Thursday 16 June 2011

Nikaya và khoa học

1. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn và Big Bang

Ngày nay lý thuyết Big Bang đã được các nhà chuyên môn thừa nhận như một sự kiện khoa học đáng tin cậy để giải thích về sự hình thành của vũ trụ. Theo lý thuyết này, có thể hình dung nôm na thế giới ban sơ chỉ là một “điểm” đặc biệt có khối lượng vật chất cực lớn bị nén ép mà thành. Khi nhân duyên hội đủ, dị điểm (singularity) ấy bùng vỡ như một quả bom bi, phóng thích hàng tỉ tỉ khối vật chất khắp bốn phương trời; và từ đấy hình thành nên vũ trụ với các hành tinh.

Cũng theo các nhà khoa học, trong cái dị điểm đặc biệt ấy không có thời gian, không gian; và tất nhiên cũng chẳng có con người. Bởi lẽ lúc ấy trái đất, mặt trăng, mặt trời và các chòm sao cũng chưa xuất hiện. Tất cả chỉ toàn một màu đen, đen đến độ không thể nhìn thấy bằng con mắt thịt. Có nhà khoa học còn chứng minh rằng dị điểm ấy tuy là khối vật chất cực lớn bị nén ép, thế nhưng nó lại có dạng “lỏng”. Căn cứ theo đây có thể hình dung đơn giản cái nôi ban sơ của vũ trụ chỉ là một “thế giới toàn nước đen sẫm” thâm u mịt mù. 

Đó là những tri thức khoa học về vũ trụ được xem là mới nhất hiện nay và cũng được nhiều người biết đến. Thế nhưng, nhiều người đã không biết rằng, từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật đã nói đến điều này và còn nói rất rõ. Thật vậy, trong bài kinh “Khởi thế nhân bổn”, bài kinh giải thích về sự hình thành thế giới và con người, Đấng A La Hán, Thế Gian Giải đã mô tả rất cụ thể: 

“11. Này Vàsettha, lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một thế giới toàn nước đen sẫm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trăng, mặt trời không hiện ra; sao và chòm sao không hiện ra; không có ngày đêm; không có tháng và nửa tháng; không có năm và thời tiết; không có đàn bà đàn ông. Các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi. Này Vàsettha, đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Ðất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy như tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh(Kinh số 27, Trường bộ 2 = [So.51.11] (1))

Vào cái thuở tối tăm mù mịt ấy, con người chưa có, thú vật chưa có, thậm chí ngay cả những sinh vật đơn bào tối sơ cũng chưa có, thì đương nhiên “các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi”. Để rồi nhờ sự bùng vỡ của khối “nước đen” ấy mới tạo thành vô số các ngôi sao và trái đất, đây cũng chính là hình ảnh của “vị đất tan ra trong nước”. Trong tiến trình đó, trái đất cũng là một trong muôn vàn hành tinh nóng bỏng được nguội dần với lớp vỏ bề mặt bên ngoài “như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra”.

Tuy vậy, có thể có ai đó phàn nàn vì sao lại nói “đất có hương và có vị”, đã thế vị của đất như mật ong thuần tịnh”? Muốn hiểu điều này lại phải vận dụng những kiến thức khoa học để giải thích. Như được biết, con người chỉ mới góp mặt trên trái đất cách nay khoảng triệu năm đây thôi, trước đó đã có các sinh vật khác, và theo thuyết tiến hoá, các chúng sinh trong thời tối cổ xưa ấy mới chỉ là các sinh vật đơn bào, đa bào, nhuyễn thể, giáp xác.

Các sinh vật ấy phải sống trong đất, ăn các chất dinh dưỡng trong đất thì “đối với các loài hữu tình ấy” phải thấy “đất có hương và có vị” và “vị của đất như mật ong thuần tịnh” chứ làm sao khác được. Đó là chưa nói đến chuyện một số sinh vật đã tiến hoá vượt trội, cho nên từ trong cái thế giới “khiến mắt phải mù” kia, chúng đã có thêm những “cửa sổ tâm hồn” để chiêm ngưỡng được cả “màu sắc của đất”, ngay cho dù mới chỉ thấy đất ở cấp độ đơn giản “giống như đề hồ hay thuần túy như tô”.

Ai đó còn chưa tin từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã có những hiểu biết về sự tiến hoá của các loài hữu tình, họ hãy đọc trọn cả bài kinh “Khởi thế nhân bổn” để thấy rõ hơn. Nhưng cần nói trước, ngay cho dù quý vị có vận dụng những kiến thức thời đại để tìm hiểu, quý vị vẫn phải giữ tâm cho thanh tịnh, nghiền ngẫm tư duy kỹ lưỡng, may ra mới hiểu được những ý nghĩa thâm sâu từ những lời Phật dạy. Khoa học chân chánh còn không phải để dành cho các công tử, công nương thích “cưỡi ngựa, xem hoa”; huống hồ là kinh tạng Nikaya.

Hãy lắng nghe thêm một đoạn kinh trong “Khởi thế nhân bổn” để biết Bậc A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đã tri kiến như thực: “12. Này Vàsettha, có loài hữu tình, có tánh tham, nói: "Kìa xem, vật này là gì vậy?”, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên.

Này Vàsettha, các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất.

Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vàsettha, thế giới này bắt đầu thành trở lại.(Sđd = [So.51.12])

Một nhà hải sinh vật học đọc đến đoạn “ánh sáng của họ biến mất” có thể liên tưởng tới các loài sinh vật tự phát sáng dưới lòng biển sâu tăm tối, và cũng theo cổ sinh vật học, hẳn tổ tiên của những “hữu tình” này cũng đã từng phải ăn đất, đã phải “bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ” y như những con dã tràng xe cát biển đông.

Cũng theo quy luật tiến hoá (hay diệt chủng vì tham ái?), các loài cổ sinh vật phải thay nhau biến mất, nhường chỗ cho các sinh vật cao cấp hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn, và thế là con người có mặt. Chỉ khi con người có tư duy và có ngôn ngữ xuất hiện, lúc ấy những khái niệm “mặt trăng, mặt trời” mới hiện ra, “sao và chòm sao”  mới hiện ra; “ngày và đêm”, “nửa tháng và tháng”, “thời tiết và năm” mới theo nhau lần lượt ra đời.

Có người đọc đến đoạn “thế giới này bắt đầu thành trở lại” có thể giật mình nảy sinh câu hỏi: không lẽ thế giới này trước đó đã bị hoại diệt để rồi giờ đây nó tái sinh trở lại? Nếu điều này là thực, vậy trước khi xảy ra Big Bang của thế giới hiện tại, hẳn đã có một Big Bang “cha”, thậm chí một Big Bang “ông”? Tuy vậy, đã có ý kiến phủ nhận ngay thắc mắc này khi cho rằng trong cái nôi “nước đen sẫm” ấy không có thời gian và không gian, vì thế cũng không có chuyện trước hay sau, sanh hay diệt.

Việc chứng minh để chấp nhận hay phủ nhận tiền sử của Big Bang là chuyện của các nhà học giả. Nhưng đối với những người học Phật phải ghi nhớ rằng, khi Đấng Như Lai A La Hán đã nói rõ đối với các loài hữu tình ấy, sau một thời gian rất lâu, vị đất tan ra trong nước”; điều này có nghĩa là “thời gian” và “không gian” chỉ đối với các loài hữu tình chúng ta mà thôi.

Vì vậy, ngay cho dù trong cõi “nước đen sẫm” ấy, con người hữu tình không có, thời gian - không gian theo hiểu biết của con người không có, thế nhưng không thể vì thế bắt Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh của chư Phật theo đây cũng không có, thời gian và không gian hiểu theo trí tuệ của các Đấng A La Hán Chánh Đẳng Giác cũng không có. Không có Phật nhãn và trí tuệ của Tam Minh thời làm sao hai mươi lăm thế kỷ trước lại diễn tả được lịch sử thế gian cùng với các sanh loài đúng y như vậy? 

Nhưng bậc Tam Minh A La Hán đâu phải chỉ có biết về lịch sử thế gian cùng với các sanh loài không thôi, Ngài còn biết về khởi nguyên thế giới và biết nhiều hơn thế nữa, nhưng Ngài không chấp trước vào đó mà nhắm đến sự an tịnh giải thoát không có lỗi lầm:

“- Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa. Và khi Ta biết như vậy, Ta không có chấp trước. Vì không có chấp trước, Ta tự thân thấu hiểu được sự an tịnh ấy; chính nhờ chứng ngộ sự an tịnh này mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi.” (K.Ba-lê, số 24, TrB2 = [So.50])

Và vì biết nhiều hơn thế nữa cho nên Đấng Như Lai đã chỉ dạy điều quan trọng hơn nữa mà mỗi người con Phật cần phải ghi nhớ để thực hành thoát khổ:  Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành”  (Bài kinh Nước Mắt, (S.ii,179) = [I.12.3])

Chính vì điểm bắt đầu không thể nêu rõ khi còn bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, vì vậy muốn biết “khởi nguyên của bắt đầu” như thế nào, tốt hơn hết là hãy phá vỡ vô minh trước, thoát khỏi khát ái trước, nhằm thoát khỏi khổ đau trong sanh tử trước; thay vì cứ đi tranh luận chuyện vũ trụ này có hay không có trước và sau, sanh và diệt để rồi rơi vào chấp trước, lỗi lầm.

