Thursday 30 June 2011

Giải Mã Niệm Xứ 8: Quán Pháp Tứ Đế



PHẬT LỊCH 2555
VESAK 2600


Giải Mã Kinh Niệm Xứ
Chặng đường giải thoát khổ đau

(Phần 8: Quán pháp Bốn Thánh Đế)

***********

4.5  Quán pháp Bốn Thánh Đế
4.5.1  Quán pháp cứu cánh chân lý trên nội pháp Bốn Thánh Đế
4.5.2  Quán pháp Bốn Thánh Đế trên các ngoại pháp
4.5.3  Quán tánh sanh khởi, đoạn diệt, sanh diệt trên pháp Bốn Thánh Đế
4.6  Các phương pháp tu tập Bốn Niệm Xứ
Phụ chú 1: Các khái niệm cần ghi nhớ
Phụ chú 2: Tóm lược các cách quán cần ghi nhớ.

Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ"; như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ tập”; như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ diệt"; như thật tuệ tri: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt".
Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Đế.

Giải Trình
4.5 Quán pháp Bốn Thánh Đế
Để giải mã đoạn kinh trên, trước hết cần phải hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của cụm từ “Bốn Thánh Đế”. Khái niệm “Đế” có nghĩa là chân lý. Bốn Thánh Đế là bốn chân lý của bậc Thánh nhân. Bốn Thánh Đế còn được gọi là Bốn Diệu Đế với ý nghĩa đây là bốn chân lý vi diệu, diệu kỳ.
Bốn Thánh Đế hay Bốn Diệu Đế bao gồm:
“Khổ đế” ­- Chân lý về khổ,
“Tập đế” - Chân lý về nguyên nhân của khổ,
“Diệt đế” - Chân lý về diệt khổ,
“Đạo đế” - Chân lý về Con đường đi đến đoạn diệt khổ đau tức Tám Chánh Đạo.
Như đã giới thiệu trong phần đầu, chỉ được gọi là chân lý, khi và chỉ khi, điều được tuyên thuyết thoả mãn được các yêu cầu sau đây:
- Phải đúng cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, mầu da, sắc tộc, giai cấp, tín ngưỡng…
- Phải đúng qua mọi thời gian, mọi thời đại: quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Phải đúng ở bất kỳ nơi nào: từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, từ thành thị đến nông thôn…
Ví dụ: bốn trạng thái sanh, già, bệnh (thân và tâm), chết được gọi là “khổ đế” vì những khổ đau này xảy ra cho tất cả mọi người không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, sang hèn; những khổ đau này là sự thật hiển nhiên từ ngàn xưa cho tới nay lẫn trong tương lai; và những khổ đau này hiện hữu khắp mọi nơi, mọi chốn, không ở đâu trên trái đất này con người có thể thoát được thực tế này. Dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời đại nào, không một ai cảm thấy sung sướng khi rơi vào các trạng thái này. Do vậy, nếu nói một cách chân chánh phải thừa nhận sanh, già, bệnh, chết là chân lý về khổ đau.
Điều quan trọng hơn, đó là cứu cánh chân lý (Diệt Đế và Đạo Đế) chỉ có giá trị và đem lại nhiều hữu ích cho con người khi người thực hành chân lý ấy không gây nguy hại và khổ đau cho mình, cho mọi người, cho cả hai phía. Đồng thời, người thực hành chân lý biết làm lợi ích cho mình, cho mọi người, cho cả hai. Cứu cánh Chân lý ấy luôn được thể hiện cụ thể theo chiều hướng làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm. Một cứu cánh chân lý như vậy chỉ hiện hữu ở nơi không có tham, không có sân, không có si, không có ái dục, không có chấp thủ, không có hý luận, có trí tuệ và thuận ứng - nghịch ứng (tức biết quán xét lý nhân quả).
Bên cạnh đó, đối với vị Tỳ-kheo đệ tử Phật phải nhận thức thêm: chân lý và cứu cánh của Niết Bàn mang tính chất đặc thù chỉ có một chứ không có hai. Nếu có hai thì đó không phải là chân lý, không phải là cứu cánh đích thực. Trong Tiểu Kinh Sư Tử Hống (TB1,11 = [U.9]), Đức Thế Tôn đã dạy các Tỳ-kheo phải biết xác định tính chân lý cứu cánh duy nhất, chỉ có một không có hai, để biết phân định rõ pháp giải thoát và không giải thoát, pháp trắng và pháp đen, pháp thắng và pháp liệt.
Rõ ràng những đặc tính như vậy chỉ có thể tìm thấy trong Bốn Thánh Đế, đặc biệt trong Đạo Đế - Tám Chánh Đạo, cũng như trong Chánh niệm - Bốn Niệm Xứ chứ không có ở đâu khác.
Các nội dung về Bốn Thánh Đế được Đức Phật phân tích rất kỹ trong Đại Kinh Niệm Xứ (TrB 2, 22 = [U.1]) và đây cũng chính là sự khác biệt quan trọng giữa hai bài kinh Niệm Xứ thuộc Trung Bộ và Trường Bộ. Người học Phật cần đọc kỹ nội dung phân tích rất đa dạng trong Đại Kinh Niệm Xứ để nắm vững hơn tính chân lý của giáo pháp này. Ở đây chỉ có thể giới thiệu tóm lược một trong rất nhiều cách quán pháp Bốn Thánh Đế mà thôi.

