Thursday 30 June 2011

Giải Mã Niệm Xứ 3: Quán Tâm (a)

  
PHẬT LỊCH 2555
VESAK 2600


Giải Mã Kinh Niệm Xứ
Chặng đường giải thoát khổ đau

(Phần 4: Quán Tâm (a))
***********
Mục lục quán tâm
Phần A

3.1   Quán tâm vô tham trên tâm tham
3.2   Quán tâm vô sân trên tâm sân
3.3   Quán tâm vô si trên tâm si
3.4   Quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn
Phần B
3.5   Quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại
3.6   Quán tâm vô thượng trên tâm hữu hạn 
3.7   Quán tâm có định trên tâm không có định
3.8   Quán tâm giải thoát trên tâm không giải thoát
3.9   Quán tâm trên nội tâm - trên ngoại tâm - trên nội tâm, ngoại tâm
3.10 Quán tánh sanh khởi trên tâm, tánh diệt tận trên tâm, tánh sanh diệt trên tâm.


Quán Tâm (A)

Chánh Kinh
Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, tuệ tri: "Tâm có tham"; hay với tâm không tham, tuệ tri: "Tâm không tham". Hay với tâm có sân, tuệ tri: "Tâm có sân"; hay với tâm không sân, tuệ tri: "Tâm không sân". Hay với tâm có si, tuệ tri: "Tâm có si"; hay với tâm không si, tuệ tri: "Tâm không si". Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: "Tâm được thâu nhiếp". Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: "Tâm bị tán loạn". Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: "Tâm được quảng đại"; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: "Tâm không được quảng đại". Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: "Tâm hữu hạn". Hay với tâm vô thượng, tuệ tri: "Tâm vô thượng". Hay với tâm có định, tuệ tri: "Tâm có định"; hay với tâm không định, tuệ tri: "Tâm không định”. Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: "Tâm có giải thoát"; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: "Tâm không giải thoát".
Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.

Giải Trình
Cũng giống như trong phần quán thân và quán thọ, các tâm niệm được nêu ra trong phần quán tâm không liên quan đến đối tượng bên ngoài như phần quán pháp. Có thể hiểu nôm na các niệm tâm tham, tâm vô tham, tâm sân, tâm vô sân, tâm si, tâm vô si… ở đây chỉ có ý nghĩa thuộc bản thân “ta với ta”.
Nếu trong phần quán thân chỉ nói tới “thuốc” chữa bệnh (niệm thân bất tịnh, niệm thân bốn đại vô thường, niệm thân biến hoại), còn trong phần quán thọ giới thiệu chung cả niệm thọ “thuốc” và niệm thọ “bệnh”; thì trong phần quán tâm, các niệm tâm “bệnh” và niệm tâm “thuốc” được phân biệt một cách rất rõ ràng.
Cụ thể các tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm tán loạn, tâm không quảng đại, tâm hữu hạn, tâm không có định, tâm không giải thoát được xem là tâm “bệnh”. Còn các tâm vô tham, tâm vô sân, tâm vô si, tâm thâu nhiếp, tâm quảng đại, tâm vô thượng, tâm có định, tâm giải thoát chính là các tâm “thuốc” chữa bệnh tương ứng.
Muốn biết các tâm “thuốc” chữa các tâm “bệnh” như thế nào, phải quán các tâm niệm theo từng trường hợp cụ thể.

