đoạn diệt khổ đau.

Ví dụ nhìn thấy cảnh một cô gái bị kẻ sở khanh lừa gạt khiến sầu bi than khóc, nguyên nhân cũng vì “ái là khổ”. Gặp cảnh hai người không ưa nhau, gặp mặt là công kích nói xấu nhau, có thể nói ngay “xúc là khổ”. Thấy một tu sĩ khổ hạnh ép xác, hành hạ xác thân: nguyên nhân cũng chỉ vì chấp thủ tà kiến, tà giới là khổ… Nhưng nguyên nhân đầu tiên và trên hết cũng chỉ vì “vô minh là khổ”. Thấy khổ và nguyên nhân của khổ là bước đầu tiên để thoát khổ!

Như vậy bản thân mỗi chi phần là một nỗi khổ tạo ra toàn bộ khối khổ uẩn của 12 CPND. Sẽ rơi vào sai lầm về nguyên tắc khi cho rằng chỉ cần đoạn diệt một chi phần là toàn bộ khối khổ uẩn đoạn diệt. Cần nhắc lại trong các bài kinh Phẩm Nhân Duyên, kinh Những Căn Bản Trí (S.ii,56 = [U.51.33]) thuộc Tương Ưng Bộ và kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ 1, trước sau đều chỉ rõ nguyên tắc phải đoạn diệt từng chi phần một theo đúng lộ trình của Tám Chánh Đạo.

Có thể tạm hình dung sự diệt tận khổ đau của hệ thống Nhân Duyên giống như việc phải đốn chặt 12 cây lớn có nhựa độc mọc thành hàng trước cửa một ngôi nhà, nhằm giúp căn nhà đó thoát khỏi sự âm u và nguy hiểm. Muốn vậy, trước hết cần phải tạo một mặt bằng thích nghi cho công việc. Dựa trên mặt bằng thích nghi đó, các công việc cần làm phải được thực thi đúng hướng, đúng cách thức. Và cuối cùng là giai đoạn hoàn mãn công việc.

Căn bản của tiến trình này là dùng dụng cụ tối ưu để cưa dần từng cây theo chiều thích ứng, thích hợp. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ cần đẩy cho cây thứ nhất ngã đổ đè lên cây thứ hai, thứ ba, thứ tư…cho đến cây cuối cùng. Tiến trình này giống như sự ngã đổ liên tiếp theo chiều như ý của các quân bài domino dựng liền nhau.

Tiến trình này nằm trong nội dung của Tam Vô Lậu học: Giới - Định - Tuệ. Mặt bằng thích ứng là Thánh giới luật Patimokkha. Các công việc cần làm là Thánh định uẩn. Kết quả hoàn mãn là Thánh tuệ uẩn. Các dụng cụ tối ưu dùng để hạ đổ các cây theo chiều thích hợp chính là Tám Chánh Đạo. Cú đẩy mạnh mẽ làm ngã đổ cây thứ nhất “vô minh” và các cây kế tiếp chính là “Tam minh”, được thực hiện bằng Chánh định tức Tứ thiền - Tứ Thánh định.

Sự phá đổ hoàn toàn, xảy ra trong giây lát và khoảnh khắc “tích tắc” đó, chính là ba canh trong đêm Đức Thế Tôn giác ngộ giải thoát. Đương nhiên, việc chuẩn bị và chặt đốn từng cây thì không hoàn toàn như thế.

“Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này(Ud 51 = [Uda.45]).

“Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý” (Kinh Canki, TB2, 95 = [So.28.16]).

Thật vậy, ở ngoài đời, để đạt được bằng cấp kỹ sư, bác sĩ cũng phải mất năm năm, bảy năm; đạt được giáo sư tiến sĩ phải mất nhiều thời gian hơn; huống hồ ở đây là chân lý của đạo giải thoát. Tất nhiên có một vài trường hợp cá biệt đạt được các học vị ngoài đời với thời gian ngắn hơn. Thế nhưng nếu có ai đó nói rằng chỉ cần vài chiêu thức đơn giản thôi là có thể “thoát nhiên bừng ngộ” đạt được các học vị đó ngay liền, hẳn người có trí phải xem xét kỹ lưỡng các “giá trị” của các học vị ấy, và xem kẻ nói có phải là hạng đại vọng ngữ, thích khoa trương để câu khách hay không.