4.5.1 Quán Pháp Cứu Cánh Chân Lý trên nội pháp Bốn Thánh Đế
Trong cách quán này người học Phật cần phải nắm vững các nội dung chi tiết của Bốn Chân lý của bậc Thánh được phản ánh trong Đại Kinh Niệm Xứ.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ; sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ; tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
…Này các Tỳ-kheo, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
…Này các Tỳ-kheo, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy).
…Này các Tỳ-kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Ðó là tám chi Thánh đạo, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định” (Sđd)
Như vậy, đối với người Phật tử, Tám Chánh Đạo là con đường duy nhất để tu tập, nhằm chứng ngộ chân lý giải thoát, do diệt khổ bằng cách đoạn tận nguyên nhân của khổ; tất cả phải được bắt đầu từ sự liễu tri khổ đau như thật:
Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, cần phải liễu tri.
Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận.
Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ.
Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập” (TƯ5, 436 = [Ve.4.29]).
Tuy nhiên, trong thực tế, do có rất nhiều ý thức hệ khác nhau nên cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về chân lý. Người đệ tử Phật phải noi theo gương của Đấng Từ Phụ: “Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỷ-kheo, người nói Pháp không tranh luận với bất cứ một ai ở đời” (kinh Bông Hoa, TƯ3, 113, tr.249 = [Ve.7.94]).
Vì vậy, người tu Phật cần tự mình quán xét để thấy rõ một điểm chung, đó là thông thường tất cả các “chân lý” được hộ trì đều dựa trên một hoặc năm yếu tố sau: 1. lòng tin, 2. sự thích ý, 3. luận thuyết hay kinh văn, 4. cân nhắc suy tư và 5. chấp nhận quan điểm.
Thế nhưng, có những điều được tin tưởng nhưng lại trống rỗng, hư vọng, giả dối; ngược lại có những điều không được tin tưởng lại là chân thật, khách quan, xác thực. Đối với những sự thích ý, các luận thuyết, cân nhắc suy tư và chấp nhận quan điểm cũng vậy. Do đó, với năm yếu tố nêu trên vẫn chưa đủ để cho một người có trí tuệ đi tới kết luận “Chỉ có chân lý mình theo là đúng thật, ngoài ra tất cả đều sai lầm”.
Trong bài kinh Canki (TB2, 95 = [So.28]), Đức Thế Tôn đã phân tích cụ thể có ba mức độ của chân lý theo quan điểm của đạo Phật, đó là: (1) Hộ trì chân lý hay chân lý được hộ trì, (2) Giác ngộ chân lý hay chân lý được giác ngộ và (3) Chứng đạt chân lý hay chân lý được chứng đạt.
- Sự hộ trì chân lý hay chân lý được hộ trì được Đức Phật nêu rõ: “Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: "Ðây là lòng tin của tôi", người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý...(lược trích).
- Để giác ngộ chân lý hay chân lý được giác ngộ một người cần phải căn cứ vào ba pháp gây ra khổ đau để quán sát vị Đạo sư tuyên thuyết chân lý, để biết tham-sân-si có còn nơi vị này không, hay vị này có khiến người khác bị đau khổ lâu dài không?
Người muốn giác ngộ chân lý, sau khi quan sát, nếu thấy vị thuyết chánh lý không có tham-sân-si hoặc không khiến người khác bị đau khổ bởi tham-sân-si, từ đó mới phát sanh lòng tin nơi vị ấy,“với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân , và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý” (Sđd).
- Chứng đạt chân lý hay chân lý được chứng đạt đó là: “chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý” (Sđd).
Theo ý nghĩa này, Bốn Diệu Đế do Đức Phật tuyên thuyết cũng cần được mỗi người Phật tử hộ trì, cần được giác ngộ và cần được chứng đạt. Trong đó nội dung của “Đạo đế” – Chân lý về con đường diệt khổ để đạt đến cứu cánh Niết-bàn cần phải được nhận thức và phân định rõ ràng để thực hành luyện tập, tu tập, hành tập cho đúng.
Trong kinh Nikaya rất dễ dàng tìm thấy những định nghĩa cụ thể, nhất quán, trước sau như một của Đức Phật về Tám Chánh Đạo mà mỗi người Phật tử cần thuộc nằm lòng.
-- Chánh tri kiến là tri kiến chân chánh về Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và về Con đường diệt khổ.
-- Chánh tư duy là tư duy chân chánh theo hướng không dục, tư duy về không sân, tư duy về không làm hại mình và chúng sanh khác.
-- Chánh ngữ là tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm.
-- Chánh nghiệp là có hành nghiệp chân chánh: tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà hạnh trong các dục.
-- Chánh mạng là nuôi thân mạng chân chánh, từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng.
-- Chánh tinh tấn là tinh tấn chân chánh theo hướng Bốn Chánh Cần - tức bốn điều nỗ lực chân chánh cần phải thực hiện:
1. Đối với các pháp ác, bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Ngăn ác).
2. Ðối với các pháp ác, bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Diệt ác).
3. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Sanh thiện).
4. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí (Tăng trưởng thiện)
-- Chánh niệm là nhớ nghĩ chân chánh theo Bốn Niệm Xứ “ở đây vị Tỳ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời”.  
-- Chánh định là thiền định chân chánh theo Tứ Thiền - Tứ Thánh Định
- Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.
- Tỳ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
- Tỳ-kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền thứ ba.
- Tỳ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Người nắm vững Tám Chánh Đạo đều thấy rõ đây là con đường chân chánh chính giữa, không sa vào hai cực đoan có hại: khổ hạnh ép xác hoặc hưởng thụ dục lạc. Chính vì thế Tám Chánh Đạo là con đường trung đạo chân chánh đã được chính Đức Thế Tôn xác định:
“Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Thế nào là con đường trung đạo ấy, này Thôn trưởng, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. . Ðây là con đường trung đạo, này Thôn trưởng, được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” (TƯ4, 330 = [Su.11.12]).
Cần nhắc lại, người học Phật phải khẳng định rõ Tám Chánh Đạo chính là con đường trung đạo chân chánh nhất, diệt khổ đau duy nhất trong bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ đâu, đối với bất kỳ người Phật tử nào cũng vậy. Phủ nhận đạo lộ này đồng nghĩa với phủ nhận Phật Pháp. Đức Thế Tôn đã dạy rõ: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. (TƯ2, 104 = [U.51.65]).
Xa xưa đã như vậy, nay cũng như vậy và tương lai mãi mãi cũng sẽ như vậy, không thể sai khác. Bởi, Tám Chánh Đạo là Đạo Đế - Chân lý về con đường diệt khổ! Có nắm vững điều này người Phật tử mới không bị ngộ nhận vì những tà thuyết về tà trung đạo. 
Thêm nữa, người học Phật cũng cần tự mình như lý tư duy để tự xác định tính cứu cánh chân lý duy nhất của các nội dung nêu trên trong Bốn Thánh Đế, nhất là trong Đạo Đế. Ví dụ: quán xét Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ để thấy có phải các kiết sử và triền cái là những bất thiện pháp trói cột và ngăn che trí tuệ của tất cả mọi người, qua mọi thời đại và ở khắp mọi nơi hay không? Đồng thời các phương pháp quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp có phải là những phương pháp hữu hiệu có thể áp dụng cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi để đoạn dứt các kiết sử và triền cái hay không? Bốn Niệm Xứ có phải là sự nhớ nghĩ chân chánh (chánh niệm), là cứu cánh diệt tham-sân-si duy nhất, có tính vĩnh hằng, không thể tìm thấy nơi con đường nào khác? Bốn Niệm Xứ hay Chánh Niệm có phải là một chi phần không thể thiếu được, không thể thay thế của Chân lý về Con đường trung đạo đoạn diệt khổ đau, “là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”?
Hoặc giả, nếu người học Phật được nghe một Tỳ-kheo nào đó tuyên thuyết một “chân lý” trái ngược với Bốn Thánh Đế hoặc một “giáo pháp” khác với Tám Chánh Đạo, thì trước hết, người học Phật cần quán sát xem những bất thiện pháp tham - sân - si, phiền não lậu hoặc có còn nơi người đó không? Sau đó, tìm hiểu xem “chân lý” hoặc “giáo pháp” mà vị ấy hộ trì ca ngợi có phương pháp nào cụ thể giúp đoạn diệt tham, diệt sân, diệt si, diệt đau khổ một cách thiết thực hiện tại không (lưu ý “đoạn diệt” chứ không phải lờ đi, bỏ qua, đè nén, hý luận, hứa hẹn chung chung)?
Sau khi quán sát và tìm hiểu, nếu thấy những pháp gây phiền não khổ đau là tham-sân-si, các triền cái và các kiết sử không được diệt trừ hiệu quả tức thời và triệt để, người học Phật có thể đi đến kết luận dứt khoát: “chân lý” hoặc “giáo pháp” được Tỳ-kheo kia tuyên thuyết chắc chắn không phải của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni. Và vì lý thuyết ấy không giúp đoạn trừ khổ đau một cách thiết thực hiện tại nên chúng không cần phải hộ trì, không cần phải giác ngộ, không cần phải chứng đạt.
Cũng cần nói rõ thêm, trong tạng kinh “Trưởng lão Tăng Kệ” và “Trưởng lão Ni Kệ” thường có chuyện các Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni nhận được một đề tài tu tập sau đó mới chứng đạo. Vấn đề này cần được hiểu là mỗi vị tu sĩ ấy được chỉ dạy pháp thích ứng để đoạn diệt kiết sử hoặc triền cái hoặc phiền não nổi trội của mình, nhờ vậy sự giải thoát của họ được nhanh hơn. Trên cơ sở đoạn diệt các phiền não chính, các ngài vẫn phải thanh tịnh tất cả các phiền não khác theo con đường Tám Chánh duy nhất. Bởi lẽ, đây chính là độc đạo cho mọi đệ tử Phật, mọi lúc, mọi nơi.
Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng,
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.
(K.Magandiya, TB75 = [So.19.11])
Người học Phật hãy đọc kỹ lại bài kinh Magandiya để thấy rõ nhiều ngoại học, cũng như du sĩ Magandiya lém lỉnh, đã nhận vơ mình chứng được Niết Bàn nhưng lại phủ nhận Tám Chánh Độc Đạo của Phật; và họ đã bị Đức Thế Tôn vạch trần sự “mù lòa bẩm sinh” của họ như thế nào.
Do vậy cần phải hiểu một cách hình tượng như sau: giáo pháp Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ trong Bát Chánh Đạo có tới tám vạn bốn ngàn niệm chân chánh khác nhau giúp đoạn diệt tám vạn bốn ngàn tà niệm bất chánh, và vì vậy nó phù hợp cho tám vạn bốn ngàn căn tánh khác nhau. Nhưng điều này không có nghĩa, thế gian có muôn vạn người căn tánh khác nhau thì Phật giáo phải có tám vạn bốn ngàn “kinh – luật – luận” khác nhau, hay phải có tám vạn bốn ngàn tông phái với các kiểu tu khác nhau để cứu chuộc cho từng người. Người học Phật có trạch pháp phân biệt rõ điều này mới không bị lầm chấp tà pháp là chánh pháp, tà đạo là chánh đạo, tà kiến là chánh kiến. 
Có chánh tri kiến như vậy người học Phật mới đoạn trừ những kiến chấp sai lầm về Bốn Thánh Đế, những tà kiến nguy hiểm này trói cột con người vào đau khổ ngay trong hiện tại:“Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt... Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.
như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra” (TƯ5, 452 = [Ve.4.44]).
Trái ngược hoặc phủ nhận chánh kiến là tà kiến. Sợi dây tà kiến không những gây nguy hại ngay trong hiện tại mà còn trói cột con người vào khổ đau của sanh tử luân hồi: “Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này” (TƯ5, 431 = [Ve.4.21]).
Hơn nữa, đoạn trừ tà kiến cũng có nghĩa tránh được khổ cảnh của địa ngục và bàng sanh, điều này đã được Đức Như Lai không ít lần cảnh báo trong Kinh điển Nikaya: “Với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, một trong hai sanh thú được chờ đợi: địa ngục hay loại bàng sanh. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, một trong hai sanh thú được chờ đợi: chư Thiên hay loài Người” (Phẩm Người Ngu, TC II, tr.116 = [I.2.3.8]). 
Vì vậy, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về Bốn Thánh Đế là đã tránh được tà kiến kiết sử - tức những kiến chấp sai lầm làm thành sợi dây nguy hiểm - không những trói cột con người vào đau khổ ngay trong hiện tại mà còn phải tái sanh vào cõi dữ trong tương lai.
Vì có liên quan đến đối tượng bên ngoài nên Bốn Thánh Đế được xếp vào hệ thống quán pháp và tà kiến là một trong năm thượng phần kiết sử là vì vậy.
Đến đây điều cần lưu ý thêm, như Đức Phật đã dạy “Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận, và người có lòng tin với tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai” (Phẩm Người Ngu, TC II, tr.114 = [I.2.3.3]). Bởi lẽ, cũng trong tạng Kinh và tạng Luật còn ghi lại, có khi là những tà kiến, tà pháp của những người ngoại học nhưng họ cũng biết giả danh Phật, mượn những danh từ của Đức Phật, khéo ẩn náu trong những khái niệm của Phật để đánh lừa các đệ tử Phật. Do vậy nếu không xác minh kỹ lưỡng, vội vàng chấp nhận những tà thuyết, tà luận ấy; thì chính những người con Phật dù rất tin Phật nhưng lại là những kẻ xuyên tạc Phật một cách vô ý thức.
Chính vì lẽ đó, trong rất nhiều bài Kinh Nikaya và luật Patimokkha đều phản ánh một nguyên tắc quan trọng: đó là khi các Tỳ-kheo nghe một điều gì từ bất kỳ ai nói rằng “Chính tôi nghe Phật dạy như thế này...”, họ đều phải trở về hỏi lại Đức Thế Tôn và khi được chính Đức Phật đích thân xác nhận, các Tỳ-kheo mới xác lập niềm tin của mình. Hẳn, các vị Tỳ-kheo đều ý thức rõ ràng: một đức tin đơn thuần không được kiểm chứng, không có lý trí đi kèm không thể mang lại chánh tri kiến!
Vì thế, sau khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, nếu người học Phật không cẩn trọng dựa trên những Căn Bản Địa mà Đức Phật đã di giáo, không biết đem đối chiếu “mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu” với Kinh Nikaya và Luật Patimokkha, không “tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì”, không “cố gắng, cân nhắc, tinh cần, tự thân chứng ngộ, thể nhập chân lý với trí tuệ”; thì sẽ không có chánh kiến để phân biệt thực hư rõ ràng, sẽ không thể xương minh đúng Chánh Pháp. Để rồi các đệ tử Phật dù tin Phật nhưng do còn mang tà kiến và gieo rắc tà kiến cho người khác nên họ vô tình trở thành những người phản bội chính bậc Đạo Sư của mình mà không biết.
Không chỉ có vậy, thậm chí ngay cho dù có những phương pháp tu tập được gọi là “Tứ niệm xứ”, “Tứ thiền” hay “Định niệm hơi thở”... nhưng nếu chúng không bám sát nội dung từng chữ, từng câu của Phật trong kinh điển Nikaya, và lại được vẽ vời hoặc thêm thắt bằng các ý tưởng cá nhân, mọi người học Phật cần phải thận trọng ghi nhận. Và một khi đem đối chiếu với Kinh gốc - với Luật gốc nhưng thấy chúng không phù hợp, không chính xác thì cần dứt khoát từ bỏ. Nếu không như vậy, có lúc họ sẽ phải trả những cái giá rất đắt cho sự cả tin của mình ngay trong hiện tại cũng như về lâu dài.
Mỗi người con Phật phải ghi nhớ kỹ điều Bậc Đạo Sư đã nhiều lần căn dặn: ôm giữ tà kiến chỉ có hai sanh thú, địa ngục hoặc bàng sanh.
Theo đúng luật Nhân Quả, kẻ mang tà kiến lại đi gieo rắc tà kiến, bố thí tà pháp cho người khác, tất phải gánh chịu trách nhiệm tai hại và quả báo khổ đau nhiều hơn. Ngược lại, người có chánh kiến, bố thí đúng chánh pháp mới đem lại phước báu cho mình và mọi người.
 “Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho diệu pháp biến mất.
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho diệu pháp an trú” (Bài kinh Đất, TC II, tr.132 = [I.2.4.10]).
Với lời dạy trên, người học Phật càng hiểu thêm vì sao Chánh kiến được đặt lên hàng đầu trong Tám Chánh Đạo, và điều này cũng bao hàm cả nội dung ý nghĩa của cách quán pháp Cứu cánh Chân lý trên pháp Bốn Thánh Đế để đoạn trừ tham ưu do tà kiến kiết sử gây ra.

