Thursday 16 June 2011

Phân tích và tổng hợp: hai phương pháp tư duy quan trọng trong Đạo Phật

I. Tư duy phân tích
Trong Phật pháp, phương pháp phân tích là một trong những phương pháp tư duy rất quan trọng, đã được Đức Thế Tôn nêu lên rất nhiều lần trong kinh tạng Nikaya và luật tạng Patimokkha (1). Người học Phật nếu không biết vận dụng phương pháp này, sẽ dễ rơi vào lối tư duy suy nghĩ một chiều, hời hợt và phiến diện. Ngược lại, biết tư duy theo lối phân tích sẽ giúp cho nhận thức được toàn diện hơn, bao quát hơn và đầy đủ hơn. Chính vì thế tư duy phân tích cũng là chủ trương trong Pháp và Luật của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.
Trong bài kinh Subha, Đức Phật đã nhiều lần nêu rõ Ngài chủ trương phân tích toàn diện chứ không phải nhận định một chiều như các Bà-la-môn đương thời. Một đoạn đối thoại tiêu biểu sau đây trong kinh Subha giữa Đức Thế Tôn và Subha đã nói lên điều này:
“- Này thanh niên Bà-la-môn, ở đây, Ta chủ trương phân tích; ở đây, Ta không chủ trương nói một chiều... Cái gì tốt hơn cho họ, lời họ nói lên cần phải được phân tích, cân nhắc hay không cần phải phân tích, cân nhắc? -- Cần phải phân tích, cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama... -- Lời nói (của các Bà-la-môn. PN) được nói lên có phân tích, cân nhắc, hay không phân tích cân nhắc? -- Không phân tích, cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama” (kinh số 99, Trung bộ 2 = [So.31]) (2),
Còn trong tạng Luật, phương pháp phân tích thể hiện toàn diện từ đầu tới cuối; và được gọi là Thắng Luật, là Tăng thượng giới bổn Patimokkha:
“[2] ... Trong trường hợp ấy điều gì gọi là Luật? Trong trường hợp ấy điều gì gọi là Thắng Luật?
– Sự quy định gọi là Luật. Sự phân tích gọi là Thắng Luật.
Trong trường hợp ấy điều gì gọi là giới bổn Pātimokkha? Trong trường hợp ấy điều gì gọi là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha?
– Sự quy định gọi là giới bổn Pātimokkha. Sự phân tích gọi là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha” (Tạng Luật, Tập Yếu, I. Mười sáu phần chính thuộc phân tích giới Tỳ-khưu)”
Thậm chí, trong Đại kinh Nghiệp phân biệt Đức Thế Tôn đã khiển trách Tỳ-kheo Samiddhi, vì vị này đã không biết trả lời theo cách phân tích để làm rõ việc du sĩ ngoại đạo Potaliputta cũng đã biết giả danh “như vầy tôi nghe Phật thuyết” để cố tình xuyên tạc chánh pháp:
-- Này Ananda, Ta chưa từng thấy du sĩ ngoại đạo Potaliputta, thời câu chuyện này từ đây xảy ra? Này Ananda, câu hỏi đáng lý phải trả lời phân tích rõ ràng cho du sĩ ngoại đạo Potaliputta, lại được kẻ ngu si Samiddhi này trả lời theo một chiều” (số 136, Trung bộ 3 = [So.35]),
Do vậy, người học Phật không hiểu và vận dụng phương pháp phân tích sẽ bị Đức Thế Tôn khiển trách như Samiddhi, không những thế họ khó có thể thọ trì đầy đủ chánh pháp như một hệ thống hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, người biết tư duy theo chiều hướng phân tích sẽ tránh được những cách suy nghĩ phiến diện hời hợt, nên cũng tránh được những tranh cãi vô ích do tư duy không đầy đủ.
