Thursday 30 June 2011

Giải Mã Niệm Xứ 1: Quán Thân


PHẬT LỊCH 2555
VESAK 2600


Giải Mã Kinh Niệm Xứ
Chặng đường giải thoát khổ đau

(Pháp dành cho các tu sĩ đã thọ cụ túc giới Patimokkha để tu lên bậc trên)

***********
Lời Tựa
Từ xưa đến nay, pháp môn Bốn Niệm Xứ đã được nhiều thế hệ Phật tử thay nhau thọ trì và tu tập. Thế nhưng việc nhận thức được ý nghĩa cứu khổ từ diệu pháp này vẫn còn nhiều điều phải suy xét. Tùy theo mỗi truyền thống, mỗi trường phái, mỗi vị thầy tổ mà pháp môn Bốn Niệm Xứ đã được truyền thừa một cách khác biệt. Điều này đã làm mất đi giá trị nhất quán của diệu pháp Bốn Niệm Xứ, cũng là Chánh Niệm, một chi phần trong Tám Chánh Đạo, tức Đạo Đế, tức Chân lý về con đường diệt khổ.
Nhằm làm rõ hơn ý nghĩa trợ đạo, giúp giải thoát phiền não, chứng ngộ Niết-bàn của diệu pháp Chánh Niệm – Bốn Niệm Xứ, bản giải mã Kinh Niệm Xứ này sẽ giải thích, chứng minh và trả lời các câu hỏi sau đây:
1.     Như thế nào là Bốn Niệm Xứ với ý nghĩa thực sự “là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”?
2.     Thế nào là quán thân trên thân để đoạn diệt tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra?
3.     Thế nào là quán thọ trên các thọ để đoạn diệt tham ưu do giới cấm thủ kiết sử gây ra?
4.     Thế nào là quán tâm vô tham trên tâm tham để đoạn diệt tham ưu do tham kiết sử gây ra?
5.     Thế nào là quán tâm vô sân trên tâm sân để đoạn diệt tham ưu do sân kiết sử gây ra?
6.     Thế nào là quán tâm vô si trên tâm si để đoạn diệt tham ưu do nghi kiết sử gây ra?
7.     Thế nào là quán pháp đối trị trên các pháp năm triền cái để đoạn diệt tham ưu do năm triền cái gây ra?
8.     Thế nào là quán pháp vô thường, khổ, vô ngã trên các pháp năm thủ uẩn để đoạn diệt tham ưu do chấp mạn kiết sử gây ra?
9.     Thế nào là quán pháp đối trị trên các pháp sáu nội-ngoại xứ để đoạn diệt tham ưu do năm dục trưởng dưỡng và hữu tham kiết sử gây ra?
10. Thế nào là quán pháp Bát Chánh Đạo trên pháp bát tà đạo để đoạn diệt tham ưu do tà kiến kiết sử gây ra?
11. Quán các pháp nào giúp đoạn trừ vô minh kiết sử và ái kiết sử?
Và nhiều câu hỏi liên quan khác nữa…
Pani Giới Pháp
____________


Tất cả các trích dẫn trong phần giải mã kinh Niệm Xứ (số 10, Trung Bộ I) đều y cứ theo Bộ Đại Tạng Kinh Nikaya do HT Thích Minh Châu dịch Việt từ nguyên bản Pali, ấn hành 1992 – 2000.
-- Những chữ viết tắt:

*  PC 223
Kinh Pháp Cú, kệ số 223.
*  TB1, 10
Kinh Trung Bộ tập 1, bài kinh số 10.
*  Ud 10
Kinh Phật Tự Thuyết, bài kinh số 10.
*  It 115
Kinh Phật Thuyết Như Vậy, bài kinh số 115.
*  TƯ5, 314
Kinh Tương Ưng tập 5, bài kinh số 314.
*  TrB1, 14
Kinh Trường Bộ tập 1, bài kinh số 14.
*  Sn 214, 1109
Kinh Tập, bài kinh số 214, kệ số 1109
*  TC VII:64, tr. 436
Kinh Tăng Chi, chương 7 pháp, bài kinh số 64, trang 436.
-- Các ký hiệu trong ngoặc […] là các trích dẫn tương đương theo hệ Chín tạng Thánh Kinh. 


Phần 1: Quán Thân
1.1 Dẫn nhập
1.2 Quán niệm hơi thở căn bản
1.3 Quán thân hành động
1.4 Quán thân bất tịnh
1.5 Quán thân bốn đại vô thường
1.6 Quán thân biến hoại

Chánh Kinh
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở xứ Kuru (Câu-lâu), Kammassadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm) là đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn.
Thế Tôn thuyết như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm Xứ.
Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Giải Trình
1.1 Dẫn Nhập
Đoạn mở đầu nêu trên cho thấy kinh Niệm Xứ thuộc tạng kinh “Không Hỏi Tự Nói” (Vô Vấn Tự Thuyết). Việc xác định các bài kinh theo hệ thống phân loại kinh tạng do Đức Phật tuyên thuyết có ý nghĩa rất quan trọng. Một Tỳ-kheo nắm được chín hệ thống này được Đức Thế Tôn gọi là một vị biết được pháp:
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết pháp: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết pháp: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng, vị ấy ở đây không được gọi là vị biết pháp.
Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết pháp: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết pháp(Bài kinh “Pháp Trí”, TC VII:64, tr. 437 = [I.7.64.2])
Bên cạnh đó, trong tạng Luật, chương Veranja, Đức Thế Tôn cũng đã nêu rõ trong thời quá khứ của các Đức Phật Kakusandha, Konāgamana, và Kassapa, Phạm hạnh được tồn tại lâu dài; ngược lại trong thời của các Đức Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū Phạm hạnh đã không tồn tại lâu dài.
Nguyên nhân của Phạm hạnh được tồn tại lâu dài hay không là do hệ thống chín Thánh tạng kinh nêu trên có được chỉ dạy chi tiết đầy đủ và giới luật Patimokkha có được công bố hay không. Qua đó cho thấy việc xác lập các bài kinh theo hệ thống Thánh tạng kinh có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng và chín Tạng Thánh Kinh này tồn tại bất di bất dịch qua mọi thời của các Đức Thế Tôn.
Trong hệ thống giáo pháp của Đức Phật, mỗi tạng kinh thuộc hệ thống phân loại nêu trên đều có vai trò thiết thực khác nhau. Biết phân loại kinh điển theo hệ thống này sẽ giúp cho việc nhận thức Phật pháp nói chung và từng bài kinh nói riêng được thuận lợi hơn, rõ ràng hơn.
Có thể xem các bài kinh trong hệ thống “Không Hỏi Tự Nói” là những bài học có thứ lớp rõ ràng trong giáo án đã được lập trình sẵn của Bậc Đạo Sư. Khi cơ duyên hội đủ Đức Phật mới tuần tự tuyên giảng. Theo ý nghĩa này, Kinh Niệm Xứ là một trong những bài kinh chứa đựng các học pháp căn bản trong giáo trình Phật Pháp của Đức Thế Tôn. 
Những học pháp căn bản trong bài kinh Niệm Xứ là gì? Để trả lời câu hỏi quan trọng này hãy bắt đầu từ những khái niệm.
Theo định nghĩa, niệm là sự ghi nhớ, nhớ nghĩ, niệm tưởng, quán niệm; xứ là nơi, chốn, chỗ, phương hướng, phương xứ. Như vậy niệm xứ là học pháp dạy cách đặt tâm ghi nhớ, quán niệm theo các phương hướng đúng đắn. Bốn hướng đó chính là thân, thọ, tâm pháp. Chính vì thế để thanh tịnh tâm tiến tới nhập được Chánh Định cần phải đặt tâm nhớ nghĩ theo bốn phương xứ này - tức Bốn Niệm Xứ.
Trong hệ thống giáo pháp của Đức Phật, bốn phương hướng nhớ nghĩ chân chánh hay Bốn Niệm Xứ cũng là Chánh Niệm. Chánh niệm là một chi phần trong Tám Chánh Đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định). Tám Chánh Đạo cũng là Đạo Đế tức chân lý về con đường đoạn diệt khổ đau. Như vậy Bốn Niệm Xứ là chân lý về sự ghi nhớ chân chánh trên con đường an vui giải thoát Niết Bàn.
Chỉ được gọi là chân lý, khi và chỉ khi, thoả mãn ba yếu tố sau đây: 1) Điều nêu lên đúng cho tất cả mọi người, 2) Đúng qua tất cả mọi thời đại và 3) Đúng ở bất kỳ nơi nào. Ví dụ: sanh – già – bệnh (thân và tâm) – chết được gọi là chân lý khổ đau (khổ đế) vì bất kỳ ai, trong bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ đâu cũng phải trải nghiệm qua những thực tại này và đều phải trung thực thừa nhận chúng là những khổ đau như thực.
Vì vậy Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ thuộc Đạo đế, tức chân lý về con đường diệt khổ, cũng phải đáp ứng được ba yếu tố trên. Người học Phật không những phải nhận thức được tính chân lý của Bốn Niệm Xứ mà còn phải tự mình chứng nghiệm để biết như thật, chứng minh để thấy như thật rằng đây thực sự là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn một cách thiết thực hiện tại.
Để thực hiện được điều trên, trước hết, cần phải phân biệt Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ được nhận thức và tu tập theo bốn phương xứ quán sát khác nhau, bao gồm: quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên các pháp.
Đến đây, các câu hỏi cần được đặt ra:
-- Như thế nào là quán thân trên thân? Quán thân gì trên thân gì?
-- Như thế nào là quán thọ trên các thọ? Quán thọ gì trên các thọ gì?
-- Như thế nào là quán tâm trên tâm? Quán tâm gì trên tâm gì?
-- Như thế nào là quán pháp trên các pháp? Quán pháp gì trên các pháp gì?
-- Các cách quán này nhằm mục đích gì? Giúp chế ngự tham-ưu và khổ đau cụ thể như thế nào?
Giải mã các đoạn kinh sau đây sẽ giúp người học Phật tuần tự trả lời các câu hỏi nêu trên. 