Nhưng ngay cho dù có nhà khoa học nào đó chứng minh được rằng, trong dòng vô thỉ luân hồi ấy vũ trụ hiện nay có trước có sau, có sanh có diệt chăng nữa, thì đối với những người thọ trì kinh Nikaya cũng xem như chuyện “xưa như trái đất”, không có gì là lạ. Vì sao? Vì đoạn kinh số 10 trước hai đoạn trích dẫn của bài kinh “Khởi thế nhân bổn” ở trên đã nêu rõ thế giới hiện nay cũng chỉ là sự chuyển thành từ một thế giới chuyển hoại trước đó: 

“10. Này Vàsettha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đây, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài.

Này Vàsettha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sanh từ Quang Âm thiên thác sanh qua tại đây. Những chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy một thời gian khá dài” (Sđd = [So.51.10]).

Việc xác định cõi Quang Âm Thiên ở đâu trong vũ trụ này, hãy để dành cho các nhà khoa học, những người thích khám phá những bí mật riêng tư của Tạo Hóa. Còn đối với những người con Phật phải tuệ tri rằng, ngay cho dù thế giới này có huỷ hoại chăng nữa, thì vòng sanh tử luân hồi vẫn không chấm dứt chừng nào họ vẫn còn tạo nghiệp. Ý thức được điều này, mọi người hãy nỗ lực làm lành lánh ác, tạo lập công đức để tiến tu thoát vòng khổ lụy ngay trong kiếp sống này.

Còn trước mắt, hãy thử hình dung, một nhà khoa học được sanh ra từ ý muốn của cha mẹ, ông đang đáp chuyến máy bay “phi hành trên hư không” đến dự một hội nghị. Ông cũng cảm thấy rất tự hào hoan hỷ về những thành tựu của trí tuệ con người, và khi đọc tới đoạn kinh trên, dưới ánh đèn huỳnh quang chiếu sáng, hẳn nhà khoa học cũng tuệ tri được thế nào là “nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang”, thế nào là “sống trong sự quang vinh” của mình.

Từ đây ông có thể hình dung một kịch bản khác: vũ trụ này đến một lúc nào đó cũng phải già cỗi, các hành tinh sẽ không còn đi lại nhanh nhẹn như trước, lúc ấy những “lỗ đen” (black holes) tham lam hơn, nuốt các hành tinh khác nhiều hơn để chúng trở thành lớn hơn theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Để rồi đến lượt chính các con “cá lớn” lại nuốt nhau khiến cho thế giới này phải co rút lại, và sau hết con cá lớn cuối cùng biến thành một lỗ đen siêu hạng với “một màu đen khiến mắt phải mù”.

Và rồi khi nhân duyên hội đủ, cõi tối đen ấy lại bùng vỡ như một trái bóng nước bị nén mạnh. Cứ thế vũ trụ này dù có kỳ diệu đến đâu chăng nữa cũng không thoát khỏi được quy luật muôn đời của các tiến trình sanh - trụ - hoại - diệt.

Những ai không đồng ý với kịch bản trên muốn tranh cãi, đó là chuyện của các nhà học giả. Còn đối với người thọ trì kinh Nikaya, ngay cho dù có nhà khoa học chứng minh được kịch bản trên là có thực chăng nữa, thì công trình này cũng chẳng có gì mới lạ. Bởi, trong Kinh và Luật Pali cấp 1, bậc Tam Minh Thế Gian Giải đã nhắc đi nhắc lại biết bao lần rằng “phàm các pháp có sanh thì phải có diệt”; vì thế theo quy luật duyên sanh - duyên diệt, “sau một thời hạn rất lâu” vũ trụ này có phải tới hồi chuyển hoại, âu, đó cũng chỉ là chuyện của hai chữ VÔ THƯỜNG.

Có khác chăng, người thọ trì kinh Nikaya phải luôn ghi nhớ một điều quan trọng hơn nữa mà Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở, đó là phải hiểu những gì cần hiểu, phải biết những gì cần biết. Phải hiểu những gì? Hiểu rằng vũ trụ và cả bản thân mỗi người đều vô thường. Cái gì vô thường cái ấy nằm trong khổ. Mà đã khổ thì một người có trí thực sự phải biết thêm những điều cần phải biết. Phải biết những gì? Phải biết cho đúng, biết cho chính xác con đường đi tới đoạn diệt những khổ đau.

Đó mới chính là những điều quan trọng, có ý nghĩa thiết thực hiện tại mà một người có trí cần phải hiểu biết, để ít ra, tuổi thọ trăm năm của họ không trở thành chuỗi tháng ngày mòn mỏi, hoặc như một cái chớp mắt vô nghĩa, hoặc chỉ là một sat-na tương tục luân hồi trong dòng đời 14 tỷ năm của cái thế giới đang quay cuồng hỗn loạn này. 

2. Kinh Nikaya và vũ trụ

Như các nhà thiên văn mô tả, trái đất con người đang sống chỉ là một hành tinh trong Thái Dương Hệ. Thái Dương Hệ cũng chỉ là một ốc đảo nhỏ của một Thiên Hà (galaxy) với hàng tỷ ngôi sao. Và trong vũ trụ bao la lại có tới hàng tỷ các Thiên Hà khác với muôn hình muôn vẻ. Các Thiên Hà này kết hợp với nhau tạo thành một Chùm Thiên hà (galactic cluster). Các Chùm Thiên hà lại kết hợp với các Chùm Thiên hà khác tạo nên Siêu Thiên hà (metagalaxy).

Thật không thể tượng tưởng nổi vũ trụ bao la nhường nào, nhưng lại càng không thể tưởng tượng được hình ảnh của vũ trụ hiện đại ấy đã xuất hiện rất rõ ràng trong Kinh Tăng Chi của Phật giáo từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Dưới đây là bức ảnh vũ trụ được bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác mô tả một cách cụ thể:

“Này các Tỷ-kheo, xa cho đến mặt trăng, mặt trời di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương, cho đến như vậy là ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, có 1.000 mặt trăng, có 1000 mặt trời, có 1000 vua núi Sineru, có 1000 cõi Diêm phù đề, 1000 Tây ngưu Hóa châu, 1000 Bắc-cu-lô-châu, 1000 Ðông thắng Thần châu, 4000 biển lớn, 4000 Ðại vương, 1000 Bốn đại Thiên vương, 1000 Tam thập tam thiên, 1000 Dạ-ma-thiên, 1000 Ðâu-suất thiên, 1000 Hóa lạc thiên, 1000 Tha hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm thiên giới” (Kinh Người Kosalà, số 29, Tăng Chi tập 4, Chương 10, Phẩm lớn = [I.10.29.2])

Tất nhiên sẽ chẳng có ai thắc mắc theo kiểu “bới lông tìm vết”, vặn vẹo tại sao chỉ có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn vua núi Sineru... mà không là tỷ tỷ hành tinh như hiện nay. Một em học sinh trung học thời nay cũng hiểu: ngàn thế giới có chứa hàng ngàn mặt trăng, hàng ngàn mặt trời cũng đủ nói lên ý nghĩa hàng tỷ rồi. Vả lại, cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, trình độ toán học con người không được như bây giờ, nói con số hàng tỷ, e nhiều người không kham nổi lại sanh ra chống đối, lợi đâu chưa thấy chỉ thấy phiền.

Điều đáng thắc mắc chính là ở chỗ vì sao trong hàng ngàn thế giới ấy với hàng ngàn mặt trăng, mặt trời, lại có 1000 núi chúa Sineru (Tu di) cùng 4000 biển lớn? Trả lời: Hình ảnh này chứng tỏ Đức A La Hán Minh Hạnh Túc đã thấy rõ hàng ngàn mặt trăng, mặt trời cùng vô số các hành tinh đang xoay chuyển chói sáng muôn phương kia cũng bao la rộng lớn với hàng ngàn núi Tu di hùng vĩ, với hàng ngàn biển lớn như chính trái đất này, chứ không phải chỉ như hai cái bánh “pie” bé nhỏ cùng muôn vàn “hạt đường” lóng lánh trên cái mâm trời to tướng như cặp mắt phàm phu con người thường thấy. 

Hơn thế nữa, điều đáng lưu ý là con số biển lớn gấp bốn lần con số núi lớn. Tại sao như thế? Số “biển lớn”, “núi lớn” trong vũ trụ và biển lớn, núi lớn trên trái đất này có sự tương đồng gì chăng? Ai đó muốn giải nghi điều này, hãy so lại các số liệu mô tả bộ mặt của trái đất sẽ biết. Đây chính là tỷ lệ tương ứng giữa đại dương và lục địa của quả đất, với ba phần tư là diện tích mặt nước và một phần tư còn lại là diện tích núi cao, đồng bằng. Vì thế, cái “bản lai diện mục” của trái đất thực ra là một “trái nước”, và chỉ như vậy nó mới là một hành tinh xanh lý tưởng cho các sanh loài tồn tại và tiến hoá. Điều này có nghĩa nếu có một hành tinh nào khác có sự sống cao cấp, hẳn nó cũng phải có được tỷ lệ tầm cỡ như “một ngàn núi lớn, bốn ngàn biển to” tương đương như trái nước này. (2)

Các nhà khoa học đang dõi mắt tìm kiếm trong vũ trụ các hành tinh có sự sống giống như “trái biển” của con người. Cho dù họ có tìm ra thì đối với những người thọ trì kinh Nikaya cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi lẽ, với con số “4000 biển lớn”, chí ít cũng cho những người học Phật cái quyền bình tâm chờ đón các nhà thiên văn học tiếp tục phát hiện thêm nhiều những Waterworld (thế giới nước) trong cái vũ trụ bao la này.