4.5.2 Quán Pháp Bốn Thánh Đế trên các ngoại pháp
Cách quán này để đối trị với những tâm niệm trái với Bốn Chân Lý của bậc Thánh khởi lên trong tâm (các tà niệm trong tâm chứ không phải chủ đích tranh luận với bên ngoài). Thông thường khi tâm chưa gột rửa hết tham dục thì các niệm câu hữu với dục tham sẽ phát khởi trong tâm trở thành những niệm ác, bất thiện. Những tà niệm này rất đa dạng và phức tạp, chúng thể hiện trong các kiết sử và triền cái, hoặc có khi biến thành những tà kiến như xem đời là lạc thú, hoặc cần phải thoả mãn các tham dục kể cả việc sẵn sàng thực hiện tà đạo để đạt được các lạc thú đó, hoặc ngụy biện để phủ nhận sự thật khổ đau cuộc đời từ đó phủ nhận con đường đoạn diệt khổ đau chân chính v.v…
Những niệm ác, bất thiện còn tuỳ miên hay đã phát khởi sẽ được đoạn trừ dần khi người học Phật quán xét để liễu tri như thật Bốn Thánh Đế. Trong đó cần nhận thức rõ cách quán pháp Tám Chánh Đạo trên các ngoại pháp tám tà đạo như sau:
-- Tà kiến là không nhận thức như thật hoặc phủ nhận Bốn Thánh Đế, khiến ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm; và tà kiến này phải do Chánh kiến đoạn trừ.
-- Tà tư duy là tư duy theo chiều hướng tham dục, sân hận, hại mình và hại người. Tà tư duy phải do Chánh tư duy đoạn trừ.
-- Tà ngữ là nói láo, nói hai lưỡi, nói ác ngữ, nói phù phiếm. Tà ngữ phải do Chánh ngữ đoạn trừ.
-- Tà nghiệp là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục. Tà nghiệp phải do Chánh nghiệp đoạn trừ.
-- Tà mạng là lừa đảo, nói lời mê ly, hiện tướng gian trá, lấy lợi cầu lợi. Tà mạng phải do Chánh mạng đoạn trừ.
-- Tà tinh tấn là nỗ lực trái với xu hướng ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện, và càng tinh tấn theo chiều hướng sai lầm này càng khổ hoặc càng bị tà dục tăng trưởng. Tà tinh tấn phải do Chánh tinh tấn đoạn trừ.
-- Tà niệm là nhớ nghĩ theo chiều hướng của tham-sân-si khiến các kiết sử tăng trưởng cột trói vào đau khổ, và các triền cái phát triển làm cấu uế tâm, ngăn che trí tuệ không phát triển. Tà niệm phải do Chánh niệm - Bốn Niệm Xứ tức biết quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp mới đoạn trừ được.
-- Tà định là sự nhất tâm thiền định nhưng không dựa trên căn bản của Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm; là ôm giữ một định tướng để tập trung tâm trong khi tham-sân-si còn đầy đủ; là gom tâm trên một đối tượng thiền định trong khi các kiết sử và triền cái không biết đoạn trừ; là dồn nén, đè ép ức chế tâm không biết đoạn trừ xả ly tham dục, ly các bất thiện pháp để nhập định. Tà định phải do Chánh định đoạn trừ (Tham khảo Kinh Đoạn Giảm, TB1, 8 = [Sb.1]; Đại Kinh Bốn Mươi, TB3, 117 = [U.36])
Riêng về chánh định và tà định cần quán xét thêm để phân định rõ hơn. Như trong bài kinh Golaka Moggallàna còn ghi lại, ngay sau khi Đức Thế Tôn vừa mới nhập Niết Bàn không bao lâu, Bà-la-môn Vassakara cũng đã khéo léo xuyên tạc Phật Pháp bằng cách lập lờ rằng chính Đức Thế Tôn tán thán tất cả Thiền định.
-- “Thưa Tôn giả Ananda, một thời Tôn giả Gotama ở tại Vesali, Ðại Lâm, ở Kutagarasala (Trùng Các giảng đường). Rồi, thưa Tôn giả Ananda, tôi đi đến Mahavana (Ðại Lâm), Kutagarasala, đến Tôn giả Gotama. Ở đấy, Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện nói về Thiền định luận. Tôn giả Gotama thật là vị tu Thiền và tánh thiên về Thiền định. Và Tôn giả Gotama tán thán tất cả Thiền định” (TB3, 107 = [So.33])
Nhưng tôn giả Ananda đã không bị lời ca ngợi giả dối của Bà-la-môn Vassakara đánh lừa, trái lại ngài đã vạch trần sự xuyên tạc nêu trên bằng cách xác định rõ thiền định nào không được Thế Tôn tán thán và thiền định nào được Thế Tôn tán thán: 
-- “Này Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán tất cả Thiền định, không không tán thán tất cả Thiền định. Và này Bà-la-môn, loại Thiền định nào Thế Tôn ấy không tán thán?
Ở đây, này Bà-la-môn, một số vị sống với tâm thấm nhuần dục tham, bị dục tham chi phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi dục tham đã được khởi lên. Vị ấy lấy dục tham làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.
Vị ấy sống với tâm thấm nhuần sân hận, bị sân hận chi phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi sân hận đã được khởi lên. Vị ấy lấy sân hận làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.
Vị ấy sống với tâm thấm nhuần hôn trầm thụy miên, bị hôn trầm thụy miên chi phối, và không như thật biết sự giải thoát khỏi hôn trầm thụy miên đã được khởi lên. Vị ấy lấy hôn trầm thụy miên làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.
 Vị ấy sống với tâm thấm nhuần trạo hối, bị trạo hối chi phối và không như thật biết sự giải thoát khỏi trạo hối đã được khởi lên. Vị ấy lấy trạo hối làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập.
Vị ấy sống với tâm thấm nhuần nghi hoặc, bị nghi hoặc chi phối và không như thật biết sự giải thoát khỏi nghi hoặc đã được khởi lên. Vị ấy lấy nghi hoặc làm đối tượng tối hậu, Thiền tu, Thiền tư, Thiền định, Thiền nhập. Này Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán loại Thiền định như vậy.
Và này Bà-la-môn, loại Thiền định nào Thế Tôn ấy tán thán?
Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.
Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.
Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, loại Thiền như vậy, Thế Tôn ấy tán thán” (Sđd)
Theo lời dạy trên, những phương pháp thiền định nào được thực hiện trong khi không biết cách diệt trừ năm triền cái và các bất thiện pháp là loại thiền định không được Đức Thế Tôn tán thán. Ngược lại Tứ thiền - Tứ Thánh Định là thiền định được tán thán, vì phương pháp thiền định này được thực thi dựa trên nền tảng thân tâm phải được làm cho thanh tịnh tránh khỏi sự ô nhiễm của các kiết sử, triền cái và lậu hoặc trước; rồi sau đó mới tiến hành định chỉ. Nói cách khác, Chánh niệm có viên mãn mới dẫn đến Chánh định được viên mãn. 
Do vậy, bất kỳ loại thiền định nào dù được ca ngợi cao siêu đến đâu nhưng không chỉ dạy cho người thực hành theo biết cách đoạn trừ các ác bất thiện pháp này mà lao ngay vào tu thiền là tà thiền, nhập định ngay là tà định, giải thoát liền là tà giải thoát, và trí tuệ đạt được cũng chỉ là tà tuệ mà thôi.
Để hiểu thêm về hai loại thiền định nói trên, người tu thiền hãy thẩm nghiệm ví dụ sau đây.
Giả sử có hai vị tướng quân trấn giữ hai thành trì trong cùng một bối cảnh còn nhiều bất ổn với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trong khi vị tướng quân thứ nhất lờ đi, bỏ qua mọi sự bất ổn và giặc cướp, ông chỉ biết khuyên dân chúng đóng chặt cửa, cố sức ngồi yên trong nhà chú tâm vào một đối tượng nào đó. Người dân vì quá tập trung vào một đối tượng ưa thích của mình nên tạm thời quên đi lo âu phiền não, hoặc có lúc sanh ra mỏi mệt và ngủ quên, hoặc có khi gặp được mộng tưởng như ý, hoặc khi thức dậy cũng có được đôi chút khoan khoái, thoải mái. Tất nhiên, sau đó người dân ra khỏi nhà thì đâu vẫn hoàn đấy, họ vẫn bị giặc cướp hoành hành.
Ngược lại, vị tướng quân thứ hai lo giữ gìn giới luật tinh nghiêm, đồng thời tích cực tỉnh giác canh phòng ngăn chặn giặc ác chưa khởi lên không cho chúng khởi lên, khi chúng đã khởi lên thì tích cực chánh niệm tiêu trừ dẹp loạn, bằng cách tích cực đào tạo thiện binh và làm hùng mạnh thiện binh đó. Nhờ vậy, sau một thời gian giặc cướp không còn phá hoại. Đến lúc này vị tướng quân an trú cả thiện binh để dồn sức xây dựng thành trì trong sự thanh bình chân chánh, tạo nên sự an lạc thực sự cho dân chúng về lâu dài. 
Thử hỏi, trong hai trường hợp trên, vị tướng quân nào tài trí hơn và khôn ngoan hơn? Sự bình an nơi nào mới thực sự được tán thán và nên thực hiện?
Rõ ràng là vị tướng quân thứ hai và thành trì của ông!
Người tu thiền cũng là một vị tướng quân phải lo trấn giữ và xây dựng thành trì tâm của mình. Sự bất ổn là ví dụ để chỉ những niệm ác bất thiện, phiền não, lậu hoặc trong tâm. Thù trong là năm hạ phần kiết sử. Giặc ngoài là năm triền cái và năm thượng phần kiết sử. Ví dụ về “chú tâm vào một đối tượng” là tượng trưng cho các phương pháp thiền gom tâm đơn thuần vào các đối tượng thiền định dẫn đến định tưởng. Sự bình an giả tạm trong giấc mộng hoặc khoan khoái sau khi ngủ dậy là các trạng thái của xúc tưởng hỷ lạc do định tưởng mang lại. “Ngôi nhà” là trạng thái thiền định.
Trong khi đó, thiện binh là tượng trưng cho các niệm thiện, pháp thiện thuộc chánh pháp. Tinh tấn ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện là Chánh Tinh Tấn - Bốn Chánh Cần hay còn gọi là “Định tư cụ” (dụng cụ nhập các định, TB1, 44 = [Vd.35]). Sự bình an thật sự sau khi giặc ác không còn để ổn định xây dựng nhà cửa và thành trì là các trạng thái hiện tại lạc trú của Chánh Định - Bốn Thiền Bốn Thánh Định dựa trên cơ sở thành tựu về Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ và các chánh đạo khác (Tham khảo bài kinh Thành Trì, TC VII:63, tập 3, tr. 426 = [I.7.63]).
Người tu sĩ Đạo Phật có quán xét phân biệt rõ ràng hai con đường thiền định hoàn toàn khác nhau như trên, mới chọn đúng con đường thiền định cho mình, không đi lạc vào tà thiền, tà định.
Trên đây là cách quán pháp Chánh định trên ngoại pháp Tà định nhằm khắc phục tham ưu do tà định gây ra. Và cách quán này nằm trong phương pháp quán pháp Tám Chánh Đạo trên ngoại pháp tám tà đạo nhằm khắc phục tham ưu do tám tà đạo gây ra.
Như vậy quán pháp Bốn Thánh Đế trên nội-ngoại pháp là tu tập quán niệm kết hợp hai phương pháp quán theo nội pháp và ngoại pháp để khắc phục tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà mạng, tà nghiệp, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
Cũng cần nhận thức thêm, Tám Chánh Đạo là đạo lộ của vị đệ tử hữu học. Hơn thế nữa để đạt được địa vị đệ tử vô học - không còn học thêm gì nữa - vị Tỳ-kheo hữu học phải thành tựu thêm hai chi phần là Chánh trí tuệ và Chánh giải thoát để đoạn diệt hoàn toàn hai bất thiện nghiệp đạo là tà tuệ và tà giải thoát. Trong đó:
-- Tà tuệ là tri thức dựa trên nền tảng của tám tà đạo, của tưởng tri, không phản ánh đúng với thực tế khách quan, đem lại đau khổ cho mình và cho người khác, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm; thế nhưng nó lại khéo nguỵ biện lươn lẹo khiến cho nhiều người bị lầm tưởng đó là chân chánh. Tà tuệ phải được đoạn trừ hoàn toàn bởi Chánh trí tuệ - tức trí tuệ của Minh thực hiện bởi Chánh định - Bốn thiền.
-- Tà giải thoát là trạng thái “giải thoát ảo” hữu hạn của xúc tưởng hỷ lạc khi đạt được các tầng định của vô sắc và hậu quả mang lại là “tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn”. Tà giải thoát cũng là kết quả của tám tà đạo và phải được đoạn trừ bởi Chánh giải thoát tức sự giải thoát hoàn toàn, triệt để từ trí tuệ của Minh “thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn”.
Đến đây, người tu Bốn Niệm Xứ cần nghiên cứu kỹ Đại Kinh Bốn Mươi đã dẫn ở trên để có tri kiến hiểu biết đầy đủ hơn về hai loại chánh đạo: chánh đạo hữu lậu và chánh đạo thuộc bậc Thánh, cùng hai loại tà đạo: tà đạo hữu lậu và tà đạo phi Thánh. Chánh đạo có mười chánh đạo hữu lậu mười chánh đạo bậc Thánh; tà đạo cũng tương tự.
Người học Phật nào phân biệt rõ ràng vững vàng bốn mươi pháp này, chắc chắn sẽ không còn phân vân hoài nghi giữa Phật Pháp với tà pháp, và không thể bị đánh lừa bởi bất kỳ luận thuyết ngụy biện nào: “Như vậy, này các Tỷ-kheo, có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện phần. Ðại pháp môn Bốn mươi đã được chuyển vận không bị chận đứng lại bởi một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời” (Sđd).