3.1 Quán tâm vô tham trên tâm tham
Tâm tham được nói đến ở đây là những niệm tham dục không nhắm vào một đối tượng cụ thể, chỉ đơn thuần do bản năng chi phối. Ví dụ: một người béo phì có thể bị thèm ăn liên tục, không nhất thiết thèm một món nào cụ thể, đây chỉ là cảm giác muốn ăn thuần túy; hoặc một người có ái dục cường liệt, sinh lực sung mãn, khi tâm tham dục bản năng phát khởi có thể tìm đến với bất kỳ cô gái làm tiền nào, không phân biệt là người mình có yêu hay không. 
Nếu không tỉnh giác trước tâm tham dục của bản năng này, con người sẽ dễ bị trói cột lôi cuốn vào khổ đau trước mắt lẫn về lâu dài. Tâm tham được xem như tâm “bệnh” và một khi không phát hiện sớm để ngăn chặn và chữa trị, tâm bệnh này có thể dẫn đến những đau khổ và nguy hiểm không lường. Chúng thể hiện dưới rất nhiều hình thức, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Câu chuyện có thật sau đây phần nào nói lên ý nghĩa này:
B. là một kỹ sư trẻ có tất cả những gì mà nhiều người mơ ước: khoẻ mạnh, đẹp trai, tài năng, đức hạnh và cha mẹ giầu có. Là một chuyên gia giỏi nên B. được công ty cử sang nước láng giềng công tác. Thời hạn một năm đã mãn, trước ngày trở về quê nhà, B. cùng nhóm bạn đồng hương tổ chức tiệc chia tay. Dù không quen uống rượu nhưng trước niềm vui được trở về đoàn tụ gia đình và nể nang bạn bè nên B. cũng hơi quá chén. Khi tiệc gần mãn, có người đề nghị cả nhóm đi hát Karaoke, thế là tất cả đều thích thú tham gia. Men rượu chưa tan lại bị kích thích bởi môi trường ăn chơi trá hình khiến B. đã không kềm chế được bản năng của mình nên lần đầu tiên quan hệ bừa bãi với các cô gái bán hoa.
Chín tháng sau khi trở lại nhà, B. như sụp đổ hoàn toàn khi biết mình bị nhiễm căn bệnh nan y chết người (bây giờ gọi là bệnh liệt kháng). Đau đớn hơn, người vợ mới cưới và đứa con trong bụng của cô cũng phải chịu chung số phận. Tấm thảm kịch xảy ra chỉ từ một phút giây buông thả theo bản năng đã mang lại đau khổ tột cùng cho cả ba sanh mạng. Nguyên nhân của đau thương trong trường hợp này cũng chỉ vì“dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn” (Nikaya).
Giả sử, có thể trở ngược lại thời gian trước đó, nếu biết như thật thảm cảnh khổ đau và nguy hiểm của tham dục như vậy, liệu B. có còn muốn quan hệ phóng túng không? Một người còn tỉnh táo chắc chắn phải trả lời là: “Không!”. Nếu mọi việc do rượu mà ra thì trở lại thời gian trước đó nữa, khi được mời cầm lên ly rượu, nếu B. cũng quán sát những nguy hiểm khổ đau đang chờ đón mình như thật, hẳn nhiên anh cũng đã dứt khoát từ chối ly rượu ấy.
Nhưng tất nhiên không ai có thể trở ngược lại thời gian để có dịp sửa chữa những hậu quả, những tai hại do tâm bất thiện gây ra. Vì vậy, cách hữu hiệu để vị tu sĩ tránh bị cột trói bởi tham dục là phải luôn quán xét sự khổ đau và nguy hiểm do dục ái gây ra.
Câu chuyện nêu trên chỉ là một ví dụ điển hình, trong thực tế bản năng gốc thể hiện dưới muôn vàn khía cạnh khác nhau, vui thú từ nó cũng có đấy nhưng thảm họa cũng thật khôn lường. Những thảm cảnh trực tiếp hay gián tiếp do tham dục gây ra không thể nói hết được, vì vậy thoát ly được tham dục là thoát ly được đau khổ.
Người tu sĩ cần phải tự mình quán xét thật rõ sự nguy hiểm của tham dục theo nhiều trường hợp hoàn cảnh khác nhau và phải thường xuyên như lý tác ý “dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm càng nhiều hơn”. Tích cực thực hiện phương pháp này, khả dĩ vị Tỳ-kheo mới có thể ngăn ngừa và nhàm chán tham dục được, nhờ đó mới thoát ly dần khỏi những khổ đau do tham dục gây ra.
Trong kinh điển Nikaya, Đức Thế Tôn bằng nhiều phương tiện, nhiều dẫn chứng khác nhau đã chỉ rõ những hệ lụy nhằm giúp vị tu sĩ an trú tâm trong sự xuất ly, giải thoát.
-- “Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình không có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.
Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình đã như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.” (TC III:102, tr.471 = [I.3.94])
-- “Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt” (TƯ2, 84 = [U.51.52]).
Một vị Tỳ-kheo còn nhiễm dục vọng giống như một đứa trẻ bị mắc cây que hay hòn sạn trong cổ: “Các dục, này các Tỷ-kheo, được tìm thấy với tuổi trẻ, các dục này hay các dục khác. Và này các Tỷ-kheo, các dục hạ liệt, các dục trung đẳng, và các dục tối thắng, tất cả dục đều được chấp nhận là các dục.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý, đứa nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng. Người vú hầu ấy phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái nắm đầu nó, với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ. Ta nói rằng không phải không có hại. Như vậy, này các Tỷ kheo, người vú hầu phải làm như vậy vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ). Nhưng này các Tỷ-kheo, khi đứa trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: "Nay đứa trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa" (TC V:7, tr.311 = [I.5.7.3])
Thực vậy, được thỏa mãn dục có thể đem lại vị ngọt nhất thời, thế nhưng những đau khổ từ nó thì không sao kể hết. Những tin tức, thảm cảnh đau thương từ dục xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ mới phần nào phản ảnh được những nguy hại này. Hơn thế nữa đối với vị Tỳ-kheo đệ tử Phật còn phải thấy sự nguy hiểm của dục dưới khía cạnh sanh tử luân hồi.
Theo pháp Nhân Duyên, chấp thủ những niệm tham dục phát khởi từ bản năng đơn thuần cũng chính là nguồn dục thủ dẫn đến dục hữu, khiến các loài hữu tình phải tái sanh luân hồi trong tương lai. Như vậy tâm tham dục của bản năng đã trói cột con người vào với đau khổ không những ở đời này mà còn trong đời sau, chính vì thế tâm tham ở đây được gọi là tham kiết sử.
