Thursday 30 June 2011

Giải Mã Niệm Xứ 6: Quán Pháp 5 Thủ Uẩn


PHẬT LỊCH 2555
VESAK 2600


Giải Mã Kinh Niệm Xứ
Chặng đường giải thoát khổ đau

(Phần 6: Quán pháp Năm Thủ Uẩn)

***********
4.2   Quán pháp Năm thủ uẩn
4.2.1  Năm uẩn
4.2.2  Năm thủ uẩn
4.2.3  Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã chấp trên nội pháp Năm Thủ Uẩn
4.2.4  Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã mạn trên ngoại pháp Năm Thủ Uẩn
4.2.5  Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã trên nội-ngoại pháp Năm Thủ Uẩn
4.2.6  Quán tánh sanh khởi, tánh đoạn diệt, tánh sanh diệt trên pháp Năm Thủ Uẩn

Chánh Kinh
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư: "Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập; đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt".
Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.

Giải Trình
 
4.2 Quán pháp Năm Thủ Uẩn
Muốn hiểu cách quán pháp năm thủ uẩn, trước hết cần phải biết rõ năm uẩn là gì và các uẩn này khác nhau như thế nào.
4.2.1 Năm Uẩn
Uẩn là thành phần, hợp phần. Năm uẩn là năm thành phần hay năm hợp phần, bao gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thức uẩn (tham khảo kinh Thủ Chuyển (TƯ3, 58 = [Ve.7.56]), kinh Trăng Rằm (TƯ3, 100) = [Ve.7.82]).
Trong đó:
-- Sắc uẩn là thân vật chất, tứ đại đất-nước-lửa-gió.
-- Thọ uẩn là các cảm giác, cảm thọ.
-- Hành uẩn là các sự vận hành của thân (như hơi thở, nhịp tim, vận động cơ bắp…); và sự vận hành của tâm (như trí thông minh, hiểu nhanh, nhớ chậm, tư duy nhạy bén…).
Riêng Thức uẩn và Tưởng uẩn khó phân biệt hơn.
-- Thức uẩn là sự nhận biết của tâm có liên hệ trực tiếp với các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Có sáu thức: nhãn thức là sự nhận biết trực tiếp của mắt đối với các sắc, nhĩ thức là sự nhận biết trực tiếp của tai với các âm thanh, tỷ thức là sự nhận biết trực tiếp của mũi với các hương, thiệt thức là sự nhận biết trực tiếp của lưỡi với các vị, thân thức là sự nhận biết trực tiếp của thân khi xúc chạm, và ý thức là sự nhận biết của ý căn (bộ não) đối với các pháp trần thông qua năm căn.
-- Tưởng uẩn cũng là sự nhận biết của tâm nhưng không liên hệ trực tiếp đến năm giác quan. Ví dụ sự nhận biết trong giấc mơ, hoặc trong trạng thái hồi tưởng, tưởng nhớ, mơ màng… Có sáu loại tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng (TC VI:63, tr.215 = [I.6.63.5]).
Mắt đang thấy chữ viết màu đen trên nền màu trắng hoặc nhận biết trực tiếp màu áo đang mặc là nhãn thức. Nhưng nhắm mắt lại tưởng nhớ và như “thấy” được màu áo hoa mẹ mua cho hồi nhỏ, hoặc trong giấc mơ “thấy” người thân đã khuất, hoặc ngồi thiền nhắm mắt nhưng “thấy” như có hào quang, ánh lửa; màu khói xanh, vàng, đỏ, trắng… tất cả lại là biểu hiện của sắc tưởng.
Khi tai đang nghe tiếng và nhận biết một cách trực tiếp các âm thanh là nhĩ thức. Nhưng đêm qua nằm mơ “nghe” như người thân đã khuất đi lại nói chuyện, hoặc “nghe” như có tiếng vo ve trong tai do ô nhiễm tiếng ồn, hoặc ngồi thiền trong trạng thái mơ màng “nghe” như có ai đó mặc khải, ấn chứng cho mình chứng đạo… tất cả đều là thanh tưởng.
Trong bữa ăn khi mũi đang ngửi hương, lưỡi đang nếm vị, tâm nhận biết trực tiếp hương và vị của thức ăn, đó là tỷ thức và thiệt thức. Nhưng đêm qua nằm mơ được ăn uống, nếm ngửi những món ưa thích; hay lúc ngồi thiền như “ngửi” được mùi hương kỳ lạ, hoặc mùi hôi thúi khác thường không có thật, hoặc như “nếm” được vị đặc biệt nào đó… tất cả chỉ là hương tưởng và vị tưởng.
Khi thân đang xúc chạm trực tiếp với chỗ ngồi, biết được bề mặt cứng hay mềm, nóng hay lạnh, đấy là thân thức. Nhưng nằm mơ hoặc hồi tưởng những chạm xúc êm ái, hoặc ngồi thiền cảm nhận (không trực tiếp bằng thân xúc) những cảm giác mơ màng lâng lâng hoặc như bị kiến cắn… đây chỉ là xúc tưởng.  
Sự hiểu biết trực tiếp từ năm giác quan đem lại có thể kiểm chứng qua thực tế thuộc về ý thức. Còn những đối tượng nhận thức do tưởng tượng hay định tưởng mà có được gọi là pháp tưởng. Trong kinh Pháp Môn Căn Bản, những hiểu biết qua tư duy, suy xét, thẩm định, phù hợp với chân lý khách quan, có thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan được gọi là tuệ tri hay thắng tri (những nhận thức của khoa học nằm trong phạm trù này). Ngược lại những hiểu biết do tưởng tượng hoặc định tưởng mà có, không gắn liền với thực tế, không phản ánh đúng chân lý khách quan được gọi là tưởng tri.
 Như vậy, có thể phân biệt rõ hơn sự khác nhau giữa tưởng thức và ý thức thông qua hai trạng thái ngủ và thức. Trong lúc ngủ, nếu nằm mộng thì đó là tưởng thức đang hoạt động, và lúc này ý thức tỉnh giác vắng mặt vì năm giác quan cũng trong trạng thái “ngủ”. Ngược lại, khi thức giấc và làm việc thì ý thức cũng “thức dậy” và hoạt động; còn tưởng thức sẽ vắng mặt, vì lúc này năm giác quan được vận dụng một cách tỉnh thức.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, đối với những người không biết tu tập chánh niệm - tỉnh giác nhiều khi tưởng thức và ý thức hoạt động xen kẽ với nhau rất khó phân biệt.
Một cô gái tuy ngồi giữa các bạn nhưng cô ta cứ như người “mộng du”. Cô có mắt nhìn nhưng đôi khi dường như không thấy ai, có tai nghe nhưng không biết bạn bè đang nói gì. Thực ra những lúc ấy tâm trí cô đang mải mê tương tư về hình bóng của người yêu: cô gái có lúc đã sống trong mộng tưởng.
Một bà mẹ quá nhớ thương người con quá cố, tâm niệm của bà luôn nhớ về người con khiến có lúc bà không còn ý thức được thực tại. Nhiều lần bà “thấy” như người con vẫn còn hiện hữu trong ngôi nhà và đang nói chuyện cùng bà: chính lúc ấy bà mẹ chìm đắm trong tưởng nhớ.
Một nhà điêu khắc đặt trọn tâm tư của mình vào sáng tác bức tượng. Ông say mê đến độ quên cả thế giới hiện thực quanh mình, không biết cả ngoài trời đang mưa hay người qua kẻ lại: người nghệ sĩ đã sống và làm việc bằng trí tưởng tượng của mình. 
Một thanh niên vốn ham thích du lịch tâm linh. Một hôm do quá mệt mỏi anh bị ngất xỉu một lúc. Trong khi hôn mê, anh thấy mình “bay” đi khắp nơi, thăm viếng hết di tích nọ đến đền miếu kia, gặp cả thần hoàng lẫn cô tiên mẫu. Sự việc chỉ một mình anh thấy biết, nhưng chúng rõ ràng đến độ khi hồi tỉnh lại anh vẫn còn tin tưởng rằng mình vừa thực hiện một chuyến du hành thật sự.
Nhiều người tuy đang lái xe nhưng lắm lúc điều khiển xe theo phản xạ tự nhiên, còn tâm hồn cứ rong ruổi hồi tưởng về chuyện quá khứ, hoặc lại thích viễn du mơ tưởng đến chuyện tương lai. Ngay lúc ấy, nếu bất ưng nhãn thức nhận ra tín hiệu đèn đỏ giao thông bắt phải dừng lại, nhưng ý thức tỉnh giác không còn thời gian để thắng xe; tai nạn xảy ra là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nguyên nhân gốc tạo nên các trạng thái tưởng khác nhau chính là do thói quen mà ra. Điều này đã được Đức Thế Tôn chỉ rõ: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng dị thục? Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng các tưởng là kết quả của thói quen, khi nào người ta biết sự vật như thế nào, như thế nào, người ta nói sự vật ấy như sau, như sau: "Như vậy tôi tưởng”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các tưởng dị thục” (TC VI:63, tr.215 = [I.6.63.5]).
Thật vậy, thói quen chính là các thân hành, khẩu hành, ý hành lập đi lập lại nhiều lần. Theo pháp 12 Nhân duyên, các hành nghiệp này duyên sanh nên Thức, trong đó có tiềm thức. Tới lượt mình Thức này tạo nên Danh-Sắc, và vì trong Danh có Tưởng nên Thức cũng là nguồn dinh dưỡng cho Tưởng. Nói khác đi, chính thói quen là nguyên nhân hình thành nên các tưởng dị thục theo các nhân duyên tương ứng (Xem Giải mã hệ thống 12 Nhân Duyên). Bởi thế, dân gian mới có câu “ngày làm sao, chiêm bao làm vậy” cũng nằm trong ý nghĩa này.
Một cô gái hằng ngày cứ hay nhắc tên và nhớ nghĩ đến người yêu của cô, sẽ đến lúc cô ta nằm mơ và gặp được “người trong mộng”. Cũng vậy, nhưng giờ đây hàng trăm người cùng có thói quen nhắc tên và nhớ nghĩ đến cùng một thần tượng chung, nếu trong các trạng thái tưởng của họ có sự trùng hợp giống nhau về thần tượng đó, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhận thức rõ được điều này sẽ giúp người Phật tử không bị rơi vào mê tín dị đoan hoặc phân vân giữa các pháp môn tu tập chánh niệm và tà niệm.