4.5.3 Quán tánh sanh khởi, quán tánh đoạn diệt, quán tánh sanh diệt trên pháp Bốn Thánh Đế
Quán tánh sanh khởi trên pháp Bốn Thánh Đế là quán khổ và nguyên nhân sanh khởi nên khổ đau. Nói cách khác chính là quán hai chân lý đầu “Khổ đế” và “Tập đế”.
Quán tánh diệt tận trên pháp Bốn Thánh Đế là quán sự đoạn diệt và phương pháp đoạn diệt khổ đau. Nói cách khác là quán hai chân lý sau “Diệt đế” và “Đạo đế”.
Quán tánh sanh diệt là quán kết hợp sanh khởi và đoạn diệt đối với bốn Thánh Chân lý - Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Các cách quán này đã được chi tiết và cụ thể hoá trong tiến trình của hệ thống Nhân Duyên thông qua 12 chi phần cơ bản:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ tập?
Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vầy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh đế về Khổ diệt?
Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, Ðây gọi là Thánh đế về Khổ diệt” (TC III:61, tr.317 = [I.3.53]).
Nội dung quán pháp 12 Chi phần Nhân duyên đã được giới thiệu trước đây trong phần “Giải mã tóm lược hệ thống pháp Nhân duyên theo 12 cách quán căn bản”. Ở đây, trong mối quan hệ giữa quán pháp Bốn Thánh Đế và các kiết sử thông qua hệ thống 12 Chi phần nhân duyên, có thể thấy xuất hiện thêm hai kiết sử là Vô minh kiết sử Ái kiết sử. Như đã được biết, hai kiết sử này cũng có liên quan đến các pháp bên ngoài nên chúng cũng được xem là các thượng phần kiết sử.
Như vậy bằng cách quán tánh sanh khởi, quán tánh đoạn diệt, quán tánh sanh diệt trên Bốn Thánh Đế trong mối liên hệ với pháp Nhân Duyên, người học Phật có thể biết cách đoạn trừ thêm hai thượng phần kiết sử còn lại là Vô minh kiết sử và Ái kiết sử.
“Này Tỷ-kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là vô minh. Cho đến như vậy là đi đến vô minh.
Này Tỷ-kheo, chính là rõ biết Khổ, rõ biết Khổ tập, rõ biết Khổ diệt, rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là minh. Cho đến như vậy là đi đến minh” (TƯ5, 429 = [Ve.4.17/18).
“Vô minh và hữu ái, này các Tỷ-kheo, những pháp này được gọi là những pháp cần phải đoạn tận với thắng trí” (TC IV:251, tr.288 = [I.4.251]). “Thắng trí” là có trí tuệ khéo thể nhập Thánh lý 12 Chi phần Nhân duyên.
Nói theo ngôn ngữ Bốn Niệm Xứ, đây là cách Quán pháp 12 Chi phần Nhân Duyên trên nội - ngoại pháp nhằm khắc phục tham ưu do Vô minh kiết sử và Ái kiết sử gây ra (Lưu ý: Pháp Nhân Duyên còn có rất nhiều ý nghĩa khác nữa nên được tách thành một hệ thống riêng biệt)
Đến đây, cũng cần phân biệt thêm sự khác nhau giữa Tà kiến kiết sử và Vô minh kiết sử. Tuy cả hai đều có nghĩa là không nhận thức như thật Bốn Thánh Đế, nhưng chúng khác nhau về mặt hậu quả phát sinh. Trong khi tà kiến tạo ra tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định; thì vô minh tạo nên hành, thức, danh sắc, sáu xứ… Và để đoạn diệt tất cả các chướng ngại đạo này, trước sau, chỉ có Tám Chánh đạo mà thôi!
Rõ ràng sự phân biệt một cách chi tiết như vậy đã nói lên ý nghĩa của sự phân tích cụ thể mọi di chứng, hậu quả của bệnh tật để từ đó có các phương pháp đối trị thích hợp, trọn vẹn và triệt để của một chánh pháp “thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian”.
Tóm lại, nếu xét riêng Bốn Niệm Xứ trong mối quan hệ với các kiết sử có thể rút ra nhận thức như sau:
Năm hạ phần kiết sử bao gồm: thân kiến kiết sử, giới cấm thủ kiết sử, nghi kiết sử, tham kiết sử và sân kiết sử. Năm sợi dây trói cột “ta với ta” vào với đau khổ này được tẩy trừ, đoạn diệt bằng quá trình tu tập quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm.
Năm thượng phần kiết sử bao gồm: mạn kiết sử, tà kiến kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử và ái kiết sử. Năm thượng phần kiết sử này có liên quan đến người khác, đến các pháp bên ngoài khác nên phức tạp hơn và chúng được tẩy trừ, đoạn diệt bằng quá trình tu tập quán pháp trên các pháp.
Tuy nhiên năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử có quan hệ mật thiết với nhau như thân kiến kiết sử có liên hệ với sắc thủ uẩn thuộc chấp mạn kiết sử, giới cấm thủ có liên hệ với tà kiến và vô minh kiết sử… Chính vì thế muốn đoạn diệt các kiết sử này phải tu tập trọn vẹn Bốn Niệm Xứ và các học pháp khác. Điển hình như lời dạy trong các bài kinh số 67 và 70 thuộc Tăng Chi 4, chương 9, Phẩm Niệm Xứ [I.9.67/70]:
-- “Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”  (Tham khảo thêm lộ trình đoạn diệt năm hạ phần kiết sử trong Đại Kinh Malunkya (TB2, 64) = [U.22]).
-- “Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, cần phải tu tập Bốn Niệm Xứ”.