Một chi tiết đáng kể khác cũng cần phải nhắc đến, đó là Đức A La Hán Chánh Đẳng Giác dùng hai động từ “di chuyển, xoay chuyển” không phải là thừa, vì chỉ có như vậy mới diễn tả đầy đủ các hành tinh vừa di chuyển theo quỹ đạo của chúng, đồng thời cũng tự xoay chuyển quanh mình, giống như trái đất vừa quay quanh mặt trời vừa tự xoay chuyển quanh trục của nó vậy.

Lại nữa, khi nói “di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương điều này có nghĩa sự vận chuyển và chiếu sáng của muôn vàn mặt trăng, mặt trời trong một không gian đa chiều, nhiều phương xứ, chứ không phải chỉ là những vì tinh tú chạy dài và phát sáng từ đông sang tây trên cái vòm trần tròn trịa úp trên mặt đất mà mấy mươi thể kỷ sau nhiều người vẫn còn lầm tưởng.

Rõ ràng, chỉ với bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy lời của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác đã vượt xa khỏi thời gian và không gian của con người trần tục đến như thế nào. Ai đó còn hoài nghi chưa chịu tin ư? Thì đây, bài kinh Abhibhù đã khắc họa hệ thống của vũ trụ còn rõ ràng hơn, cụ thể hơn nữa, hoàn toàn không khác gì với thiên văn học ngày này:

“-- Xa cho đến mặt trăng, mặt trời chạy trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy là một ngàn thế giới. Trong ấy có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi Sineru (Tu-di), một ngàn Jambudìta (Diêm-phù-đề), một ngàn Aparagoyànà (Tây ngưu hóa châu), một ngàn Uttarakurù (Bắc-cu-lô châu), một ngàn Pubbavidehà (Ðông thắng thần châu), bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn đại vương, 1000 cõi trời Bốn thiên vương, 1000 cõi trời ba mươi ba, 1000 Dạ-ma thiên, 1000 Tusità (Ðâu-suất thiên), 1000 Hóa Lạc thiên, 1000 Tha Hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm Thiên.

Này Ananda, đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Này Ananda, cho đến 1000 lần một tiểu thiên thế giới, được gọi là, này Ananda, ba Ðại thiên thế giới. Này Ananda, Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn(Tăng Chi 1, Chương 3, Phẩm Ananda, kinh số 80 = [I.3.72.3]).

Đến đây đã quá rõ chuyện con số hàng tỷ các hành tinh đang quay cuồng trong cái vũ trụ này: “1000 lần một tiểu thiên thế giới” với hàng ngàn đơn vị chính là con số hàng tỷ chứ còn gì nữa. Con người thời xưa nhìn lên bầu trời chỉ thấy một giải sông Ngân hay Milky Way với li ti những ánh sao, còn Đấng A La Hán Thế Gian Giải lại thấy chúng thành từng hệ thống trong từng hệ thống y như các nhà thiên văn ngày nay với sự trợ giúp của kính viễn vọng.

Một ngàn thế giới chính là một Thiên hà (galaxy), một Tiểu thiên thế giới chính là một Chùm Thiên hà (galactic cluster) và một Đại thiên thế giới chính là một Siêu thiên hà (metagalaxy). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy “Phật nhãn” của Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác đã thấu suốt cả trái đất này, cả vũ trụ này, và còn diệu dụng hơn cả vạn lần kính thiên văn Hubble hiện đại nhất hiện nay.

Thật không nói quá! Trong đoạn kinh trên đã có ý nhấn mạnh “Xa cho đến... chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy...”, để diễn tả cái khoảng không bao la mà chỉ có con người ngày nay, với phương pháp đo khoảng cách bằng vận tốc ánh sáng, mới có thể hình dung ra được một chữ “xa” của Đức Phật thực sự xa đến như thế nào.

Cho nên, những người con Phật muốn tránh sa đọa vào những cõi giới lầm lạc, họ cần phải trở về đúng với nguồn cội, cần phải thận trọng với từng câu, từng chữ trong Kinh và Luật Pali nguyên thủy, đúng như lời bậc A La Hán Chánh Biến Tri đã căn dặn: mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật” (Đại Bát Niết Bàn, số 15, Trường Bộ 1, tr.618 = [Ab.7.118]).

Nhưng “mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu” của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác đâu phải chỉ có bó hẹp trên quả đất này, vì trong cái vũ trụ bao la kia “Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn”.

Hẳn, Diệu Pháp của Bậc A La Hán Thiên Nhân Sư không phải chỉ dạy riêng cho con người trên trái đất này. Bởi, ở đâu có sanh thì phải có diệt, ở đâu có sanh diệt thì ở đó có khổ đau của già và chết; và ở đâu có khổ đau của già và chết, ở đó Phật Pháp vẫn có nguyên giá trị như một diệu pháp diệt khổ. Vấn đề là Đấng Điều Ngự Trượng Phu có muốn hay không; và những “đoá sen sanh diệt” trong vũ trụ kia có đủ phước duyên vươn lên khỏi mặt nước, để trở thành những bậc Trượng phu Thanh Văn xứng đáng được nghe Diệu Pháp của Ngài mà thôi!

Vào cái thuở mọi người đều tin rằng vị thần Mặt Trời còn bị quỷ ma nhai nuốt, phải biến thành tối mù trong những lúc nhật thực; còn những đêm thiếu vắng chị Hằng, con người chỉ biết dùng nến đuốc soi đường, trông xa vài chục mét đã không còn nhìn thấy gì, ấy vậy mà một bậc Thiện Thệ lại dám thuyết giáo “xa đến như thế”, trong khi quanh ngài cũng có biết bao Ma vương luôn tìm cách chống đối ám hại, thế nhưng Ngài vẫn có thể làm cho tiếng mình vang xa hơn cả “ba ngàn Đại thiên thế giới”, qua đó đủ thấy uy lực của bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác siêu việt đến như thế nào!

Nhân nói chuyện về Thái Dương Hệ cũng phải nhắc đến bài kinh “Mặt trời”, số 62, Tăng Chi tập 3, chương 7 (= [I.7.62]). Trong bài kinh này Đức Chánh Biến Tri có nói đến sự xuất hiện lần lượt thêm sáu mặt trời gây ra khô hạn khốc liệt cho trái đất. Thậm chí khi mặt trời thứ bảy xuất hiện, trái đất bị nung chảy thiêu hủy hoàn toàn, đến độ tro và lọ đen cũng không còn tìm thấy.

Trái đất hiện nay chỉ có một Mặt trời đã phải nhiều phen nóng sốt, có thêm sáu mặt trời thời phải sống làm sao? Nhiều người mới nghe qua trái đất có tới bảy mặt trời có thể giật mình phân vân sửng sốt, nhưng hiểu ra rồi, e còn phải sửng sốt nhiều hơn.

Thật vậy, theo các nhà Thiên thể học, Mặt trời (the Sun) của Thái Dương Hệ sẽ trương nở dần, kích thước của nó có thể đạt đến gấp 250 lần hiện tại, tới mức lớn hơn cả quỹ đạo của trái đất hiện nay. Hẳn nhiên, lúc này mặt trời có thể “nuốt chửng” được cả trái đất và nung chảy trái đất hoàn toàn.

Như vậy, có thể xem sáu mặt trời xuất hiện lần lượt trong bài kinh Mặt trời cũng chính là sáu giai đoạn trương nở khác nhau của Mặt trời hiện nay; và tương ứng với từng kích thước trương nở ấy, trái đất sẽ bị thiêu đốt mỗi lúc một dữ dội hơn cho đến khi nó bị thiêu hoại hoàn toàn. Một viễn cảnh như vậy chỉ có các nhà khoa học thời nay mới tính ra được, thế nhưng quý vị khoan vội nghĩ rằng mình là những người đầu tiên biết được sự thật này. Kỳ diệu thay, từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, bài kinh Mặt trời đã mô tả quá trình này rõ ràng đến từng giai đoạn.

Những ai quan tâm muốn tìm hiểu, họ hãy trở ngược về quá khứ, cùng với các Tỳ-kheo Thanh Văn thời Phật, phóng tầm mắt đến cả tỉ năm sau để xem những hình ảnh cuối đời của trái đất:

“Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ bảy hiện ra. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ bảy hiện ra, trái đất lớn này và núi chúa Sineru bốc cháy, rực cháy, trở thành một màn lửa. Và khi quả đất lớn này và núi chúa Sineru cháy đỏ lên, cháy rực lên ngọn lửa do gió thổi bốc cao đến Phạm thiên giới. Các chóp ngọn của núi Sineru, cao đến một, hai, ba, bốn, năm trăm do tuần, khi bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, bị cả khối lửa to lớn phá hoại và chinh phục, liền sụp đổ xuống. Sau khi quả đất lớn và núi Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi bơ và dầu được cháy đỏ, được cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi quả đất lớn này và núi chúa Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen” (Sđd). 

Thế đấy, một khi vô thường đã chạm đến thì không phải chỉ có dãy núi chúa Sineru  - Hymalaya mà cả trái đất vĩ đại của con người cũng bị tiêu hủy hoàn toàn, thậm chí đến tro và lọ đen cũng chẳng còn. Những ai muốn biết Mặt trời bức tử Mẹ Đất qua từng giai đoạn như thế nào, hãy xem trọn bài kinh Mặt trời trong tạng Tăng Chi sẽ rõ. 