Bên cạnh đó, người tu tập Bốn Niệm Xứ cũng cần phân biệt thêm hai loại tưởng, đó là tưởng có hại và tưởng có lợi. Các trạng thái tưởng phát sinh từ thói quen của bản năng thường là các tưởng có hại như dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Ngược lại các tưởng phát sinh từ thói quen của phương pháp quán tưởng tỉnh giác hay từ Như lý tác ý, đúng thời, đúng đối tượng là các tưởng có lợi như tưởng vô dục, tưởng từ bi, tưởng vô thường…
Biết chủ động dùng các tưởng có lợi để đối trị, đoạn diệt các tưởng có hại cũng nằm trong phương pháp chánh niệm tỉnh giác của Bốn Niệm Xứ. Ví dụ dùng tưởng bất tịnh để diệt tưởng tham dục, dùng tưởng từ bi để diệt tưởng sân… Đương nhiên, muốn những pháp đối trị về tưởng trở thành phản xạ tự nhiên, tất phải có thói quen tu tập!
Cũng trong ý nghĩa này, Đức Phật đã bác bỏ những tri kiến sai lầm của các tu sĩ ngoại học về sự sinh diệt của các tăng thượng tưởng, tức các loại tưởng phát sanh trong khi tu tập thiền định gặp phải:
“Này Potthapàda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: "Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt”. Những vị này đã sai lạc ngay từ ban đầu. Vì sao vậy? Này Potthapàda, chính vì có nhân, có duyên, các tưởng của con người sinh và diệt. Chính do sự học tập, một loại tưởng sanh, chính do sự học tập, một loại tưởng diệt”. Và Thế Tôn nói:  - Sự học tập ấy là gì?...”
Những ai muốn tìm hiểu cách học tập cho đúng và tri kiến chánh trực về sự sanh diệt của các tăng thượng tưởng tức các trạng thái tưởng phát sanh từ thiền định, hãy đọc kỹ bài kinh Potthapàda (số 9, TrB1 = [So47]) để hiểu rõ hơn.
Trong khoảng thời gian rất ngắn, tâm thức của một người bình thường có thể hoán chuyển giữa hai trạng thái ý thức và tưởng thức một cách rất mau lẹ đến độ khó phân biệt. Chính vì vậy, nếu không hiểu rõ sự khác nhau giữa ý thức và tưởng thức, sẽ dẫn đến những ngộ nhận giữa thế giới thực tại và thế giới của tưởng. Có nhiều khi bị rơi vào tưởng nhưng lại tưởng rằng mình không bị tưởng (cao nhất của các trạng thái này là Phi tưởng phi phi tưởng được các tu sĩ ngoại học xếp vào mức tột cùng của bốn thiền Vô sắc!) 
Trong trường hợp tưởng thức hoạt động quá mạnh và liên tục, lấn át cả ý thức tỉnh giác, một người sẽ rơi dần vào sự rối loạn các chức năng tâm thức, từ đó dẫn đến các chứng bệnh về tâm lý hoặc tâm thần. Những căn bệnh về tâm lý, tâm thần và tâm linh có rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện khác nhau, nhưng xét riêng về mặt tưởng thức và ý thức, một người tâm thần bị rối loạn các chức năng tâm thức chỉ khác với người không tâm thần ở chỗ, họ không còn khả năng phân biệt giữa thế giới thực tại và thế giới ảo tưởng, không có khả năng từ trạng thái bị tưởng uẩn chi phối trở về với trạng thái của ý thức tỉnh giác khi cần thiết, thân của họ tuy sống giữa đời thường nhưng tâm lại bị đắm chìm trong các trạng thái của tưởng uẩn.
Do vậy, bước đầu để giúp các bệnh nhân tâm thần giảm bớt các trạng thái bị tưởng uẩn chi phối, người chăm sóc nên áp dụng các hoạt động nhằm duy trì sự tỉnh giác của năm giác quan cho người bệnh để giúp họ củng cố ý thức tỉnh giác, đồng thời nên tránh các sinh hoạt kích thích tưởng uẩn.
Theo chiều hướng này, thiết nghĩ, việc áp dụng các ngành nghề hoặc các môn thể thao giúp tăng cường điều khiển các giác quan của người bệnh tưởng sẽ tốt hơn so với các hoạt động kích thích nhiều tưởng uẩn như đóng kịch, vẽ, thơ, ca… Tất nhiên, những lúc người bệnh ra khỏi trạng thái của tưởng và trở về với trạng thái của ý thức, họ cần được tiếp tục giúp đỡ để thoát khỏi những bức xúc, ức chế, ám ảnh về tâm lý. Có vậy những căn bệnh về tưởng uẩn của họ mới có cơ may chữa lành tận gốc.
Trong dân gian, bấy lâu nay nhiều trường hợp về bệnh tưởng đã bị ngộ nhận thành hiện tượng “ma nhập”. Vấn đề này có thể giải thích như sau: Khi người bệnh rơi vào trạng thái của tưởng uẩn quá mạnh, họ hoàn toàn không còn ý thức được thực tại và chính bản thân mình, do vậy họ biến thành một “người khác”. Chính vì thế, những người xung quanh nghĩ rằng họ đã bị “quỷ ma” trong cõi vô hình chi phối. Nhiều nơi người ta còn dùng cây dâu, gậy vông đánh quất vào người bị ma nhập để đuổi “con ma” xuất đi.
Thật tội nghiệp! Vì thật ra không có “con ma” nào chạy đi, mà chỉ vì người bệnh bị đánh đau, thân thức của họ bị kích thích. Khi thân thức bị kích thích sẽ quy hướng về ý thức và kích thích ý thức khiến người bệnh từ trạng thái bị tưởng uẩn chi phối trở về với trạng thái của ý thức tỉnh giác, cho nên người bệnh tỉnh lại.
Biết được điều này những người chăm sóc người bệnh tưởng cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao người bệnh tưởng bị rơi vào trạng thái tưởng nhằm giúp họ phòng tránh. Khi người bệnh bị tưởng, người nhà nên tìm mọi cách để giúp nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức của người bệnh hoạt động trở lại (lay gọi, thức tỉnh...) nhằm kích thích ý thức tỉnh giác của họ. Mọi người chỉ nên xem như họ đang bị ngủ mơ vậy thôi, không nên dùng những biện pháp thô bạo đối với người bệnh tưởng khiến gây tổn hại tinh thần hoặc thể xác của họ. Trường hợp người bị mộng du phải cẩn thận hơn, tránh làm họ kinh động khiến họ giật mình, phản ứng nguy hiểm. 
Đối với người tu tập thiền định còn cần phải phân biệt rõ một điểm rất quan trọng khác: tưởng thức chính là trạng thái khi ý thức tách rời khỏi năm căn. Một trong những cách khiến cho ý thức tách khỏi năm căn dễ nhất đó là ức chế tâm, tập trung tâm đơn thuần vào một đối tượng nào đó như hơi thở, cơ bụng, ý niệm của tâm… (nhưng không có Chánh niệm Tỉnh giác, không Như lý tác ý). Hầu hết tất cả các phương pháp tu tập thiền định ngoài Chánh niệm - Bốn Niệm Xứ và Chánh định - Tứ thiền đều mắc phải tấm lưới võng nguy hiểm này.
Thật thế, do tâm quá tập trung đơn thuần vào một đối tượng thiền định cho nên ý thức đến một lúc nào đó quên cả sự tỉnh giác nơi các căn, chính lúc này các trạng thái của tưởng sẽ xuất hiện. Nếu cứ tiếp tục duy trì sự nhất tâm trong trạng thái của tưởng uẩn, thiền sinh sẽ đạt được các tầng định của tưởng vô sắc (nhất tâm là định). Trong Đại Kinh Phương Quảng, ngài Xá-lợi-phất đã cảnh giác về điều này: ý thức thanh tịnh, không liên hệ đến năm căn, có thể đưa đến Hư không vô biên xứ; hư không là vô biên, có thể đưa đến Thức vô biên xứ; thức là vô biên, có thể đưa đến Vô sở hữu xứ, không có sự vật gì”  (TB1, 43 = [Vd.1.12])
Chính Đức Thế Tôn cũng đã xác định các tầng thiền vô sắc thuộc về các trạng thái của tưởng. Đương thời Phật, một Tỳ-kheo đã hỏi Ngài về thiền chứng của các loại thiền vô sắc cùng Diệt thọ tưởng định, và Bậc Đạo Sư đã chỉ dạy rất rõ ràng.
“-- Bạch Thế Tôn, Quang giới này với Tịnh giới, Không vô biên xứ giới, Thức vô biên xứ giới, Vô sở hữu xứ giới, Phi tưởng phi phi tưởng xứ giới, với Diệt thọ tưởng giới; bạch Thế Tôn, bảy giới này Thiền chứng (Samàpatti) như thế nào?
-- Này các Tỷ-kheo, Quang giới này với Tịnh giới, Không vô biên xứ giới, Thức vô biên xứ giới, Vô sở hữu xứ giới, những giới này lấy tưởng Thiền chứng (Sannàsamàpatti) được chứng đắc. Này các Tỷ-kheo, Phi tưởng phi phi tưởng xứ giới này lấy hành hữu dư Thiền chứng được chứng đắc. Này các Tỷ-kheo, Diệt thọ tưởng giới này lấy diệt đẳng nhập được chứng đắc.” (TƯ2, 149 = [U.52.11])
Vì vậy, đối với người tu sĩ, nếu hành thiền không đúng pháp, không phân biệt rõ hai trạng thái tưởng thức và ý thức, khi đạt được các trạng thái của định tưởng sẽ có được những hiểu biết mới từ các tầng định đó (có định thì sẽ có tuệ). Có vị còn xem các tri thức này như chân lý cho cuộc sống thực tại (!) Chỉ có điều vị ấy không biết rằng những tri kiến này do định tưởng mang lại nên Đức Thế Tôn gọi chúng là tưởng tri, và vì “trí tuệ” này còn bị chi phối bởi tham – sân – si và đầy ảo tưởng nên cũng được gọi là tà tuệ.
Do vị hành giả không nhận thức rõ về các trạng thái của tưởng, không biết Chánh niệm Tỉnh giác và Như lý tác ý, chỉ một chiều tập trung tâm đơn thuần trên một đối tượng thiền định; nên trước sau các triền cái, kiết sử, phiền não lậu hoặc vẫn còn nguyên. Người thực hành theo các phương pháp thiền này cho dù có đạt được định chăng nữa cũng không thể phân biệt được chánh thiền và tà thiền, chánh định và tà định, chánh tuệ và tà tuệ, chính vì vậy các định này được xem như tà định tưởng.