4.6  Các Phương Pháp Tu Tập Bốn Niệm Xứ
Như đã được biết ở trước, Tỉnh giác thuộc pháp tu Chỉ - tức tu tập về tâm - nhằm giúp tâm được định tĩnh và cũng là cách ngăn chặn các niệm ác chưa phát khởi sẽ không cho phát khởi. Trong khi đó, Chánh niệm thuộc pháp tu Quán - tức tu tập về trí tuệ - nhằm giúp trí tuệ tăng trưởng và cũng là phương pháp quán các niệm thiện để diệt các niệm ác ngủ ngầm hay đã phát khởi trong tâm.
Hai phương pháp này phải được kết hợp một các linh hoạt song hành chặt chẽ không thể thiếu một, giống như hai mặt của một bàn tay. Chính vì lẽ đó, trong kinh Niệm Xứ nói riêng và kinh Nikaya nói chung, hai phương pháp này luôn được trình bày gắn liền cột chặt với nhau một cách mật thiết trong một thể thống nhất. Và vị Tỳ-kheo phải dựa theo đây tu tập mới có thể đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát trọn vẹn.
Theo đó, vị Tỳ-kheo tu tập Bốn Niệm Xứ phải nắm vững và thực hành linh hoạt ba phương pháp tu tập cơ bản sau đây: phương pháp tu tập tuần tự, phương pháp tu tập đặc trị và phương pháp tu tập ứng phó kịp thời.
1. Phương pháp tu tập tuần tự là cách thức tu tập Bốn Niệm Xứ theo lời dạy trong bài Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (TrB2, 26 = [U.2]). Trong bài kinh này vị vua Sát-đế-lỵ phải gội đầu trai giới, đi lên lầu cao, thì xe báu cõi Trời hiện ra đầy đủ ngàn tăm, vành xe, trục xe và đầy đủ các bộ phận”. Sau đó vị ấy “tay trái cầm bình nước, tay mặt tưới nước trên bảo luân và nói: "Hãy lăn, này Thiên bảo luân, hãy nhiếp phục tất cả". Từ đây vị vua Sát-đế-lỵ mới sử dụng cỗ xe báu lăn tuần tự khắp bốn hướng Đông – Nam – Tây – Bắc, tại mỗi hướng với sự an trú vào giới luật và chánh pháp, các vị vua thù nghịch sẽ tự động xếp giáo quy hàng vị Chuyển Luân Thánh Vương.
Cỗ xe báu tượng trưng cho pháp Bốn Niệm Xứ. “Gội đầu trai giới” tượng trưng cho phạm hạnh phải thanh tịnh, đây là yêu cầu bắt buộc để vận chuyển xe báu thành công. “Tay trái cầm bình nước" phải vững vàng chắc chắn, tượng trưng cho pháp tu Chỉ. “Tay mặt tưới nước” là động, tượng trưng cho pháp tu Quán. Hai pháp này hỗ trợ cho nguồn nước thanh tịnh giới luật mới vận chuyển xe báu được. Câu nói “Hãy lăn...” tượng trưng cho pháp Như Lý Tác Ý. Bốn hướng Đông – Nam – Tây – Bắc tượng trưng cho bốn xứ Thân – Thọ – Tâm – Pháp. Các vị vua thù nghịch tượng trưng cho các niệm ác bất thiện, các kiết sử và triền cái.
Cũng vậy, một vị Tỳ-kheo biết giữ gìn giới luật thanh tịnh và tu hành đúng chánh pháp của Bốn Niệm Xứ cũng chính là vị Chuyển Luân Vương thái tử tiếp tục vận chuyển cỗ xe chánh pháp. Chính Đức Thế Tôn đã chỉ rõ: “Do Bốn Niệm Xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do Bốn Niệm Xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài” (TƯ5, 174 = [Ve.2.25]).
Vị Tỳ-kheo chuyển vận cỗ xe báu Bốn Niệm Xứ theo đúng các yêu cầu trên, tuần tự ghi nhớ quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp. Cứ tiếp tục quán lần lượt trở đi trở lại thường xuyên như vậy thì các niệm ác - bất thiện, các kiết sử và triền cái tại bốn xứ này sẽ tự động được tẩy trừ, đoạn giảm đi đến tiêu diệt hoàn toàn. Có thể gọi đây là cách tu “không chiến tự nhiên thành” và phương pháp này giống như cách điều trị phòng bệnh tổng quát trong y học.
2. Phương pháp tu tập đặc trị được Đức Thế Tôn giới thiệu ngay trong Kinh Niệm Xứ. Theo cách này người học Phật phải tự quán xét mình để biết có những niệm bất thiện nào thường phát khởi, hay còn bị kiết sử nào cột trói mạnh mẽ, hay triền cái nào gây chướng ngại nhiều hơn.
Khi biết rõ mình bị niệm ác bất thiện nào chi phối nhiều hơn thì phải tu tập các pháp đặc trị thích hợp đối với phiền não lậu hoặc đó kỹ hơn. Các phiền não ngủ ngầm nào đã trừ diệt hoàn toàn không còn sanh khởi cũng phải biết rõ và duy trì trạng thái miễn nhiễm này. Tu tập phương pháp này giống như bị mắc bệnh nào nặng và nguy hiểm nhiều hơn, thì ưu tiên dùng thuốc thích hợp để trị bịnh đó tích cực hơn. Còn bệnh nào đã chữa khỏi hoàn toàn cũng phải biết rõ, nhằm tránh tái phát bệnh và để dành thời gian, công sức, thuốc men điều trị các bệnh còn lại.
Ví dụ tâm còn khởi nhiều niệm tham ưu về thân - tức bị thân kiến kiết sử - thì phải quán và như lý tác ý thân bất tịnh, thân bốn đại vô thường, thân biến hoại nhiều hơn; hoặc khi niệm tham kiết sử còn mạnh thì phải quán và tác ý tâm vô tham bằng cách thấy rõ sự nguy hiểm của tham dục thường xuyên hơn…
3. Phương pháp ứng phó kịp thời là sự tu tập được áp dụng bất kỳ lúc nào khi một niệm ác bất thiện, kiết sử hay triền cái đã phát khởi; thì liền ngay đó phải tỉnh giác phát hiện và dùng pháp thiện tương ưng để tiêu trừ, đoạn diệt, tẩy sạch ngay tức khắc. Thực hiện điều này giống như phải cấp cứu điều trị tức thời, không được chậm trễ một căn bệnh nguy cấp.
Phương pháp tu tập ứng phó kịp thời đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy ngay trong kinh Niệm Xứ và cũng được nhắc đến rất nhiều trong các bài kinh khác. Lời dạy thiết thực cụ thể như trong kinh Phật Thuyết Như Vậy là một trong số đó:
“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi… đang đứng… đang ngồi… đang nằm khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm; nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi… đang đứng…đang ngồi… đang nằm có sở hành như vậy, vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng” (Trích lược, It.115 = [Iti.110])
Hoặc trong bài kinh “Có Nhân” thuộc Tương Ưng:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, có người ném một bó đuốc bằng cỏ cháy đỏ vào một rừng cỏ khô. Người ấy với tay và chân gấp dập tắt bó đuốc ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các sanh loại sống nương vào cỏ và củi sẽ không gặp bất hạnh và tai họa.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đối với tưởng bất chánh khởi lên, gấp từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt; vị ấy ngay trong hiện tại trú trong an lạc, không có phiền lao, không có sầu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú” (TƯ2, 151 = [U.52.12]) (Xem thêm kinh Chế Ngự, TC IV:12, tr.574 = [I.4.12]).
Cần lưu ý, tu tập ứng phó kịp thời là phải gấp “từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt, không chấp nhận, tẩy sạch” ngay các niệm ác chứ không được lờ đi bỏ qua chúng. Bởi lẽ các niệm ác, bất thiện nếu không bị diệt trừ, chúng sẽ vẫn còn tồn tại mãi trong tâm. Do vậy, không thực hiện giai đoạn chánh niệm để đoạn diệt niệm ác khi chúng đã phát khởi, thì dù có tinh tấn đến đâu vẫn bị Đức Thế Tôn gọi là sự “tinh tấn hạ liệt”.
Ba phương pháp tu tập nêu trên phải được phối hợp đồng bộ, trong đó phương pháp tu tập tuần tự là quan trọng nhất và chủ yếu nhất. Nếu thực hiện tốt phương pháp này thì các phiền não tuỳ miên ngủ ngầm cũng được đoạn trừ, tiêu diệt một cách trọn vẹn, nhờ vậy hành giả cũng đỡ tốn công trong tu tập phương pháp đặc trị hoặc phải ứng phó kịp thời.
Điều này giống như nếu thực hiện tốt việc điều trị tổng quát, ngăn chặn trước tất cả các bệnh thì đỡ phải điều trị đặc trị hoặc cấp cứu. Nói khác đi, tích cực sanh thiện, tăng trưởng thiện cũng là cách ngăn ác, diệt ác một cách tích cực nhất. Ở đây, nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và đừng để “nước tới chân mới nhảy” đối với tham-sân-si là hoàn toàn chính xác.
Hơn nữa, khi tu tập phương pháp tuần tự thuần thục sẽ tạo nên một phản xạ tốt cho tâm, khi tâm xuất hiện một niệm bất thiện thì ngay đó có một niệm thiện tương ưng tự động xuất hiện để đối trị loại trừ, thậm chí ngay cả trong lúc vô ký ngủ mơ, điều này có nghĩa “thức diễn tiến” khi thân hoại mạng chung cũng sẽ theo đấy tự động xuôi theo chiều thiện lành.
Bên cạnh đó, điều cần phải đặc biệt lưu ý là tu tập Bốn Niệm Xứ phải được đặt trong mối quan hệ thống nhất theo hướng Tám Chánh Đạo. Tu tập Bốn Niệm Xứ hay Chánh Niệm không thể tách rời khỏi hệ thống tu tập Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn và Chánh Định. Nếu thiếu sự hỗ trợ của các chánh đạo này thì Bốn Niệm Xứ không thể thành tựu viên mãn.
Thêm nữa, trong hai bài kinh “Quán” (1&2), Đức Thế Tôn chỉ rõ có sáu pháp khiến vị Tỳ-kheo không thể an trú tu tập Bốn Niệm Xứ: “Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể trú quán thân trên thân… quán thọ trên thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên pháp…. Thế nào là sáu? Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, không đoạn tận sáu pháp này, không thể trú quán thân trên thân… quán thọ… quán tâm… quán pháp…” (TC VI:117&118, tr.270 = [I.6.117/118])
 Vị Tỳ-kheo tu tập Chánh Niệm cần ý thức đoạn tận đầy đủ tất cả sáu pháp cản trở nêu trên, có như vậy mới thấy thực sự Bốn Niệm Xứ là “con đường độc nhất thanh tịnh cho chúng sanh” và tính “thiết thực hiện tại, không có thời gian” của Chánh Phật Pháp.
Riêng đối với pháp hộ trì các căn, như trong phần quán sáu nội ngoại xứ đã phân tích, không bảo vệ các căn khi tiếp xúc các trần để cho năm dục trưởng dưỡng tự nhiên, thì việc thanh tịnh tâm là điều không thể xẩy ra. Điều này cũng giống như một đất nước không biết kiểm soát chặt chẽ tất cả các cửa khẩu: hải cảng, sân bay, biên giới; để giặc cướp tự do xâm nhập quấy phá mà đất nước và người dân trong nước đó được bình yên là chuyện không bao giờ có.
Một trong những phương cách hộ trì các căn tích cực là nếp sống thanh tịnh, an trú nỗ lực tu tập. Đây không phải là nếp sống ích kỷ, trái lại mang tinh thần tự độ - độ tha theo ý nghĩa của bài kinh Sedaka: “Này các Tỷ-kheo, "Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, "Chúng ta sẽ hộ trì cho người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình
Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác. Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình” (TƯ5, 168 = [Ve.2.19])
Có thực hành đúng nếp sống hộ trì cho bản thân mới thấy rõ giá trị thiết thực của Bốn Niệm Xứ là con đường duy nhất giúp tâm thanh tịnh để thể nhập các Thánh thiền định. Từ đó mới có thể giới thiệu pháp môn này một cách đúng đắn, thiết thực cho mọi người theo tinh thần từ bi của người đệ tử Phật: “Này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu hay bà con, hay huyết thống; này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập Bốn Niệm Xứ” (TƯ5, 189 = [Ve.2.48]).
Thêm nữa, một Tỳ-kheo tu tập Bốn Niệm Xứ nếu chỉ biết bảo vệ các căn nhưng không tuân giữ nghiêm chỉnh giới luật Patimokkha thì cũng không thể thực hành tốt chánh niệm tỉnh giác. Điều này giống như một đất nước dù các cửa khẩu biên giới được bảo vệ tốt nhưng người dân trong nước không tuân theo luật pháp của quốc gia đó: không tuân theo luật lệ giao thông, không chấp hành luật dân sự… thì đất nước và chính người dân trong nước đó cũng không thể an ổn phát triển.
Do vậy, người tu Bốn Niệm Xứ phải luôn ý thức giới luật Patimokkha là nền tảng, là căn bản địa, là căn cứ không thể tách rời của Phật pháp nói chung cũng như của Bốn Niệm Xứ nói riêng. Vai trò cơ bản thiết yếu của giới luật với ý nghĩa là căn bản cho sự thanh tịnh các thiện pháp đã được Đức Thế Tôn nhắc đến rất nhiều lần trong kinh tạng Nikaya, điển hình là lời dạy trong bài kinh Pàtimokkha:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn (Pàtimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh (àcàragocarasampanno), thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới.
Này Tỷ-kheo, sau khi sống, hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới rồi, này Tỷ-kheo, y cứ trên giới, an trú trên giới, hãy tu tập Bốn Niệm Xứ…
Khi nào, này Tỷ-kheo, Ông y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Bốn Niệm Xứ; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm” (TƯ5, 187 = [Ve.2.46]).
Một Tỳ-kheo thực sự phải được học tập trau dồi về giới luật cùng các pháp căn bản trước, sau đó mới tuần tự tu tập theo các bước cao hơn, không củng cố nền tảng giới luật vững chắc, không thể tiến xa trong giáo pháp của Phật. Bởi, theo định nghĩa trong tạng Luật, “Pātimokkha” có nghĩa: điều này là đầu tiên, điều này là lối đưa vào, điều này là đứng đầu của các thiện pháp, do đó được gọi là Pātimokkha (Đại Phẩm, Chương lễ Uposatha).
Vị Tỳ-kheo biết y cứ trên giới luật Patimokkha để tu tập Bốn Niệm Xứ là ngọn đèn, là hòn đảo cho chính mình, là biết nương tựa vào Chánh pháp và là vị Tỳ-kheo tối thượng sau khi Như Lai nhập Niết-bàn:
“Này Ananda, ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Ananda, như vậy là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.
“Này Ananda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi” (TƯ5, 152 = [Ve.2.9]).
Các Tỳ-kheo phải tiếp tục học hỏi, vì bản thân pháp Bốn Niệm Xứ không phải chỉ có bấy nhiêu, dù có triển khai cả đời cũng không nói hết được trọn vẹn nội dung của diệu pháp (Đại Kinh Sư Tử Hống, TB1, 12 = [Sb.2]).
Do vậy bản giải mã này chỉ là sự trình bày khái quát chứ không thể nói hết được ý nghĩa thâm sâu của pháp môn Niệm Xứ (ví dụ trong kinh Nikaya, Đức Thế Tôn còn nói đến các tâm vô tham, vô sân, vô si với nhiều ý nghĩa khác nữa). Vì thế bản giải mã này mới chỉ là “chặng đường” giải thoát khổ đau chứ chưa phải nội dung đầy đủ của bài kinh Niệm Xứ với ý nghĩa là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.
Vị Tỳ-kheo phải tiếp tục học hỏi, vì giáo pháp của Phật không chỉ có Bốn Niệm Xứ mà còn có Bốn Như Ý Túc, Bốn Chánh Cần, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo, Thân Hành Niệm, Định Niệm Hơi Thở, Chỉ, Quán, Tám Thắng Xứ, Chín Thứ Đệ Diệt, Mười Thánh Cư, Tam Vô Lậu Học, Vô học giới uẩn, Vô học định uẩn, Vô học tuệ uẩn, Vô học giải thoát uẩn, Vô học giải thoát tri kiến uẩn... cùng với biết bao những lời dạy vô giá trong cả một tạng Kinh Nikaya đồ sộ.
Đối với những Diệu Pháp này, vị Tỳ-kheo phải học hỏi một cách tha thiết vì nếu chỉ xem qua một lượt theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” sẽ không bao giờ hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của Diệu Pháp. Thậm chí nếu vị Tỳ-kheo không chú tâm tìm hiểu từng câu, từng chữ của Phật, có khi còn phải trả giá đắt cho sự sơ xuất hay chủ quan của mình. 
Một khi đã tha thiết học hỏi và giữ gìn giới luật thanh tịnh, tích cực tu tập theo đúng chánh pháp với tất cả nỗ lực của bản thân thì kết quả giải thoát là điều chắc chắn, không hẳn là bẩy năm mà thậm chí chỉ trong bảy ngày đúng như điều xác quyết của Đức Thế Tôn và đã được các Thánh Tăng đương thời Phật tự thân minh chứng. Đến đây không có gì hay hơn, đầy đủ hơn, ý nghĩa hơn lời kết luận của Đức Phật trong Kinh Niệm Xứ, vì vậy phần giải mã Kinh Niệm Xứ phải được kết thúc bằng chính lời dạy của đấng Như Lai, A-la-hán Chánh Đẳng Giác, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Chánh Kinh
Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm Xứ.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Phần Chánh Kinh dựa theo bản dịch Việt ngữ
của HT Thích Minh Châu