Ngay trong thời Phật, cư sĩ Vajjiyamàhita đã nhận thức được chủ trương phân tích của Đức Phật, cho nên ông đã không rơi vào bẫy của các du sĩ ngoại đạo, không những thế ông còn vạch rõ sự xuyên tạc ấu trĩ của họ để bảo vệ cho Chánh Pháp bằng sự trình bày những quan niệm hợp lý và toàn diện hơn:
“- Thưa các Tôn giả, Thế Tôn không chỉ trích mọi khổ hạnh, không nhất hướng bài bác, chống đối mọi khổ hạnh, mọi nếp sống kham khổ. Thưa các Tôn giả, Thế Tôn chỉ trích cái gì đáng chỉ trích, tán thán cái gì đáng tán thán. Thưa các Tôn giả, Thế Tôn chỉ trích cái gì đáng chỉ trích, tán thán cái gì đáng tán thán, như vậy Thế Tôn là người phân tích luận, không phải là người nhất hướng luận (nói một chiều)” (kinh số 94, TC4, C10 = [I.10.94])
Sau đó ông đã được Đức Phật tán thán: “- Lành thay, lành thay, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp…”; và lấy ông làm gương để nhắc nhở các Tỳ-kheo: - Phàm Tỷ-kheo nào, đã lâu ngày với trần cấu ít trong Pháp và Luật này, vị ấy hãy như vậy bài bác các du sĩ ngoại đạo với sự khéo bài bác nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Vajjiyamàhita đã làm.(Sđd)
Thêm vào đó, những Tỳ-kheo nào không thọ trì Kinh – Luật và không nắm vững tất cả các phương pháp phân tích về ý nghĩa, phân tích về Pháp, phân tích về ngôn từ, phân tích về diễn giải và không quán xét tâm theo sự giải thoát, những Tỳ-kheo này sẽ không đủ tiêu chuẩn để thảo luận cùng các Tỳ-kheo khác. Điều này đã được chính Đức Thế Tôn xác định trong Tạng Luật khi Tôn giả Upali thưa hỏi:
“(1206) - Bạch ngài, không nên thảo luận với vị tỳ khưu hội đủ bao nhiêu điều kiện?
... - Này Upāli, không nên thảo luận với vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện. Với năm (điều kiện) gì? Là vị không thành đạt sự phân tích về ý nghĩa, là vị không thành đạt sự phân tích về Pháp, là vị không thành đạt sự phân tích về ngôn từ, là vị không thành đạt sự phân tích về diễn giải, là vị không quán xét tâm theo sự giải thoát. Này Upāli, không nên thảo luận với vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này.
Này Upāli, nên thảo luận với vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện. Với năm (điều kiện) gì? Là vị thành đạt sự phân tích về ý nghĩa, là vị thành đạt sự phân tích về Pháp, là vị thành đạt sự phân tích về ngôn từ, là vị thành đạt sự phân tích về diễn giải, là vị quán xét tâm theo sự giải thoát. Này Upāli, nên thảo luận với vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này” (Bộ Tập Yếu, XV. Nhóm năm của Upali)
Trên đây là các trích dẫn trực tiếp thuộc về chánh Kinh và chánh Luật để cho thấy phương pháp phân tích quan trọng như thế nào.
Trong thực tế cuộc sống, phương pháp tư duy phân tích cũng quan trọng không kém. Một người không có tư duy phân tích sẽ dễ dàng chấp nhận những tri kiến hoặc những nhận thức một chiều phiến diện. Dưới đây là vài ví dụ điển hình.
* Nhiều người thường nói “cha nào, con nấy” (like father, like son), hay “mẹ nào, con nấy”. Đây là kiểu nói một chiều, bởi lẽ theo một chiều khác cũng có thể nói “cha mẹ sanh con, trời sanh tánh” để ứng với trường hợp trong cùng một gia đình có cùng cha mẹ sanh ra nhưng các con lại có tánh tình rất khác nhau.
Những câu nói một chiều như trên trong một số trường hợp là đúng, nhưng trong trường hợp khác lại chưa đúng. Nguyên nhân là do chúng mô tả thực tế chỉ theo một khía cạnh, không bao quát được vấn đề. Chính vì vậy, để có cách nhìn toàn diện, người học Phật phải vận dụng cách tư duy phân tích theo từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ trong quan hệ cha con, nếu đưa thêm vào hai yếu tố “thiện – ác” và theo phương pháp phân tích, sẽ có bốn trường hợp như sau:
· Cha thiện lành, con cũng thiện lành.
· Cha xấu ác, con cũng xấu ác.
· Cha thiện lành nhưng con lại xấu ác, hoặc
· Cha xấu ác nhưng con lại thiện lành.
Cũng vậy, trong mối quan hệ mẹ con, nếu thêm vào hai “tham số” hiền và dữ, sẽ phân tích thành bốn trường hợp đầy đủ hơn như sau: mẹ hiền – con hiền, mẹ dữ – con dữ, mẹ hiền – con dữ, mẹ dữ – con hiền.
