Thursday 16 June 2011

Quán khổ trong vô thường hay Quán khổ trên vô thường? Quán vô ngã trong khổ hay Quán vô ngã trên khổ?

Thông thường, trong cuộc sống, khi đứng trước khổ đau, nếu ta đặt tâm suy nghĩ không đúng hướng, sẽ khiến khổ đau ít thành khổ đau nhiều, khổ đau nhiều sẽ thành khổ đau không thể vượt qua. Ngược lại nếu ta biết đặt tâm suy nghĩ đúng hướng, có thể biến khổ đau nhiều thành khổ đau ít, khổ đau ít thành không khổ đau.

Thậm chí, tâm đặt đúng hướng còn có thể giúp đâm thủng được cả vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết Bàn: “Này các Tỷ-kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.” (Bài kinh “Tâm đặt sai hướng”, Tăng Chi tập 1, Chương 1, trang 21 = TC1, C1, tr.21 = [I.1.5]) (*)

Những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển Nikaya đều nhằm giúp chúng ta biết đặt tâm đúng hướng, giúp nhận thức rõ khổ để từng bước đoạn trừ khổ theo chiều hướng tích cực nhất. Đây là những phương pháp thuộc về trí tuệ giải thoát có giá trị bất biến với thời gian và không gian, dành cho mọi đối tượng.

Thế nhưng để nhận thức được những giá trị này, người học Phật phải thận trọng thọ trì từng câu từng chữ trong Kinh điển Nikaya, nếu không, sẽ không thể hiểu hết được ý nghĩa vi diệu của Thánh pháp. Có những lời dạy của Đức Thế Tôn mới nghe qua tưởng chừng như giống nhau, nhưng kỳ thực chúng hoàn toàn khác biệt, có giá trị cứu khổ khác nhau.

Dưới đây là hai dẫn chứng tiêu biểu:

-- “Có sáu pháp này thuộc về minh phần. Thế nào là sáu? Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt. Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, là thuộc về minh phần” (TC3, C6, tr.88 = [I.6.35])

-- “Này các Tỷ-kheo, có chín tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là chín? Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng ghê tởm đối với các món ăn, tưởng không ưa thích đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham. Này các Tỷ-kheo, chín tưởng này được tu tập, được làm sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh” (bài kinh Tưởng, số16, TC4, C9, Phẩm Tiếng Rống Con Sư Tử = [I.9.16])

Trong hai đoạn kinh trên có nói đến nhiều cách quán tưởng khác nhau, nhưng bài viết này chỉ bàn đến các cách “quán khổ trong vô thường - quán vô ngã trong khổ”, và “quán khổ trên vô thường - quán vô ngã trên khổ”. Bốn cách quán này chỉ khác nhau có một chữ “trong” và “trên” nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, và giá trị giúp diệt khổ cũng hoàn toàn khác biệt.

Phần phân tích dưới đây sẽ giúp phân biệt những ý nghĩa này.

I. Quán khổ trong vô thường. Quán vô ngã trong khổ

Một đặc điểm rõ nét làm căn cứ để thấy được sự khác biệt, đó là Đức Phật thường dạy cách quán khổ trong vô thường và quán vô ngã trong khổ cho cả những cư sĩ tại gia. Điển hình là Đức Phật đã dạy cho cư sĩ Dìghàvu lúc lâm chung:

“Do vậy, này Dìghàvu, sau khi Ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, Ông hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (chavijjà-bhàgiye dhamme). Ở đây, này Dìghàvu, Ông hãy trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập” (Tương Ưng tập 5, bài kinh số 344 = TƯ5, 344 = [Ss.1.3]).

Vị cư sĩ Dìghàvu đã thực hiện tốt đẹp lời dạy của Đức Thế Tôn khi mệnh chung, sau đó đã được Đức Phật ấn chứng “Cư sĩ Dìghàvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này nữa” (Sđd).

Do đâu sự tu tập “sáu minh phần pháp” với cách quán khổ trong vô thường và quán vô ngã trong khổ lại giúp người thực hành đạt được thành quả như vậy? Để tìm hiểu cụ thể, cần phân tích từng cách quán một. Trước hết là cách quán khổ trong vô thường.

I.1 Quán Khổ Trong Vô Thường

Như được biết, khái niệm “quán” trong đạo Phật có nghĩa là quán sát, quán tưởng, quán tầm, quán xét, suy tư, tư duy và tác ý.

Thông thường khi gặp phải khổ đau, nếu chúng ta chỉ thấy khổ đau theo hướng thường hằng lâu dài, thì đau khổ sẽ tăng trưởng thêm, từ đau khổ ít có khi biến thành đau khổ nhiều, từ đau khổ nhiều có thể trở thành đau khổ không thể vượt qua. Thậm chí nếu tác ý theo hướng thấy khổ đau vĩnh viễn, không thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”, sẽ dễ rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng, không có lối thoát, để rồi có khi hành động rồ dại hoặc tìm tới cái chết để giải thoát.

Như Đức Phật đã dạy “Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi” (Kinh Cội Rễ Sự Vật, số 83, TC4, C8, Phẩm Niệm = [I.8.83]), vì vậy nếu tác ý khổ đau theo hướng thường hằng thì nỗi khổ mà ta chịu đựng cũng sẽ trở thành lâu dài vĩnh viễn; nhưng ngược lại nếu biết tác ý khổ đau, theo lẽ chân thật của chúng, cũng biến diệt vô thường, khi đau khi không đau, lúc này khổ lúc khác không khổ thì sẽ cảm thấy đau khổ nhẹ nhàng hơn, dễ kham nhẫn hơn.

Ông cụ A bị đau lưng, nếu ông nghĩ rằng “Ta cứ bị đau lưng mãi thế này chắc đến chết mất thôi”, thời ông sẽ luôn cảm thấy khổ sở với cái lưng đau. Đó là do ông A tác ý “lưng đau suốt đời”, cho nên suốt đời ông phải thấy đau lưng là điều dễ hiểu. Và điều này có nghĩa ông bị khổ hai lần: đau nơi lưng do tuổi già và khổ nơi tâm do quán lưng đau trong thường hằng. Nhưng ngược lại, nếu khi lưng đau ông A biết tác ý như sau: “Lại đến hồi đau lưng đây, nhưng cũng như mọi lần, đau một lúc lại hết, ráng chịu một chút sẽ qua”. Nhờ cách tác ý quán tưởng khổ trong sự vô thường như vậy, tâm ông A trở nên đỡ phiền não hơn, ông có thể an trú kham nhẫn tốt hơn so với cách tác ý theo chiều hướng thấy khổ trong thường hằng.

Bà vợ C thường phàn nàn về chồng, nếu bà cứ nghĩ rằng: “Trời ơi suốt đời mình phải chịu đựng một kẻ nóng tính như thế này, khổ quá đi thôi”. Tất nhiên nỗi khổ của bà C sẽ tăng lên vì bà đã tác ý khổ đau suốt cả cuộc đời. Ngược lại bà vợ D cũng gặp phải ông chồng y như vậy nhưng tác ý rằng: “Chồng mình tánh tình lúc thế này, lúc thế khác. Nóng giận ầm ầm một lát nhưng rồi lại quên ngay, chốc lát lại cười vui như con nít thôi”. Bà D nhờ biết suy nghĩ theo kiểu khổ trong vô thường như vậy, nên bà sẽ cảm thấy gánh nặng khổ đau vơi đi rất nhiều.