Hầu hết các phương pháp tu tập sai đều không biết vận dụng giai đoạn Định có tầm - có tứ và Như lý tác ý như của đạo Phật để thanh tịnh tâm, chúng chỉ một chiều tập trung tâm đơn thuần trên một đối tượng thiền định để vội vã ức chế tâm khiến vắng bặt ý niệm toàn thời, trống không hoàn toàn, do đó chúng còn được gọi là định vô sắc.
Vì ức chế tâm trống không hoàn toàn để nhập định nên tầng định đầu tiên của hệ thống bốn thiền vô sắc được Đức Thế Tôn gọi là Hư không vô biên xứ định tưởng. Hành giả không tu theo Chánh định - Tứ thiền khi rơi vào định này sẽ không thể phân biệt giữa thực tại và siêu thực, do vậy dễ dẫn đến những hành vi ngôn ngữ bất thường ngược đời, hoặc nảy sinh những hý luận ảo tưởng giữa “không không – có có” để rồi đi đến những sự phủ định sạch trơn nguy hiểm. Thế nhưng, khốn thay, những người không tu thiền hoặc không có kinh nghiệm thiền định lại tưởng rằng đó là kết quả của sự chứng đạo siêu thế (!) Tất cả những tri kiến nhuốm đầy ảo tưởng này đều thuộc về tà kiến.
Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp người thực hành đã thanh lọc được tham – sân – si, có Chánh tri kiến và Trạch pháp giác chi rõ ràng, không bị các trạng thái tưởng gây ngộ nhận, thì các trạng thái thiền định này mới được xem như Tịch tịnh trú. Tuy vậy, so với Vô tướng tâm định của đạo Phật, chúng cũng chỉ là các trạng thái “không” nhỏ bé, hữu hạn (Xem kinh Tiểu Không, TB3,121 = [Sb.22]).
Mỗi tầng định tưởng đều có các trạng thái của xúc tưởng hỷ lạc và các hiện tượng “siêu nhiên” của tưởng uẩn hoặc thần thông tưởng. Vị Tỳ-kheo không có Chánh tri kiến và biết trạch pháp phân biệt rõ ràng, khi rơi vào các trạng thái này sẽ chấp vào đây để rồi tưởng tri “giác ngộ là giác ngộ”, cứ ngỡ tưởng rằng mình đã đạt được sự chứng đạo thực sự. Từ đó mỗi người dựa theo kinh nghiệm của mình, tuyên thuyết một phương pháp tu tập khác với Tám Chánh Đạo hoặc cũng mang danh “Tám Chánh Đạo”, cũng “Tứ Thiền”, cũng “Bốn niệm xứ”, cũng “Bảy giác chi” nhưng nội dung hoàn toàn khác với lời Phật dạy trong kinh điển Nikaya và luật Patimokkha.
Trước sau các vị này chỉ quẩn quanh với những tưởng giải chủ quan của mình, xa lìa chánh Kinh – chánh Luật, không y cứ “mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu” nơi Nikaya và Patimokkha. Nói theo kinh Pháp môn căn bản, đây là trường hợp “tưởng tri Tứ thiền là Tứ thiền”, “tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn”. Thật ra những vị tu sĩ này vẫn còn bị nằm trong tấm lưới võng “Bát tà đạo” mà không biết, “Chắc chắn vị Ðại đức này tuyên bố con đường thích hợp đưa đến Niết-bàn. Nhưng vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này khởi lên chấp thủ...” (Kinh Năm và Ba, TB3, 102 = [U.26.15]).  Chính vì thế, những “giải thoát” ảo còn chất chứa đầy chấp thủ này chỉ được xem là tà giải thoát.
Với những vị có tu, có chứng còn như thế; huống hồ với những người không giữ giới, không tu, không chứng, không bám sát Kinh - Luật gốc nhưng lại hay vẽ vời hý luận về thiền định thì còn nguy hiểm biết dường nào! 
Đối với người tu thiền không ý thức được những điều trên còn gặp phải nhiều tai họa khác nữa. Trong thực tế, đã có nhiều người mới nghe đồn vị thày này chứng đắc “A-la-hán”, vị ni kia là “Bồ-tát tái sanh”, vị giáo chủ nọ là “Phật sống”, mọi người chỉ cần nghe các vị ấy nói trôi chảy những pháp môn cũng mang danh đạo Phật như “Tứ niệm xứ”, “Bảy giác chi”, “Tứ thiền”, “Như lai thiền”, “Nguyên thủy thiền”, “Bí mật thiền”, “Vô vi thiền”... thế là tất cả vội vàng nhắm mắt thực hành theo những lời tưởng giải chủ quan của những vị này. Vì không chịu đối chiếu với Kinh, so sánh với Luật nên không thấy chúng khác biệt hẳn với lời dạy của Phật trong Nikaya và Patimokkha, cứ thế những người này vô tình tu tập sai pháp mà không biết.
Vì rơi vào tà tinh tấn nên càng nỗ lực càng khổ, càng giải đãi phóng dật càng đỡ khổ. Vì rơi vào tà niệm nên càng niệm càng thấy kiết sử, triền cái mịt mù. Vì rơi vào tà định nên càng hành thiền càng ngã mạn, tham-sân-si ngất trời. Tu tập đã nhiều năm nhưng vẫn dậm chân tại chỗ hoặc hoang mang như giữa chốn rừng hoang không biết đâu bến đâu bờ. Không những thế vì tinh tấn lầm lạc có khi còn bị thương tật, điên loạn, thậm chí chết oan nữa!
Chính vì lẽ đó, trong kinh Song Tầm (TB1, 19 = [U.12]), Đức Thế Tôn đã phải cảnh giác tám tà đạo là con đường nguy hiểm. Tám tà đạo nguy hiểm bởi “vị say ngọt” của tà kiến khiến những người hành trì theo nó không nhận thức được mình đi sai đường để thoát ra. Người tu dễ bị đánh lừa bởi những xúc tưởng hỷ lạc hạn lượng của tà định, tà giải thoát; hoặc những luận thuyết “trườn uốn như con lươn” của tà tư duy. Đã thế, họ còn thích lôi kéo những người khác hành trì theo để rồi tất cả dù nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn phải chịu cảnh khổ đau do không biết cách cắt trừ được kiết sử nên không đoạn được khổ, không biết thực hành theo đúng chánh pháp để diệt được triền cái nên không giác ngộ giải thoát, trước sau vẫn phải chịu cảnh đọa xứ trước mắt lẫn lâu dài.
Người có kinh nghiệm tu tập đúng pháp Bốn Niệm Xứ và thực sự hiểu những lời dạy trên của Đức Phật cũng sẽ hiểu được vì sao trong Phật giáo lại có quá nhiều các tông phái, có quá nhiều các pháp môn tu hành khác nhau; trong khi Đạo Đế - tức Chân lý về con đường diệt khổ hay Tám Chánh Đạo - dành cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi thì chỉ có một và duy nhất một mà thôi.
Chân lý duy nhất vượt mọi thời gian và không gian này cũng nằm trong bốn Đại Giáo Pháp đã được Đức Thế Tôn khuyến giáo lần cuối cùng trước lúc Ngài nhập Niết Bàn, và đây cũng chính là bốn Đại Căn Cứ Địa tối quan trọng của người đệ tử Phật như đã được trích dẫn ở trước:
“121. Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: "Tại trú xứ kia, có một vị Trưởng lão, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Trưởng lão, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”.
Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.
Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì” (Xem thêm các Đại giáo pháp thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ 1, số 15, trang 618 = [Ab.7.118-121])
Do vậy, bất kỳ một Tỳ-kheo nào nói rằng đức Phật đã dạy như thế này, pháp Phật là như thế kia v.v… một người học Phật chân chánh không vội tin cũng không vội phủ nhận, mà cần hỏi lại cho rõ lời dạy ấy trong kinh gốc Nikaya nào? trong luật gốc Patimokkha nào? số phẩm? số chương? số trang? Khi đã đem đối chiếu cẩn thận từng chữ, từng câu trong kinh Nikaya và luật Patimokkha; nếu phù hợp chính xác hãy thọ trì, bằng không, phải từ bỏ ngay cho dù người nói có là vị luận sư, trưởng lão nổi tiếng đến đâu chăng nữa.
Trong thực tế đã có không ít các Tỳ-kheo khi được hỏi tới những bài kinh Nikaya rất quan trọng nhưng lại không biết, hoặc đọc không kỹ. Ngược lại đối với những ai chịu khó đối chiếu chánh kinh Nikaya và chánh luật Patimokkha sẽ thấy có nhiều người nói hoàn toàn không đúng với lời của Phật, thậm chí trái ngược với Kinh và Luật gốc, thế nhưng vẫn được nhiều người nghe dễ dãi chấp nhận để rồi họ đã vô tình trở thành những tín đồ của tà pháp, tà kiến mà không biết. Đây là sự tưởng tri vô cùng nguy hại!
Trở lại vấn đề tưởng uẩn và thức uẩn, người tu Phật cần phải nhận thức rõ sự khác nhau giữa tưởng uẩn và thức uẩn nhằm giữ tâm luôn trên bình diện của ý thức tỉnh giác “đi biết đi, đứng biết đứng, nằm biết nằm, ngồi biết ngồi, thân thể sử dụng như thế nào thời biết rõ như vậy”, và biết chánh niệm chủ động sử dụng hợp lý, đúng thời các niệm và các tưởng có lợi (niệm từ, niệm bi, tưởng bất tịnh, tưởng vô dục...) để đoạn trừ các niệm và các tưởng có hại.
Người học Phật cũng cần ý thức được vai trò quan trọng “độc nhất” của Bốn Niệm Xứ trong Tám Chánh Đạo, đồng thời phân định rõ sự khác nhau giữa chánh niệm và tà niệm, nhờ đó mới biết phân biệt rõ hơn định niệm và định tưởng, chánh định và tà định, Tám Chánh Đạo và tám tà đạo. Có vậy mới không bị lạc vào các phương pháp tu tập sai lầm, không bị sa lầy trong vòng tưởng tri của các trạng thái định tưởng vô sắc, hoặc mắc phải các chứng bệnh tâm thần do thiền tưởng gây ra.
Tóm lại Năm uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Năm uẩn cần phải được nhận thức phân biệt rõ ràng: “Đây là sắc… Đây là thọ… Đây là tưởng… Đây là hành… Đây là thức…”. Hơn thế nữa phải biết những phiền não liên quan đến năm uẩn, trong đó căn bệnh phổ biến nhất chính là Năm Thủ Uẩn.