Từ xưa cho đến nay, nếu không biết đến những tri thức khoa học hiện đại về Mặt trời, không ai có thể nghĩ ra chứ đừng nói gì đến chuyện tin nổi cơ trời mệnh đất lại có lúc khốn cùng đến như vậy. Thế nhưng ngoại trừ Đức A La Hán, các Tỳ-kheo Thanh Văn, các nhà khoa học và cả “những người đã được chứng kiến”, chỉ có những vị này mới dám tin chuyện trái đất vĩ đại dường ấy nhưng rồi cuối cùng cũng phải trở về với hư không: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, ai là người có thể nghĩ rằng, ai là người có thể tin rằng: "Quả đất này và núi chúa Sineru sẽ bị đốt cháy, sẽ bị hủy hoại, sẽ không còn tồn tại nữa”, trừ những người đã được chứng kiến.” (Sđd)

“Những người đã được chứng kiến” là ai trong khi trái đất bị nung chảy ra như thế? Họ là các hậu duệ may mắn của loài người tìm được nơi ở mới? Hay các loài hữu tình tại đây được tái sanh làm người qua một hành tinh khác? Hay các chư Thiên ở trên các tầng trời? Hay những vị có Thiên nhãn thông? Hay các Alien - người ngoài trái đất?

Nhưng thôi, ai đó còn thắc mắc, hãy đọc trọn cả bài kinh để hiểu rõ vì sao Đấng A La Hán Chánh Biến Tri đã phải tiết lộ thiên cơ, đã phải nhắc đến chuyện trên trời, đã phải nói đến thời lâu xa ấy. Hiểu ra điều này mới đáng phải giật mình. Không biết giật mình trước những điều đáng phải hiểu, để cho ba ngọn lửa tham-sân-si thiêu đốt mỗi ngày, dù có thông thái thấu suốt tám vạn bốn ngàn chuyện thế sự Ta Bà, đừng trách chi thế gian vẫn còn là bể khổ!     

Chuyện Thái Dương Hệ đến đây đã đủ, hãy trở lại địa cầu và quay về với hiện tại để biết các nhà khoa học của chúng ta đang làm gì, và các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử Phật phải từ bỏ thế tục vì điều gì.


Hiện nay có nhiều nhà khoa học đang giam mình trong các phòng thí nghiệm nhằm cố gắng khám phá những bí ẩn của tự nhiên. Nhiều nơi đang sử dụng những thiết bị hiện đại nhất để dõi mắt đến tận cùng của thế giới. Có nơi sẵn sàng chi hàng tỉ tiền cho những chương trình nghiên cứu không gian với nhiều mục đích khác nhau. Thật văn minh biết bao! Thật tiến bộ vô cùng!

Nhưng cũng thật đáng tiếc lắm thay! Bởi, hình như, vì quá đam mê với những chuyện trên trời mà người ta đã quên đi những công việc nhân đạo cấp bách ngay trên mặt đất. Chính tại nơi đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn trẻ em phải chết vì đói, hàng trăm triệu em khác phải sống lây lất vì bệnh tật, thiếu thuốc men. Nhiều nơi còn hàng triệu gia đình mỗi bữa ăn chỉ cần thêm được vài đồng tiền lẻ thôi cũng tránh được suy dinh dưỡng, chữa được đui mù.

Chưa hết, khốn khổ hơn, có vài nhà trí thức mới chỉ biết rõ trên Cung Trăng không có chị Hằng, dưới đất sâu không có địa ngục, thế là liền quay lại khinh miệt trí đức của người xưa, vênh váo coi thường cả đạo lý nhân quả, tiêu phí biết bao nhiêu tiền bạc để biến khoa học thành những vũ khí kinh hồn tàn hại con người!  

Trong khi đó, các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử Phật cũng sợ hãi sự vô minh ngu si lầm lỗi. Họ cũng sợ hãi sự vô cảm trước nỗi đau của đồng loại và cả muôn loài, nên nhắc nhở nhau theo lời dạy của bậc Đạo Sư, gắng thực hành đức hạnh Từ Bi cùng ba pháp Giới – Định – Tuệ. Họ bảo nhau noi gương các bậc A La Hán, ôm bình bát khất thực gieo duyên.

Các Tỳ-kheo Thanh Văn chỉ là những vị khất sĩ bình thường, cho nên họ không có kiêu mạn đại ngã với một ai, nhưng họ cũng không phải xấu hổ ti mạn trước một người nào. Bởi, họ cũng đang phải khép mình độc trú biệt cư nỗ lực khám phá những bí ẩn của một thế giới khác, cũng đang vận dụng một hệ thống tinh vi nhất để dõi mắt đến tận cùng của một vũ trụ khác với những mục tiêu khác.

Bí ẩn ấy là gì? Mục tiêu ấy là gì? Đó là bí ẩn của thế giới khổ đau và mục tiêu đi đến đoạn diệt những khổ đau. Bởi lẽ, một bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác của hai mươi lăm thế kỷ trước đã thấy như vậy, đã biết như vậy và đã tuyên bố như vầy:

“-- Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách đạt đến sự tận cùng thế giới” (Bài kinh Thế Giới Dục Công Ðức, S.iv,93 = [Ve.8.115])

Một học giả, với kiến thức khoa học hiện đại, có thể hình dung được ranh giới 14 tỷ năm ánh sáng của cái vũ trụ này mênh mông thăm thẳm đến như thế nào so với tuổi thọ trăm năm của một kiếp người cùng các con tàu vũ trụ có vận tốc lệt bệt mà họ đang có, nhờ vậy có thể tin lời Thiên tử Rohitassa trong kinh Tăng Chi.

Vị thiên thần này trong một tiền kiếp đã từng là ẩn sĩ, có thần thông mỗi bước chân nhanh như tên bắn và vượt xa cả đại dương. Nhưng rồi cuối cùng vị ẩn sĩ có đại thần lực ấy đã phải chết dọc đường trên hành trình đi tìm kiếm tận cùng của thế giới. Sau đó Thiên tử Rohitassa đã được Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, vị Thầy Trời Người chỉ dạy:

“- Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng: "Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới”. Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt” (Kinh Rohitassa, TC1, C4, Phẩm Rohitassa, tr.637 = [I.4.45])

Do vậy, mỗi Tỳ-kheo Thanh văn hãy bắt đầu từ hệ thống tinh vi nhất là chính bản thân mình để giải mã về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt mọi khổ đau, từ đó mới biết cách giúp cho những người khác giải thoát khỏi thế giới khổ đau. Đây mới chính là một vũ trụ diệu kỳ có ý nghĩa thiết thực hiện tại mà mỗi vị Tỳ-kheo Thanh văn đệ tử Phật cần phải cố công khám phá.

Trong bài kinh Bà-la-môn (TC4, C9, số 38 = [I.9.38]), Đức Thế Tôn đã tái khẳng định thế giới này là mênh mông thăm thẳm, không có thể đi đến để biết được. Tuy vậy, Ngài cũng đã chỉ rõ cho các Tỳ-kheo cách thức đặc biệt để đạt đến tận cùng thế giới và vượt khỏi triền phược thế gian. Những Tỳ-kheo nào muốn đạt đến tận cùng thế giới và vượt khỏi triền phược thế gian hãy đọc kỹ bài kinh này và cố gắng thực hành.
Nhưng trước hết, cần ghi nhớ: Thời gian không chờ đợi một ai, vô thường không tha bất cứ người nào, là bậc hiền trí phải luôn tinh tấn chớ có phóng dật.

3. Tối tăm của vô minh hắc ám hơn nhiều lần tối tăm của biển cả

Nãy giờ nói chuyện trên trời, đến đây nhắc việc dưới biển. Như được biết, ánh sáng mặt trời chỉ chiếu sáng tới độ sâu không quá 300 mét dưới mặt nước. Con người trần trụi cũng chỉ dám quẩn quanh trong giới hạn này, thậm chí muốn lặn sâu dưới vài chục mét đã phải luyện tập cẩn thận, cố mình lao xuống nước sâu hơn mà không có các thiết bị lặn đặc biệt chẳng khác nào tự tử.

Trong khi đó, đại dương có độ sâu trung bình khoảng 4 - 5 ngàn mét, nơi sâu nhất tại vùng biển Mariana thuộc Thái Bình Dương đến tận 11 km. Vì thế trong vực thẳm biển cả, phần lớn là những cõi giới tối đen như mực và trong một thời gian rất lâu nó hoàn toàn bí ẩn đối với con người. Phải mãi tới những năm cuối thế kỷ 19 với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, con người mới bắt đầu khám phá dần thế giới sâu thẳm của đại dương.

Thế nhưng, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, các Tỳ-kheo Thanh Văn trong thời Phật đã biết được giữa thế gian này còn có những cảnh giới tối tăm u ám dưới biển sâu cùng với các sinh vật đang sinh sống tại đó, và họ còn biết được nhiều điều hy hữu khác nữa. Một đoạn kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, thông qua lời tường thuật của ngài Ananda, đã chứng minh điều này : 

“-- Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: "Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ananda, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới, tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây”.

Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn” (Trung bộ 3, số 123 = [Ab.1.10])

Dĩ nhiên các Tỳ-kheo Thanh văn không thể nghĩ rằng cõi giới “tối tăm, u ám” ấy ở dưới lòng đất, bởi lẽ dưới lòng đất là nơi có nền tảng chứ không phải “không có nền tảng”. Vả lại đối với lòng đất mà nói “những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu”  là điều quá thừa, không có gì hy hữu. Thêm nữa trong lòng đất mà nói “một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra” lại trở thành quá ư vọng ngữ.

Đối với Đấng Như Lai A La Hán Chánh Đẳng Giác: “- Này các Tỷ-kheo, cái gì trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được ý tư sát, tất cả Ta đều biết. Này các Tỷ-kheo, cái gì trong toàn thế giới này được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được ý tư sát, Ta đã được biết rõ như sau: ‘Tất cả đều được Như Lai biết đến. Như Lai không có dựng đứng lên’(Kinh Kàlaka, TC1, C4, số 24, tr.594 = [I.4.24]).