Vì vậy, để chặt đứt sợi dây nguy hiểm này, vị Tỳ-kheo muốn thoát ly sanh tử khổ đau có lúc cũng phải biết “nghiến răng dán chặt lưỡi đưa lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm” (TB2, 85 = [Su.4.16]). Vị Tỳ-kheo phải có quyết tâm dành chiến thắng trong cuộc chiến đấu với chính bản thân mình, lấy tâm vô tham đánh bại tâm tham, lấy tâm vô dục đánh bại tâm dục để đi tới giải thoát cuối cùng.
Trên bước đường đó, các vị Tỳ-kheo hữu học thời Phật là những người có được phước duyên hy hữu, vì họ đã được chính Đức Thế Tôn trực tiếp chăm sóc bảo vệ cho đến khi tự cứu chính mình.
Giờ đây khi Đức Thế Tôn đã nhập diệt, những lời dạy của Phật vẫn như vị nhũ mẫu từ bi bên cạnh những người con của Ngài. Không những thế, vị Tỳ-kheo tu tập Chánh niệm cũng phải là vị nhũ mẫu cho chính mình, phải tự cứu mình bằng cách khi tâm tham dục khởi lên phải tức khắc tỉnh giác nhận diện “tâm có tham ta biết tâm có tham”. Liền ngay đó vị Tỳ-kheo phải mau chóng tự mình tác ý “dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn” và mau chóng tự mình “móc” bật tham dục ra khỏi tâm bằng cách đặt tâm theo chiều hướng quán xét sự nguy hiểm của tham dục.
Vị Tỳ-kheo hữu học phải kiên trì lấy tâm vô dục của lý trí tỉnh giác đánh bại tâm tham dục của bản năng với quyết tâm cao nhất “một mất, một còn: dục phải mất, hạnh phải còn”, nhờ vậy mới có thể chặt đứt sợi dây oan nghiệt này.
Trong bài kinh Potaliya (TB1, 54 = [So.9]) và kinh Người Chiến Sĩ 2 (TC V:76, tr.465 = [I.5.76]), Đức Phật cũng đã mô tả sự nguy hiểm của dục qua nhiều hình ảnh cụ thể. Nguy hiểm và đau khổ từ dục được ví như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như tài vật vay mượn, như cây có trái, như lò thịt, như gậy nhọn, như đầu rắn. Người tu Phật cần hiểu rõ và kiên trì quán xét kỹ lưỡng các ví dụ này để thấy như thật dục là vui ít nhưng khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn, từ đó mới có thể tẩy rửa dần tham dục tuỳ miên hoặc đã phát khởi trong tâm.
Cũng trong khía cạnh tương tự, trường hợp của vua Pasenadi được nói đến trong bài kinh “Ăn nhiều” (TƯ1, 81 = [Su.9.13]) cũng liên quan đến ý nghĩa này. Có lần nhà vua đã phải thú nhận là ông đã bị lôi cuốn tham đắm vật thực đến độ dường như ăn không biết chán các món ngon vật lạ hấp dẫn trong cung điện. Đức Thế Tôn đã tinh tế nhắc nhở vua Pasenadi về sự nguy hại của ăn quá mức bằng việc chỉ rõ lợi ích từ việc ăn uống vừa đủ:
“Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài”.
Từ đó vua Pasenadi đã ra lệnh cho thanh niên Sudassana học thuộc bài kệ và đọc lên mỗi lần dọn thức ăn cho ông. Nhờ biết như lý tác ý, sau một thời gian vua Pasenadi đã tự chủ điều độ trong việc ăn uống nên cảm thấy mạnh khỏe, an lạc khiến ông đã cảm hứng thốt lên "Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”.
Vua Pasenadi là một trong những vị vua có tuổi thọ cao nhất khi ông đã ngự trị trên ngai vàng đến hơn tám mươi tuổi, và hẳn nhiên vua Pasenadi có hưởng được lợi ích lâu dài, một phần cũng là nhờ ông đã sớm thấy được sự nguy hại của thói tham ăn, kiên trì thường xuyên như lý tác ý, từ đó mới có thể tiến tới làm chủ được một bản năng cơ bản của mình để ngay trong hiện tại được an lạc, đồng thời có một sanh thú tốt lành trong tương lai.  
Đối với vị tu sĩ, trước khi thọ dụng thức ăn, nên như lý tác ý theo lời dạy trong kinh Nikaya: “Ta thọ dụng món ăn khất thực đây không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: ‘Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn’”.     
Từ những điển hình nêu trên có thể nêu lên một nhận định khác, đó là: nếu biết thường xuyên quán xét kỹ lưỡngnhư lý tác ý về sự nguy hiểm độc hại của rượu, thuốc lá, cờ bạc… cũng là cách hữu hiệu giúp đoạn trừ dần tâm tham ái nơi các đối tượng gây nghiện này. Tất nhiên muốn chiến thắng các ác hại này cũng phải tinh tấn theo phương châm: ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện. 
Bên cạnh đó, trong bài kinh “Dục vọng”, Đức Thế Tôn dạy rõ có năm sức mạnh giúp cho vị Tỳ-kheo hữu học tự bảo vệ mình khỏi ái dục, đó là: có lòng tin, biết xấu hổ, biết sợ hãi, có tinh tấn và trí tuệ đối với thiện pháp. Việc vận dụng các thiện pháp này để đối trị với tham dục bản năng được Đức Thế Tôn phân tích rất nhiều trong kinh tạng Nikaya. Bản giải mã này chỉ phản ánh một phần nhỏ, không thể nói hết được ý nghĩa các diệu pháp giúp đoạn trừ tham dục. Do đó người học Phật cần học hỏi kỹ những lời dạy của bậc Đạo Sư trong kinh tạng Nikaya nhằm trang bị thêm những phương tiện hữu hiệu giúp chiến thắng tham dục bản năng.
Tóm lại, khi đặt tâm theo chiều hướng tư duy quán xét để thấy rõ sự nguy hiểm và khổ đau của dục cùng các thiện pháp giúp đoạn trừ dục, thời tâm tham dục vắng mặt và như vậy chúng được gọi là tâm vô tham.
Người học Phật biết tích cực quán xét và như lý tác ý nhiều lần các khía cạnh nguy hiểm của dục và các thiện pháp tương ứng nhằm trưởng dưỡng tâm vô tham, nhờ vậy tâm tham dục phát khởi sẽ đi đến muội lược và tâm tham dục ngủ ngầm bị đoạn trừ tẩy rửa dần.
Hoặc khi một niệm tham vừa khởi lên cần phải tuệ tri ngay “tâm có tham ta biết tâm có niệm tham”, ngay đó phải tiêu diệt tâm tham bằng tâm vô tham cũng như phải quán xét để thấy rõ sự khổ đau, nguy hại, tai họa của niệm tham dục đó.
Trên đây là gợi ý nội dung khái quát của phương pháp Quán tâm vô tham trên tâm tham để chế ngự tham ưu do tham kiết sử gây ra.