%%%
Ghi chú 1:  CÁC KHÁI NIỆM CẦN GHI NHỚ
- Kiết sử: là những niệm tham và ưu trói cột con người vào đau khổ đời này và đời sau.
- Năm hạ phần kiết sử: là năm sợi dây trói cột bản thân ta vào đau khổ. Bao gồm:
1.      Thân kiến kiết sử: niệm tham - ưu về thân do quán nhìn thân theo hướng tịnh tướng, thường hằng.
2.      Giới cấm thủ kiết sử: chấp thủ vào những giới cấm sai lầm, tà giới, ác giới.
3.      Nghi kiết sử: nghi ngờ năng lực bản thân, không tự tin nơi bản thân; bị phân vân, lưỡng lự, thối chí trước các chướng ngại pháp và nghịch cảnh.
4.      Tham kiết sử: tham dục của bản năng.
5.      Sân kiết sử: tức mình, bực mình; hoặc hậm hực, bức bối, bất như ý (do bị kích thích, hay vì hoàn cảnh, môi trường, bệnh tật, tuổi tác…)
- Năm thượng phần kiết sử: là năm sợi dây trói cột ta vào trong đau khổ và có liên quan với đối tượng khác. Bao gồm:
1.      Chấp mạn kiết sử (hay Mạn kiết sử): chấp năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta (ngã chấp) và dựa vào đây so sánh hơn, thua, ngang bằng với người khác (ngã mạn).
2.      Tà kiến kiết sử: những kiến chấp sai lầm theo hướng tám tà đạo.
3.      Hữu tham kiết sử: là tham luyến ưu phiền thuộc dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Ví dụ tham giữ một tấm y đắt tiền, hoặc địa vị trong giáo hội… 
4.      Ái kiết sử: Ái luyến người thân của mình khiến khổ đau, tâm không an tịnh nhập chánh định. Bao gồm:

- Dục ái là ái luyến giữa vợ và chồng, chồng và vợ.
- Sắc ái là ái luyến giữa người thân còn đang sống, như giữa cha mẹ và con cái, con cái và cha mẹ, giữa ông bà và các cháu, giữa các anh chị em…; hoặc ái sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
- Vô sắc ái là ái luyến người thân yêu đã khuất; hoặc ái sắc tưởng, ái thanh tưởng, ái hương tưởng, ái vị tưởng, ái xúc tưởng, ái pháp tưởng.
5.      Vô minh kiết sử: không tuệ tri Bốn Thánh Chân Lý - Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.          
- Năm triền cái là năm tấm màn ngăn che trí tuệ, gây chướng ngại cho trí tuệ giải thoát. Bao gồm:
1.      Tham triền cái: tham dục nơi một hay nhiều đối tượng cụ thể khác do tịnh tướng của chúng.
2.      Sân triền cái: phẫn nộ, hiềm hận đối tượng khác.
3.      Hôn trầm Thùy miên triền cái: trạng thái buồn ngủ, ngủ gục.
4.      Trạo Hối triền cái bao gồm trạo cử và hối quá. Có hai loại trạo cử:

- Trạo cử nơi thân là thân bị tổn thương do hành trì sai cách hoặc do tà tinh tấn.
- Trạo cử nơi tâm là những niệm trung tính nhỏ nhặt, lăng xăng, vụn vặt, vớ vẩn khiến tâm không được định tĩnh.
- Hối quá là hối hận, hối tiếc, day dứt vì một việc lỡ lầm trong quá khứ.
5.      Nghi triền cái: nghi ngờ, không có lòng tịnh tín nơi Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, học Giới, học Pháp.
- Năm uẩn là năm hợp phần gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Trong đó:
1.      Sắc uẩn là thân vật chất, tứ đại.
2.      Thọ uẩn là các cảm giác, cảm thọ.
3.      Tưởng uẩn là sự nhận biết của tâm không liên hệ với năm giác quan. Có sáu loại tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Nhất tâm trong trạng thái của tưởng là định tưởng hay định vô sắc. Những tri thức do tưởng tượng hoặc định tưởng mà có, không phù hợp với chân lý khách quan là tưởng tri.
4.      Hành uẩn là sự vận hành của thân (cơ bắp, hơi thở, huyết mạch…) và sự vận hành của tâm (trí thông minh, tư duy nhạy bén…)
5.      Thức uẩn là sự nhận biết của tâm liên hệ trực tiếp bởi các giác quan. Có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nhất tâm trong trạng thái của ý thức chánh niệm tỉnh giác là định niệm hay định hữu sắc. Những tri thức dựa trên sáu thức, phù hợp với thực tế chân lý khách quan được gọi là thức tri hay tuệ tri hay thắng tri.
- Năm thủ uẩn: chấp thủ năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta và dựa vào đó so sánh hơn, thua, ngang bằng với người khác tạo nên chấp mạn kiết sử. Năm thủ uẩn bao gồm: chấp thủ sắc uẩn, chấp thủ thọ uẩn, chấp thủ tưởng uẩn, chấp thủ hành uẩn và chấp thủ thức uẩn.
- Tầm là tầm tư, tầm cầu, suy tầm. Có hai loại tầm: tầm thiện và tầm ác.
- Tứ là tư duy, tư sát, suy tư. Có hai loại tư duy là tà tư duy và chánh tư duy. Ngoài ra, trong một số trường hợp, tứ còn có nghĩa là tác ý. Có hai loại tác ý: Như lý tác ý và Phi như lý tác ý.
- Như lý tác ý là khởi tâm tác ý theo đúng hướng chánh lý của chánh pháp và được lập đi lập lại một cách thích đáng, giúp đem lại giải thoát khổ đau. Tác ý không theo đúng hướng chánh lý của chánh pháp, duy ý chí, mang lại khổ đau là Phi như lý tác ý.
- Định là sự nhất tâm.
- Định tưởng là sự nhất tâm trong trạng thái của tưởng, tức trạng thái khi ý thức tách rời năm căn (do tập trung tâm đơn thuần trên một đối tượng thiền định, thiếu chánh niệm tỉnh giác, không như lý tác ý)
- Định có tầm có tứ là nhất tâm trong trạng thái suy tầm, suy tư tầm thiện và tác ý thiện để tẩy rửa tầm tứ ác ngủ ngầm; hoặc nhất tâm trong trạng thái dùng tầm thiện tiêu diệt tầm ác, dùng tứ thiện tiêu diệt tứ ác đã phát khởi trong tâm.
- Định không tầm có tứ là nhất tâm trong trạng thái không suy tầm bằng cách như lý tác ý. Ví dụ như Định niệm hơi thở, Vô tướng tâm định (các loại tà thiền dùng phi như lý tác ý không nằm trong định này).
- Định không tầm không tứ là các trạng thái định từ Nhị thiền trở lên.
- Thiền Chỉ là các phương pháp ngưng, dừng, ngăn vọng niệm. Chỉ là pháp tu tập về tâm, giúp tâm định tĩnh giải thoát.
- Thiền Quán là các phương pháp quán sát, quán xét, quán tưởng, quán niệm, quán tầm. Quán là pháp tu về tuệ, giúp tăng trưởng trí tuệ tiến tới giải thoát khỏi các kiết sử, triền cái, phiền não lậu hoặc. 
- Tỉnh giác có hai nội dung song hành là tỉnh thức và giác tri. Tỉnh thức là biết rõ các oai nghi, hoặc hành động, hoặc hơi thở vô ra; và nếu có niệm khởi lên phải giác tri ngay niệm đó. Tỉnh giác thuộc pháp tu Chỉ, vì nhờ tỉnh thức trên thân nên giúp ngăn, dừng, ngưng niệm ác chưa sanh không cho sanh khởi. Tỉnh giác cũng là pháp tu tập về tâm, giúp tâm được định tĩnh trong giải thoát.
- Chánh niệm: là Bốn Niệm Xứ tức quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp. Chánh niệm thuộc pháp tu Quán vì phải quán xét những niệm thiện để diệt trừ, tẩy rửa niệm ác, bất thiện. Chánh niệm cũng là pháp tu về tuệ vì có quán sát, suy tư, phân tích thì trí tuệ mới tăng trưởng tiến tới giải thoát khỏi khổ đau. Các pháp Chánh niệm và Tỉnh giác cũng như Chỉ và Quán phải gắn liền cột chặt nhau như hai mặt của một bàn tay.
- Tâm vô tham là tâm thấy sự nguy hiểm của tham dục và biết như lý tác ý (Xem thêm kinh Nikaya).
- Tâm vô sân là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả; tâm biết như lý tác ý (Xem thêm kinh Nikaya).
- Tâm vô si là tâm biết như lý tác ý theo hướng tự tin vào bản thân mình; là tâm được hỗ trợ bởi chánh lý của chánh pháp không còn sợ hãi những điều vô lý, nhảm nhí. Ngoài ra các tâm thiện khác, ngoài tâm vô tham và tâm vô sân, cũng được xem là tâm vô si (Xem thêm kinh Nikaya).
- Tâm thâu nhiếp là nhiếp tâm trên một đề mục như hơi thở hoặc nhớ nghĩ Tam Bảo để đối trị tâm tán loạn.
- Tâm quảng đại là tâm rộng lượng bao la như đất, nước, lửa, gió nên không chấp trước vào các sự việc nhỏ nhặt, vụn vặt.
- Tâm vô thượng là tâm hướng đến Niết-bàn tối thượng, là tâm đạt đến lõi cây của chánh pháp - tức tâm giải thoát bất động trước các pháp.
- Tâm có định là nhất tâm trên một đối tượng thiền Chỉ hoặc thiền Quán.
- Tâm giải thoát là tâm không còn bị trói cột bởi các kiết sử và bị ngăn che bởi các triền cái.
- Giải mã kinh luật là dùng chính xác những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển nguyên thủy Nikaya và luật Patimokkha (có ghi rõ nguồn trích dẫn) để giải thích, chứng minh các pháp môn và giới luật của Đức Phật.