Như vậy khi vận dụng phương pháp phân tích sẽ thấy những nhận thức theo kiểu “cha nào, con nấy”, hay “mẹ nào, con nấy”, hoặc “cha mẹ sanh con, trời sanh tánh” đều là những câu nói một chiều chưa đầy đủ.
* Trong quan hệ vợ chồng, câu “nồi nào úp vung nấy” thường được dùng để ám chỉ vợ chồng giống tính nết nhau hoặc “xứng đôi vừa lứa”, nhưng đây cũng chỉ là nhận định một chiều, vì có những cặp vợ chồng dù bao năm chung sống nhưng vẫn không chuyển hoá được nhau mà trước sau vẫn cứ như “đôi đũa lệch”. Chính vì thế, nói cho đầy đủ phải phân tích thành bốn trường hợp:
· Thiên nam sống chung ác ma nữ
· Ác ma nam sống chung Thiên nữ
· Ác ma nam sống chung ác ma nữ
· Thiên nam sống chung Thiên nữ (xem Tăng Chi 1, chương 4, kinh số 53 = TC1, C4, 53 = [I.4.53])
Ở đây chư Thiên được hiểu là người tốt, biết giữ giới; và ác ma là kẻ ác nhân, phá giới.
* Người ta thường nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” để chỉ sự ảnh hưởng từ bên ngoài. Câu nói này chỉ đúng một chiều, vì còn một chiều khác chưa nhắc đến, đó là yếu tố từ bên trong bản thân mỗi con người. Cho nên theo chiều này lại có câu nói trái ngược “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Cả hai câu đều chỉ đúng trong một trường hợp nhất định, vì thế tách ra nói một chiều có khi trở thành phiến diện, chưa đầy đủ. Do vậy, phải nói theo kiểu phân tích mới toàn diện hơn, khái quát hơn. Ví dụ có thể phân tích theo những trường hợp sau:
· Có người sanh ra trong bóng tối, hướng đến bóng tối.
· Có người sanh ra trong bóng tối, hướng đến ánh sáng.
· Có người sanh ra trong ánh sáng, hướng đến bóng tối.
· Có người sanh ra trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng (kinh Tối Tăm, số 85, TC1, C4 = [I.4.85])
Ở đây bóng tối được hiểu là môi trường và cuộc sống phi phạm hạnh, ác giới và khổ đau; còn ánh sáng là môi trường và cuộc sống thiện lành, giới hạnh, an vui an lạc. Nhờ phân tích đầy đủ ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và năng lực của bản thân mỗi người, từ đó mới có được cái nhìn toàn diện hơn, hiểu được đầy đủ hơn nhiều trường hợp khác nhau.
Ví dụ vì sao có người này lúc nhỏ hư, nhưng lớn lại ngoan. Có người khác lúc nhỏ ngoan, nhưng lớn thành hư. Có người lúc nhỏ hư, lớn cũng hư. Có người nhỏ ngoan, lớn cũng ngoan. Cho nên dân gian mới có câu “sông có khúc, người có lúc” cũng có thể hiểu theo ý nghĩa này.
* Trong cuộc sống có nhiều người sẵn sàng huỷ hoại thân mình vì người khác, hoặc trong quan hệ đôi lứa một cô gái sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho người yêu... Những trường hợp hại mình, lợi người như trên có khi được ca ngợi, nhưng cũng có lúc bị lên án tuỳ theo quan điểm của mỗi cá nhân. Để biết ca ngợi hay phê phán cho đúng, trước hết cần phân tích để thấy đầy đủ hơn có bốn hạng người như sau:
· Có kẻ chuyên tâm hại mình, hại người.
· Có kẻ chuyên tâm lợi mình, hại người.
· Có kẻ chuyên tâm hại mình, lợi người.
· Có kẻ chuyên tâm không làm hại mình, không làm hại người; lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới.
(Tham khảo các kinh Tăng Chi 4 pháp, số 95-99 = [I.4.95-99]; kinh Kandaraka, số 51, TB2 = [Su2])
Nhờ biết tư duy phân tích như vậy mới thấy rõ được hạng người nào thực sự là hiền trí nhất, đáng ca ngợi nhất.