Ông E bị thất nghiệp, và vì áp lực kinh tế gia đình khiến tinh thần căng thẳng. Nếu ông chỉ nghĩ rằng ông không còn cơ hội nào để giải quyết, tình trạng tồi tệ sẽ không có lối thoát, tất nhiên ông sẽ rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Cứ tiếp tục quán khổ trong thường hằng như vậy sẽ đến lúc ông E đi đến sự quẫn trí, có thể hành động nguy hại cho mình hoặc cho những người khác. Nhưng ngược lại, nếu ông biết tất cả mọi việc dù tốt, dù xấu cũng có thời hạn của nó, tình trạng không may của ông cũng thế, chắc chắn sẽ đến lúc “bĩ cực thái lai”. Nhờ biết quán thấy khổ trong vô thường như vậy sẽ giúp ông E kham nhẫn hơn, chịu đựng tốt hơn hoàn cảnh của mình.

Riêng đối với vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đang cần cầu giải thoát, nếu biết luôn quán sát sự vô thường có thể xảy đến cho mình bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu, thậm chí trong từng hơi thở, từng sát-na sẽ giúp vị tu sĩ tinh tấn trong tu tập để đạt đến cứu cánh Niết-bàn, đồng thời giúp kham nhẫn tốt hơn những nghịch cảnh hiện tại. Đức Thế Tôn trước lúc nhập diệt đã nhắc nhở những lời cuối cùng: “Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: ‘Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật’”.

Những người lạc quan thường có cách nói theo kiểu “sau cơn mưa trời lại sáng”, hoặc “ánh sáng cuối đường hầm”, hoặc “khổ đau rồi cũng qua đi, mọi việc rồi đâu cũng lại vào đấy” v.v.. cũng giúp con người kham nhẫn tốt hơn với khổ đau hiện tại. Tuy nhiên, cần phân biệt cách quán khổ trong vô thường của Đạo Phật không phải là kiểu quán tưởng bằng sự hy vọng suông, mơ ước suông. Vì khi hy vọng trở thành thất vọng, mơ ước biến thành mơ tưởng thì khổ đau có khi còn tăng thêm. Ngược lại, cách quán khổ trong vô thường của Đạo Phật chính là nhận chân bản chất cuộc sống như sự thật vốn có của nó!

Ngay trong trường hợp phải chịu đựng những đau khổ của cận tử nghiệp, như cư sĩ Dìghàvu ở trên, cũng cần phải quán khổ trong vô thường để bớt khổ. Để minh chứng thêm điều này, lời dạy tiêu biểu của Đức Thế Tôn dành cho Tỳ-kheo Assaji, người đang bị bệnh đau đớn trầm trọng là điển hình:

“22) Khi cảm giác lạc thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường”; vị ấy biết rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ". Khi cảm giác khổ thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường”; vị ấy biết rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ". Khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết rõ: "Là vô thường"; vị ấy biết rõ: "Là không nên đắm trước"; vị ấy biết rõ: "Là không nên hoan hỷ".

23) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy.

24) Nếu vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân". Nếu vị ấy cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: "Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng". Vị ấy biết rõ rằng: "Khi thân hoại mạng chung trên cho đến khi sinh mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những gì vị ấy cảm thọ, tất cả những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh lương!" (TƯ3, 124 = [Ve.7.88])

Cũng vậy, tất cả mọi sự việc trên đời này đều vô thường, có sanh khởi tất phải có đoạn diệt, và bất kỳ khổ đau trên đời này theo bất kỳ dạng nào cũng phải theo quy luật sanh diệt này, tất cả rồi “sẽ trở thành thanh lương”. Chính nhờ những tác ý lạc quan đúng hướng như vậy nên giúp ta hóa giải được nhiều khổ đau: đau khổ lớn thành đau khổ nhỏ, đau khổ nhỏ thành không khổ đau.

I.2 Quán Vô Ngã Trong Khổ

Như trong phần giải mã Kinh Niệm Xứ đã trình bày, khái niệm “vô ngã” có hai nghĩa liên hệ mật thiết với nhau, đó là “vô ngã chấp” và “vô ngã mạn”. Người học Phật cần nắm vững và vận dụng những nhận thức này trong cách “quán vô ngã trong khổ”. Nhưng trước hết hãy tìm hiểu thế nào là “quán ngã trong khổ đau” và sự tác hại của nó.

Người “quán ngã trong khổ” là người trong đau khổ chỉ biết có nỗi đau của mình, chỉ nghĩ tới bất hạnh của mình. Vì chỉ nghĩ tới bản thân mình và nỗi đau của mình nên đau khổ càng nhiều hơn, càng thấy bất hạnh nhiều hơn. Hơn thế nữa, nếu cứ so sánh với sự may mắn hoặc sung sướng của người khác, người này sẽ rơi vào mặc cảm tự ti, chính vì thế đau khổ lại càng nhiều hơn, thậm chí nỗi đau khổ trở thành không thể vượt qua nổi.

Nếu một em bé tật nguyền chỉ nghĩ đến những bất hạnh của bản thân em và lại nghĩ rằng các bạn khác không bị như em; em sẽ mặc cảm nhiều hơn, em sẽ khổ hai lần: khổ vì chính sự tật nguyền nơi thân và khổ vì sự “tật nguyền” nơi tâm do sự so sánh tự ti mặc cảm với người khác. Một cụ già bị thấp khớp, suốt ngày cụ chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình rồi than thân trách phận, đã thế cụ lại càng buồn hơn khi nghĩ đến những người khác không phải chịu cảnh thấp khớp như bà. Cứ vậy bà cụ sẽ khổ hai lần: đau nơi chân và buồn khổ nơi tâm. Đây là cách quán “ngã trong khổ đau”.

Quan sát kỹ những người bị bệnh trầm cảm, chúng ta có thể thấy một nguyên nhân khá phổ biến, đó là những người bị trầm cảm hay nhìn vào bản thân mình và hoàn cảnh của mình theo chiều hướng bi quan. Một trong những nguyên nhân chính gây ra điều này là do từ sự ích kỷ, vị kỷ mà ra. Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận quan điểm này khi quan sát một đứa bé vị kỷ.

Như thường được thấy, đứa bé ích kỷ thường không muốn chia sẻ đồ chơi ưa thích cho anh trai của nó, nó cứ ôm giữ chặt món đồ chơi cho riêng mình. Cứ như vậy điều gì sẽ xẩy ra cho đứa bé? Đương nhiên với tập quán xấu này, đứa bé cũng cứ phải ôm giữ lấy những nỗi khổ đau cho riêng nó, mặc dù nó không muốn. Và nó cũng không thể chia xẻ nỗi khổ với bất cứ ai. Vì sao? Vì chính thói quen của sự ích kỷ, vị kỷ mà ra. Có thể nói đây là bước đầu tiên đẩy đứa bé đến gần với những căn bệnh về tâm lý như u uất, trầm cảm, sầu bi...

Chính vì thế các nhà tâm lý thường khuyên các bệnh nhân trầm cảm nên tích cực giải tỏa tâm sự của mình cho bạn bè, cho người thân. Người bệnh nên tránh một cuộc sống khép kín, cô độc. Người Việt Nam rất tinh tế khi nói “chung vui, chia buồn”: vui vẻ cùng với nhau, niềm vui tăng lên gấp đôi; nỗi buồn được chia xẻ, nỗi buồn vơi đi một nửa.