Mới nghe người khác khoác lác vài câu đã vội tin, sớm muộn gì những người cả tin cũng sẽ bị lường gạt. Ngoài đời đã vậy, trong đạo cũng không khác, nhất là đối với đạo giải thoát. Người học Phật càng phải thận trọng nhiều hơn, nếu không, họ đã không giải thoát thì chớ mà còn phải đọa vào địa ngục vì tội tà kiến.

Đến đây người học Phật hãy vận dụng nhận thức về 12 CPND để tự giải mã các đoạn kinh sau đây và trả lời vài câu hỏi gợi ý nhằm phát triển tư huệ của mình.

A/ “Một rễ, hai phương diện,
Ba uế, năm môi trường,  
Biển lớn, mười hai họa,  
Vực xoáy bậc Thánh siêu”
(Bài kinh “Một Căn Rễ”, TƯ1, 32 = [Vd.8.44]).

Câu hỏi thảo luận:

1) Chi phần nào của hệ thống Nhân Duyên có hai phương diện và được sanh khởi từ chi phần căn rễ gì?

2) Chi phần nào có ba pháp bị cấu uế? Năm môi trường là gì và ba cấu uế có liên hệ như thế nào với nó?

3) Biển lớn gì? Mười hai họa gì? Giải thích và chứng minh.

4) Bậc Thánh siêu thoát khỏi vực xoáy nào?

B/ “-- Trên gì thế gian sanh?
Trên gì được giao tiếp?
Thế gian chấp trước gì?
Trên gì đời khổ não?

-- Trên sáu, thế gian sanh,
Trên sáu, được giao tiếp,
Thế gian chấp trước sáu,
Trên sáu, đời khổ não”
(Bài kinh “Ðời (Thế gian)”, TƯ1, 41 = [Vd.8.70]).

Câu hỏi thảo luận:

1) Các chi phần nào của hệ thống Nhân Duyên có sáu pháp? Trong đó:

2) Do sáu pháp nào thế gian sanh khởi? Giải thích, chứng minh?

3) Dựa trên sáu pháp gì các chúng sanh trong thế gian giao tiếp được với nhau?

4) Thế gian chấp trước sáu pháp nào? Giải thích, chứng minh?

5) Do y cứ trên sáu pháp gì khiến đời khổ não? Giải thích, chứng minh?

C/ Các câu hỏi khác:

1) Trong 12 CPND có hai “xúc”: xúc thuộc Danh – Sắc và xúc do sáu xứ. Hai xúc này khác nhau như thế nào? Ý nghĩa quan trọng của sự phân định này là gì? Nếu Xúc diệt dẫn đến thọ diệt --> ái diệt ... --> sanh diệt --> già chết diệt, vậy một tù nhân bị biệt giam không có duyên tiếp xúc, nên xúc của họ cũng diệt, --> thọ diệt --> ái diệt... vì thế họ sẽ được giải thoát luân hồi? Chắc chắn là không đơn giản như vậy! Giải thích theo Thánh lý Nhân Duyên như thế nào?

2) Trong 12 CPND có hai “thọ”: thọ thuộc Danh – Sắc và thọ do xúc. Hai thọ này khác nhau như thế nào? Nhận thức được sự khác biệt này có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong sự tu tập?

3) Trong phạm vi gia đình thọ khổ dẫn đến ái rất dễ hiểu, nhưng trong phạm vi xã hội thọ khổ sẽ dẫn đến hận thù. Ví dụ một ông vua tàn ác, gây đau khổ cho dân chúng, tất sẽ tạo hận thù trong dân chúng. Trong trường hợp này phải giải thích thọ dẫn đến ái như thế nào?


XIV. Thay Lời Kết - Vài Gợi Ý Vận Dụng Nhận Thức Pháp Nhân Duyên Trong Đời Sống Và Tu Tập

Không thể xác định hết được những giá trị thực tiễn của Thánh Lý 12 CPND trong việc giải trừ khổ đau. Trong bài kinh Kalara (TƯ2, 50, tr.93 = [Su.39.7]) liên quan đến Nhân Duyên, Đức Phật đã tái khẳng định và chấp nhận lời của ngài Xá-lợi-phất khi Tôn giả cho rằng nếu Đức Thế Tôn có hỏi Ngài về ý nghĩa pháp giới ấy (Dhammadhàtu) trọn bảy đêm, bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác, thời Ngài cũng có thể trả lời trọn vẹn suốt bảy đêm, bảy ngày.