3.2 Quán tâm vô sân trên tâm sân
Tâm sân là từ gọi chung cho hai trạng thái: sân và hận. Sân là sự tức giận, phẫn nộ biểu lộ ra bên ngoài. Hận là sự ấm ức, hiềm hận, hận thù ngấm ngầm trong lòng, không thể hiện rõ. Kinh điển Nikaya dùng hai từ phẫn nộ và hiềm hận để chỉ cho hai trạng thái tâm lý gây khổ đau này.
Tâm sân trong hệ thống quán tâm là những niệm phẫn hận không nhắm vào một người nào khác bên ngoài, mà chỉ là vấn đề “ta với ta”. Đây là trường hợp khi chủ thể gây ra sự tức giận và đối tượng chịu nhận sự bực tức cùng là một người. Nói cách khác, đây là tâm sân hận chính bản thân mình. Ngoài ra tâm sân cũng là trạng thái bất như ý, hậm hực, tức giận với hoàn cảnh, môi trường, bệnh tật của chính mình (không liên quan gì đến người khác). Chắc hẳn trong ngôn ngữ mỗi dân tộc đều có cụm từ mô tả tâm sân phổ biến này, đó là trường hợp bị “tức mình, bực mình”.
Khi bị tâm sân trói cột, nếu không đoạn trừ sớm, sẽ dẫn đến những trạng thái tâm lý hoặc hoàn cảnh tệ hại hơn. Tâm sân hận tăng trưởng có thể gây ra những hành động nguy hại, hoặc ảnh hưởng nguy hiểm đến những tâm bệnh hoặc thân bệnh khác như u uất, trầm cảm, kém ăn, mất ngủ, đau tim, stress, huyết áp… Hẳn nhiên, một tu sĩ cứ ôm giữ sự tức mình, bực mình, cứ oán trách bản thân mình vì một việc làm do chính mình tạo ra thì cũng không thể an tâm nhập chánh định.
Hơn thế nữa, căn cứ vào Thánh lý Nhân Duyên, đối với người Phật tử còn phải nhận thức thêm một khía cạnh nguy hiểm khác của tâm sân hận, đó là khi cứ chấp giữ ý hành sân hận như vậy sẽ tạo nên nghiệp thức sân hận. Nghiệp thức sân hận khi chuyển hoá sẽ tạo thành thai thức. Đương nhiên thai thức này cũng chất chứa những chủng tử sân hận bất thiện, do đó nó sẽ phải câu hữu tái sanh trong môi trường tương ưng với những sự não hại, tàn ác, hận thù.
Tâm trạng bực tức chính mình cột trói con người vào với đau khổ trước mắt lẫn lâu dài, cho kiếp này lẫn tạo nghiệp xấu trong tương lai thật vô cùng nguy hại. Chính vì thế tâm sân hận chính mình trong hệ thống quán tâm cũng là một tâm “bệnh” và được gọi là sân kiết sử.
Bà A sau khi đi chợ về mới phát hiện do mình sơ ý nên đã làm mất năm trăm đồng. Từ đó bà cứ luôn bực mình, tức mình, day dứt mình mãi không thôi vì sự lơ đễnh ấy. Ai là chủ thể gây ra sự tức giận? Chính là bà A. Ai là nạn nhân của sự tức giận? Cũng chính là bà A. Như vậy bà A đang bị sân kiết sử trói cột. Tương tự, em học sinh B phát hiện mình đã làm sai một phép toán trong bài thi nên cứ một mình trong phòng riêng vò đầu bứt tai, hậm hực, tức tối vì sự sơ xuất đáng trách của chính mình. Như vậy cậu bé cũng là nạn nhân của sân kiết sử.
Cứ tiếp tục để sân kiết sử hành hạ mình, bà A và em B không những bị khổ lụy ngay trước mắt mà còn những nguy hại về lâu dài. Do vậy bà A và em B phải mau chóng thoát khỏi sự cột trói của sân kiết sử để tiến thêm một bước trên con đường đi tới giải thoát.
Muốn thoát khỏi khổ đau trước mắt lẫn về lâu dài của sân kiết sử một cách triệt để, phải biết cách chặt đứt sợi dây nguy hiểm này.
Như đã được biết, muốn điều trị một căn bệnh tận gốc việc quan trọng đầu tiên là phải phát hiện sớm mình đang mắc bệnh, tiếp đó còn phải trị liệu theo đúng phương thuốc thích hợp. Cũng vậy, để trừ diệt được sân kiết sử, khi tâm vừa khởi lên ý niệm tức mình, bực mình phải tuệ tri ngay “tâm có sân, tôi biết tâm tôi có sân”. Đồng thời phải tuệ tri thêm một bước quan trọng “tâm vô sân, mình còn có một tâm vô sân”. Tâm vô sân này chính là tâm “thuốc” để chữa trị tâm sân. Vậy tâm vô sân là tâm gì?
Trong Kinh Nikaya, Đức Phật đã nhiều lần chỉ rõ để đoạn trừ tâm sân ngủ ngầm hay đã phát khởi, cần phải tu tập hai pháp Từ tâm Như lý tác ý: "Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận? Cần phải trả lời là "Từ tâm giải thoát". Với ai như lý tác ý Từ tâm giải thoát, thời sân chưa sanh khởi không sanh khởi, hay sân đã sanh khởi được đoạn tận. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến sân chưa sanh khởi không sanh khởi, hay sân đã sanh khởi được đoạn tận(TC III:68, tr.362 = [I.3.60.6]).  
Từ tâm là vị thuốc quý đầu tiên nằm trong toa thuốc Bốn Vô Lượng Tâm (hay Bốn Phạm Thiên trú) bao gồm Từ-Bi-Hỷ-Xả. Muốn sử dụng bốn phương thần dược này để điều trị sân kiết sử cần phải hiểu rõ thế nào là tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả.
Từ là lòng thương, tình thương. Từ tâm được nói đến ở đây nằm trong hệ thống quán tâm có nghĩa không phải hướng tình thương đến đối tượng khác chung chung mà là tâm niệm biết thương yêu chính bản thân mình. Một người biết ý thức tỉnh giác thương mình sẽ không thể tức giận mình để tự làm khổ cho chính bản thân. Khi ý niệm tức mình, bực mình phát khởi, ngay đó phải chánh niệm quán xét tư duy từ tâm - thương yêu chính mình - để không tức giận mình nữa. Như vậy là đã biết quán tâm từ trên tâm sân để khắc phục sân giận chính mình.