 4.2.2  Năm Thủ Uẩn
Muốn hiểu rõ về Năm thủ uẩn, trước hết hãy đọc kỹ lời dạy tiêu biểu của Đức Thế Tôn về căn bệnh này:
“Này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn này không như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, không thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải thoát, với tâm tự tại.
Và này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn này, như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải thoát, với tâm tự tại (Bài kinh “VII. Vị Ngọt”, TƯ3, 27 = [Ve.7.26])
Vậy năm thủ uẩn là gì? Vì sao không thắng tri năm thủ uẩn lại dẫn đến phiền não? Vì sao thắng tri vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn lại giải thoát khổ đau? Nghiên cứu kỹ kinh tạng Nikaya, người học Phật sẽ có những câu trả lời thỏa đáng. Điển hình như lời dạy sau: "Do duyên sắc, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của sắc. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của sắc; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham đối với sắc, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là xuất ly của sắc" (tương tự với thọ, tưởng, hành và thức) (TƯ3, 27 = [Ve.7.26])
Cần nhắc lại, người học Phật phải căn cứ vào những lời dạy của Đức Thế Tôn trong kinh tạng Pali mới có thể hiểu đầy đủ về năm thủ uẩn và thắng tri được các pháp gây ra khổ đau này, từ đó mới có thể giải thoát được sự cột trói của chúng. Bản giải mã này chỉ giới thiệu một cách khái quát mà thôi.
Như tên gọi, năm thủ uẩn là chấp thủ vào năm uẩn. Năm thủ uẩn bao gồm: Sắc thủ uẩn là chấp thủ vào sắc. Thọ thủ uẩn là chấp thủ vào thọ. Tưởng thủ uẩn là chấp thủ vào tưởng. Hành thủ uẩn là chấp thủ vào hành và Thức thủ uẩn là chấp thủ vào thức.
Năm thủ uẩn thể hiện theo hai khía cạnh:
(1) Chấp thủ vào năm uẩn này là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta; và
(2) Dựa vào năm uẩn để so sánh hơn, thua hoặc ngang bằng với người khác.
Cả hai sự chấp thủ này có quan hệ mật thiết với nhau và đều gây ra những phiền não khổ đau. 
Cô A thường tự mãn với dung sắc của mình và cô luôn phải bận tâm vì nó. Một sớm mai mặt cô bị nổi mụn hoặc bị tai nạn, hoặc thời gian khiến cô không còn đẹp như xưa, hẳn nhiên lúc này cô A càng chấp thủ vào dung sắc của mình bao nhiêu, cô sẽ càng bị đau khổ nhiều hơn. Chính vì kiêu hãnh với dung sắc của mình nên khi bị người khác chê bai cô A cảm thấy đau khổ. Cũng vì chấp thủ vào sắc ấy nên khi gặp người khác đẹp hơn, cô lại bị phiền não do tự ti hay ganh tị. Những đau khổ như vậy là do cô A đã bị sắc thủ uẩn trói cột (Sắc thủ uẩn có liên quan với thân kiến kiết sử, nhưng có thêm sự so sánh hơn thua, ngang bằng với người khác). 
Ông triệu phú B cảm thấy hoan lạc thích thú với cảm giác mát lạnh trong chiếc xe hơi đời mới, ông tự mãn trong cảm thọ ấy đâm ra kiêu hãnh với người khác. Nhưng giữa đường xe hư, hoặc bị tai nạn, hoặc khi phải nằm trên giường bệnh chịu đựng các cảm giác khó chịu, hẳn nhiên lúc này theo quán tính hay so sánh với người khác nên ông dễ bị mặc cảm tự ti, thấy đau khổ hơn, buồn chán hơn. Ngược lại, một cô gái nghèo bán hàng bên đường nhìn thấy chiếc xe hơi sang trọng của ông khiến cô thèm muốn cảm giác khoái lạc được ngồi trong chiếc xe đó. Cô cứ chạnh lòng nghĩ đến thân phận nghèo hèn của mình, suốt ngày phải dải nắng dầm mưa không được sung sướng như ông nhà giầu kia. Cứ so sánh như thế cô gái đâm ra hay tủi thân, sầu muộn với chính mình. Như vậy ông triệu phú B và cô gái nghèo đều “đồng bệnh tương lân”, buồn khổ như nhau, vì cả hai cùng bị dính mắc vào thọ thủ uẩn.
Anh C chấp vào trí thông minh và sự khoẻ mạnh của mình để rồi kiêu căng, tự phụ và khinh chê người khác. Nhưng một cơn bạo bệnh ập đến gây ra những di chứng về lâu dài khiến sức khoẻ và trí tuệ của anh không còn được như xưa. Hẳn nhiên lúc này anh sẽ bị đau khổ và mặc cảm nhiều hơn. Tương tự, cụ N hàng xóm của anh cứ mỗi lần nhìn đám thanh niên chạy nhảy vui chơi lại đâm ra buồn chán, thở than vì những căn bệnh tuổi già của mình như tay run, tim yếu, hay quên. Như vậy cả anh thanh niên C và cụ già N đều cùng bị trói cột vào gông cùm của hành thủ uẩn.
Thi sĩ D chấp vào tài năng thơ ca, trí tưởng tượng phong phú của mình khi sáng tác những bài thơ lãng mạn bay bổng, từ đó ông luôn ngầm khen mình chê người. Chính vì vậy, khi đọc các bài phê bình chê bai mình, nhà thơ cảm thấy khó chịu, buồn bực, tức giận. Tu sĩ T nhờ tập trung tâm tốt trên một đối tượng thiền định đến độ ý thức tách rời năm căn nên đạt được các tầng định tưởng. Vì tu sĩ T chấp thủ các trạng thái của xúc tưởng hỷ lạc nên tưởng tri “Niết-bàn là Niết-bàn”, từ đó ông đâm ra tự tôn tự đại với pháp môn của mình, khinh thường phỉ báng các tông phái khác và người khác. Nhưng khốn nỗi khi tham-sân-si khởi lên, tu sĩ T không biết cách nào để đoạn diệt chúng, vì thế khổ đau vẫn hoàn đau khổ. Cùng lúc đó, cô M dù không muốn nhưng cứ phải ôm giữ nhớ tưởng đến hình ảnh cùng tiếng mắng chửi của bà hàng xóm khiến cô cứ bực dọc, khổ não không nguôi. Tất cả ba người: thi sĩ D, tu sĩ T và cô M đều là nạn nhân của tưởng thủ uẩn.
Vị trí thức H thường kiêu hãnh với vốn kiến thức đồ sộ và bằng cấp chuyên môn của mình. Học giả V tự hào vì những nhận thức hơn người của mình. Chính vì tự mãn tự phụ với khối tri thức ấy nên cả hai đã không tránh khỏi ganh tỵ khi người khác hơn mình, hoặc buồn phiền khi bị người khác coi thường, xúc phạm mình. Hoặc giả “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, trước một cú chấn thương sọ não, một cơn tai biến tim mạch hay một tai nạn bất ưng xảy đến, liệu khối tri thức cao siêu của họ còn lại gì? Hẳn nhiên nếu trước kia họ càng tự kiêu bao nhiêu, thì giờ đây khi nó biến diệt họ càng đau khổ nhiều hơn. Chấp thủ vào kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức của mình dẫn đến ngã mạn để rồi phải khổ đau vì nó; như vậy vị trí thức H và học giả V có thực sự trí tuệ không? Hay họ cũng chỉ là nạn nhân bởi chính thức thủ uẩn của mình?
Đối với người Phật tử cần phải ghi nhớ thêm, ngay cả những nhận thức về Chánh Pháp cũng được ví như con rắn. Một người chấp thủ mình đã hiểu Chánh Pháp, biết Chánh Pháp hơn các người khác rồi đâm ra tự phụ, khen mình chê người, tranh cãi với người khác, chính là người đang nắm rắn đằng đuôi nên vẫn bị nguy hại về sau.
Ngược lại, người xem Chánh Pháp là phương pháp tu tập thiết thực cụ thể, và theo đây thực hành để tự giúp mình chặt đứt năm thủ uẩn, không tự kiêu tự mãn, chỉ nói Pháp chứ không tranh luận gây mất đoàn kết, đây mới chính là người biết nắm rắn đằng đầu, mới không bị nguy hại bởi chính thức thủ uẩn của mình.
Tóm lại, dù chấp thủ vào sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn hay thức uẩn dưới bất kỳ hình thức nào cũng là những sợi dây trói cột con người vào với phiền não khổ đau.
Quán xét kỹ cuộc đời đều thấy giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau có vài hơi thở, mấy nhịp tim. Thân năm uẩn dù có tốt đẹp đến đâu chăng nữa cũng chỉ như bong bóng nước trời mưa, mong manh dễ vỡ. Mặc dù thân năm uẩn tạm bợ nhưng năm sợi dây chấp thủ vào năm uẩn lại bền chắc vô cùng. Chính từ đây biết bao đau khổ đã xảy đến cho con người qua hàng bao thế kỷ. Đáng tiếc thay, trong nhiều trào lưu được gọi là “văn minh, tiến bộ” thế nhưng vẫn còn tồn tại những chấp thủ phi lý cổ xưa như thế!
Từ xưa đến nay, từ cuộc sống gia đình đến ngoài xã hội, những khổ đau do mâu thuẫn đối kháng xảy ra với nhiều mức độ khác nhau là một thực tế rất phổ biến. Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa cũng là do “cái tôi năm uẩn” của mỗi người quá lớn.
Trong một gia đình chỉ có hai người, nhưng chồng có “cái tôi” của chồng, vợ có “cái tôi” của vợ, chỉ cần hai “cái năm thủ uẩn” này cố chấp không chịu nhường nhau thì những cãi cọ, giận hờn, ẩu đả cũng vẫn xảy ra như thường. Và nếu hai “cái tôi năm uẩn” này đến một hội chúng có nhiều người hơn, vẫn cố chấp với những “cái tôi năm uẩn” khác thì mâu thuẫn, tị hiềm nảy sinh cũng là điều tất yếu.
Xét rộng hơn trong phạm vi toàn thế giới, những tranh đấu xảy ra giữa con người với nhau, muôn thuở cũng là từ bi kịch chấp thủ vào “cái tôi” và “cái của tôi” mà ra.
Do vậy, tu tập chặt đứt sợi dây chấp thủ tự ngã – tức “cái tôi năm uẩn” – là gốc của muôn hạnh lành, là an lạc ngay trong hiện tại, không những cho bản thân mình, cho mọi người xung quanh mà còn cho toàn thế giới.