Trong toàn bộ hệ thống chánh pháp của Đức Thế Tôn được thể hiện trong kinh điển Nikaya, Thánh lý 12 CPND là hệ thống giáo pháp duy nhất có tính lý luận, nhưng là những luận lý hết sức thiết thực và cụ thể. Càng hiểu rõ pháp Nhân Duyên, càng giúp đoạn trừ dần khổ đau. Như lý tư duy hệ thống 12 CPND không những giúp người học Phật giải thích được nhiều trạng thái tâm sinh lý phức tạp của bản thân, mà còn tuệ tri được các sự vật hiện tượng bên ngoài một cách khách quan đúng đắn.

Mỗi người học Phật cần trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản, từ đó tự mình vận dụng lý Nhân Duyên để có thể tự giải nghi trước các sự kiện mà vì không thấu rõ giáo pháp này nên “chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”.

Dưới đây là vài trường hợp điển hình và vận dụng lý 12 CPND để giải thích như một gợi ý thêm về tính thiết thực hiện tại của thánh lý Nhân Duyên.

Nhạc sĩ T. bị mắc bệnh viêm gan siêu vi. Ông phải trải qua nhiều đợt chữa trị dài ngày với các loại thuốc đặc trị khiến tinh thần sa sút chán nản, đến độ có lúc thoáng có tư tưởng tự sát. Khi bệnh viện tiến hành thử nghiệm thứ thuốc mới ông đã tình nguyện tham gia. Trong thời gian điều trị theo dược liệu mới, vào một buổi sáng, lúc vừa thức giấc, ông bỗng “nghe” trong đầu có tiếng nói của ai đó giục ông xuống nhà bếp lấy con dao đâm vào ngực chết đi cho xong.

Ông T. liền báo sự kiện kì lạ đó cho các bác sĩ điều trị. Sau khi được bác sĩ tâm lý kiểm tra, ông vẫn được tiếp tục thử nghiệm bằng loại thuốc mới. Tuy biết tâm lý mình chưa đến mức gây nguy hại, nhưng ông T. vẫn phân vân lo lắng vì không hiểu tiếng nói ấy từ đâu mà ra. Dầu vậy, may mắn thay, cuối cùng căn bệnh viêm gan của ông cũng được chữa lành và ông trở lại cuộc sống an vui như trước.

Tuy nhiên, ở đây, vấn đề cần được hiểu và giải thích là âm thanh vang lên bên tai ông T. do đâu mà có? Không ít người cũng từng gặp trường hợp tương tự, thậm chí vì không tự giải thích được hiện tượng trên nên dẫn đến bị ám ảnh hoang mang sợ hãi, hoặc lại rơi vào mê tín dị đoan khiến tiền mất tật mang. Có khi tâm bệnh này còn phát triển gây ra những hậu quả trầm trọng đáng tiếc như trầm cảm, tự tử hoặc giết người thực sự.

Trường hợp của ông T. dĩ nhiên là do tưởng gây ra. Nói đúng hơn là ông đã bị thanh tưởng (tưởng về âm thanh) ám ảnh. Sự hình thành thanh tưởng nơi ông T. căn cứ vào 12 CPND có thể giải thích như sau:

Như đã được biết, trong chi phần Danh thuộc nội pháp gồm có Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý. Trong đó Tưởng được phân thành sáu loại khác nhau: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng (TƯ3, 58 = [Ve.7.56.13]). Sáu tưởng này gọi chung là tưởng thức hay tưởng uẩn - tức là sự nhận thức, nhận biết của tâm nhưng không liên hệ trực tiếp bởi năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).

Ví dụ khi ta nằm mộng có thể “thấy” và “nghe” người thân đã khuất đi lại nói chuyện, đó là sắc tưởng và thanh tưởng hoạt động; hoặc khi ta tưởng nhớ mùi và vị của thức ăn hấp dẫn đó là hương tưởng, vị tưởng lưu xuất; hoặc hồi tưởng sự chạm xúc êm ái, đây được gọi là xúc tưởng… Nói chung tất cả sự nhận biết của tâm không liên hệ trực tiếp bởi các giác quan đều nằm trong thế giới của tưởng.