Bi là thấu rõ nỗi khổ đau. Ở đây tâm bi trong hệ thống quán tâm có nghĩa không phải hướng đến đối tượng bên ngoài mà là biết bi tâm với chính mình, tức phải thấu rõ nỗi đau khổ của chính bản thân mình. Một người đang tức mình, bực mình cần phải chánh niệm nâng cao bi tâm với chính mình để ý thức rằng cứ tức giận chính mình thì mình khổ chứ ai khổ, từ đó sẽ không thể tiếp tục tự làm hại mình thêm nữa. Như vậy là đã biết quán tâm bi trên hại tâm để không làm hại chính bản thân mình.
Hỷ tâm là lòng hân hoan, hoan hỷ, vui mừng. Hỷ tâm ở đây cũng không có nghĩa ban vui, bớt buồn cho ai khác mà là cho chính bản thân mình. Trong kinh Nikaya có nhiều cách tác ý tạo hỷ tâm. Một trong số đó là quán tầm để thấy được sự may mắn ngay trong những hoàn cảnh bất ưng mà mình đang gặp phải. Có hỷ tâm là tạo được an lạc cho tâm. Như vậy là đã biết quán tâm hỷ trên bất lạc tâm để đem lại an vui cho nội tâm.
Xả là sự tha thứ, lòng độ lượng. Xả tâm trong hệ thống quán tâm cũng không liên hệ đến đối tượng bên ngoài, vì thế quán xả tâm ở đây chính là biết độ lượng, tha thứ lỗi lầm cho chính bản thân mình. Một khi biết độ lượng, tha thứ cho chính mình thì không còn dằn vặt, đay nghiến, hiềm hận bản thân mình nữa. Như vậy là đã biết quán tâm xả trên hận tâm để đoạn diệt hiềm hận chính mình.
Chính vì thế, trong Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La (TB2, 62 = [Sb.14), Đức Thế Tôn đã dạy về ý nghĩa của việc tu tập Bốn Tâm Vô Lượng:
“Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng Từ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng Bi. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về Hỷ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt.
Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về Xả. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt”.
Chính vì thế, Từ Bi Hỷ Xả còn được gọi là “Phạm thiên trú” tức là nơi trú ẩn đầy an vui hỷ lạc của các bậc Phạm thiên. Hơn thế nữa, trong kinh Nikaya Đức Phật còn chỉ ra rất nhiều những lợi ích hy hữu khác nữa của tâm Từ Bi Hỷ Xả. Những ai muốn giải thoát khỏi khổ đau cần phải đặc biệt coi trọng và nỗ lực tu tập các diệu pháp này.
Bà A khi bị sân kiết sử trói cột khiến tức mình bực mình, liền ngay đó bà phải tự mình phản tỉnh “tâm có sân, mình đang có tâm sân” và đồng thời hướng tâm theo chiều hướng vô sân tức biết từ, bi, hỷ, xả với chính mình. Bà A nên phản tỉnh nhắc nhở mình như sau: “Thôi, phải biết thương lấy mình, cứ bực mình thế này thì tự làm khổ bản thân, chứ có ai khổ thay cho mình đâu (từ tâm). Cứ giận mình thế này thì bệnh tim, bệnh cao huyết áp của mình khởi lên, lúc ấy không những mất năm trăm mà còn mất cả cuộc đời thì sao (bi tâm). Cũng còn may, vì mới chỉ mất có năm trăm chứ không mất năm ngàn, mất năm chục ngàn, mất mạng mình… (hỷ tâm)”.
Nhờ biết quán xét để tăng trưởng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ như vậy nên bà A dễ dàng đi đến xả tâm, tha thứ cho chính mình: “Thôi của đi thay người, không tức mình nữa, lần sau phải cẩn thận hơn”. Cứ như lý tác ý đúng phương pháp theo hướng từ-bi-hỷ-xả trên chính mình như vậy, bà A sẽ đoạn trừ được tâm sân kiết sử đã phát khởi, đồng thời bà sẽ tẩy trừ dần sân kiết sử còn ngủ ngầm trong tâm mình.
Cũng vậy, em học sinh B khi định vò đầu bứt tai vì bực tức lỗi lầm của chính mình, ngay đó em phải phản tỉnh tức khắc “tâm có sân, tôi biết tâm tôi đang sân”. Và để đoạn diệt tâm sân đang trói cột mình, B cần đặt tâm theo chiều hướng vô sân của từ, bi, hỷ, xả với chính bản thân mình như sau: “Tâm vô sân, tôi còn có tâm vô sân: mình phải biết thương lấy chính mình (từ tâm); cứ bứt đầu vò tai thì tự làm khổ mình chứ ai khổ (bi tâm). Cũng may, mình còn làm đúng các bài toán khác (hỷ tâm). Vả lại ly sữa đã đổ thì không thể lấy lại được. Thôi tha thứ cho mình, lần sau sẽ không như thế nữa”. Cứ tiếp tục quán sát và như lý tác ý theo chiều hướng từ, bi, hỷ, xả để đối trị sân hận chính mình như vậy, em B cũng sẽ thoát khỏi sự trói cột của sân kiết sử đã phát khởi hoặc còn tuỳ miên nơi em.
Tất nhiên bà A và em B cần thường xuyên quán xét để trưởng dưỡng tâm từ bi hỷ xả nơi chính bản thân mình, nhờ vậy mới diệt trừ được sân hận còn ngủ ngầm trong tâm mỗi người. Cho đến khi dù gặp việc đáng tức giận nhưng bà A và em B vẫn không tức mình, bực mình là tránh được biết bao đau khổ do sân kiết sử. Người đã đoạn trừ được sân kiết sử là người tiến một bước tới sự an lạc giải thoát ngay trong hiện tại và tránh khỏi những sanh thú nguy hiểm trong tương lai.
Tóm lại, luôn nhớ nghĩ, quán xét, tư duy và tu tập như lý tác ý theo chiều hướng tăng trưởng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả đối với bản thân là làm trưởng dưỡng tâm vô sân. Tâm vô sân trưởng dưỡng sẽ làm muội lược sân kiết sử tùy miên, nói cách khác, các niệm bực tức chính mình còn ngủ ngầm trong tâm sẽ tự động được tẩy trừ dần. Hoặc giả, khi một niệm sân phát khởi cần phải phản tỉnh phát hiện tức khắc, đồng thời ngay đó quán tâm từ, bi, hỷ, xả và dùng như lý tác ý để tiêu diệt tâm sân này. Thực hiện được như vậy là đã biết quán tâm vô sân trên tâm sân để chế ngự tham ưu do sân kiết sử gây ra.