Tuy nhiên, không phải tất cả bạn bè, người thân của ta đều sẵn sàng chia sẻ với ta, hoặc không phải bất cứ lúc nào họ cũng rảnh rỗi lắng nghe nỗi buồn của ta. Vì vậy cách tốt nhất là mỗi người phải chủ động chữa trị tâm bệnh cho mình. Chữa bằng cách nào? Câu chuyện về Tỳ-kheo-ni Kisa Gotami (Therì.143 = [N.63]), người đã thoát khỏi sự khổ đau đến mức độ điên loạn, cho chúng ta một bài học thiết thực.

Như trong kinh văn ghi lại, khi còn tại gia, bà Gotami đã phải sống trong cảnh bị chồng và gia đình chồng bạc đãi, khinh rẻ chỉ vì bà là người phụ nữ bị hiếm muộn. Trong xã hội thời ấy, cho dù người phụ nữ đã là vợ, là con dâu nhưng không có con trai nối dõi, thì địa vị của họ đối với chồng và gia đình chồng không được công nhận.

Tuy vậy, sau một thời gian dài mong mỏi bà cũng sinh được một đứa con trai nối dõi cho chồng, cho gia đình chồng. Từ một người con dâu, người vợ bị xem thường, nhờ có con trai nên bà Kisa Gotami đã có tất cả: sự yêu thương, kính trọng và tài sản. Có thể hình dung niềm hạnh phúc vô bờ của một người mẹ, người vợ, người con dâu như bà Kisa Gotami như thế nào.

Thế nhưng bất hạnh thay, vô thường xảy đến, chẳng bao lâu sau đứa con trai độc nhất của bà bị chết. Niềm vui, niềm hạnh phúc duy nhất của đời bà bị tan vỡ, thay vào đó là những đau đớn tột cùng. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau khổ của một người mẹ mất đứa con duy nhất của mình? Đã thế bà lại còn bị mất tất cả những gì đã có trước đây: sự quý trọng, tài sản, chồng lấy người khác. Gánh lấy nỗi đau tột cùng, bà Gotami trở thành điên loạn. Bà ôm xác đứa con đi khắp nơi, gặp ai bà cũng chỉ cầu xin một điều: “Hãy cứu lấy con tôi!”.

Cho đến một hôm, trong cơn tuyệt vọng cùng cực bà được nghe có người mách rằng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni có nhiều thần thông, may ra Ngài có thể cứu cho con bà. Với niềm hy vọng con mình được cứu sống, người mẹ bất hạnh liền tìm đến bên Đức Phật. Sau khi nghe bà giải tỏa nỗi niềm đau khổ, Đức Phật đã ôn tồn bảo bà: 'Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!”.

Như được một nguồn sức mạnh hỗ trợ, bà Gotami xin gởi lại xác con trai để lên đường tìm kiếm hạt cải quý giá ấy. Bà đi từ nhà này sang nhà khác, từ làng này qua làng nọ, gặp ai bà cũng hỏi để tìm xem có một gia đình nào không có người thân quá vãng. Dù đã qua nhiều nơi, hỏi rất nhiều người nhưng bà mẹ vẫn không nản lòng. Bà đi, đi mãi, cho đến một lúc bà giật mình tỉnh ngộ, hiểu được bài học Đức Thế Tôn muốn dạy cho bà mà bấy lâu vì mê muội bà đã không nhận thức được. Và thế là bà quay về xin chôn cất đứa con. Sau đó bà trở lại xin xuất gia nơi vị Đạo sư đã dùng “hạt cải” để cứu sống bà. Không lâu sau, bà Gotami đã đâm thủng được cả vô minh, chứng được thánh quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn khổ đau.

Nghe xong câu chuyện trên, vấn đề đặt ra là bà Kisa Gotami đã ngộ được điều gì khiến cho bà vượt thoát được cả trạng thái điên loạn? Tiến trình tâm lý vượt qua khổ đau của bà như thế nào? Có hợp lý không? Hay đây chỉ là chuyện hoang đường có tính chất tín ngưỡng của tôn giáo?

Phân tích kỹ trường hợp của bà Kisa Gotami có thể thấy rất thực tế, và tiến trình tâm lý hoàn toàn logic. Thật vậy:

Thứ nhất, bà Gotami đã có được niềm tin thay thế cho sự tuyệt vọng, từ niềm tin ấy bà có thêm sức mạnh cần thiết cho bản thân mình, điều này kinh văn gọi là “tấn căn” sanh khởi từ “tín căn”. Trong cuộc sống lòng tin chân chánh rất quan trọng, nó có thể giúp một người tăng cường nghị lực hơn, nỗ lực hơn để thoát khỏi bế tắc, hiểm nguy. Trong Đạo Phật, để thoát khỏi khổ đau, tín căn cũng quan trọng như vậy!

Thứ hai, bà Gotami trên con đường đi tìm một gia đình không có người thân quá cố cũng là quá trình bà mẹ bất hạnh phải chú tâm hỏi và lắng nghe người khác trả lời. Đây chính là cách giúp cho bà trở về với ý thức tỉnh giác nhằm thoát khỏi trạng thái bị tưởng uẩn chi phối vì khổ đau.

Thứ ba, theo nguyên tắc vận hành của tâm, khi đặt tâm chú ý vào một vấn đề này thì các vấn đề khác không khởi lên, bởi, trong một thời điểm tâm không thể khởi hai ý niệm cùng một lúc. Nói khác đi, ý niệm đau khổ nơi bà Gotami tạm thời được thay thế bằng những ý niệm tích cực hơn. Đây chính là phương pháp “dùng một cái nêm nhỏ để đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác” (Kinh An Trú Tầm, số 20, Trung Bộ 1 = [U.13]).

Thứ tư, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là trong sự tỉnh giác ấy bà Gotami đã có nhiều dịp hướng tâm đến những sự kiện ngoài nỗi đau riêng của bà. Bà đã trực tiếp nhìn thấy thực tế cũng có biết bao gia đình khác cũng phải chấp nhận khổ đau tất yếu của cuộc sống, chứ không phải chỉ có gia đình bà. Ai ai cũng có nỗi đau mất mát riêng của họ: có người con bị mất mẹ, có người cha bị mất con, có người vợ mất chồng, có người anh mất em, có người em mất chị... Bà Gotami đã có dịp tận mắt chứng kiến có nhiều người còn khổ đau hơn bà: có đứa bé bước đi chưa vững đã mất cha, có người con tàn tật ốm đau lại mất mẹ, thậm chí có bà mẹ sau cơn thiên tai mất tất cả gia đình, chồng con, cha mẹ, anh em, tài sản.

Hóa ra không phải chỉ có một mình bà gặp bất hạnh, mà nhiều nhiều người chung quanh bà cũng mang những nỗi khổ đau riêng của họ, và trên hết, mọi nỗi khổ đau ấy vẫn là hai chữ vô thường. Thấu rõ bản chất vô thường của cuộc sống, thấu nỗi khổ của mình đồng thời phải thấu cảm với biết bao nỗi khổ của người khác, chính những lúc ấy nỗi bất hạnh của bà được vơi đi và lắng dịu, thay vì bà cứ chìm đắm trong nỗi khổ đau riêng của mình.

Khi bà mẹ bất hạnh chỉ nghĩ đến đau khổ của cá nhân mình, nỗi đau ấy trở thành to lớn đè nghẹt trái tim bà. Nhưng khi bà biết mở tâm nhìn ra chung quanh, bà mới thấy nỗi đau ngút ngàn của các chúng sanh khác như cả một đại dương sâu thẳm, như cả một bãi sa mạc mênh mông. Và khi biết mở tâm, mở lòng để chia xẻ với những niềm đau vô tận ấy, chính lúc đó bà mới thấy nỗi đau của mình nhỏ lại. Nỗi đau của bà giờ đây chỉ như một giọt nước trong biển khổ đau của nhân loại, nó chỉ như một hạt cát giữa bãi sa mạc khổ đau của cuộc đời.