Do vậy, chỉ với những kiến thức khoa học ngày nay con người mới biết được “thế giới ở giữa các thế giới” tối tăm u ám kia chính là thế giới đại dương sâu thẳm cùng với các sinh vật đang sinh sống tại đấy. Đây là một cảnh giới có thực và vì vậy có cơ sở để tin rằng những điều hy hữu trong bài kinh nói trên cũng hoàn toàn có thực. Một sự thực từ một vị vua dám từ bỏ cung vàng điện ngọc, ôm bình bát gieo duyên hoá độ từng người từ trong Hoàng tộc đến cả muôn dân, đây đã là điều hy hữu hiếm có. Ấy thế mà Ngài còn soi sáng được cả thế giới tối tăm u ám dưới biển sâu, quả thật lại càng hy hữu hơn nữa! Những hy hữu từ một bậc Đạo Sư cả đời nêu gương sống thiện, làm thiện; trước sau chỉ răn dạy con người ăn hiền ở lành, đối xử tốt với nhau, thật cũng đáng cho những người có trí tín phục.

Sẽ rơi vào ấu trĩ khi nghĩ rằng qua lời nói của ngài Ananda, Bồ-tát muốn tự đề cao bản thân mình. Đối với đấng Thế Tôn A La Hán, việc thấy và biết được cõi giới tăm tối của đại dương, kể cả những “lỗ đen” tối tăm trong vũ trụ, vẫn chưa phải là điều hy hữu nhất. Bởi lẽ, ngay trong thời Phật, các Tỳ-kheo Thanh Văn đệ tử của Ngài cũng đã biết được có những “lỗ đen thật là to lớn” giữa các thế giới “không có trần che” trong vũ trụ.

Hơn thế nữa, họ còn biết được có một thế giới khác tối tăm hơn, hắc ám hơn, kinh khủng hơn mà con người cần phải thấy, cần phải soi sáng, cần phải tự mình giải thoát khỏi nó. Và chính vì thế nên đấng Bồ-tát đã phải nêu gương giáo hoá, nhập thai dòng hoàng tộc rồi tự mình bước xuống ngai vàng, dấn thân làm khất sĩ để cứu thoát cho loài người.

Cõi giới tối tăm khốn khổ ấy đã được bậc A La Hán Minh Hạnh Túc chiếu rọi trong bài kinh “Hắc ám”:

“... -- Có một hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.

Ðược nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

-- Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

-- Này Tỷ-kheo, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy.

-- Bạch Thế Tôn, sự tối tăm khác ấy là gì, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?

-- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ”, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Tập”, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt”, không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não; họ tạo dựng các hành đưa đến sanh, họ tạo dựng các hành đưa đến già... đưa đến chết,... do họ tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não; nên họ rơi vào tối tăm sanh, họ rơi vào tối tăm già, họ rơi vào tối tăm chết, họ rơi vào tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.

Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết: "Ðây là Khổ", như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Tập”, như thật rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt”, như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não.

Vì họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Do họ không tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ không rơi vào tối tăm sanh; họ không rơi vào tối tăm già; họ không rơi vào tối tăm chết; họ không rơi vào tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ liễu thoát khỏi đau khổ.

Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ Tập”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt" (S.v,454 = [Ve.4.46])

Hoá ra, những “lỗ đen không có trần che, thật là to lớn” trong vũ trụ kia cũng đã được Bậc A La Hán Thế Gian Giải và các đệ tử Thanh Văn của Ngài biết đến từ lâu, ngay cho dù “ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra”.

Phải chăng, niềm tự hào của khoa học khi phát hiện ra những “lỗ đen” bí ẩn của thế giới, giờ đây phải biến thành nỗi mặc cảm tự ti trước những khổ đau bởi những “lỗ đen” còn hắc ám hơn, kinh khủng hơn của tối tăm sanh, tối tăm già, tối tăm bệnh, tối tăm chết, tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não? Phải chăng, dưới mắt Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, khi con người còn chìm đắm trong bóng đêm của vô minh, họ cũng chẳng khác nào các chúng sanh đang quờ quạng trong tối tăm của biển cả?

Đứng trước cõi tối tăm ấy, những người con Phật làm sao không tránh khỏi bị lạc đường khi quay lưng xem thường kinh tạng gốc Nikaya, nơi còn lưu giữ rất nhiều những lời khuyến giáo chí tình như thế này của bậc Ân Sư:  

“Này các Tỷ-kheo, điều gì bậc Ðạo Sư cần phải làm cho các đệ tử vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ khởi lên, các điều ấy, Ta đã làm cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau sẽ phải hối tiếc. Ðấy là lời giáo giới của Ta cho các Thầy” (Kinh Nikaya).

4. Hy hữu trong biển lớn

Từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, trong kinh Nikaya và Luật Patimokkha nhiều thế giới quan và nhân sinh quan đã được Đức Thế Tôn và các vị Thánh Tăng A La Hán lý giải, chỉ bày rất chính xác, đến độ nhiều trường hợp phải vận dụng những kiến thức khoa học ngày nay mới hiểu được. Do vậy mang danh là đệ tử Phật nhưng không coi trọng Kinh - Luật Pali nguyên thuỷ là một sai lầm tai hại, là nguyên nhân khiến rơi vào tâm hoang vu mịt mờ.

Người học Phật hãy đọc kỹ một vài trích lược dưới đây để nhận thức rõ hơn đặc tính khoa học của Kinh và Luật Pali chánh gốc, nhờ vậy sẽ phải trân trọng nhiều hơn Thánh tài sản vô giá này.

Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường Bộ 1, Đức A La Hán Chánh Biến Tri đã giải thích: “Này Ananda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Này Ananda, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động”  [Ab.7.74]

Những Phật tử nào cho rằng kinh Nikaya là sơ khai thấp kém, hãy giải thích xem vì sao thông thường gió ở trên nước, nước thiết lập trên mặt đất, thế nhưng Bậc A La Hán Minh Hạnh Túc lại dạy ngược lại “đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không”? Và vì sao điều này là nhân duyên khiến “quả đất rung động”, “đại địa chấn động”?

Nếu họ không giải thích được điều này, họ hãy tìm hiểu các tài liệu nói về cấu tạo của quả đất, hoặc hỏi các nhà địa vật lý “nhìn thấu” được ruột gan trái đất sẽ rõ. Thậm chí các nhà địa vật lý còn có thể chỉ cho họ vùng nào dưới lòng đất có những dòng chảy ngầm, những hồ nước ngầm, những túi dầu ngầm, những túi khí ngầm và cả những chuyển động phức tạp trong thế giới ngầm đó theo kiểu “đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không”.

Cũng theo nhiều tài liệu mô tả cấu trúc trái đất, những người không coi trọng kinh gốc có thể biết thêm, bên trong “đại địa” này có nhiều lớp, trong đó có những tầng nóng chảy với những chuyển dịch rất đa dạng. Dòng dung nham cùng với khí nén trong các tầng này theo các vết nứt hoặc lỗ hổng của vỏ trái đất phun trào ra bên ngoài tạo nên núi lửa.

Do cấu tạo của vỏ trái đất không đồng nhất cùng với những hoạt động phức tạp trong lòng của nó, nên những khối “đại địa” có lúc phải lên cơn rung chuyển tạo nên những trận động đất. Những trận động đất ngoài đại dương thường kèm theo sóng thần; và đã là sóng thần thì mặt đất cũng phải lên cơn chấn động vì nó. Chính vì vậy mới có chuyện “đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động”.

Một lời giải thích về tự nhiên cách đây hàng ngàn năm, phải nhờ những tri thức khoa học ngày nay mới hiểu được, hẳn đã khiến những người biết tư duy thận trọng phải giật mình kinh động, không thể xem thường. 

Thế nhưng, đối với kinh tạng Nikaya cấp 1, không phải chỉ có những chuyện hy hữu theo kiểu “kinh thiên động địa” như trên mới cần phải chú trọng, mà trái lại, ngay cả những ví dụ có vẻ như hết sức “bình thường” cũng cần phải lưu ý. Chẳng hạn như ví dụ này: Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước...” (Bài kinh Lỗ Khóa, S.v,456 = [Ve.4.48]).

Cho đến nay, con người đã đo được diện tích bề mặt trái đất vào khoảng 510.072.000 km², trong đó diện tích mặt nước chiếm tới 361.132.000 km² tương đương 70,8 %. Như vậy ví dụ “quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước”  là một ví dụ hoàn toàn có cơ sở thực tế của nó.

Hơn thế nữa, theo bài kinh Lỗ khoá, ví dụ “bãi nước” được dùng để mô tả chuyện một con rùa mù cứ mỗi trăm năm từ dưới đáy biển nổi lên một lần, và việc nó chui đầu được vào lỗ hổng của khúc cây trôi dạt trên bãi nước mênh mông ấy khó khăn như thế nào, thì được làm người và làm người con Phật còn khó hơn thế nữa.

Bãi nước mênh mông tượng trưng cho vô số vô lượng các chúng sanh đang có mặt trên thế gian này, bọng gỗ nhỏ bé tượng trưng cho khả năng được tái sanh làm người và con rùa mù chính là hành nghiệp luân hồi của một chúng sanh vô minh. Theo đó, thật hy hữu thay, sác xuất được làm Người gần như một con số không tuyệt đối!

Nhận thức được điều này, mỗi người phải trân trọng sinh mạng của bản thân mình và của những người khác, phải trân quý từng phút giây được làm người và sử dụng nó sao cho có lợi ích nhất cho chính mình và cho cả mọi người.