3.3 Quán tâm vô si trên tâm si
Tâm si có một phạm vi rất rộng và hậu quả tai hại mang lại từ tâm si rất đa dạng, nhiều mặt. Nói một cách tổng quát, các tâm niệm ác, bất thiện gây đau khổ không thuộc tham và sân, đều thuộc phạm trù si. Dù tâm si có nhiều hệ quả khác nhau nhưng tất cả đều do vô minh, tà kiến và tà tư duy mà ra.
Hậu quả tai hại trước nhất của việc không hiểu biết Phật Pháp khiến tâm còn si mê đó là tâm nghi. Tâm nghi trong hệ thống quán tâm không phải là nghi ngờ một đối tượng khác mà là nghi ngờ chính bản thân mình, không biết tự tin nơi chính mình. Vì si mê nên mới không biết tự tin vào năng lực của chính mình trong việc thực hiện Giới - Định - Tuệ. Vì si mê nên mới nghi ngờ bản thân mình không thể nỗ lực vượt thắng các chướng ngại pháp để đi tới giải thoát khổ đau. Hoặc vì si mê nên dễ bị phân vân, lưỡng lự, chùn ý chí, không có quyết tâm trước các khó khăn gặp phải.
Chính vì nghi ngờ như vậy nên không thể cố gắng hết sức mình nhằm đi tới giải thoát và vì thế sẽ không bao giờ được giải thoát. Mang một tâm trạng nghi ngờ như vậy là tự cột trói cột chính mình vào với đau khổ cho đời này lẫn trong đời sau và vì vậy nó được gọi là Nghi Kiết Sử.
Trong cuộc sống bình thường, một người không biết tự tin vào chính bản thân mình nên không thể vận dụng hết khả năng sẵn có của mình, vì thế thường gặp phải những thất bại không đáng có. Trong Phật pháp cũng vậy, và cái giá phải trả cho sự nghi ngờ bản thân mình không thể vượt thắng chính mình để đi tới giải thoát khổ đau chắc chắn là mắc hơn nhiều lần.
Trong kinh Tăng Chi Đức Phật đã dạy rõ, một vị tu sĩ kiên trì hành trì được Tăng thượng giới học toàn phần, tuy Tăng thượng định học và Tăng thượng tuệ học mới chỉ hành trì được một phần, nhưng nhờ chặt đứt được ba sợi dây Nghi kiết sử, Thân kiến kiết sử và Giới cấm thủ kiết sử, vị này là bậc Dự Lưu “không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác” (Kinh Hữu học (2), số 85, TC1, C3 = [I.3.77.2])
Cụ thể hơn: “Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. Sau khi sanh lại bảy lần, sau khi dong ruỗi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc "Gia gia", dong ruỗi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất lai, phải trở lui lại đời này chỉ một lần, rồi đoạn tận khổ đau.” (Kinh Bản tụng đọc (1), số 86, TC1, C3 = [I.3.78.2])
Người thiện tín bố thí cúng dường bốn vật dụng cho một vị dù còn đang trên con đường chứng quả Dự lưu cũng có được vô số vô lượng công đức. Bởi lẽ chính nhờ nhân duyên này mà người hộ độ cúng dường sẽ gặt được quả dị thục tiến tu chặt đứt kiết sử, giải thoát sanh tử luân hồi. Đức Phật đã phân tích rõ trong bài kinh Phân Biệt Cúng Dường (TB3, 142 = [Su.6.8]):
“Tại đây, này Ananda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức. Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức. Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức.
 Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự lưu? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?”
Do vậy người cư sĩ tại gia nên tích cực thực hành hộ độ để hỗ trợ cho người tu sĩ tu tập, theo luật nhân quả khi chính mình có duyên lành xuất gia cũng sẽ được người khác hộ trì giúp đỡ, hoặc nếu tiếp tục còn tại gia thì cũng có duyên may tiếp cận với bậc thiện trí thức để trí tuệ thăng hoa Phật Pháp. Đồng thời, người tu sĩ xuất gia biết tự lợi - lợi tha cũng phải tích cực tự mình gìn giữ giới hạnh hoàn toàn thanh tịnh và nỗ lực tu tập để đoạn trừ tận gốc các kiết sử, có vậy mới biết cách giúp người cư sĩ biết cách đoạn trừ dần những sợi dây oan nghiệt này.
Cũng như các ác bất thiện pháp khác, muốn đoạn diệt được Nghi kiết sử, trước hết cần phải biết nguyên nhân đầu tiên tạo nên sợi dây sanh tử này. Nghi kiết sử chính từ tâm si mà ra. Trong kinh Tăng Chi, Đức Thế Tôn đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tâm si phát khởi và phương cách duy nhất để đối trị nghi ngờ khả năng của chính mình:  
"Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?
Cần phải trả lời là "Không như lý tác ý". “Với ai không như lý tác ý, thời si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng quảng đại. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, khiến si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng quảng đại...
Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì si chưa sanh không sanh khởi, hay si đã sanh được đoạn tận?
Cần phải trả lời là "Như lý tác ý". "Với ai như lý tác ý thời si chưa sanh khởi không sanh khởi, và si đã sanh khởi được đoạn tận. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến si chưa sanh khởi không sanh khởi, hay si đã sanh khởi được đoạn tận”  (TC III:68, tr.362 – 363 = [I.3.60.4]).
Như đã giải thích trong phần quán niệm hơi thở, Như Lý Tác Ý là các câu tác ý theo đúng lý của chánh pháp và được thực hiện lập đi lập lại nhiều lần một cách thích đáng. Có thể hiểu nôm na Như Lý Tác Ý chính là phương pháp "tự kỷ ám thị” đúng pháp, đúng chánh lý. Do si mê, không biết Như Lý Tác Ý hoặc phi Như Lý Tác Ý - tức tự kỷ ám thị sai pháp dẫn đến nghi ngờ bản thân mình - nên dù những người này có đầy đủ năng lực thực sự chăng nữa, nhưng họ vẫn không thể phát huy, khai thác hết tiềm năng sẵn có của mình để thực hiện được điều mong muốn. Ngược lại, nếu biết Như Lý Tác Ý sẽ tạo ra sức mạnh từ nội tâm để có thể đạt được ý nguyện chân chánh ngay cả trong những nghịch cảnh khắt khe.
Khi một niệm nghi ngờ năng lực bản thân khởi lên, trước hết phải tỉnh giác tuệ tri “tâm có si, biết tâm có si” và ngay đó phải nhớ rằng “tâm vô si, tôi có tâm vô si”. Tâm vô si là tâm biết quán xét tìm một câu Như Lý Tác Ý thích hợp để đối trị, tiêu diệt ngay tâm niệm bị trói cột bởi ý niệm si đó.
Ví dụ: khi niệm nghi ngờ bản thân không có khả năng giữ giới khởi lên, phải như lý tác ý đối trị ngay “Mình có quyết tâm cao, phải quyết chí giữ nghiêm giới luật để tu tập”. Nếu tâm khởi những niệm nghi ngờ bản thân không đủ nghị lực và tinh tấn thì phải như lý tác ý ngay: “Mình phải có đủ nghị lực, có đủ quyết tâm và trí tuệ để đi tới giải thoát cuối cùng”. Hoặc tâm khởi niệm nghi ngờ mình không có may mắn để tu tập giải thoát, phải như lý tác ý liền “Mình có năm căn, năm lực sung mãn chắc chắn sẽ có quả tốt lành”. Nếu niệm chùn bước trước các chướng ngại pháp trên con đường tu tập, phải tác ý đối trị ngay: “Mình không thể luân hồi khổ đau lần nữa, phải quyết tâm giải thoát” v..v…
Cứ kiên trì tu tập như vậy cho đến khi các niệm nghi ngờ, bất mãn bản thân theo bất cứ dạng nào cũng không còn khởi lên nữa là đã tiến một bước quan trọng trên con đường đi tới giải thoát.
Cần nhắc lại, không biết tự tin, còn nghi ngờ bất mãn chính mình thì chỉ có Như Lý Tác Ý là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trị. Nhưng cũng cần lưu ý thêm, bên cạnh pháp Như Lý Tác Ý còn có Phi như lý tác ý tức những tác ý không theo đúng lý của chánh pháp. Những tác ý này không những không giúp diệt trừ nghi kiết sử mà còn làm tăng trưởng phiền não, khổ đau và tạo ra những kiểu suy nghĩ bất thiện như duy ý chí, tự mãn, tự cao, tự phụ... Vì vậy người học Phật cần phân biệt rõ để vận dụng cho đúng.
Người tu Phật cần đọc kỹ bài kinh “Tám Căn Cứ Ðể Biếng Nhác và Tinh Tấn” (TC VIII:80 = [I.8.80]) để hiểu thêm về ý nghĩa của Như lý tác ý. Trong bài kinh này Đức Thế Tôn đã dạy một bài học thiết thực cụ thể: trong cùng một sự việc, cùng một hoàn cảnh giống nhau nhưng nếu tác ý không đúng (phi như lý tác ý) sẽ gây ra lười nhác; ngược lại nếu biết tác ý đúng cách (như lý tác ý) sẽ giúp thêm tinh tấn khắc phục trở ngại.
Cách tốt nhất, hiệu quả nhất cho mọi người là thực hành Như Lý Tác Ý nên dựa theo đúng những lời dạy đích thực của Đức Thế Tôn trong Kinh và Luật Pali. Ví dụ người còn giải đãi hãy thường xuyên tác ý lời dạy cuối cùng của Phật “Các hành là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật!”; hoặc tác ý nhắc mình tự điều phục mình "Dầu tại bãi chiến trường, Thắng ngàn ngàn quân địch, Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng." (Pháp cú 103) v.v…
Tóm lại, biết dùng trí tuệ để tu tập Như Lý Tác Ý là tâm vô si. Quán tìm và tu tập các câu Như Lý Tác Ý thích đáng để đoạn trừ, tiêu diệt, tẩy rửa tâm niệm không biết tự tin, nghi ngờ năng lực chính bản thân mình chính là nội dung ý nghĩa của cách quán tâm vô si trên tâm si để đoạn tận tham ưu do nghi kiết sử gây ra. 