Chánh Kinh
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt.
Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn”. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
Này các Tỷ-kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay thiện xảo khi quay dài, tuệ tri: "Tôi quay dài” hay khi quay ngắn, tuệ tri: "Tôi quay ngắn”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, tuệ tri: "Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, tuệ tri: "Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn”. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Giải Trình
1.2 Quán niệm hơi thở căn bản
Yêu cầu đầu tiên để thanh tịnh tâm, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn là môi trường tu tập phải thích hợp cho tiến trình tịnh chỉ các hành. Vị Tỳ-kheo tu tập Bốn Niệm Xứ đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống không phải để hý luận, chuyện phiếm mà để thực hiện “sự im lặng như Thánh” tức khẩu hành được tịnh chỉ; ngồi kiết già lưng thẳng là thân hành tịnh chỉ và an trú chánh niệm trước mặt là tiến trình làm cho ý hành tịnh chỉ.
Hơi thở là một hành thuộc thân vì vậy quán niệm hơi thở được xếp trong phần quán thân. Ngồi kiết già là cách ngồi tốt nhất cho thiền định hơi thở. Điều quan trọng hành giả cần luôn ghi nhớ là giữ lưng cho thẳng. Tư thế ngồi thẳng lưng có nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho thân và cho tâm. Duy trì ý thức giữ thẳng lưng cũng là một dấu hiệu giúp hành giả biết mình còn chánh niệm tỉnh giác hay không.
Sự tịnh chỉ các hành dựa trên tu tập tỉnh giác về hơi thở của Đạo Phật hoàn toàn khác với các phương pháp tu tập hơi thở của ngoại học. Người học Phật cần nhận thức rõ những sự khác biệt này để không bị rơi vào các trạng thái của tưởng do tập trung tâm đơn thuần trên hơi thở mang lại.
Quán niệm hơi thở của Đạo Phật bao gồm ba nội dung chủ yếu sau đây:
-- Tỉnh giác theo hơi thở: Khái niệm tỉnh giác ở đây có hai ý nghĩa song hành, “tỉnh” là tỉnh thức trên hơi thở vào – hơi thở ra, và “giác” là giác tri ngay nếu có niệm xen khởi để biết đó là niệm thiện hay niệm bất thiện; niệm thuộc về thân, thọ, tâm hay pháp.
-- Tuệ tri hơi thở: Hành giả phải biết rõ hơi thở của mình trong trạng thái hiện tại dài hay ngắn so với bình thường. Hơi thở là một hành quan trọng của nội thân, có liên hệ mật thiết với các hành khác của thân và môi trường bên ngoài; vì vậy không phải lúc nào nhịp độ của hơi thở cũng giống nhau. Việc tuệ tri hơi thở hiện tại dài hay ngắn có ý nghĩa quan trọng liên quan tới nội dung cơ bản kế tiếp.
-- Tu tập Như Lý Tác Ý theo hơi thở: Dựa trên chu kỳ hơi thở hiện tại, hành giả phải khéo léo kết hợp với các câu tác ý để hơi thở vô - ra luôn trong trạng thái tự nhiên không bị gò ép, ức chế, gián đoạn bởi các câu tác ý. Các câu tác ý theo đúng lý của chánh pháp được gọi là Như Lý Tác Ý. Tu tập hơi thở cùng với các câu Như Lý Tác Ý chính là điểm khác biệt căn bản giữa định niệm hơi thở của Đức Phật và các phương pháp tu tập hơi thở của ngoại học như Yoga, dưỡng sinh, khí công…
Mỗi người đều có thể tự mình chứng nghiệm một nguyên lý căn bản của tâm hành, đó là trong một sát-na (khoảng thời gian ngắn nhất) tâm không thể khởi hai ý niệm cùng một lúc. Do đó khi hướng tâm tập trung trên một đối tượng này thì các niệm khác tạm thời vắng mặt. Do vậy, hành giả trong khi tu tập tỉnh giác theo hơi thở cũng có nghĩa là tập cắt đứt dòng suy tầm. Điều này đã được Đức Thế Tôn nói đến trong bài kinh Chánh Giác: “Cần phải tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra để cắt đứt tầm”  (TC IX:1, tr. 67 = [I.9.1.5]).
Trong buổi đầu, khi tâm chưa thanh tịnh, hành giả thường bị chi phối bởi các suy tầm theo hướng phiền não do dục, sân và hại khởi lên. Tích cực ngăn chặn không để các tầm ác, bất thiện này có cơ hội sanh khởi, quấy rối, làm ô nhiễm tâm là bước đầu tiên không thể thiếu trong quá trình thanh tịnh tâm.
Điều này giống như muốn yên ổn xây dựng đất nước thì công việc đầu tiên là phải tích cực ngăn chặn không cho giặc ác có cơ hội nổi loạn phá hoại. Do đó, nỗ lực thực hiện quán niệm hơi thở cũng có nghĩa là tu tập Bốn Chánh Cần, tức bốn điều chân chánh cần tinh tấn thực hiện đó là: ngăn (niệm) ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện.
Tuy nhiên, việc định tâm trên hơi thở để cắt đứt tầm và ngăn niệm ác sẽ không thể thực hiện tốt nếu không duy trì được sự chánh niệm tỉnh giác theo hơi thở. Muốn chánh niệm tỉnh giác theo hơi thở được sung mãn, không có pháp nào tốt hơn là phải nương hơi thở khéo tác ý, tức Như lý tác ý: “…Này các Tỷ-kheo, chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho chánh niệm tỉnh giác? Như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy” (bài kinh “Vô Minh”, TC X:61, tr. 395 = [I.10.61]).
Vì thế, nếu chỉ tập trung tâm đơn thuần trên hơi thở mà không có Như lý tác ý sẽ khiến cho sự chánh niệm tỉnh giác đến một lúc nào đó sẽ bị muội lược. Chánh niệm tỉnh giác suy yếu sẽ khiến vị hành giả hoặc rơi vào các trạng thái vô ký (thuỳ miên) hoặc bị các trạng thái của tưởng chi phối nên cảm nhận thấy hơi thở thanh nhẹ, nhỏ nhiệm, dao động ngắn dần đến độ như ngừng hẳn (mặc dù người khác vẫn có thể “thấy” vị hành giả còn duy trì hơi thở). “Thấy hơi thở chấm dứt” trong khi thực tế nó vẫn còn, sự nhận biết này nằm trong phạm vi của tưởng tri. Cứ nhất tâm trong trạng thái của tưởng được gọi là định tưởng.
Nếu người tu thiền tiếp tục duy trì sự chú tâm đơn thuần trên các trạng thái của tưởng uẩn như vậy, sẽ đến lúc ý thức tách rời khỏi năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), hành giả sẽ đạt được các tầng thiền định vô sắc. Trong Đại Kinh Phương Quảng, ngài Xá-Lợi-Phất đã nói rõ: “ý thức thanh tịnh, không liên hệ đến năm căn, có thể đưa đến Hư không vô biên xứ; hư không là vô biên, có thể đưa đến Thức vô biên xứ; thức là vô biên, có thể đưa đến Vô sở hữu xứ, không có sự vật gì” (TB1, 43 = [Vd.1.12])
Chính vì lẽ đó Kinh Pháp Môn Căn Bản (TB1, 1 = [U.3]) xếp những hiểu biết về thiền định trong trường hợp trên vào phạm trù “tưởng tri vô sắc là vô sắc”. Thế nhưng nếu vị Tỳ-kheo tu theo lộ trình được Đức Phật dạy trong kinh Tiểu Không cũng có thể đạt được các tầng thiền vô sắc, cũng có thể an trú với nhiều an trú nhưng ở mức độ “thắng tri vô sắc là vô sắc”, sự khác biệt này sẽ được đề cập trong một dịp khác.
Như đã nói ở trên, khi tu tập định niệm hơi thở, phương tiện hữu hiệu đầu tiên giúp tâm luôn ở trên bình diện của ý thức tỉnh giác, không bị rơi vào các trạng thái của tưởng, đó là phải tu tập hơi thở cùng với các câu Như lý tác ý. Chính vì thế trong bài kinh Ngọn Ðèn, Đức Thế Tôn đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần muốn đạt được nhiều lợi ích hy hữu do định niệm hơi thở mang lại “thời định niệm hơi thở vô và hơi thở ra này cần phải khéo tác ý” (TƯ5, 316 = [Ve.12.8])