Nhờ biết mở tâm nên mở trí, nhờ mở trí nên bà Gotami đã tự mình hóa giải khổ đau của mình: từ nỗi đau không thể vượt qua giờ đây nó trở nên nhỏ lại, từ nỗi đau nhỏ lại trở thành sự thật được chấp nhận một cách tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn. Và như vậy bà Kisa Gotami từ khổ đau thành điên loạn, và từ điên loạn bà trở về trạng thái tỉnh thức. Từ sự tỉnh thức và nhận thức đúng hướng bà đạt được sự bình tĩnh hơn. Từ sự bình tĩnh đến biết chấp nhận khổ đau để rồi vượt qua khổ đau, tiến trình này có gì là vô lý? Và đây cũng chính là ý nghĩa thứ nhất của cách quán “vô ngã trong khổ”: có nghĩa là trong đau khổ đừng nghĩ tới mình và nỗi đau của mình quá nhiều.

Cũng vậy, em bé tật nguyền chỉ vì nghĩ tới bản thân mình nên em sẽ thấy bất hạnh nhiều hơn, khốn khổ nhiều hơn. Nhưng giờ đây em hãy quán sát kỹ mọi người chung quanh mình, em sẽ thấy ai cũng có nỗi khổ riêng của họ, ai cũng ôm khối “tật nguyền” riêng của mình. Bà hàng xóm tuy còn đi đứng được, nhưng lại bị “tật nguyền” nơi tim phải chết đi sống lại mấy lần. Ông bác đầu xóm mới hôm nào còn qua nhà em, giờ đây một cơn tai nạn đã quật ông phải nằm im bất động. Chị bạn thân của em trông khoẻ mạnh là thế, nhưng có ai biết chị đã phải khóc bao nhiêu lần mỗi khi căn bệnh đau đầu hoành hành. Còn anh trai đầu phố trẻ trung là thế, nhưng cuộc sống của anh chỉ còn tính từng ngày trước khối ung thư thời kỳ cuối. Có nhiều em bé còn nhỏ hơn em nhưng số phận còn nghiệt ngã hơn em, nhiều khổ đau hơn em.

Đó là bệnh về thân, còn bệnh về tâm cũng vô chừng. Nhiều người nhìn bề ngoài thấy quá đầy đủ sung sướng, thế nhưng bỗng dưng lại tự tử vì tình duyên, vì gia đình, vì phá sản. Lại có những người hoá điên dại trước những tai nạn trong cuộc đời, của người thân. Còn thiệt thòi nào hơn những cảnh đời của những em bé mồ côi cha, mồ côi mẹ, đói khổ, không mái ấm gia đình. Hoá ra, đau khổ đâu phải chỉ dành cho riêng em, và đứng trước đau khổ thì mọi người đều bình đẳng. Em bé tật nguyền càng nhìn kỹ và càng thấu cảm với những nỗi khổ đau của mọi người bao nhiêu, em càng có dịp làm tiêu mòn nỗi đau của chính mình bấy nhiêu. Đó là vì em đã biết “quán vô ngã trong khổ”.

Trở lại trường hợp bà Gotami, bên cạnh cách quán “vô ngã trong khổ” theo hướng trong đau khổ đừng chỉ nghĩ đến mình, bà còn nhận thức được như thật quy luật vô thường của cuộc đời nên không chấp thủ bản thân mình. Từ không chấp thủ bản thân mình sẽ dẫn đến không chấp thủ đối tượng khác, người khác là mình, là của mình. Không chấp thủ đối tượng khác nên từ đó tránh thêm được nhiều phiền não khi vô thường xẩy đến cho các đối tượng ấy. Đây cũng là ý nghĩa thứ hai của cách quán “vô ngã trong khổ” như bài kệ số 62 của kinh Pháp cú đã nói rõ:

"Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu."

Trong Tương Ưng, bài kinh Gotami đã ghi lại bài kệ của vị Thánh ni Kisa Gotami như một tấm gương sáng vượt qua nỗi đau khổ của chính mình:

“Con hại, đã qua rồi,
Ðàn ông đã chấm dứt,
Ta không sầu, không khóc,
Ta sợ gì các Ông?
Khắp nơi hỷ, ái đoạn,
Khối mê ám nát tan,
Chiến thắng quân thần chết,
Vô lậu, ta an trú”
(S.i.129 = [Vd.36.3]).

Tóm lại bà Kisa Gotami khi trong đau khổ chỉ nghĩ tới bản thân mình và nỗi khổ của mình đã rơi vào điên loạn, đó là do cách quán “ngã trong đau khổ”. Ngược lại khi bà biết quên mình để nghĩ đến và chia xẻ nỗi đau khổ của người khác, đây chính là phương thuốc thần dược để vượt qua khổ đau và tự cứu lấy chính mình.

Câu chuyện cuộc đời của bà Kisa Gotami là điển hình cho cách quán “vô ngã trong khổ”, và “hạt cải” cứu cho bà Gotami cũng chính là phương pháp cứu khổ cụ thể cho nhiều người.

II. Quán khổ trên vô thường. Quán vô ngã trên khổ

Trước hết cần phải y cứ vào chánh Kinh để nêu những dẫn chứng cụ thể cho lời dạy của Đức Thế Tôn về cách quán này.

-- “Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín? Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng yểm ly đối với các món ăn, tưởng không vui thích đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập” (TC4, C9, Phẩm Tham, bài kinh Thắng Tri Tham, số 93 = [I.9.93]).

-- “Này các Tỷ-kheo, mười tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là mười? Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán trong các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, mười tưởng này, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh” (TC4, C9, Phẩm Tâm Của Mình, bài kinh Tưởng, số 56, trang 379 = [I.10.56])

Nếu quan sát kỹ các lời dạy tương tự khác trong kinh Nikaya, người học Phật có thể thấy cách “quán tưởng khổ trên vô thường” và “quán tưởng vô ngã trên khổ” cùng với các cách quán tưởng bất tịnh, tưởng nhàm chán món ăn, tưởng yếm ly thế giới... thường được Đức Phật dạy cho hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đã xuất gia. Trong khi đó, cách “quán khổ trong vô thường” và “vô ngã trong khổ” thường được Đức Thế Tôn dạy cả cho các cư sĩ tại gia như trong bài kinh Dìghàvu đã nêu là một ví dụ.

Vì sao có sự khác biệt này? Đó chính là do sự khác biệt giữa đời sống xuất gia của một tu sĩ và cuộc sống tại gia của người cư sĩ. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, cần tìm hiểu cụ thể từng cách quán một.

2.1 Quán Khổ Trên Vô Thường

Như được biết, quán khổ trong vô thường có nghĩa là trong khi bị đau khổ hãy nghĩ đến sự vô thường của chính nó. Trong cõi đời biến dịch này không có một đau khổ nào là thường hằng vĩnh viễn. Nhờ thấy được khổ trong vô thường giúp giảm đi nỗi khổ, ngược lại thấy khổ đau theo hướng thường hằng sẽ khiến khổ đau nhân lên, thậm chí dẫn đến bế tắc.

Còn thế nào là quán khổ trên vô thường? Cách quán này giúp diệt khổ đau như thế nào? Trong kinh Nikaya, có rất nhiều bài kinh dẫn giải cách quán này, và nhiều trường hợp điển hình nhờ cách quán này đã vượt thoát được khổ đau. Một trong số đó là trường hợp của bà Patàcàrà.