Qua vài ví dụ nêu trên, người học Phật phần nào hiểu được thế nào là tư duy phân tích. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các ví dụ trên để vội vàng kết luận “tư duy phân tích là quan trọng nhất, cần thiết nhất”, cũng sẽ rơi vào cách nói một chiều. Bởi lẽ, bên cạnh lối phân tích có ý nghĩa, liên hệ đến mục đích, còn có những lối phân tích không có ý nghĩa, không liên hệ mục đích. Đây là lối phân tích mà Đức Phật gọi là kiểu “biện bác như chia chẻ sợi tóc” (Kinh Pháp Trang Nghiêm, Trung Bộ 2, số 84 = [Ab.4.18]), và người trí gọi là lối “phân tích chẻ sợi tóc làm tư”.
Trong Luật Tạng, lối phân tích phi pháp, phi mục đích này còn được Đức Phật gọi là kiểu “phân tích không thanh tịnh”; ngược lại lối phân tích có ý nghĩa, có mục đích chân chánh là kiểu “phân tích thanh tịnh”:
“(355) Này Moggallāna, còn có điều khác nữa, ở đây có hạng đạo sư trong khi có lối phân tích không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: “Ta có lối phân tích thanh tịnh” và “Lối phân tích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.” Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có lối phân tích không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có lối phân tích thanh tịnh’ và ‘Lối phân tích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.” Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về lối giải thích, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về lối giải thích từ các đệ tử. ...
(357) Và này Moggallāna, Ta có giới thanh tịnh và biết rằng: “Ta có giới thanh tịnh” và “Giới của Ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.” Các đệ tử không cần bảo vệ Ta về giới, và Ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về giới từ các đệ tử. Ta nuôi mạng thanh tịnh, …(như trên)… thuyết Pháp thanh tịnh, …(như trên)… có lối phân tích thanh tịnh, …(như trên)… có tri kiến thanh tịnh và biết rằng: “Ta có tri kiến thanh tịnh” và “Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.” Các đệ tử không cần bảo vệ Ta về tri kiến, và Ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về tri kiến từ các đệ tử (Lược trích: Tạng Luật, Tiểu Phẩm, VII. Chương Chia rẽ hội chúng)
Đáng tiếc thay, sau này, ngay trong Phật giáo cũng có rất nhiều lối phân tích “không thanh tịnh”, vô ích và lai căng. Sở dĩ có tình trạng này là do nó được du nhập từ bên ngoài, nhưng người Phật tử đã không biết phân định rõ để loại trừ nên đã dễ dàng chấp nhận. Thậm chí có nơi còn xem lối phân tích biện luận “chẻ sợi tóc làm tư” là căn bản của Phật pháp, là “duy trí thức”, là “siêu vi diệu” (!?)
Tất nhiên hai kiểu “phân tích không thanh tịnh” và “phân tích thanh tịnh” hoàn toàn khác nhau. Nhưng căn cứ vào đâu để biết phân biệt phương pháp phân tích nào thực sự của đạo Phật và lối phân tích nào không phải của đạo Phật, đã bị ngộ nhận? Để trả lời câu hỏi này phải dựa vào mục đích và ý nghĩa của phương pháp phân tích mới xác định được.
Thật vậy, phương pháp phân tích đích thực của đạo Phật là những phân tích có một mục đích rõ ràng và nhất quán, theo hướng làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm, giúp tăng cường nhận thức nhằm thấy rõ khổ và diệt khổ, bằng từng bước đoạn trừ các kiết sử - tức những sợi dây trói cột con người vào với đau khổ, và xả ly năm triền cái – tức những pháp ngăn che trí tuệ; đồng thời nhắm đến diệt trừ tham – sân – si một cách thiết thực hiện tại. Tất cả các phân tích trong chánh Kinh Nikaya và luật Patimokkha đều thể hiện theo nguyên lý này. Vì thế người học Phật thọ trì chánh Kinh - chánh Luật sẽ có dịp tu tập các cách nhìn toàn diện một vấn đề, từ đó từng bước giúp tri kiến của mình đầy đủ hơn, giúp thoát khổ một cách cụ thể hơn.
Ngược lại, các lối phân tích “chẻ sợi tóc làm tư” bị ngộ nhận trong Phật giáo không làm được điều này, không nhằm mục đích này. Chúng chỉ khiến cho người thọ trì phải khổ sở thêm với hàng trăm hàng ngàn những khái niệm vô giá trị, mơ hồ, không được chứng minh cụ thể. Nếu người Phật tử tiếp cận những phân tích “cao siêu” này và tự hỏi chúng giúp họ diệt tham – sân – si như thế nào, giúp diệt những pháp gây đau khổ như năm triền cái, các kiết sử như thế nào, người này sẽ không thể tìm được câu trả lời chân thật thích đáng, trừ những kiểu hý luận hứa hẹn viển vông. Không những thế, những người thọ trì theo lối phân tích này ngày càng có ngã mạn tăng trưởng vì họ cho rằng mình nhớ nhiều, kẻ khác nhớ ít; mình biết chính xác, kẻ khác biết sai; từ đây mỗi khi họ gặp nhau là những tranh luận xảy ra ngay tức thời.