Đối với người Phật tử tin vào luật nhân quả và tái sanh luân hồi cần nhận thức thêm một khía cạnh nguy hiểm khác nữa của năm thủ uẩn. Đó là ngoài những khổ đau trong hiện tại, chấp thủ vào năm uẩn còn dẫn đến những khổ đau trong tương lai, vì đây chính là những sợi dây trói cột con người vào với sanh tử luân hồi:
“Này Ràdha, phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với sắc… thọ… tưởng… hành… thức, như vậy gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh” (TƯ3, 190 = [Sb.37.3]).
Không chỉ có thế, theo quy luật Nhân Duyên, một hành nghiệp ganh tỵ, đố kỵ do chấp thủ năm uẩn sẽ tạo thành một nghiệp thức bất thiện. Nghiệp thức “đen” này khi chuyển hóa thành thai thức sẽ phải câu hữu tái sanh trong môi trường tương ưng của hận thù sát hại, và khi ấy khổ đau lại càng nhiều hơn.
Chính vì vậy Đức Thế Tôn đã nêu rõ trong định nghĩa về khổ đế: Và này các Tỳ-kheo, thế nào Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ(Nikaya). Vì thế, nếu chấp thủ năm uẩn đem lại nhiều phiền não khổ đau không những cho đời này và cho cả đời sau, thì ngược lại đoạn diệt được năm thủ uẩn là tránh được nhiều khổ đau, đem lại an lạc ngay trong hiện tại lẫn tương lai.
Khi đã phân biệt rõ năm uẩn và khi các niệm chấp thủ vào uẩn nào tập khởi, người học Phật phải ngay tức khắc tuệ tri chúng rõ ràng nhằm ngăn chặn không cho chúng phát triển cột trói mình, và tiếp đó phải suy tư đoạn diệt các niệm bất thiện này để không bị phiền não vì chúng. Đồng thời cũng phải biết rõ các niệm chấp thủ vào uẩn nào đã bị đoạn diệt hoàn toàn, tương lai không còn sanh khởi nữa, đây chính là nội dung ý nghĩa của đoạn kinh:
“Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy tư: "Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập; đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt”.
Muốn đoạn diệt chấp thủ năm uẩn, trước hết phải thực hành các cách quán xét, suy tư, phân tích một cách có trí tuệ. Rõ ràng, trong thực tế, Năm thủ uẩn là năm sợi dây trói cột con người vào với phiền não khổ đau, vì bản chất của Năm uẩn vốn vô thường, nay thế này mai thế khác, và cái gì vô thường cái ấy nằm trong khổ. Khi năm uẩn biến hoại là một lần đau khổ và càng chấp thủ vào đó sẽ càng bị đau khổ nhiều hơn, như vậy bị khổ hai lần. Bên cạnh đó nếu dựa vào năm uẩn của ta để ngã mạn so sánh hơn thua với người khác thì đau khổ càng nhiều hơn do bị chi phối trói cột vào những tranh chấp, tranh đấu, ganh tỵ, đố kỵ...
Ngược lại, khi đã ý thức năm uẩn là vô thường, bản chất là khổ đau, từ đó không bị năm thủ uẩn trói cột nên khi năm uẩn dù có biến hoại thì thân có thể khổ nhưng tâm không khổ, thân có thể bệnh nhưng tâm không bệnh, thân có thể đau nhưng tâm không đau. Hơn nữa, người không chấp thủ năm uẩn và không dựa vào đó để ngã mạn so sánh hơn thua với ai là người tránh được những khổ đau do ganh tỵ, tranh giành, tranh đấu.
Nói tóm lại Năm uẩn là vô thường, là một nỗi khổ và chấp thủ vào năm uẩn lại càng khổ đau nhiều hơn, khổ hai lần: khổ vì năm uẩn vô thường và khổ vì chấp dính vào sự vô thường đó. Trái lại, không chấp thủ năm uẩn là tránh được nhiều đau khổ do vô minh lầm chấp.
“Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ, sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn với mũi tên, rồi họ bắn người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ cả hai mũi tên…
Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thời không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ của một mũi tên” (TƯ4, 207 = [Ve.18.6]).
Rõ ràng khi đã bị mũi tên thứ nhất là sự vô thường “bắn” vào thân năm uẩn gây ra những khổ đau, và nếu chấp thủ vào thân năm uẩn, thì đây chính là mũi tên thứ hai bắn tiếp vào tâm, gây phiền não nơi tâm. Nếu mũi tên thứ nhất là tất yếu, không thể tránh khỏi do bản chất vô thường của cuộc sống; thì ngược lại mũi tên thứ hai, do vô minh lầm chấp tạo ra, có thể tránh được nhờ có trí tuệ và tu tập.
Nguồn trí tuệ có thể giúp giải thoát khổ đau khỏi mũi tên thứ hai do chấp thủ năm uẩn chính là phải biết quán xét để thấy rõ bản chất vô thường, khổ đau của năm uẩn, và từ đó thắng tri năm uẩn theo chiều hướng Vô Ngã để không chấp dính vào đó.
Để hiểu rõ phương pháp này, trước hết cần nhận thức rõ mối liên quan giữa năm thủ uẩn và kiết sử, đồng thời phải liễu tri đầy đủ khái niệm Vô Ngã.
Như đã được biết, Năm thủ uẩn chính là năm sợi dây trói cột con người vào với khổ đau trong hiện tại lẫn trong sanh tử luân hồi, và vì thế hậu quả mang lại do chấp thủ năm uẩn cũng chính là Chấp Mạn Kiết sử (hay Mạn kiết sử). Chấp mạn kiết sử có hai nội dung song hành là ngã chấp kiết sử ngã mạn kiết sử:
(1) Ngã chấp tức chấp thủ năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta.
(2) Ngã mạn là chấp thủ vào năm uẩn của ta để so sánh hơn, thua, hay ngang bằng với người khác
Vì có liên hệ đến người khác, đối tượng khác, nên Năm thủ uẩn được xếp vào hệ thống quán pháp; và Mạn kiết sử là một trong năm thượng phần kiết sử là vì vậy.
Ngã chấp và ngã mạn đều là đau khổ và đương nhiên không ngã chấp và không ngã mạn sẽ tránh được khổ đau. Nói khác đi đối với các pháp năm thủ uẩn thì phải vô ngã chấp và vô ngã mạn với chúng. Điều này có nghĩa khái niệm Vô Ngã trong kinh tạng Nikaya cũng phải hiểu theo hai cách:
(1) Vô ngã có nghĩa là Vô ngã chấp tức không chấp thủ năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta.
(2) Vô ngã còn có nghĩa là Vô ngã mạn tức không chấp thủ năm uẩn của ta để so sánh hơn, thua, ngang bằng với người khác.
Để thấy rõ hơn các ý nghĩa này cần tìm hiểu và như lý tư duy các cách quán sau đây.

 4.2.3 Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã chấp trên nội pháp Năm Thủ Uẩn
Theo cách quán này phải như lý tư duy để thấy rõ bản chất năm uẩn là vô thường, khổ đau nên không chấp nó là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta. Trong kinh điển Nikaya có thể dễ dàng gặp được rất nhiều bài kinh chỉ dạy cách quán xét vô thường nhằm giúp đoạn dứt chấp thủ năm uẩn, như trong đoạn kinh lược trích tiêu biểu dưới đây:
“Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
Vô thường, bạch Thế Tôn.
– Những gì vô thường là khổ hay lạc ?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”
– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn…(Quán tương tự với thọ, tưởng, hành thức. PNGP)”.
Không xem năm uẩn này là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta cũng có nghĩa là vô ngã chấp với chúng. Nhờ biết quán pháp vô thường, khổ và vô ngã chấp trên các nội pháp năm thủ uẩn như vậy nên không bị dính mắc, chấp dính vào thân năm uẩn. Không chấp thủ, không dính mắc vào thân năm uẩn thì dù năm uẩn có biến đổi, biến hoại nhưng tâm không bị biến động theo: thân có bệnh nhưng tâm không bệnh, thân có khổ nhưng tâm không khổ, thân bị đau nhưng tâm không đau.
Nói khác đi, ta chỉ bị mũi tên thứ nhất - mũi tên vô thường - “bắn” vào thân năm uẩn chứ không bị mũi tên thứ hai “bắn” vào tâm do chấp thủ năm uẩn: “Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Cái gì không phải của các ông? Đó là sắc… thọ… tưởng…hành… thức…
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang lại cỏ, củi, cành cây, lá của Jetavana này, và đốt chúng hay tùy theo duyên sử dụng chúng. Các Ông có nghĩ rằng: "Người ấy mang chúng tôi, hay đốt, hay tùy theo duyên sử dụng chúng tôi? - Thưa không, bạch Thế Tôn...” (TƯ3, 33 = [Ve.7.33]).
-- “Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán (samamupassati) sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Sắc của vị ấy biến hoại và đổi khác. Khi sắc của vị ấy biến hoại và đổi khác thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ khởi lên…
Này các Tỷ-kheo, biết sắc là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt; vị ấy thấy tất cả sắc xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là (Tadanganibbuto) vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn” (Tương tự với thọ, tưởng, hành và thức, TƯ3, 42 = [Ve.7.43]).
Trên đây là gợi ý tổng quát về cách Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã chấp trên nội pháp Năm thủ uẩn để đoạn trừ tham ưu do ngã chấp kiết sử gây ra.

4.2.4 Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã mạn trên ngoại pháp Năm Thủ Uẩn
Ngoại pháp năm thủ uẩn là chấp thủ vào các pháp năm uẩn bên ngoài. Như đã được biết, thông thường vì nhận thức không đúng thực chất của năm uẩn nên người ta chấp vào năm uẩn là mình, từ đó chấp thủ cả năm uẩn bên ngoài cũng là của mình, hoặc dựa vào năm uẩn của ta để so sánh hơn thua với người khác, đây chính là ngã mạn kiết sử –  một trong những nguyên nhân gây ra khổ đau. Có ba loại ngã mạn:
_ Tăng thượng mạn là thấy năm uẩn của ta hơn người khác và hậu quả sẽ dẫn đến kiêu căng, ngạo mạn.
_ Ti liệt mạn là thấy năm uẩn của ta thua kém người khác và hậu quả sẽ dẫn đến tự ti, mặc cảm, thiếu tự tin.
_ Đẳng mạn là thấy năm uẩn của ta ngang bằng người và hậu quả sẽ là tự ái, tức ái chấp tự thân của mình.