Nếu có thể định lượng được khổ đau thì khổ đau của bà Kisa Gotami ở trên ví như một, còn khổ đau mà bà Patàcàrà phải chịu đựng gấp nhiều lần hơn, thảm khốc nhiều hơn, đến độ khó tìm được một ai bất hạnh hơn cảnh ngộ của bà. Đứng trước nỗi đau khổ tột cùng của mình, bà Patàcàrà cũng trở nên điên loạn.

Câu chuyện về bà Patàcàrà được kinh văn ghi lại nguyên văn như sau trong Therì.134 (= N.47)
“Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong gia đình vị thủ ngân khố nhà vua ở Sàvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành nàng giao du với một người đầy tớ trong nhà. Khi cha mẹ nàng định ngày gả nàng cho một chàng trai xứng đôi, nàng trốn đi với người tình nhân và sống tại một ngôi làng nhỏ.

Khi nàng sắp sanh, nàng bảo chồng đưa nàng về nhà cha mẹ, vì ở đây không có ai săn sóc nàng, nhưng chồng nàng cứ hẹn lần hẹn hồi cho đến khi nàng biết chồng nàng không muốn đi về. Nàng liền chờ chồng đi vắng, sắp đặt công việc, tin cho người láng giềng biết rồi nàng bỏ về nhà cha mẹ. Khi người chồng về, người chồng liền đuổi theo, sợ nàng không có người săn sóc. Chồng nàng bắt gặp nàng và giữa đường nàng sinh được người con, rồi hai vợ chồng lại đi trở về làng.

Ðến kỳ sinh nở thứ hai, sự việc xảy ra như lần trước, nhưng có điểm khác biệt như sau: giữa đường mưa to gió lớn nổi lên, người chồng tìm lá và cây làm cái chòi cho nàng tránh mưa, nhưng bị con rắn từ gò mối bò ra cắn chồng nàng chết tại chỗ. Trong cơn đau khổ chờ đợi chồng nàng, nàng bồng đứa con trên ngực và giữa mưa to gió lớn nàng nằm phục xuống đất để che chở cho hai đứa con trải qua một đêm như vậy cho đến sáng.

Ðến sáng, nàng đi tìm chồng và thấy chồng bị rắn cắn chết rồi. Nàng khóc than suốt đêm. Vì mưa to, nước sông dâng lên đến đầu gối, nàng lại quá yếu nên không thể bồng hai đứa con lội qua sông. Nàng để đứa lớn ở bờ bên này và bồng đứa nhỏ lội qua sông. Rồi nàng đặt đứa nhỏ nằm trên khăn trùm đầu, dùng cành cây che lại để nó trên bờ, còn nàng lội qua sông lại để đem đứa lớn qua. Nhưng đến giữa dòng, quay mình trở lại thời thấy một con diều hâu, tưởng đứa con nít là một miếng thịt, nên bay xuống tha đứa nhỏ đi. Dầu cho người mẹ có xua đuổi và la lên nhưng vì quá xa nên không làm gì được. Còn đứa lớn bên bờ bên này, nghe tiếng mẹ la tưởng là mẹ kêu liền lội xuống nước đi qua và bị nước cuốn trôi.

Thế là hai đứa con và cả người chồng bị chết. Nàng vừa khóc vừa đi về thành Sàvatthi, lại được tin hồi hôm mưa to gió lớn làm sụp đổ căn nhà của cha mẹ nàng, giết chết cả cha mẹ và em nàng vừa làm lễ hỏa táng xong. Trong cơn đau khổ khủng khiếp chồng chất, nàng hóa điên dại, ăn mặc hở hang, nàng vừa khóc vừa than:

Hai con ta đã chết,
Chồng ta cũng chết luôn,
Rồi trên giàn hỏa táng,
Cha ta và mẹ ta,
Cùng đứa em trai ta,
Vừa làm lễ thiêu đốt
.

Rồi nàng đi lang thang đây đó, khóc than nỗi đau khổ của nàng, và vì nàng mang xiêm áo tả tơi, nàng được gọi là Patacàra (kẻ mang xiêm áo)...”

Quả là đau khổ tận cùng! Chồng chết thảm, hai con chết thảm, cha mẹ và em cũng chết thảm, tài sản tan tành! Còn nỗi đau khổ nào hơn nỗi đau khổ của bà Patacàra? Nhưng nào đã hết đâu, cũng theo kinh văn ghi lại, nhiều người thấy bà thất thần với y áo tả tơi, đã không thương hại bà thì chớ còn chế diễu bà là người điên, có kẻ còn ném đá, ném đồ dơ xua đuổi bà. Còn bất hạnh nào hơn bất hạnh mà bà Patacàra đã phải gánh chịu?

Những ai đang nghĩ rằng mình bất hạnh, hãy nhớ đến bà Patacàra để thấy rằng mình vẫn còn may mắn, hãy chia xẻ với thảm cảnh của bà để xoa dịu chính nỗi đau của mình. Nhưng quan trọng hơn, hãy tìm hiểu xem bà Patacàra đã thoát khỏi sự điên loạn như thế nào? Đã giải thoát khỏi khổ đau ra sao? Phương pháp có hợp lý không? Có thực tế không?

Nghiên cứu kỹ câu chuyện về bà Patacàra sẽ thấy, ở đây, không có sự hoang đường nào cả, mà chỉ có lòng từ bi của Đức Phật, diệu pháp của Ngài, và sự nỗ lực nơi bản thân bà Patacàra mới cứu được cho bà.

Thật vậy, cũng theo kinh văn ghi lại, bà Patacàra trên bước đường trôi lăn cùng khổ đã đến thành Jetavana. Khi ấy Đức Phật cũng đang ở tại Jetavana. Đức Phật thấy mọi người đối xử thô bạo với bà, Ngài liền can ngăn và khuyên mọi người phải trải lòng từ bi đối với bà. Ngài bảo người đem y áo lành lặn cho bà và cho phép bà đến gần. Trước tấm lòng từ bi của Đức Phật, bà Patacàra cảm động hồi tỉnh dần. Bà đặt lòng tin tưởng nơi bậc Đạo sư từ bi và trải nỗi đau thương cùng tột của mình. Bà cầu xin Ngài cứu giúp bà.

Đức Phật nghe xong, Ngài đã chỉ cho bà thấy những khổ đau trong hiện tại chỉ là một trong muôn vàn khổ đau mà bà đã phải chịu đựng qua bao kiếp luân hồi. Nước mắt bà đã từng khóc cha, khóc mẹ, khóc chồng, khóc con, khóc cho người thân qua bao kiếp luân hồi còn nhiều hơn cả nước trong bốn biển lớn. Giờ đây bà phải tự cứu lấy chính bản thân mình thoát khỏi nỗi đau hiện tại lẫn nỗi đau trong muôn kiếp.

Ngài đã dạy bà bài kệ:

“Nước bốn biển ít hơn,
Nước mắt của loài Người,
Khóc than vì đau khổ,
Vậy sao nàng hủy hoại,
Sanh mạng của chính mình,
Trong khóc than sầu khổ!”
(Sđd)

Rõ ràng để cứu cho bà Patacàra khỏi sự đau khổ đến mức điên loạn, Đức Phật đã không dùng “hạt cải” như trường hợp của bà Kisa Gotami. Vì sao như vậy? Vì dù bà Patacàra có đi khắp cùng trời cuối đất, hỏi tất cả mọi người cũng khó tìm thấy ai đau khổ tận cùng như bà. Lúc ấy không những bà Patacàra đã không bớt khổ đau mà còn tủi thân nhiều hơn, cảm thấy mình bất hạnh nhiều hơn. Vì vậy phương pháp quán “vô ngã trong khổ”, theo hướng thấu cảm nỗi đau của người khác để giảm nhẹ nỗi đau của mình, không thích ứng với bà Patacàra.