Cũng giống như ví dụ về “quả nước” ở trên, một người nghiên cứu kỹ kinh tạng Nikaya và luật Patimokkha đều dễ dàng nhận thấy: tất cả các ví dụ đưa ra trong Kinh - Luật Pali cấp 1 đều có cơ sở thực tế của nó, không có bất kỳ một ví dụ nào là vô lý hoặc thiếu căn cứ thực tiễn. Hơn thế nữa, những ví dụ này đều giúp cụ thể hoá một ý nghĩa Phật Pháp nào đó.

Nhận định rõ được đặc điểm này, người học Phật sẽ dễ dàng loại suy những kinh văn giả tạo với đầy dẫy những ví dụ vô lý, không có cơ sở thực tế và chỉ nhằm mục đích tô vẽ cho một ý tưởng chủ quan nào đó của người bịa đặt. Chính vì thế, như đã nói ở trên, đối với kinh tạng Nikaya, ngay cho dù là những ví dụ hoặc những chi tiết tưởng như bình dị cũng cần phải được thọ trì cẩn trọng, huống hồ là cả một tạng kinh vô giá này.

Có một chi tiết cần lưu ý thêm, đó là trong bản dịch kinh Pali tiếng Việt, HT Thích Minh Châu sử dụng rất nhiều lần khái niệm “quả đất”, “trái đất”. Có thể danh từ “quả đất” hoặc “trái đất” chỉ là lối dịch thoát chứ không phải cách dịch sát nghĩa từ kinh tạng gốc Pali, nếu không, đây lại là một “xì-căng-đan” cho khoa học. Trong thời đại ngày nay, vì con người đã quá quen thuộc với chân dung tròn trịa của quả đất, cho nên chi tiết này là bình thường, chứ nếu trở lui khoảng vài thế kỷ trước, cứ dịch thoát kiểu này chắc khó thoát khỏi rầy rà.

Thật vậy, trong ngôn ngữ Việt, trừ các trường hợp ngoại lệ, thông thường từ “quả” và “trái” dễ khiến người nghe liên tưởng đến khối hình cầu (như quả banh, quả cam, trái táo...), hoặc dạng tròn (như quả trứng, quả lắc, trái sầu riêng...). Do vậy các Tỳ-khưu Thanh Văn thời Phật mà cũng hình dung “trái đất” như trái táo của Newton, hoặc “quả đất” như quả banh của các dịch giả thời nay, e rằng không phải chỉ có các nhà khoa học của mấy thế kỷ trước mới là những người đầu tiên biết được trái đất hình tròn. Đối với một bậc A La Hán Thế Gian Giải đã thấu suốt được cả vũ trụ này, chuyện biết rõ quả đất tròn hay méo có gì là quá đáng?

Thế nhưng, dù Kinh - Luật Pali gốc có ghi nhận quả đất này tròn hay không, người Phật tử cũng chẳng vì thế tranh công với các nhà khoa học. Bởi, làm như vậy sẽ chẳng giúp cho bên nào bớt khổ, vả lại khoa học càng khám phá được chân lý khách quan bao nhiêu, càng giúp khẳng định giá trị của kinh tạng Nikaya bấy nhiêu. Kinh tạng Nikaya còn quá nhiều những giá trị khác cần được nhận thức. Một trong số đó là bí mật về “cơn mưa lớn cuối cùng khắp bốn châu lục” chẳng hạn.

Nhưng trước khi tìm hiểu sự việc cụ thể cần nói cho rõ, không phải chỉ có con người thời nay nhờ mô hình địa cầu mới biết được trái đất này có các châu lục. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước bậc A La Hán Chánh Biến Tri và các Tỳ-khưu Thanh Văn đệ tử của Ngài đã biết rồi! Thật vậy, đơn cử một trường hợp điển hình trong chương Y Phục, Đại Phẩm, thuộc tạng Luật Patimokkha có ghi rõ:

(153)... Vào lúc bấy giờ, khi trải qua đêm ấy có đám mây lớn khắp cả bốn châu đã đổ mưa xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các Tỳ-khưu rằng:

- Này các Tỳ-khưu, trời mưa ở Jetavana như thế nào thì trời mưa ở bốn châu cũng như thế ấy. Này các Tỳ-khưu, hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng (Theo bản dịch của Tỳ-khưu Nguyệt Thiên).

Người học Phật nghiên cứu kỹ Kinh và Luật Pali nguyên thuỷ đều thấy danh từ “bốn châu” được nhắc đến rất nhiều lần, chứ không phải chỉ có trong một đoạn luật nêu trên. Và họ cũng hiểu rằng phải là những sự kiện hy hữu lắm Đức Thế Tôn mới bảo các Tỳ-khưu “hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa”.

Không hy hữu sao được, vì “bốn châu” trong kinh luật gốc chính là Bắc-cô-lưu-châu, Nam-thiên-bộ-châu, Đông-thắng-thần-châu và Tây-ngưu-hoá-châu. Các châu này thường được mô tả là những vùng đất rất rộng lớn, có nhiều quốc gia khác nhau, ví như Bắc-cô-lưu-châu (Uttarakura) được nhắc đến trong kinh A-sá-nang-chi (số 32, Trường bộ 2 = [Sd.7]) chẳng hạn. Do vậy, “bốn châu” trong Kinh - Luật Pali gốc có thể được xem như tương đương với các “châu lục” hoặc “lục địa” của địa lý học ngày nay.

Và vì thế, dưới mắt bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, Bắc-cô-lưu-châu chính là lục địa Á – Âu, Nam-thiên-bộ-châu chính là Châu Đại Dương, Đông-thắng-thần-châu là châu Mỹ và Tây-ngưu-hoá-châu là châu Phi. Riêng châu Nam Cực vì quá lạnh không có người ở, nhiệt độ mùa hè cũng âm 30°C nên lúc ấy không thể có mưa nên không được tính đến. 

Nhưng dù Nam Cực có được tính chung với Châu Úc thành Châu Đại Dương hay không, chuyện mưa khắp cả bốn châu lần cuối cùng vẫn là điều hy hữu đáng để cho các Tỳ-khưu thời Phật “thân thể ướt đẫm nước mưa”. Để rồi từ đây mới có truyền thống các cư sĩ cúng dường trang phục tránh mưa cùng các thiện sự khác cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Còn con người thời nay cũng phải cẩn thận suy nghiệm cho tường tận mới hiểu được ý nghĩa điềm báo dị thường này.

Tất nhiên người học Phật không mất công tranh luận chuyện quả đất có bốn châu hay sáu châu, hoặc trận mưa lớn khắp bốn châu lần cuối cùng ấy là do “đám mây lớn đổ mưa xuống” hay là do Thần Mưa. Điều quan trọng hơn mọi người cần phải biết là vì sao Đấng A La Hán Chánh Biến Tri lại cảnh báo “đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng”?

Trong đoạn kinh “Mưa” được trích dẫn ở dưới, Bậc A La Hán Thế Gian Giải đã nêu rõ một trong những nguyên nhân gây ra chướng ngại cho mưa. Giá như mọi người đều nhận thức rõ và ngăn ngừa điều này, chắc chắn môi trường tự nhiên đã không bị trả giá mắc như hiện nay. Muốn biết được lý do cụ thể, cứ bình tĩnh đọc hết hồi sau sẽ rõ!

5. Thánh sản từ biển Pháp

Từ xưa cho đến cách nay hơn thế kỷ, con người đứng trước biển lớn chỉ biết có vị mặn của muối và các hải sản khác như cá, tôm, ngọc trai, đồi mồi... Giả sử các nhà hải dương học ngày nay có trở lui về quá khứ, nói với người xưa rằng trong biển lớn có đến 10 tỷ tấn vàng (3) cùng với vô số các châu báu khác, chắc hẳn nhiều người chẳng dám tin, không khéo người xưa còn ném họ trở ra biển vì cái tội nói khoác.

Thế nhưng, nếu các nhà tài nguyên biển ngày nay trở ngược về thời Đức Phật, gặp các vị Tỳ-kheo Thanh Văn và nói về sự giàu có của biển cả, chắc chắn các Tỳ-kheo Thanh văn sẽ hoan hỷ chấp nhận và lại còn chỉ cho họ cách thức “làm giàu như biển”.

Các nhà tài nguyên biển có thể nghe các vị Tỳ-kheo Thanh Văn đọc lên vài đoạn kinh do chính Bậc Thầy Trời Người chỉ dạy. Và nếu các nhà tài nguyên biển tin theo rồi khéo thực hành, khi quả dị thục phát sanh, họ cũng có thể trở thành các tỉ phú giàu sang, tiền vô như nước, thay vì chỉ là những kẻ làm công lãnh lương, cặm cụi suốt đời tính đếm tài sản của tự nhiên.

-- “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não (Kinh Phật Tự Thuyết, Ud 51 = [Uda.45.9])

-- “Biển lớn không hạn lượng, Hồ lớn nhiều sợ hãi, Là kho tàng cất giữ, Vô số lượng châu báu; Cũng là chỗ trú ẩn, Vô số các loại cá; Là chỗ các sông lớn, Quy tựu chảy ra biển. Cũng vậy người bố thí, Ðồ ăn và đồ uống, Vải mặc và giường nằm, Chỗ ngồi và thảm nệm, Bậc Hiền thí như vậy, Phước đức ùa chạy đến, Như sông dẫn dòng nước, Ùa chảy vào biển cả”  (Kinh Phước Điền, Tăng Chi 2, Chương 5, V. Phẩm Vua Munda, trang 389 = [I.5.45])

Nhưng Đấng A La Hán Chánh Đẳng Giác đâu phải chỉ có biết biển cả chứa đầy vàng bạc, ngọc bích, san hô, mã não cùng các sinh vật dưới biển sâu không thôi, “Phật nhãn” của Ngài còn thấy cả những vi sinh vật nhỏ li ti trong từng giọt nước để trải rộng lòng từ bi đến chúng. Thật vậy, hãy nghe ngài dạy cho Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Này Sariputta, như thế này là sự yểm ly của Ta. Này Sariputta, tỉnh giác, Ta đi tới; tỉnh giác, Ta đi lui, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: "Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong những ác đạo của họ!” Này Sariputta, như vậy là sự yểm ly của Ta.” (Đại Kinh Sư Tử Hống, số 12, TB1 = [Sb.2.30]).