Trong kinh văn, Đức Thế Tôn gọi chung ba loại mạn trên là kiêu mạn: Này các Tỷ-kheo, có ba kiêu mạn. Thế nào là ba? Kiêu mạn: "Tôi hơn"; kiêu mạn: "Tôi bằng"; kiêu mạn: "Tôi thua". Này các Tỷ-kheo, đó là ba kiêu mạn này” (TƯ5, 56 = [Ve.10.162]).
Nói chung tất cả các ngã mạn do chấp thủ năm uẩn sớm muộn gì cũng đều dẫn đến đau khổ. Bởi lẽ bản chất của năm uẩn là vô thường, nay thế này mai đã thế khác, giờ trước thế này giờ sau đã đổi khác, năm uẩn biến đổi vô chừng và không ai có thể làm chủ được chúng theo ý của mình. Một khi đã thấy rõ tính vô thường, khổ đau và bất lực của thân năm uẩn, liệu một người có trí tuệ và khôn ngoan có còn muốn dựa vào đó kiêu mạn hơn thua với người khác để phải gặt hái thêm những buồn khổ, sầu bi? 
Chính vì thế, dựa vào những thứ vô thường, khổ đau, biến hoại để so sánh hơn thua với nhau, đây chính là những người không thấy như thật. Quán xét kỹ đoạn kinh sau đây cho thấy Đức Phật đã dạy cho Tỳ-kheo Sona quán năm uẩn trên ngoại pháp và cũng chứng minh khái niệm “vô ngã” là vô ngã mạn:
“-- Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán sắc... thọ... tưởng... hành... thức vô thường, khổ, biến hoại là: "Ta tốt đẹp hơn", hay quán: "Ta bằng nhau", hay quán: "Ta hạ liệt hơn"; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!” (TƯ3, 48 = [Ve.7.49]).
Nhưng nguy hiểm hơn, những bất hạnh do kiêu mạn không phải chỉ có trong một đời, mà còn hệ lụy về lâu về dài. Một sắc đẹp lộng lẫy, một nhân tài thể thao, một học vị vượt trội... tất cả dù có giá trị đến đâu cũng không tránh khỏi quy luật vô thường. Hơn thế nữa nếu cứ dựa vào đây kiêu mạn để rồi ganh tỵ, tranh đấu với nhau bằng nhiều tà hạnh gây ra hại mình hại người, thì ngay trong hiện tại đã phải khổ đau vì ganh đua, đã thế hậu quả của một nghiệp bất thiện là phải câu hữu tái sanh vào trong những cõi thấp đầy hận thù tranh chấp. Lúc ấy sắc đẹp, tài năng, trí thức sẽ chẳng còn lại gì, trái lại chỉ còn có nghiệp nhân quả thiện ác chi phối. Như vậy trong vòng sanh tử luân hồi, rút cuộc chỉ có Minh và Hạnh là những Thánh sản đáng để gìn giữ vun bồi; còn sắc đẹp, giàu sang, tài năng, bằng cấp có đáng là gì để người có trí chấp thủ vào đó kiêu mạn, hơn thua với đời?
Trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Đức Thế Tôn đã bảo đảm rằng sự từ bỏ được kiêu mạn cũng là sự chấm dứt tái sanh luân hồi: “Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Mạn, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh” (It.3 = [Iti.6])
Chính vì thế, trong kinh điển Nikaya có rất nhiều bài kinh, đoạn kinh Đức Phật dạy cách đoạn trừ ngã mạn kiết sử, trong đó pháp quán vô thường trên năm uẩn là quan trọng nhất.
- “Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt” (Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La, TB2, 62 = [Sb.14])
- “Do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ(TƯ3, 155 = [Ve.7.102])
- “Và này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo ấy đã trú trong năm pháp này, bốn pháp nữa cần phải tu tập. Cần phải tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận tham ái, cần phải tu tập từ tâm để đoạn tận sân, cần phải tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra để cắt đứt tầm, cần phải tu tập tưởng vô thường để phá hoại ngã mạn. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú; với Tỷ-kheo có tưởng vô ngã, ngã mạn bị phá hoại, ngay trong hiện tại, đạt được Niết-bàn…” (TC IX:1, tr.67 = [I.9.1.5]).
- “Này Ananda, có năm thủ uẩn. Ở đây, Tỷ-kheo cần phải đoạn tận chúng, khi vị ấy tùy quán sự sanh diệt. Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc. Đây là thọ, đây là sự tập khởi của thọ, đây là sự đoạn diệt của thọ. Đây là tưởng... Đây là hành... Đây là thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự đoạn diệt của thức.
Trong khi vị ấy an trú, tùy quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, nếu có ngã mạn nào (asmimmano) (khởi lên) đối với năm thủ uẩn, ngã mạn ấy được đoạn tận. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo tuệ tri như sau: "Phàm có ngã mạn nào đối với năm thủ uẩn (khởi lên) nơi ta, ta đã đoạn tận ngã mạn ấy”. Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. Những pháp này, này Ananda, thuần nhất liên hệ đến thiện, đều thuộc hiền, Thánh, siêu thế, vượt ngoài tầm của ác ma” (Kinh Đại Không, 122, Trung bộ 3 = [Sb.23.10]).
Như vậy tuỳ quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn chính là thường xuyên thấy rõ tính vô thường, khổ đau của năm uẩn. Nhờ biết thắng tri như vậy mà một người có trí tuệ sẽ không dựa vào đó để so sánh hơn, thua hay ngang bằng với người khác - tức không kiêu mạn với bất kỳ ai. Nhờ không kiêu mạn nên tránh được khổ đau do chấp thủ vào những cái vô thường. Nói cách khác năm uẩn bên ngoài dù có thay đổi thì người không có kiêu mạn sẽ không vì thế cảm thấy đau khổ; đồng thời cũng tránh bị trói cột vào những khổ đau do tranh giành, ganh tỵ, đố kỵ, hận thù…
Với cách quán vô thường, khổ, vô ngã như trên đã cho thêm một minh chứng: Đạo Phật là đạo của trí tuệ, lấy trí tuệ làm phương tiện để đi tới giải thoát. Tuy vậy, có nơi cũng mang danh nghĩa Phật giáo nhưng đã không biết vận dụng những phương pháp quán trí tuệ như trên, trái lại đã dùng những hình thức thô bạo như mắng chửi, sỉ nhục, gây hại, thậm chí đánh đập người tu, vì cho rằng như vậy là để diệt ngã cho họ! Những kiểu “dạy đạo” phi pháp này hoàn toàn sai trái đối với một giáo pháp dùng trí tuệ và từ bi để đi tới giác ngộ. Nó không những không diệt được ngã mạn nơi người tu (có chăng cũng chỉ là bề ngoài), mà còn khiến người áp dụng càng ngày càng tăng thượng mạn một cách quá đáng và tạo ra biết bao đau khổ cho những người tin theo. Trong trường hợp này câu “vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ” cũng thật tương xứng.
Tóm lại, trên đây là ý nghĩa khái quát của cách Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã mạn trên ngoại pháp Năm thủ uẩn để đoạn trừ tham ưu do ngã mạn kiết sử gây ra.

4.2.5 Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã trên nội-ngoại pháp Năm Thủ Uẩn
“Sắc,… Thọ,…Tưởng,…Hành,…Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi". Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc…
Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đối với sắc giới có tâm ly tham, giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc, đối với thọ giới... đối với tưởng giới... đối với hành giới... đối với thức giới, có tâm ly tham, giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc. Do giải thoát, vị ấy an trú. Do an trú, vị ấy tri túc. Do tri túc, vị ấy không ưu não. Do không ưu não, vị ấy tự mình tịch tịnh. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa” (Tóm lược bài kinh III.Vô Thường, TƯ3, 44a = [Ve.7.45])
Trong đoạn kinh trên:
- “Cái này không phải của tôi” là đối với ngoại năm thủ uẩn (kể cả sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
- “Cái này không phải là tôi” là đối với nội năm thủ uẩn (kể cả sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
- “Cái này không phải tự ngã của tôi” là đối với nội-ngoại năm thủ uẩn (kể cả sáu căn và sáu trần).
- Khái niệm sắc giới, thọ giới, tưởng giới, hành giới và thức giới có nghĩa bao gồm cả nội và ngoại năm uẩn.
Vì sự chấp thủ nội năm thủ uẩn và chấp thủ ngoại năm thủ uẩn có liên hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, giống như hai mặt của một bàn tay; do đó cần phải quán nội-ngoại pháp năm thủ uẩn một cách kết hợp. Như vậy theo cách quán kết hợp nội-ngoại pháp, khái niệm “Vô ngã” là khái niệm tổng hợp của hai khái niệm: vô ngã chấp và vô ngã mạn.
Đoạn kinh sau đây Đức Thế Tôn dạy cho Vacchagotta là minh chứng cụ thể: “-- Này Vaccha, tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Nhưng này Vaccha, đây là điều Như Lai đã thấy: "Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt; đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt; đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt; đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt; đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt". Do vậy, ta nói rằng, với sự đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ, vứt bỏ tất cả ảo tưởng của tất cả hôn mê, của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên, mà Như Lai được giải thoát, không còn chấp thủ.
Ngã kiến, ngã sở kiến là ngã chấp kiết sử thuộc nội pháp. Mạn tùy miên chính là ngã mạn kiết sử thuộc ngoại pháp. “Đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ, vứt bỏ tất cả ảo tưởng của tất cả hôn mê, của tất cả ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên” chính là vô ngã chấp và vô ngã mạn, hai pháp này gọi chung là vô ngã theo cách quán nội-ngoại pháp Năm thủ uẩn.
Theo đó cần nhận thức và thực hành đầy đủ: có thắng tri thấy rõ bản chất vô thường, khổ đau của sắc-thọ-tưởng-hành-thức mới không chấp thủ năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta; nhờ vậy mới không khổ đau vì ngã chấp. Đồng thời cũng không dựa vào đó để so sánh hơn thua với người, nhờ thế mới đoạn dứt được khổ đau do ngã mạn kiết sử gây ra. Có thường xuyên thực hiện cả hai cách quán song hành như trên mới chặt đứt được sợi dây Chấp mạn kiết sử.
Điều quan trọng cần nhắc lại thêm: do chấp thủ năm uẩn là ta, là tự ngã nơi ta nên cũng dễ dàng dẫn đến chấp thủ năm uẩn và các pháp bên ngoài cũng là của ta, thuộc về ta. Chính vì chấp thủ như vậy nên khi các ngoại pháp này thay đổi, biến hoại theo quy luật vô thường cũng khiến cho ta bị sầu, bi, khổ, ưu, não theo. Ngược lại, nếu biết quán xét và tác ý rằng bản thân mình vô thường và các ngoại pháp cũng vô thường nên thực chất chúng cũng không có gì là sở hữu của ta, thuộc về ta. Nhờ biết thường xuyên như lý tư duy nhắc tâm như vậy, nên dù các ngoại pháp có biến diệt thế nào thì cũng không gây hệ luỵ cho mình, đúng như lời dạy trong kinh Pháp Cú số 62:
"Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu."
