Thursday 16 June 2011

Tham khảo Quán vô thường, vô ngã

Tham Khảo

Quán khổ trong vô thường, hay Quán khổ trên vô thường?
Quán vô ngã trong khổ, hay Quán vô ngã trên khổ?

* Bài kinh Tổ Mẫu (S.i,96)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:

-- Ðại vương đi từ đâu lại, giữa trưa như thế này?

3) -- Bạch Thế Tôn, tổ mẫu của con mệnh chung, già nua, tuổi tác, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đạt đến tuổi thọ, đã mệnh chung, được một trăm hai mươi tuổi.

4) Bạch Thế Tôn, con rất ái luyến và quý mến tổ mẫu. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một voi báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho voi báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một ngựa báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho ngựa báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một thôn làng tốt đẹp, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho thôn làng tốt đẹp để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con có thể được cho một quốc độ, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho quốc độ để tổ mẫu con khỏi chết.

5) -- Tất cả chúng sanh, thưa Ðại vương, đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. (Quán vô ngã trong khổ. PN)

6) -- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã khéo nói: "Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết."

7) -- Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. Ví như, thưa Ðại vương, tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa Ðại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.

8)
Mọi chúng sanh sẽ chết,
Mạng sống, chết kết thúc,
Tùy nghiệp, họ sẽ đi,
Nhận lãnh quả thiện ác,
Ác nghiệp, đọa địa ngục,
Thiện nghiệp, lên Thiên giới.
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Làm hậu cứ cho người.

* Bài kinh Già (S.v,216)

1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma, trong lâu đài của mẹ Migàra.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây.

3) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:

-- Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời (sithilàni), nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

4) -- Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn. (Quán khổ trong vô thường. PN)

5) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

-- Bất hạnh thay tuổi già! Ðáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập. (Quán vô ngã trong khổ. PN)

* Bài kinh Dìghàvu (S.v,344)

1) Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi cư sĩ Dìghàvu thưa với cha là Jotika:

-- Hãy đi, thưa Cha, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh con, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Cư sĩ Dìghàvu, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn". Rồi Cha hãy thưa như sau: "Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến nhà cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!"

-- Ðược, này Con.

Gia chủ Jotika nghe lời cư sĩ Dìghàvu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

4) Ngồi một bên, gia chủ Jotika bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa như sau: "Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!"
Thế Tôn im lặng nhận lời.

5) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống rồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Dìghàvu:

-- Này Dìghàvu, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không tăng trưởng?

-- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Ðau đớn kịch liệt nơi con không có giảm thiểu, chúng tăng trưởng. Chúng có dấu hiệu tăng trưởng, không có dấu hiệu giảm thiểu.

6) -- Do vậy, này Dìghàvu, Ông hãy học tập như sau: "Ta sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn. Ðối với Pháp... Ðối với chúng Tăng... Tôi sẽ thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định"". Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.

7) -- Bạch Thế Tôn, đối với bốn Dự lưu phần do Thế Tôn thuyết giảng, tất cả các pháp ấy đều có ở trong con. Con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn... Ðối với Pháp... đối với chúng Tăng... Tôi thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định".

-- Do vậy, này Dìghàvu, sau khi Ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, Ông hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (chavijjà-bhàgiye dhamme).

8) Ở đây, này Dìghàvu, Ông hãy trú,

· quán vô thường trong tất cả hành,
· quán khổ tưởng trong vô thường,
· quán vô ngã tưởng trong khổ,
· quán tưởng đoạn tận,
· quán tưởng ly tham,
· quán tưởng đoạn diệt.

Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.

-- Bạch Thế Tôn, đối với sáu minh phần pháp được Thế Tôn thuyết giảng này, chúng đều có ở trong con và con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt.

9) Nhưng, bạch Thế Tôn, con có ý nghĩ sau đây: "Ta không có muốn gia chủ Jotika, ở đây khi ta chết phải rơi vào khốn khổ (vighàta)".

-- Này Dìghàvu, chớ có tác ý như vậy! Hãy nhìn, này Dighàvu! Những gì Thế Tôn đang nói cho con, con hãy khéo tác ý.

10) Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới cho cư sĩ Dìghàvu với lời giáo giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

11) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu liền mệnh chung.

12) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dìghàvu; sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Sanh thú cư sĩ ấy thế nào? Sanh xứ cư sĩ ấy chỗ nào?

-- Hiền minh, này các Tỷ-kheo, là cư sĩ Dìghàvu! Cư sĩ Dìghàvu thực hiện các pháp và tùy pháp, không làm phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về pháp.

13) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này nữa.

* Bài kinh Gotamì (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi. Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực.

2) Khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày; sau khi đi sâu vào rừng Andha, đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì; sau khi đi đến, liền nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì:

Sao nàng như mất con,
Một mình, mặt ứa lệ.
Hay một mình vào rừng,
Ðể tìm đàn ông nào?

4) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"

5) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: "Ðây là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định nên đã nói lên bài kệ đó".

6) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Con hại, đã qua rồi,
Ðàn ông đã chấm dứt,
Ta không sầu, không khóc,
Ta sợ gì các Ông?
Khắp nơi hỷ, ái đoạn,
Khối mê ám nát tan,
Chiến thắng quân thần chết,
Vô lậu, ta an trú.

7) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đã biết ta" nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

* Trích bài kinh Minh Phần, số 35, Tăng Chi 3, Chương VI, IV. Phẩm Chư Thiên

1. - Có sáu pháp này thuộc về minh phần. Thế nào là sáu?
2.
· Tưởng vô thường,
· tưởng khổ trong vô thường,
· tưởng vô ngã trong khổ,
· tưởng đoạn tận,
· tưởng ly tham,
· tưởng đoạn diệt.

Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, là thuộc về minh phần.

* Bài kinh “Hành” số 93, Tăng Chi 3, Chương 6, Phẩm Mát lạnh

“Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp không thể xảy ra. Thế nào là sáu? Người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là thường còn; người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là lạc; người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là ngã; người đầy đủ tri kiến không thể làm hành động vô gián; người đầy đủ tri kiến không thể làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt; người đầy đủ tri kiến không thể đi tìm các vị đáng được cúng dường ngoài chư Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là sáu trường hợp không thể xảy ra”.

* Các bài kinh trong Tăng Chi 3, Chương 6, X. Phẩm Lợi Ích

(III) (98) Vô Thường

1. - Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Không nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra.

2. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy ra.

(VI) (99) Khổ
- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là lạc, sẽ thành tựu... (như trên với những thay đổi cần thiết).

(V) (100) Vô Ngã
- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là ngã, sẽ thành tựu... (như kinh 98 với những thay đổi cần thiết).

(VI) (101) Niết Bàn
- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy Niết-bàn là khổ, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra... (như kinh 98 với những thay đổi cần thiết).


* Bài kinh (VI) (16) Tưởng, số 16, Tăng Chi tập 4, Chương 9, II. Phẩm Tiếng Rống Con Sư Tử

1. - Này các Tỷ-kheo, có chín tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là chín?

2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng ghê tởm đối với các món ăn, tưởng không ưa thích đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.
Này các Tỷ-kheo, chín tưởng này được tu tập, được làm sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.

* Bài kinh Tưởng (2), Tăng Chi 7 Pháp, V. Phẩm Đại Tế Đàn

1. - Có bảy tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là bảy?
Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán đối với các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ.

2. Tưởng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán. Ví như, này các Tỷ-kheo, lông gà hay là dây gân quăng vào lửa thời thối lui, trở lưng, quay lưng, và không căng thẳng; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, nhưng tâm lại chạy theo, đắm vào dâm dục, không khởi lên nhàm chán, thời Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Tưởng bất tịnh không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả tu tập". Ở đấy, vị ấy tỉnh giác như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Tưởng bất tịnh được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả tu tập". Ở đấy, vị ấy tỉnh giác như vậy. Tưởng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.

3. Tưởng chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống nhiều với tưởng chết, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng không thích thú sự sống, do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời... (như số 4 ở trên, chỉ khác trước là tưởng bất tịnh, đây là tưởng chết, với sự thay đổi cần thiết)... Do duyên gì được nói đến như vậy.

4. Tưởng nhàm chán đối với món ăn, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng nhàm chán đối với các món ăn, thời tâm thối lui... không tham ái các vị; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời... (như số 4 ở trên, chỉ khác đây là tưởng nhàm chán đối với các món ăn)... Do duyên gì được nói đến như vậy.

5. Tưởng không hoan hỷ đối với các thế giới, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với tưởng không hoan hỷ đối với các thế giới, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng với các lòe loẹt của thế giới; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời... (như số 4 ở trên, chỉ khác đây là tâm không hoan hỷ đối với các thế giới và những thay đổi cần thiết)... Do duyên gì được nói đến như vậy.

6. Tưởng vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với tưởng vô thường, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng với các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời... (như số 4 ở trên, chỉ khác đây là tưởng vô thường với những thay đổi cần thiết)...

7. Tưởng khổ trên vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, thời các tưởng sợ hãi sắc bén được an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát; ví như một kẻ giết người giơ đao lên. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, nhưng các tưởng sợ hãi sắc bén không được an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát; thời không giống như một kẻ giết người giơ đao lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Tưởng khổ trên vô thường không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả của sự tu tập." Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. 

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, thời các tưởng sợ hãi sắc bén an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát, ví như một kẻ giết người giơ đao lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải hiểu rằng: "Tưởng khổ trên vô thường được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả của sự tu tập." Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy.

Tưởng khổ trên vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.

8. Tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, ý của vị ấy thoát khỏi các tư tưởng ngã, ngã sở, ngã mạn, đối với cái thân có thức nầy và đối với tất cả tướng ở ngoài, khéo giải thoát, được an tịnh, vượt qua các thiên kiến. 

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với tâm chất chứa tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, ý của vị ấy không thoát khỏi các tư tưởng ngã, ngã sở, ngã mạn, đối với cái thân có thức nầy và đối với tất cả tướng ở ngoài, không khéo giải thoát, không được an tịnh, không vượt qua các thiên kiến. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Tưởng vô ngã trên khổ không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả của sự tu tập." Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. 

Nhưng này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, ý của vị ấy thoát khỏi các tư tưởng ngã, ngã sở, ngã mạn đối với cái thân có thức và đối với tất cả tướng ở ngoài, khéo giải thoát, được an tịnh, vượt qua các thiên kiến. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Tưởng vô ngã trên khổ được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả của sự tu tập." Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. 

Tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.

9. Bảy tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.

(Trích từ bản dịch Việt kinh Nikaya của HT Thích Minh Châu)