Do vậy, các Tỳ-kheo Thanh Văn theo gương bậc A La Hán cũng biết tu tập trải rộng lòng từ tâm biến mãn đến cả các chúng sanh li ti trong từng giọt nước, mà sự hiện hữu của chúng chỉ có kính hiển vi ngày nay mới chứng minh được. Chính vì lẽ đó, trong hành trang truyền thống của các Tỳ-kheo Thanh Văn, ngoài ba y một bát còn có cả phễu và khăn lọc nước là vì vậy.

Các vật dụng này nhằm nhắc nhở các Tỳ-kheo Thanh Văn phải trải rộng lòng từ bi và tránh sát sinh ngay cả đối với các chúng sanh “không thấy, không nghe, không nghi”. Những Tỳ-kheo nào không biết áp dụng luật “tam tịnh” mà thọ dụng đồ ăn thức uống đều có thể phạm giới sát sanh và không đủ tuệ căn để thực hiện trọn vẹn lòng từ bi biến mãn. Chỉ có những ai biết tuệ tri như thật, mới có thể hiểu thấu điều vi tế này.

Trở lại chuyện đại dương, các Tỳ-kheo Thanh văn thời Phật biết rất rõ cách thức “làm giàu như biển”, có nhiều người trong số họ cũng thuộc dòng danh gia, hoàng tộc; thế nhưng chẳng ai thèm ôm giữ tài sản, tranh giành nhau chức tước làm gì. Tất cả đều noi theo gương bậc Đạo sư Minh Hạnh Túc, quay lưng với cả cung vàng điện ngọc, xuất gia, ôm bình bát khất thực tu thân, thế thiên hành đạo.

Vì sao họ lại quay lưng hờ hững với cả châu báu, ngai vàng? Bởi vì ngay từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước họ đã ý thức được một điều hy hữu hơn nhiều: biển cả mênh mông là thế, giàu có là thế, nhưng khốn thay, nó cũng có khi vơi khi đầy, lúc tràn lúc kiệt. Đây không phải là chuyện thuỷ triều lên xuống bình thường mà là hiện tượng các nhà hải dương học gọi là “biển tiến, biển thoái”.

Riêng trong thời kỳ “biển tiến”, các nhà khoa học ngày nay đã tính được rằng nhiệt độ trung bình của trái đất ấm hơn từ 0,3°C đến 0,6°C sẽ làm băng tan nhiều hơn và mực nước biển trung bình của tất cả đại dương dâng cao hơn từ 1cm đến 2cm mỗi năm (4). Chính vì thế, chu trình “biển tiến, biển thoái” diễn tiến rất lâu dài qua hàng chục năm, hàng trăm năm, hàng ngàn năm, hoặc lâu hơn.

Khi biển tiến lên thì lục địa chìm xuống, khi biển chìm xuống thì lục địa trồi lên. Dân gian cùng lắm cũng chỉ khắc hoạ chung chung “thế gian biến cải vũng nên đồi”. Các nhà khoa học ngày nay, dựa vào các hoá thạch cổ sinh và kiến tạo địa chất của dãy núi chúa Hymalaya đồ sộ, mới dám tin rằng xưa kia “nóc nhà của thế giới” cũng từng chìm trong biển nước. Thế nhưng Đấng A La Hán Chánh Biến Tri từ hai mươi lăm thế kỷ trước đã mô phỏng quá trình này rất ấn tượng:

Này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỷ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả hành.

Núi chúa Sineru, này các Tỷ-kheo, dài 84 ngàn do tuần, rộng 84 ngàn do tuần, chìm xuống biển lớn 84 ngàn do tuần, nổi lên trên biển lớn 84 ngàn do tuần. Này các Tỷ-kheo, rồi có thời, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, trời không mưa. Khi không có mưa, các loài chủng tử, các loài thực vật, các rừng rậm dược thảo đều khô héo cằn cỗi không có tồn tại” (Kinh Mặt trời, TC3, C7, tr.419 = [I.7.62]).

Núi chúa Sineru cũng chính là dãy núi cao nhất Hymalaya, và trong kinh Nikaya nó còn có một tên khác là núi Tuyết Sơn - “Vua các loài núi”. Dõi theo bước chân của Phật, từ nơi Ngài đản sanh, hoằng pháp cho đến nơi Ngài nhập Niết Bàn, tất cả chỉ trong phạm vi phía Nam của dãy núi Tuyết Sơn, đây cũng thuộc khu vực đông bắc của Ấn Độ ngày nay.

Với những ai không tin thần thông của Đức Phật, không tin Ngài có thể phi hành trên hư không, những người này cần ghi nhớ rằng dù phạm vi sống và hoằng pháp của thân tứ đại Tôn giả Gotama như vậy, nhưng “Phật nhãn” của Đức A La Hán lại rộng lớn hơn rất nhiều lần.

Thật vậy, ngay cho dù Tôn giả Gotama chưa bộ hành hết thế gian này, thế nhưng Ngài vẫn biết núi Himalaya là cao nhất thế giới, cho nên Ngài mới dám phong cho dãy Tuyết Sơn là “núi Chúa”, là “Vua các loài núi”! Đặt giả thuyết, chẳng may thế giới này còn có một ngọn núi nào khác cao hơn dãy “núi Chúa” Hymalaya, thì chỉ cần một điều sai lầm này thôi cũng đủ cho những người khó tính lắc đầu dè bỉu “một sự thất tín, vạn sự không tin”. Thế nhưng giả thuyết này đã không xảy ra, và sự phong vương cho dãy núi Hymalaya làm “Vua các loài núi” là hoàn toàn chính xác. Chỉ có con người không thấy đúng chánh Kinh chánh Pháp, chứ Bậc Thế Gian Giải chẳng có nói sai bao giờ!

Nhưng dù Himalaya có cao nhất thế giới chăng nữa, đối với bậc Thiện Thệ Thế Gian Giải, nó cũng chỉ như một “cái gối đầu” và cả lục địa Á-Âu cũng chỉ như một cái “giường nằm” của Ngài. Vị trí tương ứng này đã được xác định rõ ngay trong “giấc mộng” của Bồ-tát Gotama và đã được xác chứng khi Bồ-tát đắc được Tam Minh, A-la-hán Chánh Đẳng Giác:

“Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy quả đất lớn này làm giường nằm lớn, núi Tuyết sơn, vua các loài núi làm các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Ðông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân đặt nằm trên biển phía Nam. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác Ngài chứng được Vô thượng Chánh giác ngộ, Chánh Ðẳng Giác. Trong khi Ngài Chánh Ðẳng giác ngộ, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.” (Bài kinh Mộng, số 196, TC2, C5 = [I.5.196])

Mộng lớn của Bồ-tát Gotama hiện ra với dãy núi chúa Tuyết Sơn – Hymalaya hùng vĩ cũng chỉ như “các gối” của Ngài, thì “giường lớn” tương xứng với “các gối” ấy chính là Bắc-cô-lưu-châu tức lục địa Á-Âu, nơi Bồ-tát đản sanh. Và như vậy, “Biển phía Đông” để Pháp thân Bồ-tát nằm gác tay trái chính là Thái Bình Dương. “Biển phía Tây” để Ngài gác tay phải chính là Đại Tây Dương, còn “biển phía Nam” để gác hai chân chính là Ấn Độ Dương.

Hai mươi lăm thế kỷ sau, con người ngày nay phải nhờ có bản đồ thế giới mới biết được kích thước “giường lớn” và “gối lớn” của Pháp thân Bồ-tát thực sự lớn đến như thế nào! Thế nhưng đó là khi Bồ-tát chưa chứng chánh đẳng giác, chưa thành bậc A La Hán Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc. Chỉ khi Bồ-tát Gotama chứng ngộ thành vị A La Hán Chánh Đẳng Giác rồi, lúc ấy “giấc mộng lớn” mới hiện ra như thực.

Tất nhiên, lúc này “giường lớn” và Pháp thân của Đức Như Lai A La Hán to lớn hơn rất nhiều lần, hùng vĩ hơn rất nhiều lần so với Pháp thân của đức Bồ-tát Gotama. Pháp thân của vị A La Hán Chánh Đẳng Giác to lớn đến mức như thế nào thì những con mắt thịt làm sao thấy hết được. Tuy vậy, ai đó ráng hiểu được thứ tự các quả vị chứng đắc của Đức Phật như thế này thôi, nếu họ còn ngủ mơ vì tin bậy, may ra sáng mắt, tỉnh được giấc mộng dài!   

Rõ ràng các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng thời nay, dù họ có óc tưởng tượng phong phú đến đâu chăng nữa, nhưng nếu họ không đọc kinh Nikaya, hẳn họ cũng khó hình dung nổi từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã có một “giấc mộng khoa học địa lý” hoành tráng đến như vậy! 

Đoạn kinh trên mới chỉ nói đến “giấc mộng lớn thứ nhất”, còn bốn “giấc mộng lớn” khác là gì? Chính bậc Đạo Sư đã giải thích tường tận trong bài kinh Mộng. Những ai muốn tỉnh mộng và muốn biết rõ ràng, hãy tự mình tìm hiểu.