Người học Phật cần tham khảo thêm Đại Kinh Mãn Nguyệt (TB3, 109 = [Sb.21]), trong đó Đức Phật phân tích rất kỹ về năm uẩn và năm thủ uẩn. Trong bài kinh này có đoạn Đức Phật dạy cách quán vô ngã chấp và vô ngã mạn có liên quan với nhau trong mối liên hệ giữa nội và ngoại pháp năm thủ uẩn, đồng thời phủ nhận cách hiểu vô ngã là vô ngã tánh.
Trong bài kinh này một Tỳ-kheo đã hỏi Đức Thế Tôn: “-- Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thấy gì, mà không có mạn tùy miên rằng: "Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm”, đối với tự thân có ý thức, và đối với tất cả tướng ở ngoài?
-- Này Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả sắc, thấy được như thật với trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì... tưởng gì... hành gì... phàm có thức gì, quá khứ vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả thức, thấy được như thật với trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, nên không có mạn tùy miên rằng: "Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm", đối với tự thân có ý thức, và đối với tất cả tướng ở ngoài.
Rồi một Tỷ-kheo khác khởi lên sự suy tư như sau: "Nếu được nói rằng, chư Tôn giả, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã; như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?"
Thế Tôn biết được tâm tư của Tỷ-kheo ấy với tâm tư của mình, liền nói với các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, sự kiện này xảy ra, khi ở đây có kẻ ngu si, vô tri, vô minh, với tâm bị tham dục chi phối, lại nghĩ cần phải vượt qua lời dạy của bậc Ðạo sư với câu hỏi: "Nếu được nói rằng, chư Tôn giả, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã; như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?" Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được Ta huấn luyện tìm kiếm nhân duyên, chỗ này chỗ kia, đối với những pháp này, pháp khác. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?...”
Rõ ràng vị Tỳ-kheo thứ hai đã hiểu “vô ngã” là vô ngã tánh (không có tự tánh, không có cái ta) nên mới thắc mắc “ngã nào” cảm thọ kết quả và đã bị Đức Thế Tôn khiển trách nặng nề. Các Tỳ-kheo cần phải ý thức rõ điều này để không bị xếp vào loại “ngu si, vô tri, vô minh, với tâm bị tham dục chi phối”.
Thật vậy, chính vì “ngu si, vô tri, vô minh, với tâm bị tham dục chi phối” nên mới không hiểu rằng tất cả các pháp đều có ngã tánh cụ thể và do duyên kết hợp mà thành. Cái xe có ngã tánh của cái xe, bánh xe có ngã tánh của bánh xe, khung xe có ngã tánh của khung xe, mui xe có ngã tánh của mui xe.
Chỉ có điều, ngã tánh chủ thể “cái xe” được tồn tại dựa trên sự tồn tại và kết hợp của các ngã tánh cá thể “bánh xe”, “khung xe”, “mui xe”. Cho nên dù các ngã tánh cá thể này vẫn tồn tại nhưng khi các duyên kết hợp của các ngã tánh cá thể này không còn, thì chủ thể “cái xe” cũng không còn. Điều này không thể nói các pháp là vô ngã tánh được, và càng không thể dựa vào đây để phủ định Bốn Thánh Chân Lý (vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo) của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trừ khi là có ý đồ bất thiện.
Cũng vì “ngu si, vô tri, vô minh, với tâm bị tham dục chi phối” nên mới không hiểu rằng các pháp đều do duyên hợp, vì thế chúng cũng vô thường. Cái xe, bánh xe, khung xe, mui xe dù có cứng rắn, quý giá đến đâu chăng nữa cũng không thoát khỏi quy luật vô thường, nay còn mai mất. Cho nên một người có trí không chấp cái xe là ta, ta là cái xe, cái xe là của ta (vô ngã chấp), và không dựa vào cái xe để hơn thua với nhau (vô ngã mạn); nhờ vậy mới tránh được đau khổ vì cái xe. Đây mới chính là ý nghĩa thiết thực hiện tại của khái niệm “vô ngã xe”.
Ngược lại quan niệm cái xe là vô ngã tánh, từ đó dẫn đến phủ nhận tất cả các pháp cũng không có ngã tánh giúp diệt khổ như thế nào đây? Vị nào chủ trương như thế có dám tự “phân rã” thân năm uẩn - tứ đại của mình để chứng minh mình cũng vô ngã tánh như cái xe? Có dám chấp nhận bị đòn 100 roi để chứng minh thọ uẩn không có ngã tánh lạc hay khổ? sắc uẩn cũng là không? Mà dù có dám chăng nữa, nhưng khôn ngoan và trí tuệ ở chỗ nào đây? Có dám ăn cả đồ dơ bẩn để chứng minh các pháp là vô ngã tánh, không dơ không sạch? Mà dù có dám chăng nữa, nhưng như vậy có hơn gì các sinh vật cấp thấp? Hiểu các pháp là vô ngã tánh như vậy, có thực tế không và có giá trị gì ở đây?
Về phương diện thực hành, điều cần ghi nhớ là luôn phải kết hợp pháp quán vô thường - khổ - vô ngã cùng với pháp như lý tác ý thích đáng để đoạn diệt những kiết sử tuỳ miên (ngủ ngầm, tiềm ẩn) cũng như những niệm kiết sử phát khởi hiện hành. Trong trường hợp có sự chấp thủ cả hai nội và ngoại pháp, ở đây không có gì rõ ràng cụ thể hơn lời dạy của Đức Thế Tôn trong kinh Đoạn Giảm:
“Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, - chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy” (TB1, 8 = [Sb.1.3])
Trong đoạn kinh trên cũng như nhiều bài kinh liên hệ đến năm thủ uẩn, cụm từ "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi” được nói đến rất nhiều lần, đây chính là câu như lý tác ý để đoạn trừ và tẩy rửa các niệm chấp mạn kiết sử sau khi đã quán sát tánh vô thường, khổ đau và không thể làm chủ được chúng. Trong lời dạy trên, cần lưu ý hai từ “đoạn trừ” và “xả ly”. Điều này có nghĩa câu tác ý “Cái này… của tôi” vừa có tác dụng đoạn trừ các sở kiến về ngã luận và thế giới luận đã phát khởi, đồng thời tẩy rửa các ngã kiến tùy miên còn ngủ ngầm để xả ly chúng khỏi tiềm thức.
Khi tu tập pháp môn này, người học Phật hãy xem như mình có phước duyên hy hữu được chính Đức Thế Tôn hỏi và mình lần lượt trả lời: “Sắc là thường hay vô thường? - Vô thường, bạch Thế Tôn. - Những gì vô thường là khổ hay lạc? – Là khổ, bạch Thế Tôn. – Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn (tiếp tục với Thọ, Tưởng, Hành và Thức)”. Sau đó phải nhớ lập lại câu Như lý tác ý nêu trên (nếu cần hãy xem nó như câu thần chú siêu việt).
Cứ như vậy cho đến lúc người tu tách biệt được “mình” ra khỏi thân năm uẩn của “ta”, giống như trường hợp “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Được như vậy là người học Phật đã làm được rất nhiều, đã bớt được biết bao khổ đau phiền não do bị trói cột bởi chấp thủ năm uẩn (dĩ nhiên đây không phải trạng thái tâm thần phân liệt, vì người tu luôn có ý thức tỉnh giác rõ ràng).
Ví dụ trong khi ngồi thiền nếu có cảm giác thích thú hay khó chịu khởi lên, người tu không nên chấp thọ ấy là ta, ta là thọ ấy, không tham đắm cũng không bực bội, hãy tập quán sát chúng. Khi cảm thọ phát sanh, hãy xem các cảm thọ ấy như một loại “định tướng” của thiền để quán sát chúng.
“10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
11. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.” (Bài kinh Năm Chi Phần, số 28, TC2, C5, III. Phẩm Năm Phần, tr.339- 346 = [I.5.28]).
Cũng vậy, ta như một người quán sát (tướng thọ của) một người khác, như người đứng quán sát (tướng thọ của) người ngồi, hay người ngồi quán sát (tướng thọ của) người nằm. Các “tướng” khác cũng cần tập quán sát như vậy, đừng chấp thủ chúng là ta, là của ta. Cố gắng tu tập theo đây mới giúp tâm định tĩnh, thoát khỏi chấp thủ trước các cảm thọ cũng như các pháp khác.
Và khi đó, nếu có một người cung kính quỳ lạy, ca ngợi sắc-thọ-tưởng-hành-thức của “ta”, thì “mình” như một người thứ ba vô can, đứng ngoài khách quan quán sát nên không vì thế ham thích ngạo mạn. Ngược lại, khi thân năm uẩn của “ta” có biến diệt đổi thay, thì “mình” cũng như một khán giả vô tư đang xem các diễn viên đóng kịch, nhờ vậy sẽ bớt được rất nhiều đau buồn, khổ sở.
Duy trì được điều này, người tu xem như đã tránh được biết bao đau khổ từ sự trói cột của sợi dây ngã chấp và ngã mạn kiết sử - gọi chung là chấp mạn kiết sử hay mạn kiết sử. Một người tu tập Bốn Niệm Xứ tinh cần, luôn quán sát thân tâm một cách chặt chẽ sẽ thấy chấp mạn kiết sử rất bền chắc và nguy hiểm; sẽ thấy các niệm liên quan đến chấp thủ mình, chấp thủ người khác, chấp thủ mình và người khác hiện ra trói cột tâm rất nhiều. Người tu cần phải cảnh giác và kiên trì thực hiện đúng lời Phật dạy một cách tích cực mới có thể đoạn trừ dần được phiền não phức tạp và vi tế này. Xin chớ coi thường để rồi bị năm sợi dây thòng lọng của năm thủ uẩn treo ngược ta vào với đau khổ!