Nhưng bà Patacàra cũng giống như bà Kisa Gotami, ở chỗ, cả hai đều nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật. Cả hai được lắng nghe để chia xẻ niềm đau, nhờ vậy bà Patacàra và Kisa Gotami được an ủi để hồi tỉnh dần. Từ đó cả hai có thêm sự tin tưởng nơi bậc Đạo sư và giáo pháp của Ngài. Sự tin tưởng này là yếu tố quan trọng giúp họ thoát dần bế tắc và tinh tấn tu tập. Trong hai pháp Năm Căn và Năm Lực, Tín căn dẫn đến Tấn căn, Tín lực dẫn đến Tấn lực cũng theo ý nghĩa này. Càng tinh tấn tu tập đúng chánh pháp, càng được giải thoát.

Do vậy, đối với những người bị tâm thần nói chung và rối loạn tâm lý nói riêng, mọi người không nên có thái độ thô bạo hoặc khinh ghét họ khiến gây thêm ức chế tâm lý có hại cho họ. Trái lại phải khoan dung hơn, đối xử với họ cẩn trọng hơn. Đồng thời phải hiểu rõ những hoàn cảnh bức bách đau khổ của họ để thông cảm với họ, từ đó tạo lòng tin tưởng nơi họ, có vậy mới giúp cho họ thoát dần khỏi sự khủng hoảng về tâm lý.

Hơn thế nữa, phải có những phương pháp thích đáng để giúp cho họ tự vượt thắng nghịch cảnh của mình. Trong trường hợp của bà Patacàra, đó là cách “quán khổ trên vô thường”.

Thật vậy, khi Đức Phật dùng hình ảnh nước mắt của loài người khóc than vì sầu khổ, vì mất mát người thân qua bao kiếp sống luân hồi còn nhiều hơn nước biển đại dương, điều này đã giúp cho bà Patacàra thấy ra được những khổ đau qua bao kiếp luân hồi còn to lớn hơn, kinh khủng hơn nỗi đau khổ hiện tại. Bà hiểu ra rằng mỗi kiếp sống là một kiếp vô thường, và trên mọi kiếp vô thường ấy vẫn chỉ là một chữ khổ: khổ vì sanh-già-bệnh-chết; khổ vì sầu-bi-khổ-ưu-não, khổ vì khóc cha, khóc mẹ, khóc con, khóc những người thân, khổ vì những tai nạn bất ưng, những thiên tai, nhân tai bất tận. Nói khác đi, phải thấy như thật khổ đau trên mọi kiếp sống vô thường.

Khi và chỉ khi, bà Patacàra thấy được những nỗi đau khổ còn to lớn hơn, vô cùng hơn qua bao kiếp luân hồi như vậy, chính lúc ấy nỗi đau hiện tại của bà sẽ nhỏ lại và vơi đi. Giống như một đứa bé quẩn quanh trong làng, nó chỉ thấy ngọn núi đầu làng là to lớn nhất, hùng vĩ nhất. Nhưng khi đứa bé trưởng thành hơn, nó thấy được nhiều ngọn núi còn to lớn hơn, hùng vĩ hơn, tự nhiên nó sẽ thấy ngọn núi đầu làng nhỏ lại. Khi nó thấy được sự hùng vĩ của dãy núi chúa Himalaya, nó sẽ thấy ngọn núi đầu làng càng nhỏ hơn nữa. Cứ thế đứa bé quán thấy được sự vĩ đại của cả trái đất, cả Thái Dương Hệ, cả vụ trụ; thì ngọn núi đầu làng chẳng đáng là gì cả.

Khổ đau cũng giống như vậy! Khi bà Patacàra chỉ nhìn thấy nỗi đau hiện tại, bà đã bị nó quật ngã. Nhưng khi bà nhận thức được nỗi đau khổ trong sanh tử luân hồi còn to lớn hơn, còn kinh khủng hơn rất nhiều lần nỗi đau hiện tại; hẳn nhiên nỗi đau khổ hiện tại phải thu nhỏ lại. Khi bà Patacàra ý thức như thật rằng, nước mắt của bà qua bao kiếp luân hồi khóc cho người thân, cho số phận còn nhiều hơn nước của đại dương, chính lúc ấy bà mới thấy nước mắt khóc thương trong kiếp hiện tại chỉ là muôn một. Khi nỗi đau hiện tại được thu nhỏ lại, bà Patacàra sẽ bình tĩnh hơn. Sự bình tâm là bước đầu tiên thoát khỏi điên loạn. Có thoát khỏi điên loạn mới tiến tới giải thoát khổ đau được.

Có thể nói đây là phương pháp thấy khổ “lớn” để diệt khổ “nhỏ”, giống như việc dùng một cái mâm lớn che khuất một cái mâm nhỏ vậy. Chỉ có điều, khổ đau hiện tại mà bà Patacàra đang gánh chịu có ẩn chứa trong đó sự ái luyến, chính sự ái luyến này gây ra đau khổ và che mờ lý trí; còn khổ đau to lớn hơn qua bao kiếp luân hồi không có ái luyến, nó chỉ đơn thuần là sự nhận thức của lý trí tỉnh giác.

Vì sao như vậy? Vì theo pháp Nhân Duyên, ái luyến là do “xúc” và “thọ” tạo nên, do vậy khổ đau trong kiếp hiện tại có đầy đủ ba pháp này, cho nên nó là khổ đau như thực. Ngược lại khổ đau qua bao kiếp luân hồi tuy vĩ đại hơn, kinh khủng hơn nhưng nó không có tình cảm ái luyến (vì không có tiếp xúc và cảm thọ), nó chỉ thuần tuý thuộc về nhận thức của trí tuệ, do vậy “thấy khổ mà không khổ” (Xem Giải mã 12 Chi phần nhân duyên).

Cái “mâm nhỏ” khổ đau trước mắt do ái luyến chi phối tuy “nhỏ” nhưng nó rất nguy hiểm, đến mức nó có thể gây ra trầm cảm, điên loạn, thậm chí tự tử. Ngược lại cái “mâm lớn” – khổ đau trên bao kiếp luân hồi – tuy cũng là khổ nhưng không bị ái luyến chi phối, chỉ đơn thuần là sự nhận thức của lý trí tỉnh giác, do vậy “thấy khổ mà không khổ” và từ đây mới hiểu và thực hiện được diệu pháp “thấy khổ để diệt khổ”.

Vị Tỳ-kheo cần phải thấy rõ cuộc sống là vô thường, tất cả mọi kiếp sống trong sanh tử luân hồi cũng đều là vô thường, và trên hết mọi sự vô thường ấy vẫn là một chữ “khổ”. Thấy rõ khổ qua bao kiếp luân hồi chính là để tiêu diệt nỗi khổ của hiện tại, và hơn thế nữa để tinh tấn tu tập thoát khổ. Đây cũng chính là nội dung ý nghĩa của phương pháp “quán khổ trên vô thường” hay “thấy khổ để diệt khổ”.