Trở lại chuyện “núi trồi, núi sụt” cùng với chu trình “biển tiến, biển thoái”, các nhà khoa học thời nay phải có những phương tiện kỹ thuật tân tiến mới biết được chúng diễn tiến như thế nào. Bởi, như đã nói ở trên, các hiện tượng tự nhiên này diễn tiến rất lâu dài qua “nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm”, trong một đời người khó có thể chứng kiến trọn vẹn. Một người có trí và có đạo đức nếu không biết rõ chuyện này, chắc chắn không dám nói bừa, không dám “dựng đứng lên” điều không thấy, vì như vậy chẳng khác nào muốn làm trò cười cho khoa học, cho hậu thế. Cây kim lâu ngày còn phải lộ ra, huống hồ ở đây là cả một ngọn núi chúa Sineru dài rộng đến 84 ngàn do tuần.

Riêng chuyện trái đất có thời gian dài không có mưa trong nhiều năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, điều này phải để dành cho các nhà cổ sinh vật học tìm hiểu, nhờ vậy họ có thêm một cơ sở hữu lý nhằm giải thích cho sự tuyệt chủng của các loài khủng long.

Còn đối với những người học Phật chỉ cần biết rằng, không phải chỉ có khủng long biến mất, mà cả núi cao biển rộng cũng không thoát khỏi quy luật vô thường. Và không phải chỉ có Bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác là thấu suốt chuyện biển lớn núi cao biến diệt, hy hữu thay, một vị Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài là tôn giả Xá Lợi Phất cũng biết được sự thật này.

Hãy đọc kỹ đoạn chánh kinh sau đây để thấy vị Tướng Quân Chánh Pháp của Đạo Phật nói đến chuyện “biển tiến, biển thoái” chứ không phải hiện tượng thuỷ triều thông thường mỗi ngày:

“Chư Hiền, một thời xảy ra khi ngoại thủy giới dao động, nước cuốn trôi làng, cuốn trôi thị trấn, cuốn trôi thành phố, cuốn trôi xứ, cuốn trôi quốc độ. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương hạ thấp một trăm do-tuần, hạ thấp hai trăm do-tuần, hạ thấp ba trăm do-tuần, hạ thấp bốn trăm do-tuần, hạ thấp năm trăm do-tuần, hạ thấp sáu trăm do-tuần, hạ thấp bảy trăm do-tuần (Đây là quá trình biển tiến. Thuỷ triều không hạ thấp theo mực nước cao tăng dần, và không thể cuốn trôi xứ, quốc độ. PNGP).

Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến bảy cây ta-la, dâng cao đến sáu cây ta-la, dâng cao đến năm cây ta-la, dâng cao đến bốn cây ta-la, dâng cao đến ba cây ta-la, dâng cao đến hai cây ta-la, dâng cao chỉ đến một cây ta-la. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương cao đến bảy đầu người, dâng cao đến sáu đầu người, dâng cao đến năm đầu người, dâng cao đến bốn đầu người, dâng cao đến ba đầu người, dâng cao đến hai đầu người, dâng cao chỉ đến một đầu người. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến nửa thân người, dâng cao chỉ đến hông, dâng cao chỉ đến đầu gối, dâng cao chỉ đến gót chân. Chư Hiền, một thời xẩy ra khi nước biển đại dương không có để thấm ướt đốt ngón chân (Đây là quá trình biển thoái. PNGP).

Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại thủy giới xưa ấy có thể nêu rõ, tánh hủy hoại có thể nêu rõ, tánh đoạn diệt có thể nêu rõ, tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là (Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Trung Bộ 1, số 28 = [Vd.4.13])  

Rõ ràng tánh vô thường biến dịch của biển lớn thời xa xưa ấy đã có thể được nêu rõ dưới ánh sáng của khoa học. Thế nhưng điều mà mọi người cần nhận thức xa hơn, đó là: biển lớn giàu có là thế, tài sản vô số là thế, nhưng nó cũng chịu cảnh vô thường biến diệt, có lúc cũng phải “trắng tay” trống rỗng, vậy thì mớ tài sản nhỏ nhoi trong xã hội mà con người đang tranh giành kia có đáng là gì? Và ngay tấm thân vô thường của mỗi người rồi còn tồn tại được bao lâu để phải vì nó hơn thua với nhau, tàn hại lẫn nhau? 

Hơn thế nữa, biết được sự biến diệt vĩ đại của đại dương, của trái đất không thôi chưa đủ, người học Phật còn cần phải biết rõ thêm sự biến diệt khác nữa gây đau khổ hơn nhiều: “Có thể có một thời, này các Tỷ kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu ... Vua các núi đi đến băng hoại, ... đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi (Kinh Dây Thằng, S.iii,149 = [Ve.7.99])

Thật đáng sợ thay bị vô minh che đậy! Thật khốn khổ thay vòng nghiệp báo luân hồi!

Và cũng thật hy hữu xiết bao, khi con người đã được Đấng A La Hán Chánh Đẳng Giác chỉ dạy con đường phá vỡ vô minh để thoát khổ ngay trong hiện tại, và còn chấm dứt được cảnh sanh tử luân hồi! Rõ ràng đây là vấn đề quá lớn, phải cả hai tạng Kinh Nikaya và Luật Patimokkha mới giải quyết nổi. Ở đây bài viết này chỉ giới hạn trong một khía cạnh nhỏ.

Ngày nay, chỉ trong vài thập niên con người đã chứng kiến một số biển hồ lớn đi đến khô cạn vì những biến đổi bất thường của khí hậu, trong đó có phần trách nhiệm của con người. Ngày xưa, con người chỉ biết “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”, thế nhưng bậc A La Hán Chánh Biến Tri đã biết rất rõ: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi loài Người trở thành phi pháp, này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ năm cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn” (Bài kinh Mưa, số 197, Tăng Chi 2, Chương 5 = [I.5.197]).

Một ông thầy xem tướng đương thời nếu không có kiến thức khoa học phổ thông về tự nhiên, chắc hẳn vị thầy bói này không thể đoán biết được vì sao con người lại có thể làm chướng ngại cho mưa. Ngược lại một nhà khoa học không để mắt đến kinh tạng Nikaya cũng không thể kham nhẫn được nhiều tri thức “thông thiên đạt địa” hiện đại hữu ích cho con người đã được nói đến từ lâu.

Một trong những vấn nạn lớn của con người hiện tại là sự biến đổi của khí hậu toàn cầu. Không thể phủ nhận sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người trước tai hoạ tự nhiên này. Ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đấng A La Hán Chánh Biến Tri đã diễn giải sự tương tác này một cách rất cụ thể:

- “Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư Thiên bực mình. Khi nào chư Thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy các loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.(Bài kinh Phi pháp, số 70, Tăng Chi 2, Chương 4 = [I.2.70])

Với những người học Phật tin vào quy luật nhân quả và sự cộng nghiệp dễ dàng nhận thức được thực tế này. Nói nôm na cho dễ hiểu, ví dụ, đối với một người say rượu thì không phải chỉ có mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo mà cả vũ trụ này cũng phải lăn quay với họ!

Trong bài kinh trên, Đức Thế Tôn cũng nói rõ khi con người sống đúng pháp, lúc ấy các thành phần thuộc không gian và thời gian vận hành đúng theo nhịp điệu của chúng. Và nhờ vậy mọi tai hoạ từ xã hội cho đến cả tự nhiên cũng được loại trừ. Do vậy, có thế nói nếp sống đúng pháp chính là chìa khoá cho các vấn nạn từ của cá nhân cho đến của toàn thế giới, từ ngay trong hiện tại lẫn ở tương lai.

Theo đó, cần khách quan nhìn nhận thêm, dù khoa học đã giúp con người khám phá tự nhiên tốt hơn, nhưng nó cũng góp phần tàn phá tự nhiên nhanh hơn. Có những tiến bộ của khoa học giúp con người sống lâu hơn, thoải mái hơn; nhưng cũng có những thành tựu của khoa học khiến con người phải chết nhiều hơn, khốn khổ nhiều hơn. Đây là tính tương đối của khoa học, là hai khuôn mặt trái ngược của khoa học.   

Khoa học cũng như con người, ở đâu chất chứa tham-sân-si, ở đó có khổ đau và nguy hại; ở đâu không có tham-sân-si, ở đó có an vui hạnh phúc. Chừng nào con người chưa nhận thức được vai trò quan trọng của nền tảng hạnh đức từ bi trong khoa học, trong cuộc sống, trong bản thân mỗi con người; chừng đó con người vẫn còn là nạn nhân, là nô lệ cho “sự quang vinh” của chính mình.

Tóm lại, con người có hãnh diện nhìn lên vũ trụ bao la, có tự hào nhìn xuống biển sâu tăm tối, nhưng đừng quên nhìn thấy ngay trước mắt mình nguyên nhân của khổ và con đường đưa đến đoạn diệt những khổ đau. Phải chăng, đó mới chính là cái nhìn thiết thực của liễu tri ngàn thế giới?

__________________________

Chú thích:

(1) Các ký hiệu trong ngoặc […] là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín tạng Thánh Kinh. Các trích dẫn từ Kinh Nikaya theo bản dịch Việt của Trưởng lão Thích Minh Châu

(2) Theo cách quán nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp của đạo Phật, một khái niệm trong kinh Nikaya có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo từng hệ thống, từng hoàn cảnh.  
(3), (4) Theo Encarta, Microsoft. Các dẫn chứng khoa học khác trong bài viết có thể tra cứu trên Internet, vài số liệu đã được làm tròn.