Một điểm cần lưu ý thêm, trong bài kinh Khema, hai Tỳ-kheo Khema và Sumana đã trình bày nhận thức của mình về vô ngã nhưng mới chỉ hiểu một khía cạnh của vô ngã là vô ngã mạn, không đề cập đến khía cạnh thứ hai của vô ngã là vô ngã chấp. Đức Thế Tôn tuy khả chứng cho nhận thức ấy, nhưng Ngài cũng khuyến cáo rằng hiểu vô ngã chỉ một mặt như vậy vẫn còn là những kẻ ngu si, ngạo mạn nên vẫn còn bị nguy hại về lâu dài:
“Như vậy, này các Tỷ-kheo, các thiện nam tử nói lên chánh trí, có nói đến mục đích, nhưng không đề cập đến tự ngã. Tuy vậy, ở đây một số kẻ ngu nói lên chánh trí một cách ngạo mạn đắc chí. Họ về sau rơi vào nguy hại” (TC VI:49, tr.131 = [I.6.49]).
Sự nguy hại đầu tiên của việc không đề cập đến tự ngã là sẽ rơi vào tà kiến ngộ nhận “vô ngã” thành “vô ngã tánh” tức không có ngã tánh, không có cái ta, không có cái bản thể. Rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn đương thời Phật đều mắc phải tà kiến này. Ngay cho dù Đức Thế Tôn đã nhiều lần khuyến cáo cách hiểu sai lầm này, thế nhưng xem ra các luận sư Bà-la-môn đương thời Phật, và cả sau này, vẫn không thoát khỏi chấp thủ vào truyền thống tà kiến của mình, cho nên họ vẫn còn tiếp tục bị ngộ nhận và lầm lạc.
Trong thực tế, năm uẩn cũng như tất cả các pháp khác đều có ngã tánh riêng biệt cụ thể, nhờ vậy mới phân định được “đây là sắc, đây là thọ, đây là tưởng, đây là hành, đây là thức”. Thế nhưng không nên chấp thủ sai lạc năm uẩn để rồi dẫn đến quan niệm ta có tự ngã hay không có tự ngã.
Để dễ hiểu, có thể ví năm uẩn như ngôi nhà chúng ta đang sống. Sự hiện hữu của căn nhà với đầy đủ ngã tánh của nó là một thực tế không thể phủ nhận. Chính nhờ có ngã tánh căn nhà nên mới phân định được “nhà ở” với “nhà thương”, “nhà xác”, “nhà trẻ”, “nhà tù”… Thế nhưng sự hiện hữu của căn nhà là vô thường, vì thế ta không nên chấp “nhà ở” là của ta, ta là căn nhà, căn nhà là ta; và cũng không nên dựa vào căn nhà để hơn thua với người khác, nhờ vậy mới tránh được đau khổ vì căn nhà. Đây là tri kiến chánh trực và thực tiễn.
Ngược lại, dựa vào sự vô thường của căn nhà để rồi phủ nhận sự thật hiện hữu của căn nhà là một sai lầm ấu trĩ, một hoang tưởng tà vạy, và càng rồ dại hơn khi dựa vào đây phủ nhận các sự thật khác. Càng tệ hại hơn nữa khi dựa vào sự hoang tưởng phi thực tế này phủ nhận cả bốn sự thật thuộc về chân lý của Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Có thể nói đây là kiểu nguỵ biện đầy nham hiểm của tà kiến, hoặc nếu không thì cũng là hệ quả của sự loạn tưởng đến tận cùng.
Chính vì thế, chấp thủ “căn nhà năm uẩn” dẫn đến chấp thủ “ta có tự ngã” là một cực đoan của vô tri, vô minh; trái lại phủ nhận không có “căn nhà năm uẩn” dẫn đến chấp thủ “ta không có tự ngã” lại là một cực đoan thứ hai của vô tri, vô minh không kém. Trong kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc, Đức Phật đã khẳng định rõ những nhận thức này đều thuộc về tà kiến:
“Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn…” (TB1, 2 = [U.4.4d])
Cụ thể hơn, trong bài kinh “Ananda hay Sự Có Mặt Của Ngã” (Lưu ý tựa đề. PNGP), dù du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hai lần hỏi Đức Thế Tôn “Có tự ngã không?” nhưng Ngài đều im lặng không trả lời, sau đó Ngài đã dạy cho tôn giả Ananda:
“Này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?”, và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã”, như vậy, này Ananda, thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp thường kiến.
-- Và này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?”, và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã”, như vậy, này Ananda, là thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp đoạn kiến.
-- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?” và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã”, như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên rằng: "Tất cả các pháp là vô ngã”?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?” và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã", như vậy, này Ananda, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác bối rối hơn nữa: "Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa” (TƯ4, 400 = [Sb.38.10]).
Và Đức Chánh Biến Tri cũng đã vạch trần cả những kiểu hý luận “trườn uốn như con lươn” của các ngoại học mà sau này một số người vẫn mắc phải khi giải thích lươn lẹo vô ngã không phải như thế này, vô ngã không phải như thế kia:
“Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này, vì đần độn ngu si, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, liền dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: ... Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế…tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây” (Kinh Phạm Võng, số 1, Trường Bộ 1 = [So.38.49]).
Đến đây, những ai đã tuệ tri năm uẩn và năm thủ uẩn đều phải hiểu rằng “vô ngã” chính là vô ngã chấp và vô ngã mạn, hoàn toàn không phải là vô ngã tánh. Và như vậy câu “Tất cả các pháp là vô ngã”, xét trong mối quan hệ với năm thủ uẩn, cần phải được hiểu một cách chính xác và đầy đủ, đó là: tất cả các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần đều phải vô ngã chấp và vô ngã mạn với chúng, điều này có nghĩa không nên chấp thủ vào năm uẩn là của ta, là ta, là tự mãn nơi ta (ngã chấp) và dựa vào đó so sánh hơn thua với người khác (ngã mạn).
Tuyệt đối không nên hiểu “Vạn pháp là vô ngã tánh” vì những ngộ nhận phi thực tế này đã, đang và sẽ nhấn chìm những ai tin theo nó sa lầy vào những tà kiến nguy hiểm, những hý luận hư vô ngớ ngẩn cùng những sự phủ định sạch trơn tai hại. 
 Tóm lại, nói theo ngôn ngữ Bốn Niệm Xứ, các nhận thức trên nằm trong phương pháp Quán pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã trên nội-ngoại pháp Năm thủ uẩn để đoạn trừ tham ưu do chấp mạn kiết sử gây ra

4.2.6 Quán tánh sanh khởi, tánh đoạn diệt, tánh sanh diệt trên pháp Năm Thủ Uẩn
Trong bài kinh Thủ Chuyển (TƯ3, 58 = [Ve.7.56]), Đức Thế Tôn đã dạy pháp “bốn chuyển” gồm có: thắng tri năm uẩn, thắng tri năm uẩn tập khởi, thắng tri năm uẩn đoạn diệt, thắng tri con đường đưa đến đoạn diệt chấp thủ năm uẩn (lẫn không còn tái sanh luân hồi). Trong bài kinh này sau khi định nghĩa về năm uẩn, Đức Phật đã chỉ rõ:
- Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. 
- Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt.
- Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt.
- Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt.
- Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt.
- Con đường đưa đến đoạn diệt năm thủ uẩn là con đường Thánh đạo tám ngành gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Với lời dạy trên, nếu chú ý hơn nữa người học Phật có thể nhận thấy “Xúc” chính là nhân duyên tập khởi cho cả ba uẩn: thọ, tưởng và hành. Điều này có nghĩa: nếu xúc “trắng” (tiếp xúc chánh pháp, thiện hữu tri thức…) thì thọ, tưởng, hành theo đó cũng “trắng”; ngược lại xúc “đen” thì thọ, tưởng, hành cũng “đen” theo.
Lại nữa, thắng tri được ý nghĩa này sẽ dễ dàng hiểu được vì sao xuyên suốt trong kinh tạng Nikaya pháp môn biệt trú độc cư luôn được Đức Thế Tôn nhấn mạnh và nhắc nhở các Tỳ-kheo. Đây là yếu tố hết sức quan trọng nhằm đạt được chánh định để đi tới giác ngộ giải thoát cho mình từ đó mới giúp được cho người khác.
Chính bản thân Đức Phật cũng tự thân giáo hóa và nêu gương thực hiện phương pháp này với hai ý nghĩa tự lợi - lợi tha rõ ràng: “Do Ta quán sát hai mục đích mà Ta sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Tự thấy sự hiện tại lạc trú và vì lòng thương tưởng chúng sanh trong tương lai” (Kinh Khiếp đảm và sợ hãi, TB1, 4 = [So.1.29]).
Để hiểu rõ hơn ý nghĩa diệt khổ của cách quán này, người học Phật cần tham khảo thêm về cách quán 12 Chi Phần Nhân Duyên đã được giới thiệu trước đây. Trong mối liên hệ nhân duyên, trong Tương Ưng Uẩn có bài kinh Thiền Định (TƯ3,13 = [Ve.7.5]) được xem như tiêu biểu cho cách quán tánh sanh khởi và đoạn diệt năm thủ uẩn. Người tu Bốn Niệm Xứ cần tham khảo kỹ những bài kinh trong chương này.
Tóm lại, để tu tập quán pháp Năm thủ uẩn một cách thực tế, người học Phật cần thực hiện bốn nội dung chính sau đây:
(1) Trước hết cần phải nhận thức đầy đủ và phân biệt rõ các khái niệm thuộc về năm uẩn, năm thủ uẩn, ngã chấp, ngã mạn, chấp mạn kiết sử, vô ngã, vô ngã chấp, vô ngã mạn.
(2) Sau đó cần luôn ghi nhớ “có các pháp ở đây” là các pháp vô thường, khổ, vô ngã và quán xét chúng trên các pháp năm thủ uẩn (tự hỏi và trả lời như đã nói ở trên) để tẩy rửa dần các chấp mạn kiết sử tuỳ miên trong nội tâm. Đồng thời phải quán xét những nguyên nhân nào khiến tâm hay sanh khởi những niệm chấp thủ năm uẩn, và phải quán các cách ngăn chận đoạn trừ chúng.
(3) Hoặc khi một niệm chấp thủ năm uẩn nào tập khởi thì ngay đó phải tỉnh giác phát hiện xem đó là niệm chấp thủ sắc, hay chấp thủ thọ, hay chấp thủ tưởng, hay chấp thủ hành, hay chấp thủ thức. Và tuỳ theo tính chất của niệm đó thuộc nội, ngoại hay nội-ngoại pháp để quán pháp vô thường, khổ, vô ngã tương ưng trên niệm đó.
(4) Cuối cùng phải luôn ghi nhớ như lý tác ý “cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã nơi ta” để đoạn diệt năm thủ uẩn tận gốc.
Trên đây là nội dung ý nghĩa của đoạn kinh: “Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn”.

***
(Xem tiếp phần 7: Quán Pháp Sáu Nội Ngoại Xứ và Bảy Giác Chi)