Cũng theo kinh văn ghi lại, bà Patacàra nhờ được Đức Thế Tôn chỉ dạy nên dần hồi tỉnh và bình tĩnh hơn. Nhờ cách quán khổ trên vô thường nên bà Patacàra đã nhận chân được sự nguy hiểm thật sự. Từ nhận chân sự thật nguy hiểm đến nỗ lực tinh tấn tu hành thoát hiểm là điều dễ hiểu. Và nhờ tinh tấn tu hành thoát khổ mới dần thoát khỏi khổ đau. Nhờ vậy cuối cùng bà Patacàra cũng đã đâm thủng được vô minh, đắc được quả A La Hán, giải thoát ngay trong hiện tại và sanh tử luân hồi. Không những thế, Patacàra còn cứu được cho nhiều người khác nữa.

Trong Trưởng lão Ni kệ còn ghi: nhiều người đau khổ khi biết câu chuyện về đời bà đã tìm đến nhờ bà giúp đỡ. Với kinh nghiệm của chính mình, bà Patacàra đã giúp cho rất nhiều người. Trong số đó có 30 vị Tỳ-kheo-ni tu theo bà cũng đều đắc quả Thánh A La Hán (Therì. 135 = [N.48])

Câu chuyện về bà Patacàra đã cho thêm một minh chứng cho nguyên lý bất di bất dịch của Phật Pháp: thấy khổ để diệt khổ. Vị tu sĩ có thấy rõ nỗi khổ của mình mới không làm khổ mình thêm, mới nỗ lực cứu cho mình. Hơn thế nữa, đệ tử Phật phải thấu nỗi khổ của người để không làm khổ người nữa, mới nỗ lực cứu cho người.

Đạo Phật hoàn toàn không phải như một số người ngộ nhận là một tôn giáo chỉ thấy khổ để rồi bi quan yếm thế (?!) Rõ ràng chỉ cần một tấm gương tiêu biểu của Thánh Ni Patacàra cũng đủ cho thấy những ngộ nhận về Đạo Phật, và về vị Thánh Thanh văn đệ tử Phật sai lầm như thế nào!

Hẳn nhiên, những lời dạy của bậc Đạo Sư Minh Hạnh Túc không phải chỉ có bấy nhiêu. Cả một tạng Kinh Nikaya đồ sộ là một kho tàng vô giá giúp cho những ai muốn diệt khổ, giải thoát cho chính mình. Ở đây chỉ trích dẫn thêm những lời dạy của Bậc Đạo sư về cách quán khổ trên vô thường nhằm giúp người học Phật nhận thức rõ hơn ý nghĩa của pháp quán này.

-- “... Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ không phải nước trong bốn biển lớn.

Trong một thời gian dài, này các Tỷ-kheo, các Ông chịu đựng mẹ chết... các Ông chịu đựng con chết ... các Ông chịu đựng con gái chết ... các Ông chịu đựng tai họa về bà con ... các Ông chịu đựng tai họa về tiền của... Trong một thời gian dài, này các Tỷ-kheo, các Ông chịu đựng tai họa của bệnh tật.
Cái này là nhiều hơn, là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì mình không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải chịu đựng tai họa của bệnh tật chớ không phải nước trong bốn biển.

Vì sao? Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành” (Bài kinh Nước Mắt, TƯ2, 179 = [I.12.3]).

-- “Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Có thể có một thời, này các Tỷ kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, Sineru (Tu-di), Vua các núi, đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi!

Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi!” (Bài kinh Dây Thằng, TƯ3, 149 = [Ve.7.99])

Thực tế mỗi cuộc sống chỉ là một kiếp vô thường trong vòng xoáy bất tận của sanh tử luân hồi, và vượt trên tất cả mọi kiếp sống vô thường ấy vẫn là một chữ “khổ”. Một tu sĩ có trí tuệ thấy như thật sự khổ đau phủ đầy trên mọi kiếp sống vô thường ấy, thấy rõ được sự nguy hiểm trước mắt và lâu dài đang bao quyện và chờ đón mình, liệu người này có còn muốn tham luyến vào trong những trói buộc đầy hệ lụy? hay họ phải dốc sức quyết tâm đi tới giải thoát hoàn toàn?

Một người tu sĩ tuy đã xuất gia nhưng không thấy khổ đau lăn tròn trên sanh tử luân hồi nên mới còn tham đắm chút vị ngọt cuộc đời. Vị này vì không nghĩ đến nguy hiểm của “biển nước mắt khổ đau” nên vẫn còn vô mình ngụp lặn trong đó. Chính vì không thấy khổ đau trên mọi kiếp vô thường nên mới không muốn từ bỏ sanh y, tài sản, danh vọng, quyền lực, địa vị, tranh chấp. Chính vì không thường xuyên quán xét khổ trên vô thường theo nhiều cách khác nhau nên mới còn dễ duôi, phóng dật, buông thả theo những tham muốn thế tục.

Ngược lại vị Tỳ-kheo phải thấy khổ đau trôi lăn theo ta trong hiện tại lẫn trong mỗi kiếp luân hồi như một người luôn bị một kẻ khác cầm ngọn đao đưa lên sẵn sàng gieo sự vô thường cho mình bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Nhờ thường xuyên quán xét như vậy mà một tu sĩ có được sự sợ hãi đúng pháp, nhờ biết sợ hãi đúng pháp nên vị Tỳ-kheo phải luôn tinh tấn tu tập, luôn tích cực nỗ lực để vượt thoát khỏi khổ đau. Đây cũng chính là ý nghĩa của cách “quán khổ trên vô thường”.

Tưởng khổ trên vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, thời các tưởng sợ hãi sắc bén được an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát; ví như một kẻ giết người giơ đao lên.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, nhưng các tưởng sợ hãi sắc bén không được an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát; thời không giống như một kẻ giết người giơ đao lên.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Tưởng khổ trên vô thường không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả của sự tu tập." Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, thời các tưởng sợ hãi sắc bén an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát, ví như một kẻ giết người giơ đao lên.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải hiểu rằng: "Tưởng khổ trên vô thường được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả của sự tu tập.” Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy.

Tưởng khổ trên vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy...” (TC3, C7, 46, tr.347 = [I.7.46]).

Vì cách “quán khổ trên vô thường” có ý nghĩa thiết thực giúp cho người tu sĩ xuất gia tích cực tu tập để giải thoát ngay trong kiếp sống này, cho nên Đức Thế Tôn thường dạy cách quán này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni là vì vậy.

2.2 Quán Vô Ngã Trên Khổ

Như đã phân tích ở trên, “quán vô ngã trong khổ” có nghĩa là trong đau khổ không nên ngã chấp mình và chấp mạn với người khác. Còn cách “quán vô ngã trên khổ” mang ý nghĩa khác hơn.

Như Đức Phật đã dạy: Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Như Lai chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (TB1, 22). Nói lên sự khổ, thấy khổ để diệt khổ chứ không phải lấy khổ làm phương châm đi tới giải thoát như những người khổ hạnh quan niệm. Đạo Phật không chủ trương khổ hạnh ép xác, nhưng cũng không chạy theo thoả mãn cho dục lạc. Đức Phật chủ trương con đường trung đạo theo Tám Chánh Đạo và dùng hỷ lạc đi tới giải thoát.

“Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ.” (S.v,440 = [Ve.4.35])

Đối với vị tu sĩ hành thiền, tùy theo nghiệp và theo trạng thái của từng người, có thể trải nghiệm những cảm thọ hỷ lạc hoặc khó chịu khác nhau. Riêng đối với những cảm thọ khó chịu, nếu vị tu sĩ không tác ý đúng sẽ thấy đây là khổ và ưu tức khắc, thậm chí có người còn đâm ra tức tối với chính mình. Về lâu dài, các kiểu tác ý sai và trạng thái tâm lý bất lợi này dễ khiến vị tu sĩ đi đến lười nhác, buông lung, phóng dật.