Lúc ông T. vừa thức giấc, tâm của ông vẫn còn ở trong trạng thái ngái ngủ mơ màng chưa tỉnh hẳn, nửa mê nửa tỉnh, do đó tưởng thức của ông vẫn còn hoạt động. Vốn là một nhạc sĩ nên thanh tưởng của ông T. trội hơn các loại tưởng khác, và âm thanh mà ông T. “nghe” được chính là từ tiềm thức của ông lưu xuất ra (thức duyên cho danh-sắc).

Tiềm thức này do đâu mà có? Cũng theo 12 CPND tiềm thức “đen” này do duyên hành tạo nên. Nói rõ hơn, khi một thầm ý dù là thoáng qua trong đầu của ông T nghĩ về tự tử thì ý hành này sẽ không mất đi mà được lưu trữ dưới dạng tiềm thức. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước Đức Thế Tôn đã khuyến cáo về điều này:

“Này các Tỷ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý (canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này” (TƯ2, 65 = [U.51.38])

Theo lý Duyên khởi, tiềm thức này được an trú, tăng trưởng mạnh hay yếu là do các hành lập đi lập lại nhiều hay ít; và khi nhân duyên có đủ tiềm thức này sẽ thể hiện thành danh-sắc. Vì trong danh có các trạng thái của tưởng, do đó thanh tưởng “muốn tự sát” của ông T. được tạo ra từ chính tiềm thức “muốn tự sát” của ông, và tiềm thức này cũng do ý hành “muốn tự sát” mà có. Và như vậy thực sự ông T. đã “nghe được tiếng nói” của chính ông chứ không một ai khác (những tác ý trong trạng thái của tưởng, trong kinh Nikaya gọi là “tưởng tác ý”).

Qua trường hợp của ông T. có thể nhận thức thêm: một ý hành bất thiện, dù là thoáng qua, nhưng nếu không biết đoạn trừ thì chúng chỉ tạm “biến xuất” khỏi tâm chứ không “biến mất” hoàn toàn. Những ý nghiệp này thực sự vẫn luôn tồn trữ trong tiềm thức của chúng ta, trong kinh văn gọi là các pháp “tùy miên” hay các pháp ngủ ngầm. Khi hữu duyên, chính những tiềm thức tùy miên này trổi dậy và trở thành quả dị thục làm hại chính bản thân mình trước nhất. Các thân hành và khẩu hành bất thiện dù là nhỏ nhiệm cũng đều như vậy.

Ngược lại một ý hành thiện lành là cơ sở cho một sanh hữu an vui an lạc, đúng như kinh Pháp cú đã dạy: “Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình” (PC 2).

Chính vì thế nên pháp Như lý tác ý là một trong những pháp rất quan trọng của Đạo Phật mà mỗi người Phật tử cần hiểu rõ để thực hành tích cực nhằm cứu khổ cho chính mình.

Và đương nhiên cũng không có gì khó hiểu, nếu cùng với ý hành thiện thì thân hành thiện và khẩu hành thiện cũng là nguồn an lạc ngay trong hiện tại lẫn tương lai dưới nhiều hình thức, kể cả trong các trạng thái của tưởng.

Do vậy trong kinh điển Nikaya, Đức Thế Tôn luôn căn dặn các Tỷ-kheo phải thấy nguy hiểm ngay trong những lỗi nhỏ nhặt, cũng như những quả báo khổ đau không tránh khỏi trong đời này hoặc đời sau, do tư niệm bất thiện:

Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ (kết quả) thời không có chấm dứt, dầu kết quả ấy sanh khởi ngay trong đời hiện tại hay trong đời sau. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ (kết quả), thời khổ không có thể chấm dứt được” (TC X:206, tr.617 = [I.10.206]).

Như đã nói ở trên, những hệ quả của tưởng rất phổ biến, xảy ra hầu như cho tất cả mọi người dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chính vì không hiểu rõ sự vận hành tâm lý này nên không ít người đã bị rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi có hại. Từ đây những chứng bệnh về tâm lý có thể diễn biến trầm trọng hơn như trầm cảm, u uất, tâm thần, thậm chí tự tử. Một khi đã hiểu rõ sự vận hành của tâm thức và danh-sắc, người học Phật sẽ không còn phân vân, lo lắng trước những hiện tượng được xem là “thần bí” nhưng thực chất chỉ là những sản phẩm của tưởng uẩn do chính mình tạo ra.