Tóm lại, phân tích là một phương pháp tư duy rất quan trọng trong đạo Phật, và trước sau như một, phương pháp này cũng chỉ nhằm giúp người học Phật thấy vấn đề được toàn diện hơn, từ đó giúp mình có chánh kiến, tránh khỏi những tà kiến do tư duy hời hợt gây ra, và trước sau như một, phương pháp phân tích có một mục đích cụ thể là giúp cho người học Phật thấy khổ và diệt khổ.
Chính vì thế phương pháp phân tích được vận dụng rất phổ biến trong Kinh và Luật Pali. Trong số đó, người học Phật cần lưu ý và thực hành theo lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn: “22-23. Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích của trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích của trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ.” (TC1, C1, XXI. Phẩm Thiền Ðịnh (2) = [I.1.28.22-23])
II. Tư duy tổng hợp
Bên cạnh tư duy phân tích, trong đạo Phật còn có phương pháp tư duy thứ hai quan trọng không kém, đó là tư duy tổng hợp. Nếu tư duy phân tích giúp nhìn nhận một vấn đề, một đối tượng được đầy đủ hơn, toàn diện hơn, thì tư duy tổng hợp giúp thấy rõ hơn mối quan hệ của vấn đề ấy, đối tượng ấy với các vấn đề khác, đối tượng khác.
Ví dụ: trong Kinh Nikaya có câu chuyện về những người mù bẩm sinh sờ voi. Mỗi người mù tuỳ theo vị trí tiếp cận hạn chế của mình nên đã có những nhận định sai lầm về con voi. Đây là điển hình cho lối nhận thức hạn hẹp, rời rạc; trái ngược với kiểu tư duy tổng hợp.
Hãy thử hình dung, nếu những người mù ấy biết tư duy tổng hợp, thì nhận định của họ có thể sẽ chính xác hơn. Nếu người mù sờ chân con voi biết tự hỏi: “Phía dưới “cái cột” là đất, vậy phía trên của “cái cột” tiếp xúc với cái gì?”. Cũng vậy, người mù sờ đuôi con voi biết tự hỏi: “Cuối cùng của “cái chổi” không còn gì, vậy đầu kia của “cái chổi” gắn vào đâu?” Cứ như vậy, những người mù cũng có thể lần mò và hình dung con voi được đầy đủ hơn. Cuối cùng nhờ tổng hợp những nhận định của từng cá nhân mà nhóm người mù có thể vẫn “thấy” được con voi chính xác hơn.
Cũng vậy, nếu tư duy phân tích giúp nhận thức về mối quan hệ cha – con như ví dụ ở trên được toàn diện hơn, thì với tư duy tổng hợp sẽ giúp nhận thức về mối quan hệ này càng trọn vẹn hơn nữa khi đặt nó trong các mối quan hệ khác: quan hệ dòng họ, quan hệ bạn bè, quan hệ hàng xóm, trường học, xã hội, lịch sử, thời đại... Từ đó có thể tìm ra lời giải đáp cụ thể vì sao trong trường hợp này “cha nào, con nấy”, nhưng trong trường hợp khác “hổ phụ lại sinh cẩu tử”.
Trong Phật pháp, tư duy phân tích và tư duy tổng hợp lại càng có vai trò quan trọng hơn nữa trong việc tìm hiểu về hệ thống giáo pháp của Đức Thế Tôn. Đã gọi là hệ thống thì giáo pháp ấy phải có những bộ phận và các bộ phận này có liên quan với nhau. Do vậy, tư duy phân tích sẽ giúp hiểu rõ từng bộ phận cấu thành, còn tư duy tổng hợp sẽ giúp nhận thức được bộ phận ấy có quan hệ như thế nào với các bộ phận khác, đóng vai trò như thế nào trong toàn bộ hệ thống.
Ví dụ: trong phần quán thọ của pháp môn Bốn Niệm Xứ, dựa vào tư duy phân tích với các “tham số” lạc, khổ, vật chất sẽ có chín loại cảm thọ để quán: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ, lạc thọ thuộc vật chất, lạc thọ không thuộc vật chất, khổ thọ thuộc vật chất, khổ thọ không thuộc vật chất, bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất.