Các biến tướng khác của tâm si nghi ngờ
Ngoài nghi ngờ khả năng của bản thân, tâm si còn gây ra rất nhiều tâm bệnh khác nữa. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì si mê không biết cân nhắc suy tư thực hư nên vội mê tín tin vào những điều nhảm nhí không có thực, hoặc những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ. Cũng vì si mê nên đâm ra sợ hãi cả những điều do chính mình tưởng tượng ra. Những biểu hiện của tâm si như vậy khá phổ biến: một đứa bé không dám một mình vào nhà bếp ban đêm vì sợ ma, nhiều người không dám đi ngang nghĩa địa vì nghe đồn sẽ bị quỷ ám, có người sợ hãi đến độ ngất xỉu vì một sự việc không đáng v.v… tất cả đều là những hậu quả của tâm si mà ra.
Những trạng thái tâm lý bất lợi từ tâm si này có thể từng bước chế ngự cũng bằng phương pháp Như lý tác ý. Trong bài kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm (TB1, 4 = [So.1]), Đức Phật đã chỉ cách khắc phục tâm sợ hãi vô lý bằng phương pháp trực tiếp đối diện với sự khiếp đảm vô căn cứ, để thấy rõ thực chất của những sự sợ hãi này ám ảnh chúng ta phần lớn chỉ do óc tưởng tượng của chính mình mà ra.
Trong bài kinh này Đức Phật đã dạy, nếu bóng tối bãi tha ma làm Ngài sợ, Ngài vào nghĩa trang trong đêm tối. Nếu đi làm Ngài sợ, thời Ngài đi. Nếu đứng làm Ngài sợ, thời Ngài đứng lại. Nếu ngồi làm Ngài sợ, thời Ngài ngồi. “Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang nằm mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không ngồi, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang nằm”.
“Khiếp đảm ấy” chính là những nỗi sợ hãi vô hình, những ám ảnh không có thực. Trực diện với những nỗi sợ hãi siêu hình để thấy chúng không có thực là cách nhanh nhất đoạn trừ căn bệnh này. Tuy nhiên cũng tuỳ đặc tướng của từng người mà thực hiện phương pháp này theo từng bước một.
Nếu đứa trẻ sợ bóng tối nhà bếp, cha mẹ hãy cùng con vào nhà bếp ban đêm và dạy chúng hãy tự mình tác ý rằng ngoài bóng tối nhà bếp chỉ có nồi, niêu, chén, bát... Khi trẻ đã dạn dĩ hơn, cha mẹ hãy đứng bên ngoài và khuyến khích con tự mình bước vào cùng với những lời tác ý mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian, chính đứa trẻ có thể quen với khung cảnh nhà bếp và trở nên tự tin hơn cho đến lúc vượt qua được sự sợ hãi bóng tối. Từng bước tu tập phương pháp Như lý tác ý để biết tự tin, tự mình chiến thắng sự sợ hãi vô lý, thoát khỏi nỗi ám ảnh siêu thực, đây cũng là nội dung của phần quán tâm vô si trên tâm si. 
Một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni còn bị tâm si trói cột sẽ không dám sống trong cảnh rừng núi u tịch, hoặc bị ám ảnh vì những điều hoang tưởng cũng không thể an trú tâm tu tập. Trong Kinh Tăng Chi, Đức Thế Tôn chỉ rõ thành tựu năm nguyên nhân sẽ giúp không còn sợ hãi: có lòng tin, có giới, nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ . Thành tựu năm pháp này cũng có nghĩa tâm vô si được trưởng dưỡng để đoạn diệt sợ hãi do si mê gây ra. Đây cũng chính là biết quán tâm vô si trên tâm si để khắc phục phiền não do sự sợ hãi vô lý gây ra.
Bên cạnh đó, trong kinh Tương Ưng, Đức Thế Tôn cũng dạy thêm cách đặt tâm niệm nhớ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng để đối trị tâm nhút nhát, hoảng sợ: “Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Như Lai,…đến Pháp, …đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy” (TƯ1, 218 = [Sd.10.3]).
Như vậy tâm niệm nhớ nghĩ đến Phật-Pháp-Tăng cũng là tâm vô si, và đây là cách quán tâm niệm Tam Bảo trên tâm si để đoạn trừ sợ hãi vô lý do si mê gây ra (Theo phương pháp này, tùy tín ngưỡng khác nhau, các tín đồ cũng có thể vận dụng đức tin riêng của mình để không còn hoang mang sợ hãi nhảm nhí).
Ngoài các biểu hiện nêu trên, tâm si còn có một loại biến tướng khác nữa cũng nguy hiểm không kém, đó là những tâm niệm tiêu cực rất mơ hồ, không có lý do gì cả, bất chợt khởi lên trong tâm theo kiểu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Thật ra những ý niệm u ám này chỉ là những dòng lưu xuất từ trong tiềm thức rò rỉ ra (kinh văn xếp vào loại “vô minh lậu” - một trong ba lậu hoặc). Những tâm niệm bất lợi này chỉ thoáng qua, nhưng nếu không tiêu diệt ngay, lâu ngày chúng sẽ tích tụ dần và lớn mạnh, đến một lúc nào đó có thể khiến một người trở nên buồn bã, bi quan, trầm cảm thật sự, thậm chí dẫn đến tự tử. 
Do vậy, một khi những niệm vô minh này phát khởi, người học Phật phải tỉnh giác tuệ tri ngay “tâm có si, tôi biết tâm tôi có si” và chánh niệm đoạn diệt chúng ngay liền. Đối trị với tâm si này không có cách nào khác tốt hơn là Như lý tác ý. Vì thế nếu những tâm niệm theo kiểu “tôi buồn không hiểu” bỗng dưng phát khởi, đừng mất thì giờ tự hỏi “vì sao tôi buồn” và cũng đừng bỏ qua chúng, mà phải tức khắc quét tận gốc chúng ra khỏi tiềm thức bằng câu Như lý tác ý thích đáng, ví dụ “niệm vô minh hãy cút đi”, hoặc “không có buồn chán gì hết, tâm phải phấn chấn lên”, hoặc “tâm ta hân hoan lên”... Cứ như vậy tiếp tục cho đến khi các niệm bất thiện này không còn khởi lên nữa mới thôi.
Vì tâm si này từ tiềm thức rò rỉ ra nên chúng xuất hiện một trăm lần, thì phải Như lý tác ý đối trị một trăm lần hoặc nhiều hơn; nếu chúng xuất hiện một ngàn lần, phải Như lý tác ý đối trị một ngàn lần hoặc nhiều hơn. Có vậy mới tẩy rửa hết loại “vô minh lậu hoặc” hắc ám này. Người học Phật có tu tập Định niệm hơi thở và hiểu được vô minh lậu hoặc này cũng sẽ hiểu được vì sao trong 16 câu Như lý tác ý của Định niệm hơi thở lại có câu: “Với tâm hân hoan”, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan”, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.
Riêng đối với người đã bị u uất, trầm cảm do tự kỷ lâu ngày càng phải thực hành phương pháp Như lý tác ý tích cực hơn nữa mới mong “nhổ cỏ tận gốc” tâm bệnh phiền não này. Cần nhớ thêm lời Phật dạy: Cái gì là thức ăn cho Như ý tác ý? Lòng tin, cần phải trả lời như vậy” (bài kinh Vô minh, TC4, C10, số 61 = [I.10.61]). Do vậy, người học Phật hãy đặt lòng tin nơi Đức Phật, nơi pháp Như lý tác ý và nơi chính bản thân mình, kiên trì tu tập phương pháp này mới thấy được giá trị thật sự của diệu pháp.
Tóm lại, trong phần đầu của phần quán tâm, các tâm tham, tâm sân, tâm si được xem là những “tâm bệnh”, ngược lại các tâm vô tham, tâm vô sân, tâm vô si chính là những “tâm thuốc” chữa bệnh. Cách điều trị là phải quán các tâm thuốc trên tâm bệnh tương ưng để khắc phục tham ưu do các tâm bệnh này gây ra. Mỗi bệnh phải có thuốc điều trị riêng theo từng phương cách cụ thể.
- Quán tâm vô tham trên tâm tham để khắc phục tham ưu do tham kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô sân trên tâm sân để khắc phục tham ưu do sân kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô si trên tâm si để khắc phục tham ưu do nghi kiết sử gây ra.
Đến đây một điểm cần phải lưu ý là trong phần đầu của hệ thống quán tâm, các “tâm bệnh” tham – sân – si được giới thiệu trước, còn các “tâm thuốc” vô tham – vô sân – vô si được giới thiệu sau. Đó là vì các tâm bệnh này rất phổ biến, có thể gặp ở rất nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc. Thế nhưng trong đoạn kinh kế tiếp của hệ thống quán tâm, thứ tự lại đảo ngược: các “tâm thuốc” được giới thiệu trước, còn các “tâm bệnh” được giới thiệu sau.
Cụ thể đó là các cặp tâm thâu nhiếp trước tâm tán loạn, tâm quảng đại trước tâm không quảng đại, tâm có định trước tâm không có định, tâm giải thoát trước tâm không giải thoát (ngoại trừ trường hợp tâm “bệnh” hữu hạn trước tâm “thuốc” vô thượng, vấn đề này thiết nghĩ do quá trình chuyển ngữ, thuộc chi tiết, không quan trọng). Sở dĩ có sự thay đổi về thứ tự là do các “tâm thuốc” này không những dùng để đặc trị “tâm bệnh” tương ứng mà chúng còn có rất nhiều giá trị đặc biệt khác nữa (Xem kinh Nikaya). Trong khi đó, các tâm bệnh lại được nói đến sau vì chúng ít phổ biến hơn, mạnh hay yếu tùy theo từng người, từng lúc, từng nơi.
Để giúp nhận thức rõ hơn các ý nghĩa trên hãy lần lượt quán xét từng cặp tâm tương ứng.