Và ngay trong bài kinh trước đó, khi tôn giả Arittha trình bày cách tu hơi thở của mình đơn thuần chỉ bằng sự tỉnh giác theo hơi thở vô - ra, Đức Thế Tôn đã nhấn mạnh: “Ðây cũng là niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này Arittha, nhưng Ta tuyên bố là không phải. Này Arittha, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào là niệm hơi thở vô, hơi thở ra, được phát triển, được làm cho viên mãn. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói” (TƯ5, 314 = [Ve.12.6]). Sau đó Ngài đã dạy cho tôn giả Arittha về định niệm hơi thở cùng với các câu Như lý tác ý.
Khéo tác ý ở đây có hai ý nghĩa:
(1) Tác ý phải theo đúng chánh lý của Chánh Pháp tức Như lý tác ý. Không khéo tác ý là những tác ý không đúng chánh lý, là những tác ý chủ quan, duy ý chí; hay còn được gọi chung là Phi như lý tác ý. Phi như lý tác ý không những không có lợi mà còn có hại.
(2) Tác ý phải dựa theo hơi thở nhưng không được gây rối loạn nhịp thở tự nhiên, nói cách khác là phải khéo nương vào nhịp điệu của hơi thở đang có để tác ý.
Có thể hiểu ý nghĩa này qua hình dung trò chơi nhảy dây của trẻ con. Hai em Thở Vô và Thở Ra cầm hai đầu sợi dây và quay nhanh hay chậm theo ý mình muốn; em thứ ba là Tác Ý phải tỉnh giác theo sợi dây và phải tuệ tri được nhịp điệu đó. Dựa vào tốc độ của vòng dây, Tác Ý phải khéo léo mới có thể nhảy vào, nhảy lên xuống, nhảy ra không bị vướng dây. Tác Ý muốn làm được như vậy, đương nhiên, “vị ấy phải tập”. Ở đây hơi thở và tác ý cũng là một người, vì vậy ví dụ về người thợ quay thiện xảo của Đức Thế Tôn là chính xác nhất để nói lên sự chủ động “khéo tác ý” của người tu tập định niệm hơi thở.
Càng tu tập Định niệm hơi thở đúng cách, càng thấy khỏe mạnh; vì mỗi hơi thở vô ra luôn được điều hòa tự nhiên. Trái lại tu tập sai cách hoặc không khéo tác ý khiến hơi thở bị rối loạn, ngay sau từng buổi tập đều có thể bị các triệu chứng như khó thở, mệt nhọc, nhức đầu, tức ngực. Người tu Phật phải căn cứ vào chánh kinh Nikaya, phải tìm hỏi cho kỹ và thực hành từng bước cho đúng để sau từng buổi thiền tập đều đạt được hiệu quả thiết thực, tránh những sai lầm không thích đáng.
Tập như lý tác ý theo nhịp thở “cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, “cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra” để nhắc tâm duy trì sự chánh niệm tỉnh giác trên thân nhằm giúp tâm không dao động, tán loạn. Điều này cũng có nghĩa nhắc tâm định trên thân.
Tập như lý tác ý “an tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, “an tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra” để nhắc các hành thuộc thân không dao động, phải an tịnh. Đây là câu tác ý nhằm nhắc thân định trên tâm.
Do vậy, tu tập làm sung mãn định niệm hơi thở sẽ giúp thân và tâm không dao động: “Khi vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, nên thân không rung động, không dao động, hoặc tâm không rung động hay dao động” (TƯ5, tr.458) = [Ve.12.7]). Lại nữa, chính nhờ thân không rung động và tâm không dao động nên đắc được định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức: “Ðối với một vị có Thiền định như vậy, này các Tỷ-kheo, nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn, nên thân vị ấy không rung động hay dao động, nên tâm vị ấy không rung động hay dao động. Ðối với vị Tỷ-kheo ấy, được định như vậy, không có khó khăn, không có gian nan, không có mệt nhọc” (Sđd)
Ngoài các tác dụng thiết thực nêu trên, tu tập pháp Như lý tác ý trong định niệm hơi thở còn giúp niệm căn trở thành niệm lực. Người tu thiền thường nghe nói “tâm viên, ý mã” - tâm ý lăng xăng như khỉ, ngựa. Hình ảnh này chỉ là sự mô tả tâm một cách phiến diện, vì thực ra tâm ý con người phức tạp hơn nhiều với muôn vàn trạng thái khác nữa (hôn trầm, thuỳ miên, vô ký, trạo cử hối quá…).
Đúng như Đức Phật đã nhận định“tâm đa dạng hơn danh hoạ, không có bộ loại nào khác lại đa dạng như tâm” (TƯ2, tr. 270 = [Ve.7.100]). Tuy nhiên nếu cứ theo sự mô tả đơn giản theo kiểu “tâm viên, ý mã”,  thì một câu hỏi cần được đặt ra là “Làm thế nào làm chủ được tâm khỉ, ý ngựa?”. Quán sát một người huấn luyện khỉ, ngựa trong rạp xiếc, hành giả sẽ tìm được câu trả lời.
Như đã được biết, người huấn luyện xiếc muốn tập cho con thú biết vâng lời, tất phải sử dụng những câu lệnh thích ứng và kiên trì thực hiện. Lúc đầu con thú sẽ không tuân phục, nhưng sau một thời gian chúng sẽ thuần thục và làm theo. Lúc này xem như câu lệnh của người huấn luyện thú đã có lực của nó. Tu tập rèn luyện tâm hành và thân hành còn mang nặng tính bản năng cũng tương tự như vậy.
Những câu lệnh thích ứng bằng các câu Như lý tác ý và với sự tinh cần thực hành bền bỉ, thường xuyên sẽ đến lúc phát huy sức mạnh của câu tác ý, điều này trong kinh gọi là niệm lực. Khi đã có niệm lực thì định lực cũng được thiết lập, từ đây việc hướng tâm, dẫn tâm xuất nhập hay an trú các tầng thiền nhằm đạt được trí tuệ từ thiền định, khả dĩ mới thực hiện được. Ngược lại, nếu không tu tập niệm căn thành niệm lực thì việc điều phục thân tâm là chuyện rất khó xảy ra. Đây cũng là một sự khác biệt giữa thiền định của Đạo Phật và các thiền định ngoại học.
Bên cạnh đó, niệm lực còn có một ý nghĩa khác nữa: đó là sức mạnh của trí nhớ. Vị hành giả thường xuyên “an trú chánh niệm trước mặt”  là niệm các câu tác ý trước sau phải rõ ràng, không lẫn lộn, giống như nhìn các món đồ trước mặt, đây chính là phương thức hữu hiệu để rèn luyện tăng cường khả năng ghi nhớ và chống lão hóa về tâm thức.
Tóm lại, tu tập định niệm hơi thở trong phần quán thân đem lại rất nhiều lợi ích và kết quả to lớn. Mặc dù định niệm hơi thở được giới thiệu trong kinh Niệm Xứ chỉ là giai đoạn đầu; tuy nhiên ở đây người học Phật cũng cần nhận thức thêm và nắm lấy pháp môn này như một phương tiện quan trọng để đi tới giải thoát. Trong Tương Ưng 5, Đức Thế Tôn đã nói rõ bảy quả, bảy lợi ích của việc tu tập định niệm hơi thở:
"Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô hơi thở ra, có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô hơi thở ra, được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả lợi ích?: 
Ngay trong hiện tại lập tức thành tựu chánh trí. Nếu ngay trong hiện tại, không lập tức thành tựu chánh trí, thời khi mệnh chung thành tựu chánh trí. Nếu khi mệnh chung không thành tựu chánh trí, thời sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được Trung gian Niết Bàn, được Tổn hại Bát Niết Bàn, được Vô hành Niết Bàn, được Hữu hành Bát Niết Bàn, được Thượng lưu, đạt đến Sắc cứu cánh thiên” (TƯ5, 314 = [Ve.12.5]).
Những ai đã tu tập sung mãn định niệm hơi thở đều có thể nhận thấy lợi ích bất khả tư nghì của pháp môn này. Tuy vậy, trong giai đoạn tu tập Bốn Niệm Xứ để nội tâm được tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thì tu tập định niệm hơi thở phải kết hợp với việc tu tập tỉnh giác trên bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi cùng các thân hành khác như đã được Đức Phật chỉ dạy trong đoạn kinh kế tiếp.

Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi”, hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng”, hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi”, hay nằm, tuệ tri: "Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy. (A)
Vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay vị ấy sống quán thân trên ngoại thân; hay vị ấy sống quán thân trên nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân. (B)
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng già lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm. (C)
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân. (D)

Giải Trình
1.3 Quán Niệm Thân Hành Động
Bốn đoạn kinh nêu trên được xem như tiêu biểu cho cách chỉ dạy hai phương pháp tu tập chủ yếu, gắn bó mật thiết với nhau của Bốn Niệm Xứ, đó là Tỉnh Giác và Chánh Niệm. Người học Phật cần phân biệt rõ hai phương pháp rất quan trọng này. Trong bài kinh “Tật Bệnh”, Đức Thế Tôn đã định nghĩa rất cụ thể:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm. Sống quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay, đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nếm đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác” (TƯ4, 210 = [Ve.18.7])
Căn cứ vào định nghĩa trên cần rút ra nhận thức sau: đoạn kinh (A) của phần niệm thân dạy tu tập tỉnh giác trên bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; và đoạn kinh (C) dạy tỉnh giác trên các hành động khác (tỉnh giác trên các hành động cũng được xem như quán sát thân nên được xếp trong phần niệm thân).
Đoạn kinh (B) và (D) thuộc về phần chánh niệm quán thân trên thân.
Cũng như tỉnh giác trên hơi thở, sự tỉnh giác trên bốn oai nghi và mọi hành động có ý nghĩa là giúp ngăn niệm ác chưa sanh sẽ không cho sanh khởi. Như vậy tỉnh giác là pháp tu về Chỉ - tức giúp ngăn, dừng, ngưng vọng niệm trong tâm - đây cũng là phương pháp tu tập về tâm, giúp cho tâm được định tĩnh để đi tới giải thoát.
Nếu niệm hơi thở vô - hơi thở ra thuộc thân hành niệm nội, thì niệm tỉnh giác trên bốn oai nghi và mọi hành vi của thân thuộc thân hành niệm ngoại. Cả hai niệm nội và ngoại nơi các hành của thân gọi chung là Thân hành niệm. Tích cực tu tập tỉnh giác trên các thân hành là tăng cường giúp cho tâm định trên thân.
Như vậy tu tập Bốn Niệm Xứ là sự tu tập toàn diện, trong mọi tư thế, mọi lúc, mọi nơi. Người thực hành miên mật Thân hành niệm là người tích cực nhất, bận rộn nhất vì không giây phút nào được buông lung, phóng dật. Hành giả từ lúc bắt đầu thức giấc cho đến tận khi đi ngủ, trong từng phút giây phải luôn tỉnh giác với các thân hành của mình, phải chống lại các niệm ác, bất thiện sanh khởi để thanh tịnh hoá thân tâm.
Người thực hành Bốn Niệm Xứ nên tránh suy nghĩ một chiều cho rằng chỉ có ngồi thiền kiết già mới là tu, từ đó xem thường hoặc tránh né tu tập các oai nghi khác. Việc tỉnh giác trên mọi oai nghi hành động đem lại nhiều kết quả và lợi ích to lớn, là yêu cầu của “vô gián định” tức định không gián đoạn.
Riêng đối với phương pháp kinh hành, Đức Thế Tôn đã nêu rõ năm lợi ích cụ thể:
- Kham nhẫn được đường trường;
- Kham nhẫn được tinh cần;
- Ít bệnh tật;
- Đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm;
- Định chứng được trong khi kinh hành được tồn tại lâu dài.
(TC V:29, tr.346 = [I.5.29]).
Tuy nhiên trong buổi đầu tu tập, sự tỉnh thức trên mọi oai nghi và hành động còn yếu, do đó vẫn có các niệm phiền não lậu hoặc rò rỉ trong tâm. Lúc này tỉnh giác phải thực hiện nhiệm vụ thứ hai là giác tri ngay niệm phiền não ấy để nhận diện chúng thuộc kiết sử nào hay triền cái nào.
Như vậy tỉnh giác có hai chức năng song hành: tỉnh thức giác tri. Tỉnh thức trên mọi oai nghi, vận hành của thân; và giác tri ngay nếu có một niệm phát khởi trong tâm. Khi thực hiện tốt sự tỉnh thức trên các thân hành thì cũng sẽ dễ dàng giác tri ngay khi một niệm phát khởi trong tâm. Điều này giống như một người lính biên giới nếu biết tỉnh thức canh phòng cẩn mật, chú tâm quán sát, thì sẽ có khả năng phát hiện ngay kẻ thù khi chúng vừa xuất hiện.
Đến đây cần nhận thức rõ thêm một điểm khác biệt quan trọng giữa pháp tu Bốn Niệm Xứ và các pháp tu tập thiền định của ngoại học. Tất cả các pháp tu khác không phải Đạo Phật chỉ đơn thuần tập trung tâm trên một đối tượng thiền định để gom tâm; cho dù các niệm ác - bất thiện có phát khởi thì người tu cũng bỏ qua, không xử lý các niệm này, vẫn tiếp tục thực hành gom tâm trên đối tượng thiền của mình. Hành giả ngoại học dù trong lúc thiền tập có thể lờ đi hoặc gạt sang một bên các niệm phiền não và thực hiện tốt sự định tâm đến đâu chăng nữa, nhưng sau thời công phu các niệm phiền não lậu hoặc, do không bị tiêu diệt nên chúng vẫn còn tiếp tục khởi lên. Thậm chí chúng còn phát khởi mạnh hơn trước vì đã bị đè nén, ức chế. 
Chính vì thế, dù có nỗ lực cố gắng tu tập đến đâu nhưng nếu không biết đoạn diệt, tẩy trừ niệm ác khi chúng đã phát khởi cũng bị Đức Thế Tôn gọi là sự tinh tấn hạ liệt: “Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi… đang đứng....  đang ngồi... khi đang nằm khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến không hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi… đứng… ngồi... nằm có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt (It.IV.115 = [Iti.110]).
Ngược lại, hành giả tu tập phương pháp Chánh niệm - Tỉnh giác của Đạo Phật một mặt phải tinh tấn ngăn chặn niệm ác không cho sanh khởi bằng cách chú tâm tỉnh giác trên mọi thân hành; nhưng một khi niệm ác - bất thiện đã phát khởi thì phải tinh tấn đoạn diệt ngay niệm ác đó, không cho chúng tiếp tục tồn tại trong tâm. Muốn đoạn diệt một niệm ác không có một cách nào khác là phải dùng một niệm thiện tương ưng, và đây được gọi là chánh niệm. Nguyên lý đối trị này đã được Đức Phật nhiều lần nêu lên trong kinh tạng Nikaya.
-- “Này Cunda, giống như một con đường không bằng phẳng, có một con đường bằng phẳng khác đối trị. Này Cunda, giống như một bến nước không bằng phẳng, có một bến nước bằng phẳng khác đối trị. Cũng vậy này Cunda: Ðối với con người làm hại, có sự không làm hại đối trị. Ðối với con người sát sanh, có từ bỏ sát sanh đối trị…”  (Kinh Đoạn Giảm, TB1, 8 = [Sb.1.16])
-- “Để đoạn tận thân ác hành, thân thiện hành cần phải tu tập. Để đoạn tận khẩu ác hành, khẩu thiện hành cần phải tu tập. Để đoạn tận ý ác hành, ý thiện hành cần phải tu tập.” (TC VI:108, tr.265 = [I.6.108])
-- “Ðể đoạn tận dục tầm, xuất ly tầm phải tu tập. Ðể đoạn tận sân tầm, vô sân tầm cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại tầm, bất hại tầm cần phải tu tập”  (TC VI:109, tr.265 = [I.6.109])
-- “Ðể đoạn tận dục tưởng, xuất ly tưởng phải tu tập. Ðể đoạn tận sân tưởng, vô sân tưởng cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại tưởng, bất hại tưởng cần phải tu tập” (TC VI:110, tr.266 = [I.6.110])
-- “Ðể đoạn tận dục giới, xuất ly giới phải tu tập. Ðể đoạn tận sân giới, vô sân giới cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại giới, bất hại giới cần phải tu tập” (TC VI:111, tr.266 = [I.6.111])
-- “Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy.” (PC 223)
-- “Tà nghiệp, này các Tỷ-kheo, do chánh nghiệp làm cho tiêu diệt, và những ác bất thiện pháp được tà nghiệp duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chánh nghiệp.