Tiếp đó, với tư duy phân tích cần phải quán các thọ này theo quan hệ nội ngoại (không gian) và sanh diệt (thời gian), từ đây có thêm các cách quán thọ trên các thọ: “Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ”.
Quán thọ chỉ là một trong bốn hệ thống quán của pháp môn Bốn Niệm Xứ, bên cạnh đó còn có các cách quán thân, quán tâm và quán pháp. Vì vậy cần vận dụng tư duy tổng hợp để hiểu rõ hơn quán thọ có quan hệ như thế nào với quán thân, quán tâm và quán pháp; quán thọ có vai trò như thế nào trong Bốn Niệm Xứ.
Cũng vậy, mỗi cách quán thân, quán tâm và quán pháp cũng là một hệ thống, do vậy phải vận dụng tư duy phân tích để tìm hiểu từng bộ phận của hệ thống này. Kế đó phải tư duy tổng hợp để tìm hiểu từng hệ thống quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp có quan hệ với nhau như thế nào; và mỗi hệ thống này đóng vai trò gì trong hệ thống pháp môn Bốn Niệm Xứ.
Đến lượt Bốn Niệm Xứ là một trong bảy hệ thống của 37 Phẩm Trợ Đạo, và cũng là một chi phần Chánh Niệm của Bát Chánh Đạo. Người học Phật phải vận dụng song hành tư duy phân tích và tư duy tổng hợp mới có thể hiểu rõ bản thân pháp môn Bốn Niệm Xứ và ý nghĩa của pháp môn này trong toàn bộ hệ thống giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Cùng với Bốn Niệm Xứ, mỗi pháp Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo cũng là một hệ thống, do vậy phải vận dụng tư duy phân tích để tìm hiểu chúng, kế đó phải tư duy tổng hợp các hệ thống này để tìm hiểu vai trò, ý nghĩa và sự quan hệ của chúng như thế nào trong hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo và trong toàn bộ hệ thống giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Bên cạnh đó, Chánh Pháp của Đức Thế Tôn còn có các pháp Định niệm hơi thở, Thân hành niệm, Tam Vô lậu học: Giới – Định – Tuệ... mỗi pháp môn này là một hệ thống. Vì vậy phải vận dụng tư duy phân tích và tư duy tổng hợp mới có thể hiểu được giáo pháp của Đức Thế Tôn với trọn vẹn ý nghĩa đây thực sự là một diệu pháp vĩ mô về mặt hệ thống, vi mô về mặt kết cấu và vi tế đến từng chi tiết “Pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn hoàn toàn đầy đủ”, "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” (Kinh Nikaya).
Thế nhưng, nếu chỉ nói đơn thuần như trên cũng lại rơi vào một chiều, vì còn phải nói đến giới hạnh của bản thân vị Tỳ-khưu. Bởi, giới có thanh tịnh thì tâm mới thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì kiến mới thanh tịnh, tri kiến được thanh tịnh thì tư duy phân tích và tư duy tổng hợp mới thanh tịnh, nhờ vậy mới hiểu được giáo pháp của Phật. Bên cạnh đó, làm bạn với thiện, học hỏi từ những bậc có Minh và Hạnh... đều là những yếu tố giúp cho vị Tỳ-khưu thâm hiểu đúng đắn giáo pháp, từ đó mọi nỗ lực công phu mới không uổng phí.
Trên đây chỉ là những gợi ý về hai phương pháp tư duy quan trọng trong đạo Phật: tư duy phân tích và tư duy tổng hợp. Trong Kinh Nikaya và Luật Patimokkha, Đức Thế Tôn dạy rất nhiều về hai phương pháp này và các phương pháp tư duy khác. Vị Tỳ-khưu Thanh văn muốn tìm hiểu rõ hơn các phương pháp tư duy này, hãy thận trọng đọc Kinh Nikaya và Luật Patimokkha sẽ rút ra những nhận thức cụ thể hơn, hữu ích hơn cho bản thân mình.
____________________________
(1) Ghi chú: Các trích dẫn trong bài viết này từ Kinh tạng Nikaya dựa theo bản dịch của HT Thích Minh Châu, từ tạng Luật Patimokkha dựa theo bản dịch của Tỳ-kheo Indacanda - Nguyệt Thiên
(2) Các ký hiệu trong ngoặc […] là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín tạng Thánh Kinh