Ghi chú 2:  TÓM LƯỢC CÁC CÁCH QUÁN CẦN GHI NHỚ
Quán thân
- Quán (niệm) thân bất tịnh trên (niệm) thân tịnh tướng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
- Quán thân bốn đại vô thường trên thân bốn đại thường hằng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
- Quán thân biến hoại trên thân tịnh tướng - thường hằng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
Quán thọ
- Quán thọ vô dục trên các cảm thọ dục nhằm khắc phục tham ưu do giới cấm thủ kiết sử gây ra.
Quán tâm 
- Quán tâm vô tham trên tâm tham nhằm khắc phục tham ưu do tham kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô sân trên tâm sân nhằm khắc phục tham ưu do sân kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô si trên tâm si nhằm khắc phục tham ưu do nghi kiết sử gây ra.
- Quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn nhằm khắc phục tham ưu do tâm tán loạn gây ra.
- Quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại nhằm khắc phục tham ưu do tâm nhỏ mọn, hẹp hòi gây ra.
- Quán tâm vô thượng trên tâm hữu hạn nhằm khắc phục tham ưu do tâm hữu hạn gây ra.
- Quán tâm có định trên tâm không có định nhằm khắc phục tham ưu do tâm không có định gây ra.
- Quán tâm giải thoát trên tâm không giải thoát nhằm khắc phục tham ưu do tâm không giải thoát gây ra.
Quán pháp
Năm Triền Cái    
- Quán pháp vô tham (pháp bất tịnh, vô thường, biến hoại, nguy hiểm của dục, như lý tác ý…) trên các pháp tịnh tướng nhằm khắc phục tham ưu do tham triền cái gây ra.
- Quán pháp vô sân (pháp từ, bi, hỷ, xả, quảng đại, nghiệp quả…) trên các pháp chướng ngại nhằm khắc phục tham ưu do sân triền cái gây ra.
- Quán pháp tinh cần, cần dõng, dõng mãnh trên pháp hôn trầm thuỳ miên nhằm khắc phục tham ưu do buồn ngủ, ngủ gục gây ra.
- Quán pháp Chỉ trên pháp trạo cử nhằm khắc phục tham ưu do trạo cử triền cái gây ra.
- Quán pháp Sám hối và pháp Tàm-Quý trên pháp hối quá nhằm khắc phục tham ưu do hối quá triền cái gây ra.
- Quán pháp Chỉ Tịnh trên các pháp trạo cử - hối quá nhằm khắc phục tham ưu do trạo hối triền cái gây ra
- Quán pháp vô si trên pháp si nhằm khắc phục tham ưu do nghi triền cái gây ra.

Năm Thủ Uẩn     
- Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã chấp trên nội pháp năm thủ uẩn nhằm khắc phục tham ưu do ngã chấp kiết sử gây ra.
- Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã mạn trên ngoại pháp năm thủ uẩn nhằm khắc phục tham ưu do ngã mạn kiết sử gây ra.
- Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã trên nội-ngoại pháp năm thủ uẩn nhằm khắc phục tham ưu do chấp mạn kiết sử gây ra.

Sáu Nội Ngoại Xứ
- Quán pháp hộ trì các căn trên các pháp sáu nội xứ nhằm khắc phục tham ưu do năm dục trưởng dưỡng gây ra.
- Quán pháp vị ngọt, sự nguy hiểm trên các pháp sáu ngoại xứ nhằm khắc phục tham ưu do hữu tham kiết sử gây ra. 
- Quán pháp đối trị trên các pháp sáu nội ngoại xứ để khắc phục tham ưu do năm dục trưởng dưỡng, hữu tham kiết sử và chấp mạn kiết sử gây ra.

Bốn Thánh Đế
- Quán pháp Cứu cánh Chân lý trên pháp Bốn Thánh Đế để đoạn trừ tham ưu do tà kiến kiết sử gây ra.
- Quán pháp Tám Chánh Đạo trên ngoại pháp tám tà đạo nhằm khắc phục tham ưu do tám tà đạo gây ra.
- Quán pháp 12 Chi phần Nhân Duyên trên pháp Bốn Thánh Đế nhằm khắc phục tham ưu do Vô minh kiết sử và Ái kiết sử gây ra (Pháp 12 CPND còn nhiều ý nghĩa khác nữa)

***
MỤC LỤC

Lời tựa
I. Quán thân
1.1 Dẫn nhập
1.2 Quán niệm hơi thở căn bản
1.3 Quán thân hành động
1.4 Quán thân bất tịnh
1.5 Quán thân bốn đại vô thường
1.6 Quán thân biến hoại
II. Quán thọ
2.1   Thế nào là quán thọ trên các thọ?
2.2   Quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ, nội-ngoại thọ
2.3   Quán tánh sanh khởi trên thọ, diệt tận trên thọ, sanh diệt trên thọ.
III. Quán tâm
3.1   Quán tâm vô tham trên tâm tham
3.2   Quán tâm vô sân trên tâm sân
3.3   Quán tâm vô si trên tâm si
3.4   Quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn
3.5   Quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại
3.6   Quán tâm vô thượng trên tâm hữu hạn
3.7   Quán tâm có định trên tâm không có định
3.8   Quán tâm giải thoát trên tâm không giải thoát
3.9   Quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm, nội - ngoại tâm
3.10 Quán tánh sanh khởi trên tâm, diệt tận trên tâm, sanh diệt trên tâm
IV. Quán pháp
4.1   Quán pháp Năm triền cái

4.1.1  Tham dục triền cái
4.1.2  Sân triền cái
4.1.3  Hôn trầm Thùy miên triền cái
4.1.4  Trạo hối triền cái
4.1.5  Nghi triền cái
4.2   Quán pháp Năm thủ uẩn
4.2.1  Năm uẩn
4.2.2  Năm thủ uẩn
4.2.3  Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã chấp trên nội pháp Năm Thủ Uẩn
4.2.4  Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã mạn trên ngoại pháp Năm Thủ Uẩn
4.2.5  Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã trên nội-ngoại pháp Năm Thủ Uẩn
4.2.6  Quán tánh sanh khởi, tánh đoạn diệt, tánh sanh diệt trên pháp Năm Thủ Uẩn
4.3   Quán pháp Sáu nội-ngoại xứ
4.3.1  Quán pháp trên các pháp sáu nội xứ
4.3.2  Quán pháp trên các pháp sáu ngoại xứ
4.3.3  Quán pháp trên các pháp sáu nội-ngoại xứ
4.3.4  Quán tánh sanh khởi, đoạn diệt, sanh diệt trên các pháp sáu nội-ngoại xứ
4.4   Quán pháp Bảy giác chi
4.5   Quán pháp Bốn Thánh Đế
4.5.1  Quán pháp cứu cánh chân lý trên nội pháp Bốn Thánh Đế
4.5.2  Quán pháp Bốn Thánh Đế trên các ngoại pháp
4.5.3  Quán tánh sanh khởi, đoạn diệt, sanh diệt trên pháp Bốn Thánh Đế
4.6  Các phương pháp tu tập Bốn Niệm Xứ
Phụ chú 1: Các khái niệm cần ghi nhớ
Phụ chú 2: Tóm lược các cách quán cần ghi nhớ.
Pani Giới Pháp
***
"Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!
Ái diệt, dứt mọi khổ!"
(PC. 354)