Những trạng thái thể hiện của thế giới tưởng rất đa dạng, nhiều khía cạnh, nhưng chung quy chỉ trong phạm vi của sáu loại tưởng. Một tu sĩ, tùy theo pháp môn tu tập và đặc tính riêng của mình, khi rơi vào định tưởng có thể “thấy” những hiện tượng “siêu nhiên” như hào quang, hình bóng, đốm lửa, ánh sáng hoặc làn khói trắng, vàng, xanh, đỏ… Các hiện tượng này được gọi là sắc tưởng.

Vị tu sĩ ấy cũng có thể “nghe” cả tiếng nói của vị thần thánh mà mình ngưỡng mộ, mặc khải ấn chứng cho mình chứng đạo đúng với những gì mình mong ước bấy lâu, đây gọi là thanh tưởng. Hoặc vị hành giả cứ duy trì tâm đơn thuần trên hơi thở sẽ đến lúc có cảm tưởng như hơi thở nhỏ nhiệm dần rồi biến mất, đây chỉ là xúc tưởng…

Cùng một người nhưng có những trạng thái tưởng khác nhau, điều này nằm trong khái niệm mà kinh Nikaya gọi là “thân đồng nhất, tưởng sai biệt”.

Cũng có khi nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng: “Này các Tỳ-kheo, có những loài hữu tình thân sai biệt, tưởng đồng nhất” (TC IX:24 = [I.9.24]). Đây là trường hợp nhiều người nhưng có cùng một tưởng giống nhau.

Ví dụ trong một gia đình, những người còn sống vì quá thương nhớ một người thân đã khuất, thường nhắc đến tên người ấy, nên các ý hành và khẩu hành giống nhau này sẽ khiến cho những người còn sống, đến một lúc nào đó, đều có thể “gặp” được người đã mất trong các giấc mộng hoặc các trạng thái tưởng của mình.

Cũng vậy, nếu một nhóm người cùng mến mộ, ao ước, nhắc tên, nhớ nghĩ đến cùng một người hoặc một điều gì, và như vậy đương nhiên tưởng thức của họ khi lưu xuất ra sẽ có những sự trùng hợp giống nhau về con người ấy hoặc sự việc ấy.

Tất cả những biểu hiện nêu trên, trong Kinh Pháp Môn Căn Bản (TB1,1 = [U.3]), được xếp vào phạm vi của tưởng tri và đều có thể tuệ tri giải thích minh bạch rõ ràng với Thánh lý 12 CPND.


***

MỤC LỤC (Sách)

Trang
Lời tựa
3
I. Khái quát
7
II. Quán pháp 12 CPND trên các ngoại pháp
14
2.1 Nhận thức nơi tu sĩ
24
2.2 Nhận thức nơi cư sĩ
40
III. Quán pháp 12 CPND trên các nội pháp
50
- Bốn thức ăn
63
IV. Quán pháp 12 CPND trên các nội pháp, ngoại pháp
76
V. Quán tánh sanh khởi trên pháp 12 CPND
87
5.1 Quán tánh sanh khởi trên pháp 12 CPND theo chiều hướng “đen”
87
5.2 Quán tánh sanh khởi trên pháp 12 CPND theo chiều hướng “trắng”
91
VI. Quán tánh diệt tận trên pháp 12 CPND
94
6.1 Diệt tận hạn lượng
96
6.2 Diệt tận tối thượng
107
VII. Quán tánh sanh diệt trên pháp 12 CPND
126
7.1 Sanh diệt của Thức và Danh Sắc
128
7.2 Ba quy luật quan trọng
133
VIII. Quán thuận ứng pháp 12 CPND
144
IX. Quán nghịch ứng pháp 12 CPND
146
X. Quán thuận ứng, nghịch ứng pháp 12 CPND
147
10.1 Quán thuận ứng, nghịch ứng tuần tự
148
10.2 Quán thuận ứng, nghịch ứng đảo biến
151
XI. Quán “Đôi-tương-tác” pháp 12 CPND
157
XII. Quán “Diễn dịch – Quy nạp” pháp 12 CPND
175
XIII. Quán “Trực tiếp” pháp 12 CPND
181
XIV. Thay lời kết - Vài gợi ý vận dụng nhận thức Nhân Duyên trong đời sống và tu tập
193


ËËË