Tà mạng, này các Tỷ-kheo, do chánh mạng làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà mạng duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh mạng...
Tà niệm, này các Tỷ-kheo, do chánh niệm làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà niệm duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh niệm. Và những thiện pháp được chánh niệm duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. (Đại Kinh Bốn Mươi, TB3, 117 = [U.36.10])…
(Riêng trong bài kinh Niệm Thân, số 81 thuộc Hán tạng Trung A Hàm cũng có lời dạy tương tự: “… Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau: Tỳ-kheo khi sanh niệm ác -  bất thiện, liền bằng niệm thiện pháp để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ”)
Do vậy, bên cạnh sự tinh tấn nỗ lực ngăn chặn niệm ác, người tu Bốn Niệm Xứ cũng phải ghi nhớ một điều tối quan trọng: đó là một khi niệm ác đã phát khởi thì phải tinh tấn nỗ lực tiêu diệt ngay niệm ác đó bằng một niệm thiện tương ưng. Nếu niệm thiện chưa có thì phải tích cực sanh khởi cho có niệm thiện. Nhưng dù niệm thiện đã có nhưng còn yếu, chúng cũng không thể tiêu diệt được niệm ác vì vậy phải tích cực tăng trưởng, làm mạnh mẽ niệm thiện đó.
Các nội dung ngăn ác - diệt ác - sanh thiện - tăng trưởng thiện nêu trên chính là bốn nguyên lý cơ bản của sự tinh tấn nỗ lực đúng hướng của Bốn Chánh Cần; và đây cũng chính là Chánh Tinh Tấn, một chi phần chánh đạo chỉ được tìm thấy trong Tám Chánh Đạo của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni mà thôi.
Đến đây một vấn đề đặt ra: Làm thế nào để tẩy sạch, chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu từng niệm ác - bất thiện một cách cụ thể? Muốn thực hiện được điều này cần bắt đầu từ những nhận thức căn bản với những  nguyên lý chung như sau:
Nếu ví các niệm bất thiện thuộc thân là những căn bệnh, thì phải có những niệm thiện tương ưng cũng thuộc thân là những phương thuốc thích hợp để chữa trị. Cũng vậy, nếu phát khởi những niệm “bệnh” thuộc thọ - tâm - pháp, thì phải có những niệm “thuốc” cũng thuộc thọ - tâm - pháp tương ứng để điều trị thích hợp. Bệnh nào phải có thuốc đặc trị riêng của bệnh đó, không thể lẫn lộn.
Như vậy:
-- Quán thân trên thân có nghĩa là quán một niệm thiện thuộc thân để khắc phục tẩy trừ niệm ác, bất thiện thuộc về thân.
-- Quán thọ trên các thọ nghĩa là phải quán một niệm thọ thuộc thiện pháp trên niệm thọ thuộc ác pháp để đoạn trừ niệm phiền não thuộc thọ.
-- Quán tâm trên tâm là phải quán một niệm thiện thuộc tâm trên niệm bất thiện thuộc tâm để đoạn trừ phiền não nơi tâm.
-- Quán pháp trên các pháp là quán pháp thiện trên pháp bất thiện để đoạn trừ tham ưu do pháp bất thiện gây ra.
Các quá trình trên được gọi chung là chánh niệm. Vì vậy có thể hiểu nôm na: chánh niệm là biết ghi nhớ quán xét dùng niệm thiện để tẩy trừ, tiêu diệt niệm ác.
Những niệm bất thiện gây ra phiền não thuộc thân - thọ - tâm - pháp thể hiện rất đa dạng nhưng chung quy có hai khía cạnh chính, đó là những niệm tham ái và những niệm ưu phiền được gọi chung là tham ưu. Ví dụ có những niệm tham ái nơi thân và cũng có những niệm ưu phiền về thân, chúng được gọi chung là tham ưu nơi thân. Những tham ưu này có liên quan với nhau và thường gây ra nhiều khổ đau và nguy hại.
Một cô gái vì luyến ái tự thân, mặt cô chỉ nổi một hạt mụn nhỏ cũng đủ làm cho cô hệ lụy, bị một lời chê bóng gió cũng khiến cô hờn giận. Lại có những cô gái vì quá ham muốn làm đẹp cho bản thân đến nỗi phải sa đọa vào con đường hư hỏng.
Một cậu bé xấu hổ mặc cảm vì vài khuyết tật nơi thân, không chịu đựng được sự châm chọc của bạn bè nên đã có những hành động phản kháng rồ dại.
Một cụ già cứ phiền não than thân trách phận vì bị đau lưng, như vậy cụ đã bị đau khổ hai lần: lưng bị đau và tâm cũng “đau” theo lưng.
Vị tu sĩ bị tham ưu nơi thân khó có thể kham nhẫn nếp sống giới luật thanh tịnh của đạo Phật, khó có thể an tâm trong tu tập về thiền định.
Nói chung những tham ưu nơi thân rất đa dạng, nhiều vẻ và rất phổ biến. Chúng không những là sợi dây trói cột chúng sanh vào đau khổ ngay trong hiện tại mà còn trói cột vào đau khổ lâu dài trong sanh tử luân hồi theo tiến trình duyên khởi: “Do chấp thủ sáu giới, này các Tỳ kheo, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc” (TC III:61, tr.317 = [I.3.53.9]).
Những kiến chấp sai lầm về thân khiến tạo nên những tham ưu nơi thân làm thành sợi dây trói cột con người vào đau khổ đời này và đời sau, do vậy được gọi là thân kiến kiết sử. Chính vì thế, chặt đứt được sợi dây thân kiến kiết sử là tiến một bước đi tới giải thoát an vui ngay hiện tại lẫn về lâu dài.
Vậy, làm thế nào để chặt đứt được sợi dây phiền não nguy hiểm của thân kiến kiết sử? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải truy tìm nguyên nhân sanh khởi nên các niệm tham ưu nơi thân.
Trong kinh điển, Đức Thế Tôn đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của thân kiến kiết sử chính là do tham ái tự thân, và tham ái này phát sanh là do quán nhìn tự thân theo chiều tịnh tướng, từ đây Đức Phật cũng chỉ ra phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị thân kiến kiết sử.
“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, dẫn đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỷ-kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sanh được sanh khởi, và dục tham đã sanh được tăng trưởng quảng đại…
Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, như tướng bất tịnh. Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận” (TC I, tr.11 = [I.1.2/6]).
Như vậy, những niệm tham ưu nơi thân là do quán niệm thân theo chiều tịnh tướng, ngược lại quán niệm thân bất tịnh như bản chất vốn có của nó chính là phương thuốc hữu hiệu đoạn trừ tham ái nơi thân. Đến đây ý nghĩa của quán thân trên thân chính là quán niệm thân bất tịnh trên niệm thân tịnh tướng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
Khi tâm vĩnh viễn không còn những niệm phiền não do tham ái nơi thân, người tu Bốn Niệm Xứ đã chặt đứt một sợi dây nguy hiểm trói cột chúng sanh vào trong sanh tử luân hồi.
-- “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, ước muốn đối với thân được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử” (TƯ5,182 = [Ve.2.37]).
Chính vì vậy trong kinh điển Nikaya, có thể gặp rất nhiều những lời khuyên dạy và nhắc nhở chí tình của Đức Thế Tôn về pháp quán thân bất tịnh:
-- “Bất tịnh cần phải tu tập để đoạn tận tham” (Ud 34 = [Uda.31])
-- “Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ” (It. 80 = [Iti.85])
-- “Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt” (Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La, TB2, 62 = [Sb.14])
-- “Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng về chết, nội tâm khéo an trú” (TC V:70, tr.440 = [I.5.70])
-- “Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát lợi ích. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm trong các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tùy quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng về chết. Vị ấy nội tâm khéo an trú” (TC V:71, tr.441 = [I.5.71])
Quán thân bất tịnh để đoạn trừ tham ưu nơi thân quan trọng và lợi ích như vậy, nhưng vấn đề đặt ra là quán thân bất tịnh phải được tu tập cụ thể như thế nào? Câu trả lời nằm sẵn trong đoạn kinh kế tiếp đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy rất chi tiết.

Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: "Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.
Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: "Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân, hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Giải Trình
1.4 Quán Thân Bất Tịnh
Như vậy, nói theo ngôn ngữ Bốn Niệm Xứ, đoạn kinh trên là phương pháp quán (niệm) thân bất tịnh với 32 thể trược trên (niệm) thân tịnh tướng để chế ngự tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
Thật vậy, những tham ưu thuộc thân phát sinh là do quán nhìn thân theo chiều hướng tịnh tướng nên từ đó các niệm phiền não như tham ái, ngã mạn, mặc cảm… phát khởi. Một cô gái thích thú với sắc đẹp bản thân mình nên phải thường xuyên quan tâm, lo lắng giữ gìn vẻ đẹp ấy. Cũng chính vì chấp thủ tự thân nên cô ta thấy người xấu hơn mình thì ngã mạn, còn gặp người đẹp hơn thì mặc cảm, tự ti, ganh tỵ. Một biến hoại dù nhỏ nơi thân cũng có thể làm cho cô đau khổ, nghe một câu phê bình vô tình về sắc thân của mình cũng làm cô sầu muộn.
Ngược lại một người biết quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt” như thực chất vốn có của nó sẽ bớt tham ái nơi thân. Bớt tham ái nơi thân là tránh được nhiều khổ luỵ vì thân ngay trong hiện tại. Hơn nữa tu tập phương pháp quán sát thân bất tịnh còn giúp tẩy rửa dần các niệm thân kiến kiết sử ngủ ngầm, tiến tới chặt đứt hoàn toàn một sợi dây tái sanh do luyến ái sắc thân.
Đối với người tu sĩ, thường quán thân bất tịnh là một trong những phương thức quan trọng giúp gìn giữ tâm bất động, không bị thoái hoá biến chất trước cung kính, lợi dưỡng; không làm mồi cho ác ma chi phối tác hại.
“Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusamdha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ bị Ác ma Dusi xâm nhập và nói như sau: "Các Ngươi hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Những vị này được các Ngươi tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường có thể đổi tâm và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ”.
Này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy sống quán bất tịnh trên thân, quán tưởng nhàm chán đối với các món ăn, quán tưởng bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành” (Kinh Hàng Ma, TB1, 50 = [Vd.14.15]).
Đến đây, để thực hành phương pháp quán thân đầy đủ hơn cần hiểu rõ thêm các cách quán nội - ngoại trên thân. Nội thân là phần bên trong thân, ngoại thân là phần bên ngoài thân, nội – ngoại thân là bên trong lẫn bên ngoài. Như vậy:
“Quán thân trên nội thân” có nghĩa là quán (niệm) thân bất tịnh trên (niệm) nội thân tịnh tướng.
“Quán thân trên ngoại thân” tức là quán (niệm) thân bất tịnh trên (niệm) ngoại thân tịnh tướng.
“Quán thân trên nội thân, ngoại thân” là quán (niệm) thân bất tịnh trên (niệm) thân tịnh tướng bên trong và ngoài thân hay cửu khiếu.
Nói chung thích tịnh tướng nơi nào thì tham ái, tham ưu phát sanh liền nơi đó, vì vậy phải quán pháp bất tịnh đối trị ngay nơi đó. Các niệm tham ái tịnh tướng thuộc bên trong, bên ngoài hoặc vừa bên trong vừa bên ngoài thân phải được đối trị bằng các niệm bất tịnh tương ứng ngay trên đó. Ví dụ nếu niệm tham ưu phát sanh do thích thú với làn da trắng thì phải quán những bất tịnh nơi da (mồ hôi, vết thương…), niệm tham ưu phát sanh do quan tâm đến đôi mắt đẹp phải quán bất tịnh nơi mắt (ghèn, nước mắt…).
Bài kinh Một Ung Nhọt là tiêu biểu cho cách quán thân bất tịnh trên nội ngoại thân tức cửu khiếu để đoạn trừ khổ đau do tham ái nơi thân:“Ví như, này chư Hiền, một ung nhọt đã trải nhiều năm. Nó có chín miệng vết thương, có chín miệng nứt rạn. Từ đấy có cái gì chảy ra, chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy; có cái gì nứt chảy, chắc chắn bất tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhàm chán nứt chảy.
Ung nhọt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân này do bốn đại tác thành, do cha mẹ sinh ra, do cơm cháo chất chứa nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, tan nát, hủy hoại, hoại diệt, có chín miệng vết thương, có chín miệng nứt rạn. Từ đấy có cái gì chảy ra, chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thúi rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy; có cái gì nứt chảy, chắc chắn bất tịnh nứt chảy, chắc chắn hôi thúi nứt chảy, chắc chắn nhàm chán nứt chảy. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy nhàm chán thân này” (TC  IX:15, tr.116 = [I.9.15])
Khái niệm “nhàm chán thân” có nghĩa là không chấp thủ, không dục ái tự thân. Không còn chấp thủ, không còn luyến ái tự thân là bớt đi rất nhiều khổ lụy vì tự thân. Người học Phật biết quán niệm xem thân mình là phương tiện giúp đi tới giải thoát chứ không phải là đối tượng tham ái, nhờ vậy sẽ không rơi vào hai cực đoan sai lầm đối với thân: hoặc quá tham ái tự thân hoặc xem thường huỷ hoại tự thân.
Nếu xem cách quán thân bất tịnh với 32 thể trược là phương pháp điều trị tổng quát, thì cách quán thân bất tịnh trên nội thân, ngoại thân, nội-ngoại thân là cách chữa trị đặc trị. Hai phương cách này phải được kết hợp thích đáng. Người tu tập Bốn Niệm Xứ có nhàm chán thân mới ly tham ái nơi thân, từ đó mới đoạn diệt được thân kiến kiết sử.
Trong phần quán thân nói chung và quán thân bất tịnh nói riêng, người tu Bốn Niệm Xứ cũng phải biết quán tánh sanh khởi, quán tánh đoạn diệt, quán tánh sanh diệt trên thân để đoạn tận triệt để các niệm thuộc thân kiến kiết sử. Trong kinh văn, khi nói đến quán tánh sanh khởi, tánh đoạn diệt Đức Thế Tôn thường liên hệ đến lý Nhân Duyên. Đối với Bốn Niệm Xứ cũng vậy, các cách quán tánh sanh khởi, quán tánh đoạn diệt và quán sanh diệt trên thân - thọ - tâm và pháp cũng cần vận dụng theo Thánh lý này.
Điển hình như trong bài kinh Sáu Sáu (TB3, 148), Đức Phật chỉ dạy rất chi tiết quán tánh sanh khởi và đoạn diệt thân kiến theo tiến trình 12 Nhân Duyên, người học Phật cần tham khảo kỹ bài kinh này để hiểu rõ hơn. Các cách quán sanh khởi, đoạn diệt và sanh diệt giới thiệu trong bản giải mã này chỉ là những ý kiến nhỏ thêm vào. Theo đây:
“Quán tánh sanh khởi trên (niệm) thân” là quán tìm những nguyên nhân khiến hay phát khởi các niệm quan tâm đến sắc thân. Ví dụ như hay chú ý đến thân vì thường nhìn thấy thân mình khi đi ngang qua cửa kính, hoặc thường tiếp xúc với người hay nhắc đến vẻ đẹp xấu của mình…
“Quán tánh diệt tận trên thân” là quán tìm các phương cách để đoạn trừ những yếu tố khiến phát sanh niệm tham ưu về thân. Ví dụ tránh soi mình trong gương, hạn chế chuyện soi mói phê bình dung sắc mình và người khác…
“Quán tánh sanh diệt trên thân” là kết hợp vừa quán tìm nguyên nhân vừa quán tìm phương thức đoạn trừ các điều kiện phát sanh các niệm thuộc về thân kiến (Tham khảo bài kinh “Con Đường”, TƯ3, 44 = [Ve.7.44]).
Có thể nói những niệm kiến chấp về thân ăn sâu trong tiềm thức mỗi người kể từ khi sanh ra cho đến khi nhắm mắt, thậm chí bám sát mỗi chúng sanh trong mỗi kiếp luân hồi. Do vậy đoạn diệt những niệm tham ái nơi thân không phải là việc đơn giản. Chính vì thế bên cạnh các phương pháp quán thân bất tịnh nêu trên, Đức Phật còn chỉ dạy thêm cách quán thân theo bốn giới: đất – nước – lửa – gió.

Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”. Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đổ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”.
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Giải Trình
1.5 Quán Thân Bốn Đại Vô Thường
- Địa đại là phần thô cứng thuộc thân như xương, móng, răng, thịt…
- Thuỷ đại là phần nước, chất lỏng thuộc thân như mồ hôi, nước mắt, niêm dịch…
- Hoả đại là phần sức nóng, thân nhiệt.
- Phong đại là phần hơi, thể khí như hơi thở vô ra, hơi gió chuyển vận trong thân…
Các niệm thân kiến kiết sử, đã phát khởi hoặc còn tùy miên, ngoài nguyên nhân do quán niệm thân theo chiều tịnh tướng còn có một nguyên nhân khác, đó là do quán nhìn tự thân theo chiều hướng thường hằng. Chính vì nghĩ thân này ngày hôm nay cũng sẽ như vậy vào ngày mai, tháng sau, năm tới nên mới phát sinh tham ái đối với thân để rồi khổ đau vì nó. Không thấy sự vô thường nơi thân nên dẫn đến chấp thân này là ta, là của ta, là tự ngã nơi ta. Chính vì chấp thủ nơi thân nên khi thân biến đổi, biến hoại mới đấm ngực khóc than, sầu bi, buồn khổ.
Một thiếu phụ thấy sợi tóc bạc trên đầu cũng chạnh lòng vì cô cứ muốn mình trẻ mãi. Một bà lão thấy một nếp nhăn trên trán cũng thở dài tự ti vì nghĩ ngày xưa mình đâu có xấu như thế. Một ông trung niên đau lưng thì ít mà cứ buồn vì lưng đau thì nhiều, do trước đây ông không hề nghĩ mình lại bị như vậy. Một vận động viên bị tai nạn bất ưng khiến không thể tiếp tục luyện tập đâm ra chán nản tìm quên trong ly rượu, ma tuý hoặc muốn tự tử vì không bao giờ nghĩ mình lại có thể bất lực như vậy v.v… Tất cả đều là những biểu hiện của thân kiến kiết sử, và nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì không thấy hoặc không chấp nhận được sự vô thường nơi thân này.
Quán sát thân theo vị trí và sự sắp đặt của các giới như ví dụ đã nêu trong đoạn kinh trên sẽ làm tăng cường các niệm bất tịnh và nhận thức rõ sự mong manh, dễ đổ vỡ của thân tứ đại. Nhờ vậy bớt được tham ái nơi thân đồng thời không ưu phiền khi các đại của thân biến chuyển theo quy luật vô thường.
Bên cạnh đó, bài kinh Không Sợ Hãi đã khắc hoạ thêm một khía cạnh khổ đau do tham ái tự thân nên sanh ra ưu phiền, sợ hãi và chỉ cách đoạn trừ:
“…Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người không ly tham đối với thân ... Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta", hay "Ta sẽ từ bỏ thân khả ái". Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.
…Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người ly tham đối với thân, ly ham muốn, ly luyến ái ... Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta", hay "Ta sẽ từ bỏ thân khả ái". Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết”  (TC IV:184, tr.147 = [I.4.184])
Do vậy muốn tránh khổ đau vì thân kiến kiết sử phải ly tham ái, đoạn ưu phiền nơi tự thân bằng cách quán nhìn tự thân theo lý chân thật của nó, tức là quán sự vô thường nơi thân theo bốn giới (hay bốn đại): địa đại, thuỷ đại, hoả đại và phong đại.
Bốn đại thuộc nội thân còn được gọi là các nội giới, bao gồm: nội địa giới, nội thuỷ giới, nội hoả giới và nội phong giới. Thế giới bên ngoài cũng có bốn đại tương tự và được gọi là bốn ngoại giới, bao gồm: ngoại địa giới (núi, rừng...), ngoại thuỷ giới (sông, biển…), ngoại hoả giới (núi lửa…) và ngoại phong giới (gió, bão…).
Bốn ngoại giới tuy to lớn, hùng vĩ, bao la là thế nhưng chúng cũng còn bị biến đổi, biến hoại, nay thế này mai đã khác theo quy luật vô thường. Vậy thì tấm thân nhỏ bé này với bốn đại mỏng manh có nghĩa lý gì trước quy luật vô thường. Tất nhiên chúng cũng phải chịu chung số phận thay đổi và biến diệt theo lẽ tự nhiên.
Trong bài kinh Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, tôn giả Xá-lợi-phất đã dạy chúng ta cách quán nhìn tự thân theo tánh vô thường của bốn giới:
“Chư Hiền, một thời xảy ra khi ngoại thủy giới dao động, trong thời ấy ngoại địa giới bị biến mất. Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại địa giới xưa ấy có thể nêu rõ, tánh hủy hoại có thể nêu rõ, tánh đoạn diệt có thể nêu rõ, tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là.
... Chư Hiền, một thời xảy ra khi ngoại thủy giới dao động, nước cuốn trôi làng, cuốn trôi thị trấn, cuốn trôi thành phố, cuốn trôi xứ, cuốn trôi quốc độ. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương hạ thấp một trăm do-tuần, hạ thấp hai trăm do-tuần, hạ thấp ba trăm do-tuần, hạ thấp bốn trăm do-tuần, hạ thấp năm trăm do-tuần, hạ thấp sáu trăm do-tuần, hạ thấp bảy trăm do-tuần.
Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến bảy cây ta-la, dâng cao đến sáu cây ta-la, dâng cao đến năm cây ta-la, dâng cao đến bốn cây ta-la, dâng cao đến ba cây ta-la, dâng cao đến hai cây ta-la, dâng cao chỉ đến một cây ta-la. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương cao đến bảy đầu người, dâng cao đến sáu đầu người, dâng cao đến năm đầu người, dâng cao đến bốn đầu người, dâng cao đến ba đầu người, dâng cao đến hai đầu người, dâng cao chỉ đến một đầu người. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến nửa thân người, dâng cao chỉ đến hông, dâng cao chỉ đến đầu gối, dâng cao chỉ đến gót chân. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương không có để thấm ướt đốt ngón chân.
Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại thủy giới xưa ấy có thể nêu rõ, tánh hủy hoại có thể nêu rõ, tánh đoạn diệt có thể nêu rõ, tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là.
… Chư Hiền, một thời xẩy ra khi hỏa giới dao động. Lửa thiêu cháy làng, thiêu cháy thị trấn, thiêu cháy thành phố, thiêu cháy xứ, thiêu cháy quốc độ. Lửa cháy cho đến cuối hàng cây cối, cho đến cuối hàng đường lớn, cho đến cuối hàng chân núi, cho đến cuối hàng thủy biên, hay cho đến cuối hàng khu đất khả ái, rồi lửa bị tắt vì không nhiên liệu. Chư Hiền, một thời xảy ra khi loài người đi kiếm lửa phải dùng lông gà và dây gân.
Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại hỏa giới xưa ấy có thể nêu rõ; tánh hủy hoại có thể nêu rõ, tánh đoạn diệt có thể nêu rõ, tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là.
… Chư Hiền, một thời xẩy ra khi ngoại phong giới dao động, gió thổi bay làng, thổi bay thị trấn, thổi bay thành phố, thổi bay xứ, thổi bay quốc độ. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi trong tháng cuối mùa hạ, loài người tìm cầu gió nhờ lá cây ta-la, nhờ cây quạt, và người ta không mong tìm được cỏ tại chỗ có rạch nước chảy.
Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại phong giới xưa ấy có thể nêu rõ; tánh hủy hoại có thể nêu rõ; tánh đoạn diệt có thể nêu rõ; tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là” (TB1, 28 = [Vd.4])
Tóm lại, chính vì không nhận thức được sự vô thường nơi thân nên đâm ra ái luyến chấp thủ thân để rồi tham ưu vì nó. Do vậy, bên cạnh cách quán thân bất tịnh, người tu Bốn Niệm Xứ còn cần phải quán sát thân mình về vị trí và sự sắp đặt của bốn đại để thấy rõ tính vô thường mong manh của chúng, từ đó giúp đoạn trừ tham chấp, ái luyến tự thân. Bớt ái chấp tự thân đến đâu sẽ tránh được khổ đau ưu phiền do thân kiến kiết sử đến đó. Hoặc giả khi một niệm tham ưu nơi thân khởi lên, ngay đó phải quán thân này vốn vô thường biến diệt, nhờ thế sẽ bớt ái chấp tự thân và tránh nhiều khổ lụy.
Đây chính là nội dung của cách quán (niệm) thân bốn đại vô thường trên (niệm) thân bốn đại thường hằng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.

Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm... chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy".
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

Giải Trình
1.6 Quán Thân Biến Hoại
Có thể nói thân kiến kiết sử là sợi dây bền chắc trói cột mạnh mẽ con người. Thân kiến tuỳ miên vốn nằm sẵn trong đứa trẻ từ khi mới sanh và nếu không khéo đoạn trừ sẽ tồn tại mãi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, thậm chí còn bám theo mỗi chúng sanh trong từng kiếp luân hồi. Vì vậy nếu không nương theo đúng Chánh pháp tu tập thì khó có thể chặt đứt được sự cột trói chặt chẽ bởi những kiến chấp sai lầm về thân.
Do đó để có thể đoạn dứt tận gốc thân kiến tuỳ miên, ngoài hai phương thuốc quán thân bất tịnh và quán thân vô thường, Đức Thế Tôn còn chỉ dạy thêm một “dược liệu” mạnh mẽ khác nữa, đó là phương pháp quán thân biến hoại. Phương pháp quán thân theo tiến trình tất yếu của sanh diệt với sự huỷ hoại theo từng thời kỳ như đoạn kinh đã mô tả ở trên là sự kết hợp cả pháp quán thân bất tịnh và quán thân vô thường. 
Người tu chỉ cần dùng pháp quán tưởng “như thấy” các tử thi hoặc các bộ xương như đã được mô tả cụ thể trong đoạn kinh trên, bấy nhiêu cũng quá đủ để đi đến ý thức được điều đặc biệt quan trọng cần phải luôn ghi nhớ “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Nhờ luôn biết quán niệm như vậy nên các niệm thuộc thân kiến phát sanh do niệm thân tịnh tướng hoặc niệm thân thường hằng sẽ được đoạn trừ và các niệm thân kiến tuỳ miên ngủ ngầm cũng sẽ được tẩy rửa khỏi nội tâm.
Thêm nữa, trong bài kinh Udàyi, Tôn giả Ananda đã được Đức Thế Tôn xác chứng khi Tôn giả trình bày ý nghĩa của quán thân bất tịnh và thân biến hoại giúp đoạn trừ tham dục và nhổ tận gốc kiêu mạn: “…Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên trên, từ đảnh tóc trở xuống, được da bọc và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng… Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, tu tập như vậy, làm sung mãn như vậy, đưa đến đoạn tận tham dục.
… Lại nữa, bạch Thế Tôn, ví như vị Tỷ-kheo thấy một vài thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, một ngày hay hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh ứ lại, thối ra mủ chảy. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy"… Ðây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, đưa đến nhổ tận gốc kiêu mạn "Tôi là” (TC VI:29 = [I.6.29])
Tóm lại, đây là cách tu quán (niệm) thân biến hoại trên (niệm) thân tịnh tướng - thường hằng để khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
Các kiết sử cần phải được đoạn dứt hoàn toàn như thân cây tala bị chặt đứt không còn khả năng tái sanh khởi, có vậy mới không bị trói cột trong vòng sanh tử luân hồi. Cũng thế, các niệm tham ưu thuộc thân kiến cần phải được đoạn diệt không cho tái phát khởi trong tâm. Muốn vậy người tu phải tinh cần quán thân bất tịnh với 32 thể trược, quán thân tứ đại vô thường và quán thân biến hoại với những sự sai khác trước sau một cách linh hoạt mới có thể tiêu diệt triệt để các niệm thân kiến kiết sử, sợi dây đầu tiên trong năm hạ phần kiết sử.
Trong mỗi đoạn kinh, cụm từ “có thân đây” được lập đi lập lại nhiều lần nhằm nhắc nhở người tu phải luôn tỉnh giác chánh niệm trên thân và chúng có những ý nghĩa khác nhau theo từng trường hợp cụ thể. Người tu tập Bốn Niệm Xứ cần ghi nhớ trong mỗi lúc:
-  Có thân đây đang ngồi tu định niệm hơi thở.
-  Có thân đây đang biết tỉnh giác trên bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi.
-  Có thân đây đang biết tỉnh giác với từng động tác, hành động.
-  Có thân đây với 32 phần bất tịnh.
-  Có thân đây với bốn đại là vô thường.
-  Có thân đây rồi phải đi đến biến hoại, hủy diệt.
Tóm lại "Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

***

(Xem tiếp phần 2: Quán Thọ)