3.4 Quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn 
Tâm tán loạn là trạng thái mất bình tĩnh hoặc sợ hãi quá đáng trước một sự việc nào đó (sợ hãi do tâm si đã nói ở trên là sợ hãi vào điều không có thật, chỉ do tưởng tượng). Khi tâm bị tán loạn có thể gây ra những hậu quả không đáng có, hoặc đem lại những thất bại đáng tiếc.
Ví dụ một em học sinh tuy rất giỏi nhưng khi ngồi trong phòng thi em lại cảm thấy quá hồi hộp, bấn loạn đến độ quên hết những điều đã học, do vậy bài làm của em bị nhiều sai sót khiến em bị thi rớt một cách oan uổng. Hoặc giả, một ứng viên có nghiệp vụ chuyên môn cao nhưng lại bị ức chế, mất bình tĩnh trong khi phỏng vấn xin việc nên đã không thể trả lời chính xác các câu hỏi để rồi bị loại một cách đáng tiếc.
Đối với một tu sĩ, khi tâm bị tán loạn chắc chắn sẽ không thể nhập định hay an trú trong thiền định. Thậm chí trong một số trường hợp, tâm quá hoảng loạn cũng có thể dẫn đến ngất xỉu vì sợ hãi. Ví như một người vì quá sợ rắn, khi bất ngờ nhìn thấy con vật, mặc dù chưa bị nguy hiểm nhưng vẫn có thể chết giấc vì chính tâm trạng hoảng loạn của mình v.v… Tất cả những hiện tượng nêu trên đều là biểu hiện của tâm tán loạn.
Các tâm bệnh này cũng là những biến tướng của tâm si, do đó cũng cần chế ngự bằng phương pháp Như lý tác ý kết hợp với phương pháp quán tâm thâu nhiếp.
Để hiểu rõ cách đối trị tâm tán loạn bằng tâm thâu nhiếp, có thể hình dung trạng thái tâm hoảng loạn giống như một lồng cầu đang quay tròn, bên trong có các trái banh với nhiều mầu sắc khác nhau và chúng bắn đi theo khắp mọi hướng. Lồng cầu ví như tâm tán loạn và mỗi trái banh được ví như một ý niệm và chúng phát khởi trong tâm một cách hỗn loạn, không theo một chiều hướng như ý muốn. Vì vậy muốn kềm thúc các “trái banh ý niệm” tán loạn này, chỉ có cách duy nhất là thâu nhiếp chiếc lồng cầu thành một khối để các trái-banh-tâm trụ vào một điểm. Khối lồng cầu thu gọn chính là tâm thâu nhiếp và điểm hội tụ cho các ý niệm chính là hơi thở.
Khi tâm tán loạn hơi thở sẽ rối loạn, ngược lại khi hơi thở được điều phục, điều hoà thì trạng thái tâm sẽ theo đó được ổn định. Chính vì vậy Đức Phật đã dạy: “Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập” (TC VI:115, tr.268 = [I.6.115]), bởi lẽ “khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có” (It.80 = [Iti.85]).
Em học sinh hoặc người ứng viên dự thi nếu bị tâm bấn loạn do quá hồi hộp, ngay lúc ấy phải tỉnh giác tuệ tri “tâm tán loạn, tôi biết tâm tôi tán loạn", đồng thời phải tự nhắc mình “tâm thâu nhiếp, tôi có tâm thâu nhiếp”. Và thực hành thâu nhiếp tâm ngay vào hơi thở kết hợp với Như lý tác ý như sau: “Hơi thở điều hoà, tôi biết tôi đang hít vô. Hơi thở điều hoà, tôi biết tôi đang thở ra”; hoặc “Với tâm bình tĩnh, tôi biết đang hít vô. Với tâm bình tĩnh, tôi biết đang thở ra”; hoặc “Mọi việc sẽ ổn, hít vô điều hoà. Mọi việc sẽ ổn, thở ra điều hoà”...
Chú tâm theo hơi thở cùng với các câu tác ý thích đáng sẽ giúp tâm dần trở lại trạng thái bình thường. Với những người có tín ngưỡng về tâm linh cũng có thể thâu nhiếp tâm nhớ nghĩ nơi đức tin trong sạch của mình  - như trong phần tâm vô si - nhờ vậy cũng sẽ giúp tâm trở về trạng thái bình tĩnh, an ổn nhanh hơn. Đối với người có tu tập định niệm hơi thở và thường như lý tác ý tâm vô si, biết tự tin nơi chính mình, thì hiệu quả cũng sẽ tốt đẹp hơn.
Trong trường hợp quá sợ một đối tượng nào đó (như rắn, côn trùng, nhện, sâu bọ…) khiến tâm hoảng loạn thì cần phải khắc phục tình trạng này bằng cách từng bước tiếp cận hợp lý với sự khiếp đảm để quen dần với đối tượng (giống như trong Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm đã nói ở phần tâm vô si).
Ngày nay phương pháp tiếp cận trực tiếp theo từng giai đoạn một cách thích đáng cũng đã được các nhà tâm lý học áp dụng nhằm giúp các bịnh nhân không còn bị hoảng hốt, ngất xỉu khi thấy các đối tượng mà mình quá sợ hãi (tất nhiên với các đối tượng quá nguy hiểm, tránh né là tốt hơn. Xem kinh Tất cả các lậu hoặc, TB1,2 = [U.4]).
Tóm lại, biết nhiếp tâm trên niệm hơi thở vô, hơi thở ra cùng với các câu Như lý tác ý thích ứng hoặc đặt tâm nhớ nghĩ đến Tam Bảo để khắc phục sự tán loạn, đó là đã biết quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn nhằm chế ngự tham ưu do tâm tán loạn gây ra.

***

(Xem tiếp phần 4: Quán Tâm (b))