Gặp những cảm thọ bất như ý này, nếu vị tu sĩ chấp thủ cảm thọ là ta, là của ta, và tác ý theo chiều hướng thấy “ngã trên khổ: tôi đang bị đau, tôi đang bị khổ”, thì vì tu sĩ sẽ bị đau khổ nhiều hơn, đau khổ hai lần: đau nơi thân và khổ nơi tâm do chấp dính vào cảm thọ đó.

Như vậy, ý nghĩa thứ nhất của cách “quán vô ngã trên khổ” có nghĩa là khi những cảm thọ bất như ý phát khởi, vị tu sĩ không nên chấp thủ thọ ấy là ta, là của ta, là tự ngã nơi ta; và cũng không nên dựa vào đó để so sánh với người khác.

Thêm nữa, vị tu sĩ phải có nhận thức tích cực hơn, tác ý đúng đắn hơn. Vị tu sĩ phải hiểu rằng cuộc sống vốn vô thường với cả những bất trắc, bệnh tật và tai ương. Một khi những đau khổ bất như ý này xảy đến, mọi người không có một cách nào khác là phải biết chấp nhận chúng như sự thật vốn có của cuộc đời.

1.- Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?

2. Phải bị già, muốn khỏi già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị bệnh, muốn không bệnh... Phải bị chết, muốn không chết... Phải hoại diệt, muốn không hoại diệt... Phải bị tiêu diệt, muốn không tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa môn hay Bà la môn, bởi Ma hay Phạm Thiên, hay bởi một ai ở đời.” (Kinh Sự Kiện Không Thể Có Ðược, Tăng Chi 2, Chương 5, V. Phẩm Vua Munda = [I.5.48]).

Phàm làm người không một ai thoát khỏi già, bệnh, chết, hoại diệt, tiêu diệt. Do vậy, lòng mong muốn những điều không thể có là một ảo tưởng nguy hại. Chính vì thế, không biết ý thức về nỗi khổ đau tất yếu của cuộc đời, khi nỗi khổ đến phải đấm ngực khóc than. Ngược lại, nhận thức như thật khổ đau và có sự chuẩn bị tinh thần, khi vô thường xảy đến sẽ dễ kham nhẫn hơn.

Trong bài kinh Tất cả lậu hoặc, Đức Phật đã dạy rõ có những phiền não lậu hoặc phải do kham nhẫn mới đoạn trừ được.

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.” (kinh số 2, TB1 = [U.4])

Vị tu sĩ trong khi hành thiền nếu không tập kham nhẫn trước những cảm thọ bất như ý nhỏ, thời làm sao chịu đựng nổi những thọ khổ lớn hơn do già, bệnh, chết đem lại? Vì vậy, nếu những cảm thọ phát khởi, vị tu sĩ hãy xem chúng như người bạn lành giúp ta tập làm quen với những đau khổ không thể tránh khỏi trong tương lai, thay vì ôm giữ nó và cắn răng chịu đựng cho đến hết giờ thiền.

Hơn thế nữa, người hành thiền hãy tập tách mình ra khỏi những cảm thọ khó chịu đó, xem nó như là một đối tượng khác, và ta là một đối tượng khác. Hãy tập như lý tác ý “thọ này không phải là ta, là của ta, là tự ngã nơi ta”; và tập xem “ta” với “thọ uẩn” giống như “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Hãy tập tách mình ra khỏi mọi cảm thọ và tập quan sát nó, thay vì chấp thủ nó theo tác ý thấy ngã trên khổ “tôi đang đau, tôi đang khổ”.

Người tu thiền hãy xem mọi cảm thọ như một loại “định tướng” trong khi hành thiền, và khi chúng khởi lên, đừng tham chấp cũng đừng chán ghét, mà hãy tập quán sát chúng. Trong bài kinh Năm Chi Phần, Đức Thế Tôn chỉ dạy có năm sự tu tập về Thánh chánh định gồm tu tập về Bốn thiền và cách thứ năm là quán sát tướng.

“10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.

11. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.” (TC2, C5, III. Phẩm Năm Phần, (VIII) (28) Năm Chi Phần (tr.339- 346) = [I.5.28])

Theo kinh Nikaya, “Quán sát tướng” có nhiều ý nghĩa khác nhau, trong đó cảm thọ cũng được xem như một định tướng của thiền. Vì thế khi cảm thọ khởi lên, vị tu sĩ hãy tập tách mình ra khỏi cảm thọ đó, đừng ôm giữ nó mà hãy “nhìn xuống” quan sát nó. Vị hành giả hãy như người đang đứng quán sát nhìn xuống “tướng thọ” của mình đang ngồi, hay như người đang ngồi nhìn xuống “tướng thọ” của mình đang nằm. Và như vậy, đây chính là hình ảnh cụ thể hoá của cách “quán vô ngã trên khổ” (Trạng thái này hoàn toàn khác với trạng thái vô thức của tâm thần phân liệt vì người tu luôn biết tỉnh giác chánh niệm)

Cần nhắc lại, “quán sát tướng” có nghĩa rất rộng, và vô ngã có nghĩa là vô ngã chấp và vô ngã mạn đối với tất cả các pháp khác, chứ không phải chỉ có thọ uẩn không thôi. Cảm thọ bất như ý chỉ là một trong nhiều “tướng” quán sát. Dù là thọ lạc, hay thọ khổ, hay bất kỳ tướng “thọ” nào, người tu thiền cũng tập tách ra quán sát chúng.

Vị Tỳ-kheo nhờ tu tập cách “Quán vô ngã trên khổ” nên có thể kham nhẫn tốt hơn với những hoàn cảnh, cảm thọ bất như ý có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Đạo Phật không chủ trương lấy thọ khổ làm đối tượng để đi tới giải thoát, mà chỉ xem nó như một cách để tập làm quen với những bất ưng vô thường do bệnh tật, tai ương đem lại. Vị Tỳ-kheo nhờ hằng ngày tu tập quán sát “tướng thọ” như vậy, nên khi cảm thọ thân do bệnh đau khởi lên sẽ kham nhẫn tốt hơn, thậm chí thân có thể bệnh nhưng tâm không bệnh, thân có thể đau nhưng tâm không đau.

Rõ ràng cách “quán vô ngã trên khổ” khác với cách “quán vô ngã trong khổ”, và cách quán này có sự chủ động nhiều hơn trong quá trình tu tập. Nó được áp dụng thường xuyên cho những người hằng ngày tu thiền như các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Do cách “quán vô ngã trên khổ” cũng như cách “quán khổ trên vô thường” thích hợp cho đời sống xuất gia nhiều hơn, nên chúng thường được Đức Thế Tôn dạy cho hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni là vì vậy.

Tóm lại, các cách “quán khổ trong vô thường”, “quán vô ngã trong khổ”, “quán khổ trên vô thường”, và “quán vô ngã trên khổ” tuy chỉ khác nhau có một chữ “trong” và “trên” nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Người học Phật có thận trọng tìm hiểu “mỗi mỗi câu, mỗi mỗi chữ” trong Kinh và Luật gốc mới lĩnh hội những diệu lý cứu khổ của chánh pháp. Những ý kiến trong bài viết này chỉ có tính cách gợi ý. Người học Phật cần phải trở về y chỉ nơi Thánh Kinh và Thánh Luật mới thấy được đầy đủ giá trị những lời dạy của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.

_______________

(*) Các ký hiệu trong ngoặc […] là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín tạng Thánh Kinh

(Xem thêm phần Tham khảo)